Đổi mới về tư duy, nhận thức của các cá nhân và tổ chức trong hoạt động đầu tư phát triển giáo dục trung học phổ thông ở thành phố

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư cho giáo dục trung học phổ thông ở thành phố hồ chí minh (Trang 85 - 88)

hoạt động đầu tư phát triển giáo dục trung học phổ thông ở thành phố

3.2.2.1.Mục đích của giải pháp

Giáo dục đóng vai quan trọng trong sự phát triển của các tỉnh, thành, các quốc gia nói chung. Do đó, nâng cao nhận thức về công tác giáo dục có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc đề ra chiến lược và thực hiện các giải pháp đổi mới chương trình giáo dục, đào tạo.

- Mục đích của thực hiện giải pháp đổi mới về tư duy, nhận thức của các cá nhân và tổ chức trong hoạt động đầu tư phát triển giáo dục THPT ở TP là nhằm làm cho mọi đối tượng có cách nhìn nhận đúng về tầm quan trọng của việc đầu tư phát triển giáo dục THPT.

- Trên cơ sở nhìn nhận đúng về vai trò của việc đầu tư cho giáo dục THPT, các tổ chức, cá nhân sẽ có những hành động tích cực đóng góp vào hoạt động đầu tư cho giáo dục THPT trên địa bàn TP, qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục THPT.

- Từ trước đến nay, giáo dục nói chung, giáo dục THPT nói riêng thường được gắn với trách nhiệm cụ thể của ngành chủ quản, do đó, vai trò của các tổ chức, các nhân trong xã hội còn một số hạn chế như: nhận thức chưa đúng mực về vai trò của ngành mình, tổ chức mình; chưa tham gia thường xuyên vào quá trình giáo dục, bao gồm quá trình đầu tư; chưa thực sự chủ động, xây dựng các chương trình, kế hoạch tham gia thực hiện; chưa hình thành được cơ chế đóng góp vào quá trình thực hiện chương trình giáo dục THPT… Bởi vậy, việc đổi mới nhận thức của các tổ chức, cá nhân ở đây

đóng vai trò rất quan trọng nhằm làm cho các tổ chức, cá nhân có sự đổi mới mạnh mẽ, nhận thức đúng hơn, xác định rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc tham gia vào quá trình đầu tư cho giáo dục THPT.

3.2.2.2.Nội dung của giải pháp

Trong bối cảnh kinh tế đất nước đang phát triển theo cơ chế thị trường; sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ; xu thế toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế,… nhu cầu học tập ngày càng tăng của nhân dân vừa là thời cơ, vừa tạo ra thách thức to lớn đối với ngành giáo dục. Trong bối cảnh đó, giáo dục phải được đổi mới mạnh mẽ, trước hết là phải đổi mới tư duy một cách sâu sắc, toàn diện với các nội dung sau đây:

- Thứ nhất, nâng cao nhận thức về mục tiêu giáo dục nói chung trong thời kỳ mới là phát triển con người Việt Nam với đầy đủ phẩm chất đức, trí, thể, mĩ, có bản lĩnh vững vàng, phát huy những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu những tinh hoa của thời đại, ngày càng đáp ứng đòi hỏi của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Thế hệ trẻ do nhà trường đào tạo phải trung thực, năng động và sáng tạo, biết hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, có hoài bão, có ý chí vươn lên, tự lập thân, lập nghiệp và góp phần đưa đất nước ra khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu.

- Thứ hai, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt quan điểm của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền TP Hồ Chí Minh về công tác xã hội hóa giáo dục.

- Thứ ba, tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục các cấp, trong đó có giáo dục THPT. Tiếp tục tranh thủ tốt các nguồn đầu tư nước ngoài vào giáo dục THPT để thực hiện tốt hơn nữa các mục tiêu, kế hoạch trong công tác giáo dục, trong đó nổi bật là việc đầu tư xây dựng, mua sắm cơ sở vật chất.

- Thứ tư, tổ chức tổng kết thực tiễn giáo dục trong những năm qua, bàn kỹ, nghiên cứu đúc rút kinh nghiệm và tiếp thu các mô hình giáo dục tiên tiến, vận dụng phù hợp vào điều kiện TP.

- Thứ năm, cấp ủy, chính quyền các cấp và các trường học ở TP Hồ Chí Minh cần tranh thủ tốt ý kiến góp ý của các đối tượng trong xã hội, người dân, doanh nghiệp trong quá trình đào tạo THPT. Việc tranh thủ tối đa ý kiến

góp ý của các đối tượng trong xã hội không chỉ là để lắng nghe các tiếng nói nhiều chiều, nhiều cách nhìn khác nhau về công tác giáo dục, qua đó cung cấp cho người làm giáo dục những ý tưởng mới, mà còn tạo được sự đồng thuận của người dân trong các khâu huy động các nguồn đóng góp để phát triển nền giáo dục.

3.2.2.3.Cách thức tiến hành giải pháp

- Tổ chức các hội nghị cấp ủy, cấp ủy mở rộng, hội nghị cốt cán các cấp nhằm tuyên truyền quan điểm của Đảng, chủ trương của TP về giáo dục và giáo dục THPT.

- Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền về vai trò, vị trí của ngành giáo dục nói chung, đầu tư cho giáo dục THPT trên địa bàn TP nói riêng như: tuyên truyền miệng, tuyên truyền qua hệ thống văn bản, tuyên truyền thông qua các cụm pano, áp phích, băng rôn, đặc biệt chú trọng tuyên truyền thông qua các ẩn phẩm báo chí, truyền thanh, truyền hình, thông qua mạng internet.

- Gắn với tuyên truyền về đầu tư giáo dục THPT với các cuộc họp dân, các buổi tiếp xúc cử tri trên các địa bàn.

- Các cấp, các ngành phải đề ra các kế hoạch, chương trình hành động thực hiện công tác XHXGD; đẩy mạnh các hình thức huy động được sự đóng góp của toàn xã hội vào công tác giáo dục. Cụ thể: phải hình thành cơ để huy động người dân đóng góp xây dựng nền giáo dục; gắn cơ chế huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân đầu tư vào giáo dục với việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới…

- Cấp ủy, chính quyền các cấp và các nhà trường cần làm tốt các khâu hoạch định chiến lược, kế hoạch giáo dục, thực hiện công khai minh bạch nguồn tài chính, công khai việc sử dụng các nguồn lực (trong đó có nguồn xã hội hóa), công khai các kết quả đầu tư phát triển.

3.2.2.4.Điều kiện thực hiện giải pháp

Để thực hiện tốt giải pháp đổi mới về tư duy, nhận thức của các cá nhân và tổ chức trong hoạt động đầu tư phát triển giáo dục THPT ở TP, cần phải thực hiện tốt các yêu cầu sau:

- Cấp ủy, chính quyền các cấp và hệ thống chính trị nói chung phải thực sự đều tay và đồng bộ trong tư duy, cách nghĩ, cách làm, đặc biệt phải thực sự có quan tâm (bằng chủ trương) đối với hoạt động giáo dục nói chung, đầu tư cho giáo dục THPT nói riêng.

- Hoạt động của các cơ quan chuyên trách về công tác tuyên truyền phải thực sự mạnh. Ở đây, nhiệm vụ của Ban Tuyên giáo các cấp là hết sức quan trọng. Ban Tuyên giáo các cấp phải là cơ quan đầu não, đề ra chương trình tuyên truyền, chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông các cấp thực hiện các giải pháp tuyên truyền về đầu tư cho giáo dục THPT. Ngoài ra, các đoàn công tác của Thành ủy, các sở, ngành, các đoàn thể cũng phải thực hiện công tác tuyên truyền về đầu tư cho giáo dục THPT một cách thường xuyên, thông qua việc tuyên truyền các chủ trương, các văn bản pháp quy, các quy định của Thành ủy, UBND TP về giáo dục.

- Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể các cấp phải giành thời gian thỏa đáng để thảo luận, bàn bạc từ đó ban hành các văn bản như kế hoạch, chương trình hành động thực hiện các mục tiêu giáo dục trên địa bàn TP, trong đó có đề cập về vấn đề đầu tư cho giáo dục THPT.

- Nền kinh tế, văn hóa - xã hội của TP phải thực sự ổn định và phát triển, tiếp tục đạt được các mục tiêu đề ra theo từng năm, từng nhiệm kỳ.

Tóm lại, đổi mới về tư duy, nhận thức của các cá nhân và tổ chức trong hoạt động đầu tư phát triển giáo dục THPT ở TP là nhiệm vụ khó khăn, đặt ra thường xuyên đối với hệ thống chính trị TP. Theo quan điểm của chúng tôi, giải pháp này chỉ có thể thực hiện được, một khi hệ thống chính trị vững mạnh, nền kinh tế, xã hội của TP ổn định và phát triển.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư cho giáo dục trung học phổ thông ở thành phố hồ chí minh (Trang 85 - 88)