Khuyến khích xuất khẩu

Một phần của tài liệu Huyền thoại sông Hàn (1962-1980) và những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam (KL06700) (Trang 50)

Cùng với các chính sách tự do hóa mậu dịch, Hàn Quốc đã chú trọng đặc biệt đến các chính sách khuyến khích sản xuất hàng xuất khẩu. Các nhà hoạch định chính sách của chính phủ Hàn Quốc đã rất có ý thức về nhu cầu phát triển các ngành công nghiệp xuất khẩu và đã thực hiện hàng loạt các biện pháp để khuyến khích xuất khẩu. Những biện pháp này được tiến hành dưới các hình thức như cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, áp dụng các chính sách thuế ưu đãi, và hướng sự đầu tư của các công ty vào những sản phẩm mà Hàn Quốc có thể có lợi thế so sánh trong từng thời kỳ cụ thể.

Thứ nhất, để khuyến khích các công ty sản xuất hàng xuất khẩu. Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện sự hỗ trợ về tài chính bằng cách ưu tiên cho các công ty và xí nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu được vay vốn với lãi suất thấp và miễn hoặc giảm thuế cho các khoản thu nhập từ xuất khẩu. Đây chính là hình thức trợ cấp xuất khẩu một cách gián tiếp. Sự chênh lệch giữa lãi suất thông thường và lãi suất cho các công ty xuất khẩu vay trong những năm 1960 thường từ 3 đến 4 lần. Mức chênh lệch cao nhất vào năm 1968 là

46

4,3 lần. Trong những năm 1970, mức chênh lệch về lãi suất tuy có giảm đi song vẫn đạt mức trung bình khoảng 2 lần. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ kéo dài đến năm 1983. Biện pháp tài chính được sử dụng lâu dài hơn cả là chính sách giảm hoặc miễn thuế xuất khẩu. Theo biện pháp này, khi các xí nghiệp Hàn Quốc nhận được đơn đặt hàng của nước ngoài, họ sẽ được nhập khẩu nguyên liệu không bị đánh thuế nếu toàn bộ số hàng sản xuất sau đó sẽ được xuất khẩu; hơn nữa họ còn được giảm hoặc miễn các khoản thuê thu nhập từ xuất khẩu hoặc các khoản thu nhập gia tăng do xuất khẩu. Biện pháp miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu đã được thực hiện ngay từ năm 1961, nhưng phải đến giữa thập niên này nó mới thực sự phát huy hiệu quả; và việc giảm hoặc miễn thuế cho các khoản thu nhập từ xuất khẩu được thi hành triệt để kể từ năm 1970 sau khi khu chế xuất Mã Sơn được thành lập. Tổng giá trị các khoản thuê được miễn hoặc giảm cho các khoản thu nhập từ xuất khẩu lên tới khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu vào giữa những năm 1970 và cho đến thập niên 80 tỉ lệ này vẫn được duy trì ở mức 17 - 18% [14; 147].

Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty và xí nghiệp trong việc huy động vốn cho các hoạt động sản xuất để xuất khẩu. Chính phủ Hàn Quốc đã kịp thời ban hành các đạo luật cho phép họ có thể vay vốn nước ngoài. Luật thúc đẩy nhập khẩu vốn nước ngoài của Hàn Quốc được ban hành vào tháng 1/1960 và sửa đổi vào các năm 1962, 1966 với mục tiêu ưu tiên cho các xí nghiệp xuất khẩu được quyền trực tiếp vay vốn nước ngoài. Điều này đã tạo cho các công ty chủ động hơn trong việc sản xuất kinh doanh và hoạt động xuất khẩu được đẩy mạnh.

Thứ hai, việc lựa chọn đúng các sản phẩm có lợi thế để sản xuất và xuất khẩu cũng góp phần rất to lớn vào sự thành công trong chiến lược hướng vào xuất khẩu của Hàn Quốc. Chính sách lựa chọn sản phẩm xuất khẩu của Hàn Quốc được dựa trên các tiêu chí: phát huy được lợi thế cạnh tranh của đất nước trong từng thời kỳ cụ thể; làm tăng tổng giá trị kim ngạch

47

xuất khẩu và căn cứ vào sự biến động của thị trường quốc tế. Ở mỗi giai đoạn Hàn Quốc đều có những mặt hàng xuất khẩu chủ lực có tính cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Trong giai đoạn 1962-1971, Hàn Quốc đặt chiến lược xuất khẩu sản phẩm công nghiệp nhẹ sử dụng nhiều lao động, tiền lương thấp, có tính cạnh tranh với nước ngoài nhằm thay thế các sản phẩm thô và sơ cấp. Sản phẩm xuất khẩu chính trong giai đoạn này là dệt may, cao su, gỗ ván. Trong giai đoạn 1971–1981, chính phủ đặt chiến lược xuất khẩu sản phẩm công nghiệp nặng, công nghiệp hóa chất, chủ yếu là tơ sợi nhân tạo, hóa dầu, các thiết bị vận tải, tàu thuyền.

Để mở rộng thị trường xuất khẩu, chính phủ đã thực hiện chính sách đa dạng hóa thị trường, nổi bật nhất là từ kế hoạch lần thứ tư (1977 - 1981). Ngoài việc mở rộng xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật Bản và Tây Âu, Hàn Quốc còn mở rộng buôn bán sang các nước khác thuộc Châu Á - Thái Bình Dương, Đông Âu, Mỹ Latinh, Châu Phi. Đối với các nước cần bình thường hóa quan hệ như các nước xã hội chủ nghĩa, Chính phủ Hàn Quốc đã dồn mọi nỗ lực vào hình thức ngoại giao để bình thường hóa quan hệ, xúc tiến ký các hiệp định kinh tế và thương mại với các nước làm nền tảng pháp lý cho quan hệ buôn bán sau này. Đối với các quốc gia chưa thể bình thường hóa quan hệ, chính phủ vẫn khuyến khích các công ty tư nhân mở rộng quan hệ thương mại với trên 100 nước trên thế giới, trong đó bạn hàng thương mại chính là Mỹ (chiếm 21% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc), Nhật Bản (14,1%), ASEAN (10,1%), EU (11,4%), Mỹ Latinh (6%) [13; 158].

48

Một phần của tài liệu Huyền thoại sông Hàn (1962-1980) và những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam (KL06700) (Trang 50)