Một trong những đặc điểm có thể nhận thấy là trong các sáng tác mang âm hưởng dân gian của cả hai nhà văn Nguyễn Xuân Khánh và Nguyễn Huy Thiệp, bối cảnh câu chuyện diễn ra thường là nông thôn: nông thôn miền ngược và nông thôn miền xuôi. Không phải vô cớ khi hai nhà văn lựa chọn không gian nghệ thuật này cho các nhân vật hoạt động và làm nền cho diễn biến của câu chuyện. Sâu xa mà nói, nông thôn là nơi khai nguyên của một dân tộc, một quốc gia, nơi những bí ẩn, những dấu vết của huyền thoại được lưu giữ đậm đặc nhất, nơi văn hoá dân gian với những hoạt động tín ngưỡng lễ hội được bảo lưu và tồn tại với sắc màu sơ khai nhất.
2.2.1.1: Không gian làng, bản
Cuốn tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh
được diễn ra trong bối cảnh chủ đạo là một ngôi làng Bắc Bộ ở vào giai đoạn đầu thế kỷ XX, một không gian vừa gần gũi, thân thuộc như bao làng quê khác trên đất nước Việt Nam, cũng là một không gian của huyền thoại với những câu chuyện ly kỳ, nửa hư nửa thực mà đôi khi, con người bằng lí trí của mình không thể nhận thức và lí giải nổi.
Ngay mở đầu cuốn tiểu thuyết, nhà văn đã dẫn dắt người đọc đi vào không gian huyền hoặc của xứ Cổ Đình bán sơn địa với hồ Huyền, núi Đùng, sông Son, đền Mẫu. Nhìn bao quát từ xa: "Phía bên phải hồ và sông Son là
vùng đồi thấp cùng những thung lũng, cánh đồng. Nơi ấy có làng Cổ Đình, đồn điền Messmer và những làng mạc khác. Phía bên phải sông hồ là những
rặng núi nhấp nhô thấp cao, trùng trùng điệp điệp, toàn bộ bao phủ bởi những cánh rừng. [34,tr. 416].
Nói đến không gian làng Cổ Đình không thể không nhắc đến sự ngự trị của ngôi đình làng- niềm kiêu hãnh của dân Kẻ Đình, nét đẹp, biểu tượng của hồn quê Việt “Nếu đi thuyền trên hồ, đưa mắt nhìn lên đã thấy ngôi đình rêu
phong cổ kính. Vào mùa xuân "hàng cây gạo cổ thụ mọc ở bên nước trước cửa đình. Những cây gạo lớn đầy hoa đỏ chói như những cây đuốc khổng lồ đang mời mọc ta. Đối với chim chóc, côn trùng, hàng cây gạo ấy lại là những mâm xôi gấc, mâm xôi mật đầy quyến rũ…” [34,tr. 677] Đi tiếp vào bên trong
ngôi đình sẽ được chiêm ngưỡng: “Toà đại đình bảy gian hai chái được đỡ
bằng mười hàng cột lim to...Vào gian chính giữa không sàn, tức gian lòng giếng, ta lập tức bị bàng hoàng vì ánh vàng rực rỡ. Cái cửa võng treo từ nóc đình xuống đến khoảng quá đầu người hoàn toàn thếp vàng lộng lẫy. Cái cửa võng chạm khắc rất công phu. [34,tr. 678] Sự công phu của ngôi đình làng
được thể hiện đến từng chi tiết: “Ngôi đình to lớn, kèo cột, xà kẻ đều trạm
khắc tinh xảo mỹ lệ”[34,tr. 326]. Ngôi đình với mái ngói thâm nâu, sừng
sững ở chỗ ngã ba nhìn xuống hồ Huyền, sừng sững như niềm tự hào và kiêu hãnh của người dân Cổ Đình với các vùng khác trong cả tỉnh: “Cũng vì mến
Cổ Đình là danh hương, đình to chùa đẹp, nên dân xóm Vườn ngụ cư, kẻ đến sau mới xin kết chạ, mong được cúng tế ở đình, mong được hưởng ân phúc của vị thành hoàng làng bản địa”. [34,tr. 326]
Trong tâm thức dân gian người Việt, đình là một biểu tượng mang nghi thức tôn giáo, là nơi hội họp, sinh hoạt mang tính cộng đồng, thân quen và gần gũi với mọi người. “Mà đã là người nước Nam thì ai cũng mang trong
tâm thức mình một cái đình.” [34,tr. 326]. Biểu tượng văn hoá này đã được
tích hợp, nuôi trồng qua nhiều thế hệ, lắng đọng thành truyền thống văn hoá tộc người và hằn sâu trong mối thâm tình cộng cảm, cộng mệnh. Ngôi đình trong Mẫu thượng ngàn cũng không nằm ngoài lớp ý nghĩa đó, ngôi đình hiện
hữu và ngự trị trong đời sống tinh thần của người dân Cổ Đình, chứng kiến những biến thiên của thời cuộc, của số phận con người nơi đây.
Sông Son, hồ Huyền, núi Đùng, đền Mẫu, mái đình bề thế, ngôi chùa đổ và cây đa u tịch lốc cốc bình vôi…Tất cả đã tạo nên một khung cảnh làng quê, một không gian sinh tồn bao bọc lấy những con người dân quê Cổ Đình.
Cũng như bao người xuất thân từ đồng ruộng, cả cuộc đời không vượt quá khỏi luỹ tre làng, người dân Cổ Đình mang trong mình cái bản chất chân chất, thật thà, cục mịch của người nông dân. Đó là hình ảnh của bà Ba Váy không chịu mặc quần: “Cô bảo mặc quần vừa vướng vừa rậm, vừa nóng. Còn
bảo rằng mặc váy nó thơi thới, thoải mái, mát mẻ.[34,tr. 140], cách đặt tên
con Bà Ba cũng đậm chất nhà quê: “Bà bảo rằng gọi tên con văn vẻ, đẹp quá,
thần thánh hay ma quỷ dễ chú ý mà bắt đi...Tên xấu xí chẳng ma nào để ý, sẽ dễ nuôi hơn. Bốn đứa con trai bà đặt tên cho chúng là: thằng Cò, thằng Tũn, thằng Tĩn và cuối cùng là thằng Bòi”...[34,tr. 141]. Đó là những con người
với đức tính lam làm chăm chỉ, cần cù chịu khó:“ Người Cổ Đình chả mấy khi
để chân tay nhàn rỗi. Ngoài việc đồng áng, họ còn kiếm thêm nhờ vào rừng…Dân vào rừng hái củi, săn bắn, đốn gỗ, lấy mộc nhĩ, nấm hương…Đến mùa măng, nhà nào cũng tranh thủ vào rừng. Được ít thì để nhà ăn. Được nhiều thì đem bán, hoặc xắt mỏng phơi khô dành kiếm món tiền tiêu tết”
[34,tr. 403] nhưng cũng tiềm ẩn sự tinh tế đáng kinh ngạc: Ông Trịnh Huyền phân biệt được nước mưa hứng ở mái và nước mưa hứng ở cây cau: "Mái
ngói cũ có nhiều rêu mốc, nước mưa sẽ ngai ngái. Phải để lâu ngày mới hết mùi. Còn nước mưa cây cau lại khác. Nó là mùi lá, mùi hoa. Thật đấy! Có lúc nó lại thơm mùi hoa cau" [34,tr. 58]…
Đó là những khuôn mặt chung, khuôn mặt riêng của con người Cổ Đình. Những con người ấy được gắn kết lại với nhau trong tình làng nghĩa xóm, trong một không gian vừa thực vừa ảo, một không gian của huyền thoại. Huyền thoại bàng bạc tác phẩm, đặc biệt kết tụ xung quanh đạo Mẫu. Huyền thoại xuất hiện ở trường hợp ông hộ Hiếu, ở trường hợp anh Mường cô Ngơ,
huyền thoại xuất hiện ở các linh vật, từ con chó đá được mệnh danh là Thần Cẩu đến cây đa đầu làng, cây gạo cuối làng… Niềm tin vào sự linh thiêng của thánh Mẫu, vào nguồn gốc thấm đẫm tinh thần nhân đạo, hồn hậu, chân tình của các lễ hội, các phiên hầu thánh… đã bắt rễ cho quá trình huyền thoại hoá. Chuyện cô Mùi chữa bệnh thật kỳ lạ. Cô Mùi đã mơ thấy Mẫu hiện về dạy cô: "Con hãy thật tin vào hai bàn tay con. Mẹ cho con để làm dịu cái đau
của người ta…" Chẳng biết phép lạ ấy kỳ diệu thế nào nhưng từ đó cô làm
theo lời Mẫu dạy. Còn nghề làm thuốc, nghề hái lá rừng là do một bà già Mường ở tít rừng sâu dạy cô. Bà cụ đã chết hay bà cụ là người trời... “Hai câu
chuyện: Mẫu dạy cầm tay rồi bà già Mường dạy nghề làm thuốc lá rừng, nghe cứ như chuyện trong mơ”. [34,tr. 701]. Một huyền thoại khác đã được
thêu dệt nên từ sự linh thiêng của đạo Mẫu đó là sự “xuất trần gian” của “Ngựa ngài”- một con hắc xà đã tấn công Julien khi hắn tới náo loạn điện Mẫu “Và mãi cho đến ngày sau cách mạng, huyền thoại ấy vẫn là một câu
chuyện hấp dẫn mà bất cứ đứa trẻ nào ở làng Cổ Đình cũng muốn nghe. Đứa nào cũng há hốc mồm vì sự lạ lùng.” [34,tr. 437]. Và những sự việc chẳng ai
có thể giải thích nổi: “Người dân Cổ Đình đã uống rất nhiều những lá bùa kỳ
dị ghê người đó khi đã đốt nó ra tro và hoà vào nước lạnh. Rồi người ta khỏi bệnh thật sự.” [34,tr. 228].
Tất cả đã đan dệt lại với nhau tạo nên một không gian Cổ Đình đầy huyền hoặc, huyền thoại và hư ảo như một lớp sương giăng mắc lên cuộc sống của những con người nơi đây, thường xuyên đến mức người ta chấp nhận nó như một phần tất yếu của cuộc sống.
Tương tự như vậy, trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, chúng ta cũng bắt gặp một không gian của huyền thoại xa xưa: “Ở Hua Tát, những câu
chuyện cổ như những bông hoa dại, màu vàng nhạt, bé như khuy áo, điểm đâu đó quanh rào trong các ngõ nhỏ. Đàn ông ngậm hoa này trong miệng uống rượu không bao giờ say. Nó cũng giống như những viên đá cuội trắng,
có gân đỏ, mảnh như sợi chỉ nằm kín đáo nơi lòng suối. Phụ nữ thích những viên sỏi này. Họ nhặt nó về ủ trong áo lót đủ một trăm ngày.[62,tr. 197].
Trên con đường đi tìm huyền thoại, các nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp bao giờ cũng có một điểm xuất phát chung: làng quê với đồng ruộng, con đò, bến nước- bởi chỉ ở đó mới còn có thể lưu giữ rất nhiều những bí ẩn, những huyền thoại mà cuộc sống văn minh đô thị không còn chấp nhận, đã lãng quên và cơ hồ biến mất. Làng quê lưu giữ những huyền thoại nhưng người ta lại đi tìm nó trong những không gian tù đọng của nhà, chợ, đường phố…Sự đối lập giữa hai kiểu không gian đóng và mở và những nhận thức của con người trước mọi sự biến đổi buộc nhân vật phải vật lộn, trăn trở đánh thức lương tâm, trách nhiệm và sám hối.
Trong truyện ngắn Chảy đi sông ơi, truyền thuyết về con trâu đen và
ước mong được hưởng điều kỳ diệu đã thôi thúc nhân vật “bỏ nhà ra đi, mặc
kệ sách vở và lời khuyên của mẹ”, “Thâm tâm tôi vẫn ước mong nhìn thấy con trâu, biết đâu tôi sẽ chẳng được hưởng điều kỳ diệu” [62,tr. 6]. Tuổi thơ cậu
bé trải dài từ không gian trên sông sang không gian bến đò (bến Cốc). Cuộc sống sông nước đầy hiểm nguy và quang cảnh bình yên nơi bến đò trở thành hai thế giới đối lập với một đứa trẻ. Cậu bé thuộc về thế giới trên bờ, mép nước chính là ranh giới mà cậu không được phép vượt qua. Việc vi phạm ngăn cấm này sẽ tạo ra các biến cố. Theo mức độ tăng dần, càng đi xa ranh giới cho phép, bất trắc càng lớn. Lần thứ nhất, chỉ là chiếc mái chèo thúc vào sườn đau điếng và những giọt nước mắt giàn giụa khi bị đuổi khỏi thuyền; lần thứ hai, trái tim non nớt của cậu bé không đủ sức kiềm chế trước những câu chuyện hãi hùng trên sông nước; và lần thứ ba, người ta rót vào tai cậu một thực tế phũ phàng: "Ở bến Cốc này thì chuyện giết người ăn cướp có
thực, ngoại tình có thực, cờ bạc có thực, còn chuyện trâu đen chỉ là giả".
[62,tr. 9]. Không gian sông đêm đầy rẫy nguy hiểm, bất trắc và lạnh lùng của những tranh giành mưu sinh. Nguyễn Huy Thiệp đã tạo ra cả một màn đen chứa đầy bí ẩn qua những câu chuyện rùng rợn hãi hùng, những "hồi ức"
đậm triết lý nhân sinh dưới cái giọng ngạo nghễ, bất cần nhưng đầy trải nghiệm của những người đánh cá đêm. Cuộc sống đã hiện ra với tất cả những mặt trái của nó.
Trong Con gái thuỷ thần, Chương đi tìm Mẹ Cả, thế giới thuộc về anh ta là không gian bên ngoài: ngoài vườn, ngoài đồng, bên sông,... và biển (không gian huyền thoại - trong mơ ước). Vượt qua ranh giới này anh ta sẽ gặp sự cố, gặp tai biến. Đi tìm Mẹ Cả - con gái thủy thần, Chương hướng về phía mặt trời mọc, hướng ra biển mà đi mang theo khát vọng về một ngày nào đó sẽ tìm thấy tình yêu đích thực của mình, tìm thấy lẽ sống của cuộc đời. Nhưng cuộc sống - thể xác lại cuốn anh ta theo dòng người đổ về thành phố. Ba lần gặp cô gái có tên Phượng là ba lần trong cuộc đời anh ta có những thay đổi và dịch chuyển lớn lao. Nghịch lý xuất hiện khi nơi gặp gỡ vốn không thuộc về Chương. Nó khiến anh ta trở nên lạc lõng, lố bịch và đau đớn. Dù là cô Phượng gặp ở lớp kế toán hay cô Phượng con ông trùm xứ đạo- những người có tình cảm với Chương thực ra cũng chỉ là "một mảnh của nàng, con
gái thủy thần". Đối với Chương họ chỉ là một "tín sứ" nuôi trong Chương khát
vọng tìm kiếm. Đến cô Phượng với những câu chuyện, những triết lý sống của một bà chủ giàu có, có học thức và đầy dục vọng chỉ càng bào mòn tâm hồn anh ta; vừa nuôi dưỡng con quỷ trong con người anh ta vừa khát khao được đến với vẻ đẹp hoàn thiện của nàng, con gái thủy thần, hy vọng cuối cùng trong cuộc đời. Càng xa không gian rộng mở ở làng quê với con sông, đồng ruộng... thì nhân vật sẽ càng trở nên cằn cỗi, suy sụp và bất lực.
Đối lập lớn nhất và cũng là mâu thuẫn nảy sinh liên tục trong trường ngữ nghĩa truyện kể của Nguyễn Huy Thiệp là sự đối lập giữa nhân tạo và tự nhiên. Mâu thuẫn này được cụ thể hóa trong kiểu không gian: thành thị - nông thôn trên cơ sở của những khái niệm đóng - mở, gần - xa, tách biệt -
kết nối, đứt quãng - liên tục..., bộc lộ sự đối lập gay gắt giữa các phạm trù đạo đức và quan niệm thẩm mỹ: nhân tính và vô nhân tính, cao thượng và
thấp hèn, hồn nhiên và toan tính, dối trá, bỉ ổi và lành mạnh, cái đẹp và dục vọng xấu xa... Với Nguyễn Huy Thiệp càng gần với tự nhiên, vô vi và hòa
mình với tự nhiên (môi trường nông thôn, rừng, biển) con người càng gần
với nhân tính, cái thiện, cái đẹp sẽ tỏa sáng. Và ngược lại càng xa cách tự nhiên (môi trường thành thị) con người càng xa rời bản nguyên đích thực của mình.
2.2.1.2: Tín ngưỡng, lễ hội
Mô thức của làng Việt cổ truyền thống bao gồm bốn thành tố văn hoá cơ bản như: mối quan hệ huyết thống gia đình họ tộc, tín ngưỡng thờ thành hoàng làng, sự chi phối của hệ thống hương ước và sinh hoạt lễ hội. [9]. Có thể nói tín ngưỡng, lễ hội là một phần không thể không nhắc đến trong không gian nghệ thuật Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Huy Thiệp.
Tín ngưỡng là niềm tin về những điều linh thiêng, những sức mạnh huyền bí, vĩ đại mà con người chỉ cảm nhận được mà khó có thể nhận thức được. Tín ngưỡng được thể hiện trong các nghi lễ, lễ hội. Tín ngưỡng là cơ sở, là “khí trời” của văn học dân gian, ngược lại, văn học dân gian là nơi lưu giữ lâu dài, làm cho tín ngưỡng được lí giải.
Tín ngưỡng Việt vô cùng phong phú và đặc sắc trong đó tín ngưỡng phồn thực là tín ngưỡng bản địa của cư dân nông nghiệp. Phồn nghĩa là tốt, nhiều; Thực là sinh sôi nảy nở con cái. Tín ngưỡng phồn thực được thể hiện qua sự tôn sùng sinh sản và hoạt động tính giao. Tín ngưỡng này ra đời từ rất cổ, khi con người từ chỗ không hiểu hoặc hiểu sai về nguyên nhân sinh sản đến chỗ bắt đầu hiểu được nguồn gốc sinh sản của muôn vật và loài người là sự kết hợp đực – cái, nam – nữ, âm – dương… Sự sinh sản ấy của vạn vật khiến cuộc sống no đủ, con người dần lấp đầy mặt đất, đông đúc vui vẻ. Sự sinh sản vì vậy trở nên linh thiêng, và phát hiện ra nguyên nhân chính xác của sự sinh sản là một phát hiện mới mẻ tuyệt vời khiến con người sùng bái. Từ
đó nó được thể hiện ra trong các hoạt động văn hóa theo hai phương thức: nghi lễ thờ cúng sinh thực khí nam nữ và tôn sùng hoạt động tính giao. Tín ngưỡng đó thể hiện trong Mã (tín hiệu, biểu tượng): âm - dương; trời - đất; tròn – vuông; chẵn – lẻ; quả phết – lỗ phết; bánh chưng (tét) – bánh giày; mo cau – cái dùi, cái cối – cái chày… Mã đó đi vào nghệ thuật bằng hình chạm khắc các ngẫu tượng bằng đá hay bằng gỗ; Mã có mặt trong các trò chơi dân gian như trò trám, trò rước nõ nường, đánh phết, ném còn; Mã đi vào văn học