Khái niệm, đặc điểm chương trình đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ - Nâng cao chất lượng giảng viên tại Trường Bồi dưỡng cán bộ ngân hàng (Trang 28)

* Để đưa ra được định nghĩa bao quát nhất về thuật ngữ "chương trình đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ", trước hết cần xem xét, cân nhắc và hiểu về khái niệm ''đào tạo". "Đào tạo" là một khái niệm rộng. Thuật ngữ này có nhiều góc độ tiếp cận khác nhau và có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với xã hội. Khái niệm "đào tạo, bồi dưỡng" (training, coaching) đã trải qua những bước phát triển đáng kể, từ khái niệm sơ khai đến những khái niệm có tính hệ thống và khoa học. Có thể kể sau đây một số định nghĩa có tính phổ biến và được chấp nhận rộng rãi đối với thuật ngữ "đào tạo":

"Đào tạo là một quá trình có tính hệ thống nhằm làm gia tăng sự tích lũy về kỹ năng, các quy tắc, khái niệm, thái độ mà đưa đến kết quả là thu hẹp hoặc cải thiện về khoảng cách giữa những đặc tính hiện có của người lao động so với yêu cầu của tổ chức sử dụng người lao động" (Mikovich và Boudreau, 1994, tr.190).

Theo Albella, Kay Tytler, 1990, trang 64 có viết: "Đào tạo là hoạt động có chủ đích nhằm truyền đạt, phổ biến kiến thức, kỹ năng và cách ứng xử hay thái độ cần thiết để thực hiện các công việc nghề nghiệp theo phân công. Mục đích của đào tạo là nhằm cải thiện việc thực hiện công việc theo hướng có chủ đích".

Theo Serge Vallemont trong Quản trị dự báo về nhân sự, việc làm và năng lực trong ba khối khu vực công trang 80, 81 "Đào tạo, bồi dưỡng là công cụ chiến lược của các tổ chức để thích ứng và gia tăng giá trị nguồn nhân lực..." và "...đòn bẩy thứ hai, sau chính sách tuyển dụng mà một tổ chức có thể thực thi nhằm quản trị nguồn nhân lực là đào tạo, bồi dưỡng. Để nâng tầm những năng lực hiện có cho phù hợp với các năng lực cần có, tổ chức phải phát triển một chiến lược đào tạo, bồi dưỡng hướng tới những mục tiêu cần đạt được của công tác quản trị nguồn nhân lực...".

Tại Việt Nam, các khái niệm, thuật ngữ chỉ chung cho việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đã được chính thức hóa và tương đối thống nhất trong vài năm gần đây. Tại điều 5, nghị định 18/2010/NĐ-CP ngày 05/3/2010 quy định: "Đào tạo là quá trình truyền thụ, tiếp nhận có hệ thống những tri thức, kỹ năng theo quy định của từng cấp, bậc học". Ngoài ra, tại khoản 2 của điều 5 của nghị định trên cũng chỉ rõ "Bồi dưỡng được xác định là hoạt động trang bị, cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng làm việc". "Đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý là trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp làm việc theo chương trình quy định cho từng chức vụ lãnh đạo, quản lý".

* Vậy, "chương trình đào tạo" là gì? Hiện tại, có ba cách tiếp cận phổ biến về chương trình đào tạo, đó là cách tiếp cận nội dung, cách tiếp cận mục tiêu và cách tiếp cận phát triển.

Với quan niệm giáo dục là quá trình truyền thụ nội dung kiến thức, cách tiếp cận nội dung đưa ra định nghĩa: “Chương trình đào tạo là bản phác thảo về nội dung giáo dục. Thông qua chương trình đào tạo, người dạy biết mình cần phải dạy những gì và người học biết mình cần phải học những gì”. Theo cách tiếp cận này “Chương trình = Nội dung”.

Cách tiếp cận mục tiêu lại quan niệm đào tạo là công cụ để đào tạo nên các sản phẩm với các tiêu chuẩn đã được xác định sẵn. Vì vậy, “chương trình đào tạo là một kế hoạch giáo dục phản ánh các mục tiêu giáo dục mà nhà trường theo đuổi. Nó cho biết nội dung cũng như phương pháp dạy và học cần thiết để đạt được mục tiêu đề ra”. Theo cách tiếp cận này: “Chương trình = Nội dung + Mục tiêu + Phương pháp”.

Theo cách tiếp cận phát triển: “Chương trình đào tạo là một bản thiết kế tổng thể cho một hoạt động đào tạo (có thể kéo dài một vài giờ, một ngày, một tuần hoặc vài năm). Bản thiết kế tổng thể đó cho biết toàn bộ nội dung giáo dục, chỉ rõ những gì có thể trông đợi ở người học sau khi học. Nó phác họa ra quy trình cần thiết để thực hiện nội dung đào tạo. Nó cũng cho biết các phương pháp giáo dục, các cách thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và tất cả những cái đó được sắp xếp theo một khoảng thời gian”.

Theo từ điển Giáo dục học - NXB, Từ điển bách khoa 2001: "Chương trình đào tạo là văn bản chính thức quy định mục đích, mục tiêu, yêu cầu, nội dung kiến thức, kỹ năng, cấu trúc tổng thể các bộ môn, kế hoạch lên lớp và thực tập theo từng năm học, tỷ lệ giữa các bộ môn, giữa lý thuyết và thực hành, quy định phương thức, phương pháp, phương tiện, cơ sở vật chất, chứng chỉ và văn bằng tốt nghiệp của cơ sở giáo dục và đào tạo.

Theo Wentling (1993): "Chương trình đào tạo (Program of Training) là một bản thiết kế tổng thể cho một hoạt động đào tạo (khoá đào tạo) cho biết toàn bộ nội dung cần đào tạo, chỉ rõ những gì có thể trông đợi ở người học sau khoá đào tạo, phác thảo ra quy trình cần thiết để thực hiện nội dung đào tạo, các phương pháp đào tạo và cách thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và tất cả những cái đó được sắp xếp theo một thời gian biểu chặt chẽ".

"Chương trình đào tạo" không chỉ phản ánh nội dung đào tạo mà là một văn bản hay bản thiết kế thể hiện tổng thể các thành phần của quá trình đào

tạo, điều kiện, cách thức, quy trình tổ chức, đánh giá các hoạt động đào tạo để đạt được mục tiêu đào tạo.

* Vậy, có thể hiểu khái quát: "Chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ là toàn bộ mục tiêu, nội dung, cấu trúc, trình tự cũng như cách thức tổ chức, thực hiện. Nó cũng bao gồm từng học phần, bài giảng cụ thể và kiểm tra đánh giá các hoạt động giảng dạy cho toàn khóa đào tạo nhằm trang bị, cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng làm việc cho người được đào tạo. Chương trình đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ do các cơ sở đào tạo xây dựng trên cơ sở chương trình đào tạo đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt".

*Cấu trúc của chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ

Theo quan điểm của Tyler (1949): "Chương trình đào tạo về cấu trúc phải có 4 phần cơ bản bao gồm: Mục tiêu đào tạo, nội dung đào tạo, phương pháp hay quy trình đào tạo, cách đánh giá kết quả đào tạo".

Mục tiêu đào tạo: Phát triển năng lực của từng cá nhân, nhằm thỏa mãn nhu cầu hiện tại và tương lai của tổ chức trong việc thực hiện hiệu quả một hay nhiều công việc một cách có chủ đích.

Nội dung đào tạo bao gồm các môn học, phần học và phân phối thời gian cho kế hoạch dạy học. Thông qua nội dung đào tạo, người giảng viên biết mình cần dạy cái gì và người học viên biết mình phải học những gì.

Phương pháp hay quy trình đào tạo là các bước cụ thể để thực hiện nội dung đào tạo. Quy trình đào tạo được xây dựng một cách chặt chẽ, logic theo thứ tự nhằm đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất trong công tác đào tạo đó là người học viên có thể nắm bắt được những kiến thức của khóa học một cách dễ hiểu và dễ nắm bắt nhất.

Chỉ dẫn về tổ chức thực hiện và đánh giá kết quả đào tạo là những hướng dẫn chi tiết để giảng viên và các cán bộ có liên quan tổ chức công tác giảng dạy một cách khoa học và chuyên nghiệp nhất và truyền tải được tối đa

lượng kiến thức có thể đến các học viên. Ngoài ra, cơ sở đào tạo sẽ có những tiêu chí cụ thể để đánh giá chất lượng khóa học và chất lượng giảng viên. Việc đánh giá có thể được thực hiện thông qua tham chiếu hàng loạt các tiêu chí cụ thể được cơ sở đào tạo và các cấp, các ngành có liên quan xây dựng. Bên cạnh đó, việc đánh giá cũng có thể được thực hiện thông qua lấy ý kiến thăm dò, đánh giá trực tiếp từ các học viên tham gia khóa học, chương trình học.

Đặc điểm chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ

Chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ giống như các chương trình đào tạo khác là đều được xây dựng theo cấu trúc gồm 4 phần và đều hướng tới đạt được mục tiêu đào tạo. Tuy nhiên, do đối tượng của chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ khác với đối tượng của các chương trình đào tạo khác nên mục tiêu của chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cũng sẽ khác mục tiêu của các chương trình đào tạo khác. Cụ thể là, đối tượng của các chương trình đào tạo được tiến hành bởi các trường đại học, cao đẳng, trung cấp hay các trường đào tạo khác (Học viện Ngân hàng, Viện Ngân hàng trường Đại học Kinh tế Quốc dân...) hầu hết là những người vừa mới rời ghế nhà trường cấp 3. Hoạt động đào tạo áp dụng với các đối tượng này là đào tạo lần đầu khi các đối tượng sinh viên chưa hề có kinh nghiệm làm việc tại các ngân hàng, các tổ chức tín dụng hay bất cứ một tổ chức tài chính chuyên nghiệp nào khác. Đối tượng của chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ do các trường bồi dưỡng nghiệp vụ thực hiện (ví dụ trường Bồi dưỡng cán bộ ngân hàng) là những công chức, viên chức, những người đã đi làm, đang đi làm, đang có một công việc cụ thể tại các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các tổ chức tài chính, kinh tế khác. Mục tiêu đào tạo của các trường đại học đào tạo về kinh tế tài chính là trang bị những kiến thức cơ bản, những kiến thức ban đầu làm hành trang để sinh viên sau khi ra trường có thể bắt đầu

môt vị trí công việc nào đó trong lĩnh vực kinh tế tài chính. Mục tiêu của các khóa đào tạo, bồi dưỡng tại Trường bồi dưỡng cán bộ ngân hàng là củng cố những kiến thức mà học viên đã tích lũy tại các trường đại học, cập nhật những kiến thức mới liên quan đến lĩnh vực chuyên môn, nâng cao kiến thức thực tiễn để có thể xử lý một cách chuyên nghiệp hơn những tình huống từ đơn giản đến phức tạp phát sinh trong quá trình làm việc.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ - Nâng cao chất lượng giảng viên tại Trường Bồi dưỡng cán bộ ngân hàng (Trang 28)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(142 trang)
w