Thời gian nghệ thuật

Một phần của tài liệu Phong cách tự sự dân gian trong văn học Việt Nam đương đại (Khảo sát qua các tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Huy Thiệp.PDF (Trang 55)

Phong vị huyền thoại đã mang lại cho các tự sự hiện đại một chất thơ nhẹ nhàng, thấm đượm, đồng thời bao bọc các nhân vật và tình tiết bằng một thứ không khí huyền hoặc, bí ẩn. Nó đã tạo nên một không – thời gian đa khối, đa chiều: thế giới trong đó vừa trần trụi, nghiệt ngã, đầy rẫy khổ đau lại

vừa thẳm sâu, mênh mông, kỳ ảo.

Trong Những ngọn gió Hua Tát của Nguyễn Huy Thiệp, không gian,

thời gian đều có địa danh, thời khắc nhưng cũng chỉ là thứ không gian, thời gian phiếm định kiểu cổ tích dân gian. Một số câu chuyện được mở đầu bằng những trạng từ chỉ thời gian không xác định. Khảo sát hàng loạt truyện trong chùm truyện Những ngọn gió Hua Tát chúng ta sẽ thấy lặp lại lối dẫn viện

thời gian quá khứ của truyện cổ tích:

- “Ngày ấy, ở Hua Tát có một cô gái tên là Pùa. Sắc đẹp của nàng khắp

các mường không ai bì kịp…” [62,tr. 197]

- “Năm ấy, Hua Tát sống trong một mùa đông khủng khiếp. Trời trở

chứng, cây cối khô héo vì sương muối, nước đóng thành băng”. [62,tr. 198]

- “Ngày ấy, ở Hua Tát có một gia đình ngụ cư không biết ở mường nào

chuyển đến. Họ dựng nhà ở ngoài rìa bản, chỗ gần rừng ma”. [62,tr. 200]

- “Cuối năm ấy, ở Hua Tát động rừng, cây cối xơ xác, chim chóc trốn

biệt, không có dấu chân một con thú nào trong rừng”. [62,tr. 201]

- “Năm ấy, không hiểu sao rừng Hua Tát củ mài nhiều vô kể. Người ta

đào được những củ mài to tướng dễ như bỡn”. [62,tr. 204]

- “Cuối năm ấy, Bua lấy một người thợ săn hiền lành, goá vợ và không

con cái.” [62,tr. 204]

- “Lần ấy, người ta đã xoè suốt một tuần trăng để mừng đám cưới của

Hặc với con gái trưởng bản”. [62,tr. 208]

- “Lần ấy, phường săn đi theo ông dễ có hơn ba chục người”. [62,tr. 209]

- “Hôm ấy, khi người nhà chuẩn bị động dao giết lợn thì xảy ra một

việc kinh người”. [62,tr. 211]

- “Hôm ấy, ông Pành cưỡi ngựa đến gần Mường Lưm thì trời đã tối”. [62,tr. 212].

- “Năm ấy, bỗng dưng trong rừng Hua Tát xuất hiện một loài sâu đen

kỳ lạ”. [62,tr. 214].

Bên cạnh lối dẫn viện thời gian kiểu cổ tích, Nguyễn Huy Thiệp còn sử dụng công thức kết thúc- công thức cố định của truyện cổ tích.

- “Còn nhớ chuyện ấy, bây giờ có lẽ chỉ rất ít người”. [62,tr. 200] - “Từ đấy, ở bản Hua Tát, sáng sáng lại có một hồi tù và vang dội

cất lên. Tiếng tù và cổ xưa nhắc nhở mọi người nhớ đến tổ tiên, báo hiệu cuộc sống bình yên không có sâu hại”. [62,tr. 217]

- “Ngôi mộ chôn Lù và Hếnh, bây giờ là một đụn đất khá cao, trên mọc

đầy những cây song, cây mây gai góc, những người già ở bản Hua Tát đặt tên nó là mộ tình chung thuỷ, còn bọn trẻ con gọi là mộ hai người chết dịch.”

[62,tr. 221]. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

- “Ở Hua Tát, con đường rải đá đi bên ngoài thung lũng, con đường

nhỏ…con đường đó được gọi là Đường Nàng Sinh. Con đường ấy còn đến bây giờ”. [62,tr. 223].

Kiểu kết thúc như vậy đã làm bằng chứng cho tính chất có thật của câu chuyện, để lại chút ám ảnh mơ hồ lẫn lộn giữa cái xưa và nay, giữa cái hoang đường và thực tế sau khi đọc tác phẩm.

Trong chùm truyện Những ngọn gió Hua Tát, tính chất của thời gian cổ tích còn thể hiện ở việc xuất hiện và trôi nhanh của những sự kiện đặc biệt trong những thời khắc đặc biệt. Đó là một mùa đông khắc nghiệt chưa từng có, “cây cỏ chết vì sương giá, nước đóng băng lại” (Trái tim hổ); là dịp “rừng

Hua Tát củ mài nhiều vô kể” (Nàng Bua); khi trời đại hạn, “tất cả các mó nước đều đã cạn khô” (Tiệc xoè vui nhất); giữa một cơn dông dữ dội kèm

theo mưa như trút (Đất quên); thời khắc “Then trừng phạt” gây ra nạn động rừng, nạn đói khủng khiếp cho dân làng (Con thú lớn nhất); lúc thiên nhiên xảy ra điều lạ lùng: “Trời mưa to giữa lúc mặt trời đang nắng chói chang” (Nạn dịch)…Tất cả hợp nhất thành một thế giới của quá khứ hoang đường, thế giới mà như tác giả đã khẳng định ngay từ đầu, ở đó các nhân vật đã “hoá

thành đất bụi và tro than cả”. Nhưng thật bất ngờ, giữa lúc người đọc đang

phiêu diêu trong thế giới huyền thoại này, người viết lại đột ngột kéo họ trở về hiện tại bằng cách cho hiển thị trong hầu hết các truyện bóng dáng của người dẫn truyện với những quan điểm, đánh giá, và lí giải… đầy tính triết lí của con người hiện đại với hệ quy chiếu không phải là cái “ngày xửa ngày xưa” mà là cái “bây giờ”. Chẳng hạn: “Đời người ta, ai đã chẳng từng săn

đuổi bao điều phù du” (Trái tim hổ); “Lớp trẻ bây giờ không thể suy nghĩ bằng nước lã được, đã đành…” (Tiệc xoè vui nhất); “Đằng nào thì sống ở đời gan ruột chẳng phải cào xé nhiều lần” (Nạn dịch)…

Cố gắng của người kể chuyện trong việc tăng cường tiếp xúc tối đa với người đọc nhằm hướng tới một dụng ý là hiện tại hoá và thực tại hoá quá khứ. Vậy là cái ranh giới mỏng manh giữa chuyện đời xưa - đời nay, giữa cõi hư và cuộc đời thực đã hoàn toàn bị xoá bỏ bởi hệ thống những lời bình luận trữ tình ngoại đề. Điều đó khiến cho quá khứ đột ngột ngưng kết ở hiện tại, tiếng ngày xưa trở thành tiếng nói của ngày hôm nay và cả mai sau, giồng “như những ngọn gió” rong ruổi mãi giữa vũ trụ bao la để không ngừng thì thầm với con người những vấn đề không bao giờ xưa cũ. Sự tham gia của thời gian hiện tại đã đem lại những ý nghĩa sâu sắc, bất ngờ cho cái hiện thực cổ xưa, nâng cao giá trị và sức sống của nó.

Trong cuốn tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn, quá khứ đã đổ bóng lên hiện tại và tương lai, quá khứ đòi hỏi được diễn giải và góp phần vào sự diễn giải

ấy. Ở đó, lịch sử dường như bị đóng băng, lịch sử không có đời sống tiến triển đáng lý phải có còn huyền thoại thì giăng mắc khắp mọi nơi, cả Đông Dương là một thế giới huyền bí. Huyền thoại là một hiện hữu lịch sử đồng thời là một diễn giải lịch sử. Thời gian bị ngưng tụ trong một lát cắt, trong giới hạn của không gian bản địa để chuẩn bị cho một “cuộc giải phẫu quá khứ” [12,tr. 109].

Cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh với văn hoá là nhân vật trung tâm, xuyên suốt, thời gian thực tế của các diễn biến sự kiện, từ khi Nhụ theo cha về Cổ Đình: “Một cô gái chừng mười ba tuổi, váy đen, áo nâu, vấn

khăn còn vụng để tóc loã xoã trước mặt. Cô đi sau người đàn ông, vai quẩy chiếc đòn gánh ở hai đầu là hai chiếc bị rách” [34,tr. 10] đến khi cô trở lại

đó, “trở về làng, trở về với người cô, trở về núi Mẫu” [34,tr. 798] với cái thai của Julien “đứa con oan nghiệt, đứa con của sự cưỡng đoạt, đứa con của

ngày hội…”[34,tr. 798], trong vòng vài năm đã mất đi vị thế sinh tạo tiến

trình lịch sử bởi sự mở rộng của thời gian truyện kể. Chính các suy tư, xuất phát từ các nhân vật, các tình tiết của câu chuyện đã mở rộng không gian và thời gian của tiểu thuyết.

Trong Mẫu thượng ngàn có một trục đối xứng giữa một bên là cuộc

sống hàng ngày nơi làng Cổ Đình cũng như cả đất nước Việt Nam trong một thời đầy biến động, một bên là sự hiện hữu âm thầm nhưng không kém phần sôi động của thế giới tâm linh, thần thánh, một bên là hiện tại, bên kia là quá khứ, huyền thoại, truyền thuyết hoà nhập với các lớp hiện thực thể hiện mối quan hệ đa chiều của con người với thiên nhiên, con người với quá khứ…

Có thể thấy, thời gian nghệ thuật trong các tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Huy Thiệp đôi khi mang dáng dấp của thời gian trong truyện cổ nhưng vẫn không hề mất đi tính hiện đại của câu chuyện. Không gian và thời gian thấm đẫm tâm trạng nhân vật, vận động theo quy luật nội tại đầy

tính chủ quan của tâm lý, tình cảm. Tác phẩm là một chất keo kết nối quá khứ và hiện tại, đồng thời mở ra những suy nghiệm, trăn trở về tương lai.

Một phần của tài liệu Phong cách tự sự dân gian trong văn học Việt Nam đương đại (Khảo sát qua các tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Huy Thiệp.PDF (Trang 55)