Về chất lượng giáo dục

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư cho giáo dục trung học phổ thông ở thành phố hồ chí minh (Trang 30)

TP Hồ Chí Minh là một trong những tỉnh thành có nền giáo dục phát triển hàng đầu trong cả nước. Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị TP Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục bằng nhiều chính sách cụ thể. Nhờ đó, giáo dục TP Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Điều đó được thể hiện trong từng bậc học như sau:

- Đối với giáo dục Mầm non

Ngành giáo dục và đào tạo TP Hồ Chí Minh đã thực hiện phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi theo đúng tiến độ của đề án đã xây dựng. Năm 2012, TP có 320/322 phường, xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi. Đến năm 2013 đã kiểm tra công nhận thêm phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân) và xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) đạt chuẩn phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi, nâng số phường, xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi lên 322/322 phường, xã, đạt tỉ lệ 100%. Tính đến thời điểm hiện tại, TP Hồ Chí Minh có 81 trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia, trong đó, số trường mới công nhận năm học 2013 - 2014 là 3 trường.

Các trường Mầm non trên địa bàn TP đều chú trọng nâng cao chất lượng dạy học. Các quận, huyện đều tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các cơ sở Mầm non công lập và ngoài công lập. Riêng đối với cơ sở Mầm non ngoài công lập, ngành bồi dưỡng thêm chuyên đề về hướng dẫn mua sắm trang thiết bị trong trường Mầm non phù hợp với yêu cầu của chương trình giáo dục Mầm non. Nhờ đó, chất lượng giáo dục Mầm non ngày một nâng cao, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng chỉ còn 0,6%, giảm 0,006% so với năm học 2011 - 2012. 100% trường lớp có công trình vệ sinh phù hợp cho trẻ sử dụng, có bếp ăn an toàn, hợp vệ sinh. Các trường Mầm

non trong toàn TP đều được trang bị máy tính và kết nối mạng internet tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và chăm sóc giáo dục trẻ.

- Đối với giáo dục Tiểu học

Chất lượng giáo dục Tiểu học tiếp tục giữ vững thành tích, kết quả. Các Phòng Giáo dục và Đào tạo đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn, các hội thảo, hội thi chuyên đề để hướng dẫn cụ thể về phương pháp giảng dạy như: hội thảo chuyên đề dạy Tiếng Việt, Toán, dạy và học môn Lịch sử cho học sinh Tiểu học bằng phương tiện nghe - nhìn. Từ đây, các trường Tiểu học trong toàn TP đã mạnh dạn áp dụng phương pháp dạy học tích cực, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, dạy theo hướng cá thể. Các trường đã đổi mới phương pháp dạy học, đa dạng hóa loại hình dạy học ngoài trời, phát huy tốt chuyên đề “dạy học Địa lí qua sưu tầm, tìm hiểu và bước dầu làm quen với lược đồ, bản đồ”, “dạy Lịch sử bằng phương tiện nghe nhìn”. TP cũng đã tổ chức tập huấn Bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng tư duy cho cán bộ quản lý và giáo viên các trường Tiểu học ở quận/huyện; triển khai dạy thí điểm và triển khai đại trà Phương pháp “Bàn tay nặn bột” theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chương trình giáo dục tiếng Anh cho học sinh được các nhà trường tăng cường. Đội ngũ giáo viên tiếng Anh tiếp tục được bồi dưỡng để nâng trình độ chuẩn B2. Các hoạt động tạo môi trường ngôn ngữ cho học sinh học tiếng Anh được chú trọng như: dạy học theo dự án, hoạt động đọc và kể chuyện, vòng tròn đọc hiểu (reading circles), field trip được các quận/huyện tiến hành với các hình thức phong phú. Hoạt động “Open house” (mở cửa đón phụ huynh vào tham dự tiết học) đã được thực hiện tích cực. Số trường có dạy Anh văn là 474/474 trường đạt tỉ lệ 100%. Đặc biệt, tháng 4/2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Công ty cổ phần giáo dục Đại Trường Phát, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai tổ chức cuộc thi Olympic “Tài năng tiếng Anh” (OTE). Em Phạm Trần Lan Khuê, học sinh lớp 5/6 trường Tiểu học Trung Nhất (Quận Phú Nhuận - TP Hồ Chí Minh) giành giải đặc biệt.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và dạy học đã được thực hiện ở tất cả các trường Tiểu học. Giáo án điện tử được giáo viên đầu tư có chất lượng và giảng dạy có hiệu quả. Hội thi tài năng Tin học ở các năm học đã phát hiện nhiều học sinh giỏi về côn nghệ thông tin. Trong cuộc thi giải Toán qua Internet do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức năm 2013, học sinh TP Hồ Chí Minh đã đoạt 4 huy chương Bạc và 5 huy chương Đồng, được công nhận Bảng Vàng của các TP thuộc Trung ương. Năm học 2013 - 2014, TP tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra việc thực hiện trường đã đạt chuẩn quốc gia, đồng thời tiến hành đánh giá công nhận mới 5 trường chuẩn quốc gia mức 1 và thẩm định công nhận mới 1 trường đạt chuẩn mức 2. Tính đến nay TP đã có 49 trường đạt chuẩn Quốc gia mức 1, 6 trường đạt chuẩn mức 2.

- Đối với giáo dục Trung học

Giáo dục Trung học ở TP Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả nhất định. Các trường tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Ban Giám hiệu đã tổ chức thực hiện hiệu quả phương pháp dạy học cá thể, tự chủ về thời lượng, dạy sát đối tượng học sinh, tổ chức soạn giáo án tập thể và kiểm tra chung. Hầu hết các trường đều đã sử

dụng CNTT trong dạy học, quản lý, đáp ứng cơ bản yêu cầu nhiệm vụ dạy học trong tình hình mới. Sở Giáo dục và Đào tạo đã tăng cường chỉ đạo các trường biên soạn đề kiểm tra theo ma trận đề, đồng thời đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị chuyên môn theo định hướng đổi mới công tác biên soạn đề kiểm tra, góp phần thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học, đặc biệt đối với các môn học khoa học xã hội như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân…

Quán triệt đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhận thức sâu sắc ý nghĩa của công tác phổ cập giáo dục và phổ cập bậc Trung học, TP có quyết tâm cao trong công tác phổ cập bậc Trung học. Năm học 2013 - 2014 TP có thêm 4 trường THCS và 1 trường THPT được công nhận đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia lên 26 trường (22 THCS và 4 THPT). Tất cả các trường đều có chất lượng dạy học tốt, có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện nhà trường theo hướng tiên tiến, hội nhập. Tiếp tục mở rộng mô hình trường học tiên tiến, hiện đại, hội nhập quốc tế, năm học 2012 - 2013, TP Hồ Chí Minh đã tiếp tục xây dựng thêm 02 trường THPT Nguyễn Du và THPT Nguyễn Hiền theo mô hình nhà trường tiên tiến, hội nhập quốc tế. Kết quả tổng kiểm tra định kỳ ngày 07/01/2013 TP có 322/322 phường xã, thị trấn duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi từ 15 - 18 tuổi có bằng tốt nghiệp Trung học đạt 94,66%; độ tuổi từ 18 tuổi đến 21 tuổi đạt tốt nghiệp bậc THPT là 97,60 %.

Sở Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục TP đã tổ chức nhiều cuộc thi để động viên, khuyến khích hoạt động dạy tốt, học tốt trong nhà trường. Cuộc thi làm đồ dùng dạy học có hơn 300 sản phẩm dự thi, nhiều sản phẩm có chất lượng tốt, thể hiện tính sáng tạo của thầy cô giáo, được nhiều đơn vị khác học tập. Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh Trung học cấp TP có hơn 130 đề tài tham dự. Học sinh Trung học TP đã đạt 08 giải tại cuộc thi

học sinh nghiên cứu khoa học cấp Quốc gia trong năm 2013 (1 Nhất, 2 Nhì, 3 Ba, 2 Khuyến khích) và đạt giải 4 tại cuộc thi Intel ISEF quốc tế 2013 tại Mỹ.

Ngoài những kết quả nổi bật trên, các trường Trung học cũng đã đề ra nhiều biện pháp giúp đỡ học sinh yếu kém như tổ chức kèm cặp, phụ đạo, biên soạn tài liệu dạy học riêng phù hợp với trình độ của nhóm học sinh, giúp các em lấy lại căn bản tự tin hơn trong học tập. Công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật tiếp tục được quan tâm, đảm bảo cho tất cả các em trong độ tuổi được học hòa nhập theo nhu cầu, được miễn học phí, có học bổng. Đến thời điểm này, TP Hồ Chí Minh có 288 học sinh THCS và 36 học sinh THPT theo học hòa nhập tại các trường.

- Bên cạnh giáo dục Mầm non, Tiểu học, Trung học, giáo dục thường xuyên và chuyên nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng đạt được nhiều thành tích, kết quả. Hiện tại, trên địa bàn TP Hồ chí Minh có 6 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp TP và 24/24 quận, huyện có trung tâm giáo dục thường xuyên. Hoạt dộng giảng dạy tại các trung tâm giáo dục thường xuyên được đảm bảo, đã thu hút nhiều người học đến học, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của mọi người. Toàn TP có 307 trung tâm học tập cộng đồng, đạt tỷ lệ 95,34% xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng. Mạng lưới các trường chuyên nghiệp trên địa bàn TP ngày càng hoàn chỉnh, cơ cấu ngành nghề đào tạo đa dạng, phong phú, phù hợp và đáp ứng được nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho quá trình phát triển. Đến nay TP quản lý, theo dõi 14 trường Đại học (trong đó có 12 trường tư thục) và 1 trường cán bộ TP; 15 trường Cao đẳng (09 trường tư thục); 34 trường Trung cấp chuyên nghiệp (8 trường công lập, 26 trường ngoài công lập). Hiện nay giáo dục chuyên nghiệp TP có 170.675 học sinh, sinh viên đang theo học.

Như vậy, qua khái lược trên, có thể thấy, giáo dục ở TP Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều thành tích, kết quả. Quy mô giáo dục ngày càng mở rộng, chất lượng đội ngũ quản lý, giáo viên, chất lượng giảng dạy được nâng cao, phương pháp dạy học có nhiều đổi mới, năng lực sử dụng tiếng Anh của giáo

viên và học sinh ngày một tiến bộ, tỉ lệ thi đạt các giải cao ngày một nhiều… Tuy nhiên, bên cạnh thành tích, kết quả đạt được, ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh còn một số hạn chế, khó khăn như: một số công trình nhà học bị xuống cấp; nhu cầu về phòng học, các phòng chức năng, các thiết bị công nghệ thông tin hiện đại ngày càng nhiều; phương pháp dạy học mới đòi hỏi nhà trường phải đầu tư nhiều hơn các trang thiết bị dạy học theo hướng hiện đại… Đây chính là một trong những nguyên nhân cơ bản đặt ra vấn đề nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác đầu tư để ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh phát triển bền vững, đúng hướng.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư cho giáo dục trung học phổ thông ở thành phố hồ chí minh (Trang 30)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(117 trang)
w