Trong truyện cổ, yếu tố hoang đường, kì ảo là một trong những thủ pháp nghệ thuật đặc trưng đặc biệt hấp dẫn. Đối với thể loại cổ tích, yếu tố kì diệu, sức mạnh siêu nhiên thể hiện niềm lạc quan, mơ ước vào sự đổi thay thực tại, những bất công ngang trái. Đối với thần thoại là để tạo ra vẻ kì bí, hoang đường gắn với nhận thức bay bổng của con người trước thế giới thiên nhiên, trong truyền thuyết chủ yếu là tạo nên sự linh thiêng nhằm ca ngợi những sức mạnh nội lực về tinh thần…
Yếu tố hoang đường, kì ảo được đưa vào trong những tác phẩm Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Huy Thiệp với nhiều dạng thức khác nhau trong đó phải kể đến sự xuất hiện của nhân vật huyền thoại.
Trong Tiệc xòe vui nhất, sức mạnh của thần linh đã được đưa vào trong tác phẩm qua hình tượng nhân vật Then. Trước lời cầu xin của Hặc, Then đã cho trời mưa xuống. Kết thúc tác phẩm, lòng thành của Hặc đã được đáp lại, đức tính trung thực của Hặc đã được chứng minh, tình yêu của Hặc đã được E chấp thuận. Then- vị thần tối cao trong tác phẩm này đóng vai trò là người giúp đỡ thần kỳ quyết định số phận của kẻ bị thẻ thách.
Ở một tác phẩm khác trong chùm truyện Những ngọn gió Hua Tát,
nhân vật thần kỳ Then lại xuất hiện với một sức mạnh khác: sức mạnh trừng phạt. Ban đầu chỉ là những lời đồn đại: “Người ta đồn là Then bắt đầu trừng
phạt lão. Lão thợ săn ngụ cư kiếm ăn cũng rất khó khăn” đến khi kết thúc tác
phẩm là sự khẳng định: “Lão nằm trong bụi cây gần cái xác thối rữa của vợ
lão. Không có con thú nào đến với lão, chỉ có cái chết đến với lão.” [62,tr.
202]. Rõ ràng cuộc đời của nhân vật đã có những thay đổi lớn lao cùng với sự xuất hiện của nhân vật thần kỳ.
Bên cạnh sự xuất hiện của nhân vật thần kỳ, yếu tố hoang đường còn được thể hiện ở những nhân vật có phép màu. Cũng giống như chiếc đàn thần của Thạch Sanh trong truyện cổ tích giúp cho công chúa đang bị câm “vừa
mới nghe tiếng đàn, tự nhiên đứng dậy cười nói huyên thuyên” hay “khi nghe tiếng đàn thần thánh thót của Thạch Sanh, tự nhiên quân sĩ của mười tám nước không còn ý chí đánh trận nữa…” [8], thì chiếc tù và trong Chiếc tù và bị bỏ quên cũng có khả năng kì lạ: “Khi tiếng tù và vừa mới cất, những con
sâu đen trên cây tự dưng quằn quại rồi rơi xuống đất” [62,tr. 216], cứu dân
chúng thoát khỏi nạn sâu đen kinh hoàng phá hoại, đem lại cuộc sống bình yên cho bản làng.
Hay chi tiết về hòn đá kì lạ trong truyện ngắn Nàng Sinh: “nhỏ bằng nắm tay người…Ai muốn cầu xin thì sờ tay vào hòn đá, ghé sát miệng vào kể lể với nó… Hòn đá trở thành một thứ ngẫu vật thiêng liêng, ban đêm có người trông thấy hòn đá toả sáng như một cục lửa. [62,tr. 222]. Tuy nhỏ nhưng thật
kì lạ không ai có thể nhấc nổi hòn đá lên bởi: “Hòn đá nặng đến kinh người”, duy chỉ có Sinh- thiếu nữ mồ côi ở bản Hua Tát: “Như có phép lạ, Sinh nhấc
hòn đá lên tay dễ dàng như bỡn”. [62,tr. 222], “Sinh bóp khẽ vào cái ngẫu vật thiêng liêng. Hòn đá bỗng tan chảy thành nước trước mắt mọi người”. [62,
tr.223]
Yếu tố hoang đường, kì ảo được Nguyễn Huy Thiệp sử dụng trong tác phẩm không chỉ đơn giản dừng lại là một thủ pháp nghệ thuật mà nó còn ẩn chứa những thông điệp, ý nghĩa lớn lao. Trong Chiếc tù và bị bỏ quên, kết
thúc tác phẩm là âm thanh của tiếng tù và rúc lên mỗi sáng ở bản Hua Tát: “Tiếng tù và cổ xưa nhắc nhở mọi người nhớ đến tổ tiên, báo hiệu cuộc sống
của người miền núi, nó là hình ảnh của quá khứ, của truyền thống với những giá trị lâu đời. Trong cuộc sống, con người cần phải có ý thức trách nhiệm đối với quá khứ, không được lãng quên quá khứ bởi lẽ quá khứ chính là cội nguồn với sức mạnh lớn lao.
Hay trong Nàng Bua, yếu tố kì diệu xuất hiện như một “phép thử” về tình người, tình đời trong xã hội, thay đổi nhận thức, thái độ sống của con người đối với con người. Nàng Bua từ nghèo khó nhờ điều kì diệu đã trở nên giàu có, từ bị hắt hủi, xa lánh bỗng chốc lại được mọi người tôn kính. Tiền bạc có sức mạnh thật kì diệu, vì tiền mà con người có thể tàn nhẫn, vô lối, vì tiền mà người ta có thể suy tôn những giá trị mà trước đó chính người ta đã coi thường.
Trong Mẫu thượng ngàn của Nguyễn Xuân Khánh, sự hiện diện của
ông Đùng, bà Đà- những nhân vật của huyền thoại không đơn thuần chỉ là những hình tượng khô cứng mà nó đã được mang những hình hài mới, sống động, tham gia vào đời sống của dân làng Cổ Đình.
Nhân vật huyền thoại được sống trong kí ức chung của cả cộng đồng và quan trọng hơn, trong tập tục được cả cộng đồng thực hành một cách công khai trong hiện tại (lễ hội ông Đùng, bà Đà). Câu chuyện mới về ông Đùng, bà Đà được tái hiện dần qua cách kể, cách nghĩ của nhiều người theo chuẩn của tâm lí cộng đồng.
Hai nhân vật huyền thoại có lúc được khoác lên mình yếu tố thần kỳ, hư ảo: “Dân làng bảo núi này rất thiêng. Ai mà báng bổ ông Đùng vật cho,
không chết cũng ốm đau quặt quẹo. Người ta bảo ông Đùng vẫn hiện hồn trên núi. Cả bà Đà nữa. Hai người khổng lồ. Nhưng thông thường ông bà không hiện nguyên hình. Có lúc chỉ hoá thành đôi thỏ trắng rất xinh làm người ta mê đi chạy theo vào rừng rồi bị lạc. Có lúc lại hoá ra con hổ trắng. Có người gặp bảo con hổ gầm rất to. Anh ta chạy bán sống bán chết về nhà, sau đó ốm liệt giường hàng tháng.” [34,tr. 642]. Có lúc lại gần gũi, thân thuộc như một
số phận con người: “Người ta sắp thiêu đốt họ, người ta đang cuồng dại reo
hò, người ta đang vung những ngọn đuốc rực sáng diễu quanh họ với khí thế doạ nạt, cớ sao họ vẫn chỉ cười? …Bà Đà ơi! Sắp bị thiêu sao bà còn cười? …Người ơi! Sao người nỡ đang tâm như vậy? Hà cớ gì phải giết họ, phải đem họ đi thiêu? Thì người anh phải lấy người em, chẳng qua cũng do số kiếp bắt thế, cũng là cái sự bất đắc dĩ mà thôi...[34,tr. 762].
Sự đồng cảm và xót thương xen lẫn nỗi sợ hãi của người kể chuyện đã tạo nên một huyền thoại mới về ông Đùng, bà Đà, huyền thoại cổ xưa sống động trong lòng xã hội hiện đại.
Bên cạnh việc khai thác nhân vật thần kỳ, các nhà văn còn lấy lại hình tượng những nhân vật bình thường nhưng mang tính “vấn đề” trong dân gian. Nguyễn Huy Thiệp đã tạo ra một mẫu nhân vật Trương Chi đầy cá tính, tâm trạng từ nhân vật Trương Chi đáng thương trong truyện cổ. Không còn thơ mộng và trữ tình như trong truyện cổ, truyện của Nguyễn Huy Thiệp bế tắc đến ngột ngạt, đến nỗi nhân vật có thể nổi đóa, tung hô tất cả, có thể văng tục một cách vô lối: “Trương Chi đứng ở đầu mũi thuyền, chàng trật quần đái vọt
xuống dòng sông”. [62,tr. 308]. Trương Chi đã văng tục lên tất cả: tình yêu,
công danh, tiền bạc, sự nhẫn nhục…Trương Chi còn văng tục luôn cả chính mình. Nhân vật Trương Chi của Nguyễn Huy Thiệp không còn là nhân vật sinh ra để làm người cam chịu, âm thầm nhận lấy những trái khoáy của cuộc đời mà đã vùng vẫy trong số phận. Tâm trạng của nhân vật phát triển theo nhịp độ tăng tiến, từ thấp đến cao, từ dồn nén đến bức xúc, cay cú đến không thể nhún nhượng.
Viết cho hôm nay, nhà văn muốn cho nhân vật của mình phải được sống bằng cảm giác của hiện tại, vật lộn trong dòng đời phồn tạp không kém phần khắc nghiệt, tàn nhẫn. “Tôi- người viết truyện ngắn này căm ghét sâu
sắc cái kết thúc truyền thống ấy. Tôi biết giây phút rốt đời Trương Chi cũng sẽ văng tục. Nhưng đấy không phải là lỗi ở chàng”. [62,tr. 318]. Nhân vật cổ
như cái vỏ hình thức hoặc gợi lên cái cớ mơ hồ xa xôi để nhà văn thổi vào những tâm sự mới, những vấn đề thực tế đang diễn ra trong xã hội hiện đại.
Nhân vật trong truyện cổ bằng sự sáng tạo của nhà văn đã sống lại trong đời sống xã hội hiện đại bằng một cuộc đời khác, một lối ứng xử khác, một tâm tư khác…vốn đa dạng và phức tạp như dòng chảy không ngừng của cuộc sống.