Những biểu hiện của phong cách tự sự dân gian trong văn xuô

Một phần của tài liệu Phong cách tự sự dân gian trong văn học Việt Nam đương đại (Khảo sát qua các tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Huy Thiệp.PDF (Trang 26)

Nam đương đại

Cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, nền văn xuôi Việt Nam chứng kiến những cách tân mạnh mẽ trong tư duy nghệ thuật của nhà văn cũng như trong cấu trúc tự sự của tác phẩm. Bên cạnh việc tiếp thu những kỹ thuật sáng tác hiện đại của phương Tây, một khuynh hướng không thể phủ nhận là việc các nhà văn lại quay về với những giá trị truyền thống, thâu nhận và tái sử dụng những chất liệu dân gian truyền thống. Họ không chỉ kế thừa dân gian mà điều quan trọng là đã sáng tạo lại dân gian, tạo thêm những huyền thoại mới từ những huyền thoại đã có với hai phong cách chính, hai con đường chính đó là: lối “giả cổ tích, giả huyền thoại” và “truyện cổ viết lại”.

“Giả cổ tích”- như tên gọi của nó, không phải là truyện cổ đúng nghĩa, chính xác hơn, cũng giống như cổ tích văn học, nó chỉ là một thứ truyện cổ của thời hiện đại, mang hơi thở của cuộc sống hôm nay. Từ đó nhà văn có điều kiện thuận lợi để thể hiện cá tính, bộc lộ quan điểm, thái độ và trách nhiệm công dân của mình. Mười truyện ngắn trong chùm truyện Những ngọn

gió Hua Tát (Nguyễn Huy Thiệp), truyện Hồn trinh nữ, Khát của muôn đời, Nàng tiên xanh xao, Tim vỡ (Võ Thị Hảo), Thợ may (Phạm Hải Vân), Miêu cẩm (Lưu Sơn Minh)…chính là những ví dụ cho phong cách văn học này.

Truyện giả cổ tích không thiên về thủ pháp “ngoại hiện” như cổ tích đích thực mà thường chú tâm vào thế giới nội tâm phong phú của nhân vật, thủ pháp “nội hiện” được đề cao. Nhân vật được miêu tả với một quá trình tâm lí, tính cách phức tạp, có thể sống với những hồi ức về quá khứ.

Với loại truyện giả cổ tích, cốt truyện thường phức tạp, chú trọng đến thế giới nội tâm, tính muôn mặt đời thường của con người hiện đại để khái quát lên những vấn đề có ý nghĩa thiết thân với cuộc sống thường ngày của họ. Sự khác biệt của nó với truyện cổ thể hiện trên các mặt như tâm lý nhân vật (hồi tưởng, kí ức), trữ tình ngoại đề (triết lí, miêu tả cảnh vật), hoặc cho nhân vật hành động khác với truyện cổ để phản ánh những vấn đề thời đại.

Được soi chiếu dưới ánh sáng của “cái bây giờ”, thế giới nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp tuy mang dáng dấp cổ tích nhưng lại thấm đẫm tinh thần thời đại. Trên con đường đi tìm cái Chân, Thiện, Mĩ, những giá trị tuyệt đích của cuộc sống, con người nhận lại bao cay đắng, xót xa: Đi tìm tình yêu thì gặp sự vô tình, đi tìm cái Đẹp thì gặp cái xấu xa, đi tìm cái Chân thì gặp cái nguỵ trang, giả trá... Những ngọn gió Hua Tát (Nguyễn Huy Thiệp), Hồn trinh nữ, Nàng tiên xanh xao, Tim vỡ (Võ Thị Hảo)…đều không có một kết thúc có hậu. Kết thúc ấy chỉ hiện diện trong những câu chuyện xa xăm của một thời quá vãng, còn trong những câu chuyện của ngày hôm nay, con người dù có đau đớn nhưng cũng phải dũng cảm đối diện với những đắng cay, chua chát của lẽ đời, với sự cô độc, yếu đuối của bản thể. Nhưng chỉ có như vậy, con người mới có thể mạnh mẽ và can đảm hơn trong hành động, dạn dĩ và trưởng thành hơn trong nhận thức.

Khác biệt với truyện giả cổ tích, truyện cũ viết lại có điểm tựa là một truyện dân gian truyền thống. Trên cơ sở đó, tác giả sẽ có sự lựa chọn đối thoại hoặc đối lập với truyền thống. Điều này có thể nhận thấy trong các tác phẩm Bụt mệt (Hoà Vang), Lầu hạc vàng, Cây đàn Long Môn (Lê Đạt), Trương Chi (Nguyễn Huy Thiệp), Hoang đường, Trương Chi của tôi (Bão

Vũ), Châu Long, Ngày xưa, cô Tấm…(Lê Minh Hà)… Ở đó, tiếng nói, quan điểm của người viết được bộc lộ một cách thẳn thắn, tường minh hơn, ngược lại, trong truyện giả cổ tích, sự bộc lộ tư tưởng, tình cảm, quan niệm thẩm mĩ của tác giả thường như một ẩn ngữ, mang ý nghĩa hàm ẩn. Từ một chi tiết, sự kiện hay nhân vật trong truyện cổ, bằng cái nhìn mới mẻ, tác giả của truyện

cũ viết lại đã gia cố thêm để sáng tạo nên những tác phẩm giàu ý nghĩa thời sự, có sức lan toả, cuốn hút. Nói một cách hình tượng, nhân vật, môtip, chi tiết, sự kiện… trong truyện cổ chính là những cái đinh để các tác giả đương đại treo lên đó các bức tranh đủ màu sắc của cuộc sống.

Cụ thể, trong truyện cũ viết lại, những nhân vật dân gian được sử dụng theo hai hướng. Từ chất liệu dân gian, các nhà văn đương đại đã thể hiện cách đánh giá đồng thuận hoặc bất đồng khi nhìn nhận lại những nhân vật mà từ lâu đã trở thành biểu tượng cho một tính cách, cho một lối nghĩ với cảm quan và tư duy hiện đại. Từ điểm tựa là hình tượng nhân vật trong truyện cổ dân gian truyền thống, trên cơ sở đó, các tác giả đương đại, bằng nhận thức và tình cảm cá nhân sẽ có sự kế thừa, sáng tạo để tạo nên những tác phẩm phù hợp với cảm thụ nghệ thuật của độc giả. “Có cảm giác như nhà văn đã xé toạc

tấm mặt nạ “chức năng, loại hình” của nhân vật cổ tích, tái tạo cho họ một gương mặt mới bằng xương bằng thịt, một gương mặt biểu lộ đầy đủ những cung bậc tình cảm” [71,tr. 68].

Ta bắt gặp hình ảnh nhân vật Sơn Tinh, Thuỷ Tinh quen thuộc trong tác phẩm Sự tích những ngày đẹp trời của nhà văn Hoà Vang. Tuy nhiên ở đây, độc giả sẽ có một cái nhìn đẹp đẽ hơn về nhân vật Thuỷ Tinh, hiểu thêm về mối tình thầm kín của Mỵ Nương. Nhân vật Thuỷ Tinh trong Sự tích những ngày đẹp trời thật đáng yêu vì chàng đã sống tất cả cho tình yêu, sẵn sàng từ

bỏ quyền lực, danh vọng để sống cho tình yêu: “Bây giờ thì tôi đã từ bỏ tất

cả. Tôi đã quyết định trả lại ngôi Chúa Biển. Tôi về đây…hy vọng gặp em”.

[77, tr. 20]

Cũng trong tác phẩm của nhà văn Hoà Vang, nhân vật Bụt không còn là một nhân vật thần kỳ, có sức mạnh siêu nhiên như trong những câu truyện cổ nữa. Bụt của Hoà Vang cũng mệt mỏi, bất lực trước những áp lực bộn bề của cuộc sống đời thường: “Bụt nằm bẹp dưới một gốc trùng bách chết khô sát mé

một hồ nước trong vắt, áo quần lấm láp, đôi hài mòn vẹt thủng hở cả gót chân, hơi thở hổn hển, mắt lờ đờ, tay quờ quạng…” [77,tr. 96].

Với Ngày xưa, cô Tấm…, Châu Long, An Dương Vương, Gióng…, Lê

Minh Hà đã biến những nhân vật trong truyện cổ xa xưa mang trong nó những bi kịch lớn nhỏ, những nỗi niềm khuất lấp không thể giãi bày. Đó là cô Tấm với những dằn vặt khủng khiếp giữa lầu son gác tía sau khi giết chết mẹ con Cám; đó là An Dương Vương với nỗi đau thăm thẳm của một vị vua đã làm mất nước, một người cha đã giết chết người con gái thân yêu của mình; đó là mẹ Gióng với nỗi nhớ khôn nguôi về một đứa con đã “hoá thánh” để vĩnh viễn không còn thuộc về bà - dù trong ký ức ăm ắp yêu thương nó vẫn mãi là một đứa trẻ lên ba cần mẹ vỗ về, chăm bẵm.

Các nhân vật dân gian được tái sinh trong tác phẩm hiện đại đã bị đẩy ra khỏi ranh giới của hình tượng cũ, thậm chí không còn đường dây liên hệ với nhân vật quá khứ. Nhân vật mới phủ nhận sự tồn tại của nhân vật cũ, bước vào xã hội hiện đại, phát ngôn cho tư tưởng nghệ thuật mới. Đó là nhân vật Tấm bươn chải giữa dòng đời trễ nải hôm nay (Trầu têm cánh phượng - Bão Vũ), một Trương Chi cay cú đến phản ứng xã hội (Trương Chi -Nguyễn Huy Thiệp), một nhân vật Bụt không sao lấp hết được bể khổ của con người nơi trần gian đành phải kiệt sức bên hồ nước mắt của con người. (Bụt mệt- Hoà Vang). Nhưng một điều dễ nhận thấy là trong các tác phẩm này vẫn nêu bật được những vấn đề vĩnh cửu về cái thiện và cái ác, về số phận, bi kịch… đang dằn vặt con người hiện đại.

Có thể nói, truyện cũ viết lại đã phản ánh một cách chân thực, sinh động nhu cầu nhận thức lại của văn học Đổi mới, mang lại hiệu quả “lạ hoá” cho văn học.

“Truyện cổ dân gian không phải là một hằng số bất biến mà luôn có

tính năng sinh sản, tính thời sự”. [71,tr. 70] Những truyện có tính nhân bản

luôn được đánh thức, tái sinh để tham gia vào dòng chảy của cuộc sống thực tại, là bệ đỡ văn hoá truyền thống để người viết tiếp thu những cái mới, cái tiến bộ của xã hội hiện đại. Sức sống, sức lan toả của chúng là vì thế. Sự tìm về cội nguồn của văn học truyền thống trong truyện giả cổ tích và truyện cũ

viết lại không hề có ý vị phục cổ, cũng không phải là “văn học phỏng theo văn học”, mà là một sáng tác ngôn từ đúng nghĩa. Ở đó, truyền thống không hề tạo ra “sức ì” cho hiện đại mà ngược lại, luôn tạo ra động lực, năng lượng cho sự phát triển của hiện đại. Sự đối thoại của nhà văn hôm nay giúp cho văn học tránh được cái nhìn hời hợt, lỗi thời về hiện thực, thể hiện được đầy đủ chức năng nhận thức và phản ánh hiện thực của văn học.

Tiểu kết:

Giá trị của văn học dân gian không phải là một hằng số bất biến mà luôn có khả năng tái sinh, vận động và mở rộng thêm ý nghĩa để tham gia vào dòng chảy không ngừng của đời sống xã hội và đời sống văn học. Trên hành trình tìm về nguồn cội, sự bổ khuyết, đối thoại đầy chủ động và tích cực của nhà văn hôm nay giúp cho văn học có được cái nhìn toàn diện, đa chiều về hiện thực.

Không chỉ góp phần vào sự hình thành thể loại, chúng ta còn nhận thấy dấu ấn, phong cách văn học dân gian trong văn học viết nói chung và văn xuôi đương đại nói riêng từ việc lựa chọn chủ đề, đề tài, xây dựng cốt truyện, hình tượng nhân vật đến cách thức thể hiện. Nó là minh chứng cho sự tiếp thu một cách đầy sáng tạo của các nhà văn hôm nay cũng như sức sống và giá trị lâu bền của văn học dân gian, kết tinh tinh hoa nghệ thuật truyền thống.

CHƯƠNG 2: CÁC YẾU TỐ TỰ SỰ MANG ÂM HƯỞNG DÂN GIAN TRONG SÁNG TÁC

Một phần của tài liệu Phong cách tự sự dân gian trong văn học Việt Nam đương đại (Khảo sát qua các tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Huy Thiệp.PDF (Trang 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)