A.N.Vexelopxki đã định nghĩa: “Môtip là những công thức trả lời cho
các vấn đề mà giới tự nhiên đặt cho con người từ những thủa nguyên sơ, khắp mọi nơi hoặc là những ấn tượng về hiện thực được nổi bật hoặc tỏ ra quan trọng và được lặp đi lặp lại”. [55,tr. 133].
Đặc điểm nổi trội làm nên tính truyền thống bền vững của văn học dân gian đó chính là sự lặp lại của các môtip, những công thức sáng tác truyền thống sẵn có. Với các nhà văn hiện đại, đổi mới, cách tân được đặt lên hàng đầu. Vậy việc sử dụng môtip của truyện cổ trong sáng tác hiện đại liệu có phải là sự mâu thuẫn? Cũng giống như nhân vật, cốt truyện, môtip cổ tích chỉ là những “cái đinh” để cho các nhà văn hiện đại treo lên đó những bức tranh nghệ thuật của mình chứ nó không phải là hạt nhân, là mục tiêu mà các tác giả muốn hướng tới. Đó chính là hành trình sáng tạo lại dân gian, làm sống lại những giá trị truyền thống để đạt được những mục đích thời đại.
Trong chùm truyện ngắn Những ngọn gió Hua Tát của Nguyễn Huy
Thiệp- chùm truyện mang đậm hơi hướng của truyện cổ, nhà văn đã sử dụng khá nhiều các môtip của truyện cổ tích: thi tài kén rể, khắc phục tai họa, cô gái mồ côi xấu xí thoắt trở nên xinh đẹp và trở thành vợ vua, người đàn bà nghèo, nhân hậu bỗng trở nên giàu có, chàng trai nghèo khó dị dạng diệt hổ dữ cứu người đẹp tật nguyền… Tất cả đã tạo nên những câu chuyện đậm sắc màu truyện cổ, ở đó ranh giới hư thực thật mong manh.
Đi sâu vào khảo sát các truyện trong chùm truyện Những ngọn gió Hua
Tát chúng ta có thể thấy các truyện Chiếc tù và bị bỏ quên, Tiệc xòe vui nhất
và Nàng Sinh với nền tảng là việc sử dụng các môtip điển hình và cũng giống như trong truyện cổ tích, điều đóng vai trò quyết định trong số phận của các nhân vật chính là các phép lạ.
Trong Tiệc xòe vui nhất đó là môtip thi kén rể giữa một số người hi
vọng sẽ lấy được người đẹp Hà Thị E- người con gái xinh đẹp, “Lưng như
dàng…E xinh đẹp đã đành nhưng đức hạnh của nàng cũng ít ai bì kịp. Nàng là niềm tự hào của người Hua Tát”. [62,tr. 205]. Để mô tả cuộc thi kén rể,
nhà văn sử dụng cấu trúc ba tầng theo số lượng những người cầu hôn:
Người thứ nhất với “dáng vẻ hùng dũng đến nói với với các trưởng bản
và các bô lão:
- Dũng cảm là đức tính quý nhất là khó kiếm nhất. Tôi là người có đức tính ấy!”. [62,tr. 205].
Người thứ hai “thông minh, sáng sủa đến nói với trưởng bản và các bô
lão:
- Khôn ngoan là đức tính quý nhất là khó kiếm. Tôi là người có đức tính ấy!”. [62,tr. 206].
Người thứ ba “một chàng trai béo phị cưỡi ngựa đến bản” và nói:
- Giàu có là điều không phải chứng minh! [62,tr. 207].
Các chàng trai lần lượt đến trổ tài: chàng thứ nhất, chàng thứ hai, chàng thứ ba nhưng đều không được E chấp nhận. Cuối cùng có một chàng trai mồ côi, người thợ săn xuất sắc nhất bản đã đến, đó là Hặc. Chàng khẳng định:
“- Trung thực là đức tính đáng quý và khó kiếm nhất!”. [62,tr. 207]. Bên cạnh đó, các đoạn nói về sự thử thách đối với những người cầu hôn nhiều chỗ lặp lại nhau gần như hoàn toàn và trở thành những công thức trong truyện cổ tích này.
Để chỉ ra rõ hơn những môtip của truyện cổ tích được sử dụng trong
Tiệc xoè vui nhất, chúng tôi sẽ tiến hành so sánh, đối chiếu truyện ngắn Tiệc xoè vui nhất và truyện cổ tích Ba chàng thiện nghệ:
Diễn biến Tiệc xoè vui nhất Ba chàng thiện nghệ
Sự xuất hiện của các nhân vật.
Hà Thị E, con gái trưởng bản xinh đẹp không ai bì kịp. Cả bản mong nàng tìm được người chồng xứng đáng. Họ quyết
Nhà họ Lê có cô con gái xinh đẹp. Ông già họ Lê muốn chọn cho cô con gái một người chồng có nghề
định sẽ làm một cuộc thi tài để chọn ra người nào có đức tính quý nhất, khó kiếm nhất.
cầm tay mà nghề đó phải tinh thuần không ai hơn.
Ba chàng trai đến gặp trưởng bản. Người thứ nhất coi mình là người dũng cảm nhất, người thứ hai coi mình là khôn ngoan nhất, người thứ ba coi mình là người giàu có nhất. Cuối cùng có một chàng trai mồ côi tên là Hặc đến và nói trung thực là đức tính quý nhất.
Có ba chàng trai trẻ tuổi, khoẻ mạnh xuất hiện. Một người tự xưng bắn giỏi, một người lặn giỏi, một người là thầy thuốc lành nghề.
Nhân vật gặp thử thách.
Những nhân vật đến cầu hôn đều gặp thử thách là phải chứng minh điều mình nói là đúng nhưng lần lượt bị người đẹp từ chối. Hặc- chàng trai cuối cùng phải chứng minh trung thực là đức tính quý và khó kiếm nhất bằng cách cầu được Then cho mưa xuống.
Cô gái xinh đẹp bị đại bàng cắp tha đi. Ba chàng trai đều phải trổ tài để cứu cô gái thoát chết.
Nhân vật chiến thắng thử thách/ Đổi đời, thay đổi số phận.
Hặc vượt qua thử thách, làm trời mưa xuống nhờ sự giúp sức thần kỳ của Then. Cuối cùng chàng trai mồ côi đã cưới được nàng E xinh đẹp làm vợ, sống cuộc đời sung sướng, hạnh phúc.
Ba chàng trai hợp sức cứu được cô gái nhờ tài trí của mình. Riêng chàng lặn giỏi được kết duyên cùng cô gái nọ.
Qua bảng so sánh trên chúng ta có thể thấy, rất nhiều những môtip quen thuộc của truyện cổ tích đã được lặp lại trong truyện ngắn Tiệc xòe vui nhất
điển hình như môtip thi tài kén rể, môtip khắc phục tai họa…Cùng với đó còn là sự xuất hiện của nhân vật thần kỳ giúp sức làm thay đổi số phận của nhân vật chính và kết thúc có hậu với một đám cưới linh đình của cặp trai tài, gái sắc. Có thể nói, sự kết hợp của tất cả các yếu tố nói trên đã tạo nên một hơi hướng cổ tích khá đậm nét cho truyện ngắn này.
Trong một truyện ngắn khác, truyện Nàng Sinh có sự xuất hiện của
môtip đứa con côi, nghèo khổ chịu nhiều bất hạnh: “Sinh là một thiếu nữ mồ
côi ở bản Hua Tát. Nghe nói ngày xưa mẹ nàng bị ma chài, đẻ nàng trong rừng.” [62,tr. 221] bỗng chốc đổi đời, thay đổi số phận, cuối cùng được
hưởng cuộc sống sung sướng, hạnh phúc: “Sinh bỗng trở nên xinh đẹp lạ
thường…Người ta đồn rằng về sau Sinh rất sung sướng. Ông khách là một hoàng đế cải trang vi hành.” [62,tr. 223]. Ngoài ra, chúng ta còn một lần nữa
bắt gặp môtip đứa con côi, người đội lốt xấu xí trong truyện Trái tim hổ: “Khó
là trai bản Hua Tát. Chàng mồ côi cha mẹ, sống như con don, con dim. [62,tr.
199], “Chàng bị đậu mùa, mặt rỗ chằng chịt. Người Khó dị dạng: hai tay dài
chấm đầu gối, đôi chân khẳng khiu, lúc nào đi cũng như chạy. [62,tr. 199]
Trong Chiếc tù và bị bỏ quên cũng nằm trong chùm truyện về bản nhỏ Hua Tát, Nguyễn Huy Thiệp sử dụng môtip khắc phục tai họa: nạn sâu đen phá hoại, đe dọa cuộc sống của con người đã bị khuất phục, tiêu diệt bởi sức mạnh bất ngờ của chiếc tù và cũ; hay môtip sinh nở thần kỳ trong truyện Con
gái thủy thần qua chi tiết Mẹ Cả được sinh ra trong một đêm mưa gió dưới
gốc muỗm bên sông…
Tuy nhiên, trong chùm mười truyện ngắn Những ngọn gió Hua Tát chỉ có ba truyện: Chiếc tù và bị bỏ quên, Tiệc xòe vui nhất và Nàng Sinh là có sự hiện diện của các yếu tố cổ tích hoang đường cùng kết thúc có hậu với nền tảng của truyện là các môtip cổ tích. Ở các truyện còn lại, yếu tố cổ tích chỉ làm nền để tác giả gửi gắm những thông điệp mang tính thời đại, giải quyết
những vấn đề bức thiết đang đặt ra đối với cuộc sống con người đương thời chứ không phải nhằm mục đích phục dựng lại những câu chuyện cổ tích của một thời quá vãng. Làm mới hóa cổ tích để từ đó nêu bật lên những vấn đề vĩnh cửu về cái thiện và cái ác, về số phận…đang dằn vặt con người hiện đại, giúp họ sống nhân hậu, hạnh phúc hơn như chính khát vọng mà tác giả Những
ngọn gió Hua Tát muốn gửi gắm: “Có thể những chuyện cổ ấy nói nhiều đến nỗi đau khổ con người, nhưng chính hiểu rõ những đau khổ ấy mà ở trong ta nảy nở ra sự sáng suốt đạo đức, lòng cao thượng, tính người.” [62,tr. 197].
Với cuốn tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn của nhà văn Nguyễn Xuân
Khánh, môtip người khổng lồ thông qua việc xây dựng hai nhân vật mang dáng dấp huyền thoại: Ông Đùng, bà Đà cũng là một môtip khá phổ biến trong truyện cổ Việt Nam. Hẳn chúng ta không còn xa lạ với truyền thuyết về người anh hùng Thánh Gióng, một cậu bé mới lên ba tuổi bỗng trở nên to lớn khác thường, ăn “bảy nong cơm, ba nong cà”, cưỡi ngựa sắt, mặc áo giáp sắt, đội nón sắt, cầm gậy sắt đánh đuổi giặc Ân xâm lược. Từ ký ức huyền thoại, nhân vật Thánh Gióng đã trở thành ký ức tín ngưỡng, trở thành một trong bốn vị Thánh bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Trong tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh, nhân vật được nhà văn khoác lên mình yếu tố thần kỳ, hư ảo: “Người ta bảo ông Đùng vẫn hiện hồn trên núi. Cả bà Đà nữa. Hai
người khổng lồ. Nhưng thông thường ông bà không hiện nguyên hình. Có lúc chỉ hoá thành đôi thỏ trắng rất xinh làm người ta mê đi chạy theo vào rừng rồi bị lạc. Có lúc lại hoá ra con hổ trắng. Có người gặp bảo con hổ gầm rất to…” [34,tr. 642]. Tuy nhiên, ở đây còn tồn tại cả vấn đề “phản môtip” khi
nhà văn đã để cho nhân vật huyền thoại bị xua đuổi và bắn chết. Người Cổ Đình kể lại rằng, ông Đùng bà Đà đã bị bắn, bị đuổi ra khỏi lãnh địa của làng trong một cơn cuồng nộ chung: “Người ta sắp thiêu đốt họ, người ta đang
cuồng dại reo hò, người ta đang vung những ngọn đuốc rực sáng diễu quanh họ với khí thế doạ nạt…[34,tr. 762]. Dường như tác giả có xu hướng muốn thể
hiện những bi kịch trong số phận các nhân vật, muốn đi vào con đường cảm nhận những nỗi đau tinh thần rất cụ thể và đáng được chia sẻ của con người.
Rõ ràng, không phải lặp lại đơn giản cái cũ, những môtip truyền thống sẵn có trong kho tàng văn học dân gian mà với hai nhà văn Nguyễn Xuân Khánh và Nguyễn Huy Thiệp, những cái tưởng chừng như đã trở thành công thức cũng mang một sức sống đầy mới mẻ và vô cùng hấp dẫn.