Ảnh hưởng của sự phân chia Na m Bắc Triều Tiên.

Một phần của tài liệu Huyền thoại sông Hàn (1962-1980) và những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam (KL06700) (Trang 69)

Tiếp sau cuộc chiến tranh Triều Tiên, sự phân chia hai miền Nam - Bắc Triều Tiên bằng việc ngừng bắn vào tháng 7/1953, đã chia toàn bộ nền kinh tế tương đối hợp nhất thành hai phần không đều nhau. Những mỏ giàu trữ lượng nhất và ngành công nghiệp nặng tiên tiến nhất đã được phát triển ở miền Bắc trong thời kỳ thuộc địa. Do đó, miền Bắc có điều kiện thuận lợi hơn miền Nam trong việc khôi phục nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá, mặc dù nhiều cơ sở hạ tầng công nghiệp ở cả hai miền Nam, Bắc đều bị phá hủy trong các cuộc xung đột. Seoul bị tàn phá rất nặng nề vì đã bốn lần đổi chủ trong suốt thời kỳ chiến tranh Triều Tiên. Hơn 80% cơ sở hạ tầng và hạ tầng công nghiệp, cùng với hơn một nửa số nhà cửa bị phá hủy do chiến tranh.

Mặt khác, miền Nam lại được Nhật Bản phát triển thành nơi cung cấp thực phẩm với giá rẻ cho lực lượng lao động công nghiệp của Nhật Bản và một số ít cơ sở hạ tầng công nghiệp được gửi lại. Hơn nữa, do sự chia cắt và chiến tranh nên ở miền Nam, nơi chủ yếu là nông nghiệp, đã tập trung 2/3 dân số Triều Tiên.

Việc tạo dựng chế độ cộng sản kiểu Xô Viết ở Miền Bắc đã tạo ra một làn sóng người tị nạn đến miền Nam, gồm những người Cơ Đốc, địa chủ và các nhà kinh doanh. Một số lượng lớn người Triều Tiên ở nước ngoài cũng quay trở về từ Trung Quốc, Nhật Bản và Mãn Châu, nơi họ đã lánh nạn, tái định cư hoặc lao động quân dịch trong thời kỳ thuộc địa. Miền Nam đã bắt đầu tái xây dựng đất nước với quá đông dân số trên một diện tích quá nhỏ.

Sự đe dọa quân sự từ miền Bắc vẫn tiếp tục ảnh hưởng sâu sắc đến phương hướng và mô hình phát triển kinh tế Hàn Quốc. Đặc biệt, nó đã buộc

65

Hàn Quốc phải sử dụng khoảng 6% GNP vào việc phòng vệ. Do đó, cũng làm cho miền Nam duy trì được vị trí quân sự thứ 5 trên thế giới. Ảnh hưởng của lực lượng quân sự đến xã hội Hàn Quốc rất sâu sắc. Hơn 600.000 nam giới tham gia lực lượng vũ trang và mỗi năm khoảng ¼ số lính này hoàn thành nghĩa vụ trở về với gia đình [21; 89]. Việc tạo cơ hội việc làm mới cho những người lính giải ngũ là một vấn đề quan trọng đối với kinh tế Hàn Quốc. Đồng thời, quân đội Hàn Quốc cũng đã đóng góp rất lớn cho việc phát triển các kỹ năng, nhất là giai đoạn đầu của sự phát triển. Qua quân đội, thanh niên Hàn Quốc, nhất là những người ở nông thôn hoặc có trình độ học vấn hạn chế, được làm quen với ô tô, máy móc điện tử cùng với các thiết bị khác và các kỹ năng liên quan. Quân đội cũng giúp họ tiếp cận với cuộc sống hiện đại và cho họ làm quen với những cơ cấu tổ chức, kỹ thuật quản lý hiện đại. Trong những năm 60, ngành quân sự có cơ cấu tổ chức hiện đại nhất của đất nước.

Sự đe dọa từ miền Bắc đã góp phần tạo ra sự liên kết của những người dân Nam Triều Tiên trong một nỗ lực chung nhằm xây dựng đất nước. Ý thức cạnh tranh với miền Bắc đã khuyến khích họ tập trung mọi nguồn lực vào việc đuổi kịp và vượt Bắc Triều Tiên cả trong lĩnh vực kinh tế và phi kinh tế.

2.4.1.3. Vai trò của chính phủ

Hàn Quốc đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh dưới thời Pắc Chung Hy một phần nhờ liên minh với nước ngoài (chủ yếu là Mỹ) và mặt khác là tài năng trong nước mà đại diện là đội ngũ quan chức - những người lãnh đạo Nhà nước phát triển theo định hướng tư bản chủ nghĩa.

Trong thời kỳ 1962-1979, Chính phủ Pắc Chung Hy đã xây dựng kinh tế theo mô hình hướng ngoại với chiến lược công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa dựa vào sự khai thác thị trường

66

thế giới và liên kết quốc tế nhằm giải quyết những bế tắc, đặc biệt là sự hạn chế về thị trường tiêu thụ săn phẩm, thu hút vốn đầu tư, tiếp thu kỹ thuật - công nghiệp mới của thời kỳ thực hiện mô hình kinh tế hướng nội của Chính phủ tiền nhiệm. Một trong những nét nổi bật của chiến lược là đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Điều này xuất phát từ hai lý do:

một là, sự viện trợ có to lớn đến đâu cũng không thể đáp ứng nhu cầu phát triển của Hàn Quốc; hai là, người Hàn Quốc không muốn dừng lại ở việc nhận viện trợ mà còn muốn buôn bán thế chân viện trợ, đồng thời đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài để tích lũy vốn bên trong rồi tiến xa hơn bằng việc xác lập một cách toàn diện các hình thức quan hệ kinh tế với các nước phát triển theo hướng tích cực.

Với 18 năm cầm quyền, mở đầu bằng đảo chính và kết thúc bằng bị ám sát, Pắc Chung Hee là Tổng thống được nhiều người ngưỡng mộ và đồng thời là nhà độc tài số một của Hàn Quốc bị căm ghét. Thời kỳ Triều Tiên bị Nhật Bản chiếm đóng, Pắc Chung Hy là quân nhân phục vụ trong quân đội Nhật tại Mãn Châu. Sau chiến tranh Nam Bắc Triều, ông tham gia quân đội Hàn Quốc và giữ chức thiếu tướng trước khi lên nắm quyền bằng cuộc đảo chính năm 1961. Dưới chính thể Pắc Chung Hy, Hàn Quốc trỗi dậy mạnh mẽ từ đói nghèo “truyền thống” và trở thành con hổ châu Á. Cho đến nay, không một chính trị gia Hàn Quốc nào tạo được sự trung thành cũng như khiến người dân sợ hãi nhiều như Pắc Chung Hy. Ông được đánh giá là bộc trực, cứng rắn, hiểu truyền thống Hàn Quốc và có tầm nhìn xa.

Với chính quyền độc tài quân sự, từ năm 1962, Hàn Quốc bắt đầu những kế hoạch phát triển đầy tham vọng mà “duy kinh tế cực đoan” [16; 249], như về sau người ta thường gọi là cách thức chủ yếu nhằm thoát nghèo.

67

Để thực hiện được kế hoạch kinh tế này thành công, Pắc Chung Hy đã lập ra một ban quản lý và giám sát nền kinh tế được gọi là Ban kế hoạch kinh tế (EPB). EPB có khả năng quản lý và điều phối toàn bộ kế hoạch bởi vì EPB chính là Ban lập ngân sách của chính phủ, quyết định phân bổ nguồn lực… Đội ngũ EPB là những quan chức chính phủ vừa trẻ tuổi vừa có năng lực, một số đã được đào tạo từ Mỹ, họ là những con người làm việc chăm chỉ vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh” như Tổng thống Pắc đưa ra.

Năm 1960, GDP Hàn Quốc chỉ là 82 USD/người/năm. Sau 10 năm Hàn Quốc đã bước vào ngưỡng đầu tiên của thu nhập trung bình 1.000 USD/người/năm. Đến năm 1975, GDP Hàn Quốc là 1.310 USD/người/năm. Chỉ trong vòng 10 năm, từ 1.000 USD Hàn Quốc đã đạt tới mức 10.000 USD/người/năm, trở thành nước công nghiệp mới [16; 249].

Kế hoạch phát triển kinh tế lúc đó đi theo mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu nhờ giá thành thấp. Chi phí sản xuất được cố tình hạ thấp đến mức tối thiểu. Để người lao động có thể sống với mức lương thấp, Chính phủ của Tổng thống Pắc đã áp dụng biện pháp giữ giá những sản phẩm nông nghiệp ở mức rất thấp và đề ra biện pháp ban đầu như: Huy động rộng rãi tất cả các nguồn lực sẵn có và phân bổ nó vào các khu vực, kể cả khu vực tư nhân lẫn khu vực nhà nước, song chú trọng đến khu nào đạt được tốc độ tăng trưởng cao đặc biệt các ngành then chốt. Bên cạnh đó quản lý mức lãi suất và cho vay của ngân hàng khuyến khích đầu tư trong nước, ưu đãi các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa bằng cách cung cấp cho những doanh nghiệp này những khoản vay đặc biệt, tạo môi trường hấp dẫn thu hút nhiều hơn vốn đầu tư nước ngoài và quản lý nghiêm ngặt tỷ giá.

Nhằm tăng sản lượng xuất khẩu sản phẩm, đích thân Tổng thống Pắc đã đứng ra chủ trì các cuộc tọa đàm “thúc đẩy xuất khẩu” hàng tháng – đây là nơi tập hợp các quan chức chính phủ hàng đầu và các nhà lãnh đạo kinh

68

doanh cùng thảo luận về các chính sách kinh tế cũng như những vấn đề nảy sinh nhằm tháo gỡ những hạn chế, cản trở bởi tệ nạn quan liêu. “Ngày xuất khẩu” hàng năm đã trở thành lễ kỷ niệm tổ chức rộng rãi trên khắp đất nước Hàn Quốc – một quốc gia phát triển lấy xuất khẩu làm trọng và cũng chính điều này đã đưa Hàn Quốc trở thành nước xuất khẩu hàng đầu.

Trong các công trình tạo nên bứt phá của Hàn Quốc, cuối những năm 60 của thế kỉ XX, Pắc Chung Hy đã thực hiện được một kỳ công là xây dựng xa lộ lớn nhất trong lịch sử Hàn Quốc, từ thủ đô Seoul tới cảng Pushan phía nam. Về tinh thần dân tộc biểu lộ qua việc xây dựng xa lộ, lời thề mà đội ngũ chuyên gia – kỹ thuật lúc đó đã hứa với Pắc Chung Hy: “Nguyện hiến thân cho Tổ quốc phồn vinh, cho nhân dân hạnh phúc. Chịu bất cứ hình phạt nào nếu không hoàn thành nhiệm vụ”[16; 250].

Dưới thời Pắc Chung Hy, tiết kiệm là quốc sách. Trong nhiều bài diễn văn, ông đã nhắc đi nhắc lại: “Một xu ngoại tệ là một giọt máu” [16; 250]. Pắc Chung Hy cũng điển hình là một Tổng thống liêm khiết, làm Tổng thống 19 năm mà khi qua đời tài sản của ông chỉ có trên 10.000 USD.

Sau gần hai thập niên độc tài Pắc Chung Hy đã đưa Hàn Quốc thoát khỏi nghèo đói bước vào hàng những quốc gia phát triển. Nhưng dựa vào độc tài, Pắc Chung Hy đã càng ngày càng kỳ thị với tự do, dân chủ nhân danh sự ổn định và phát triển. Ông cho rằng, Hàn Quốc cần phải phát triển kinh tế vững mạnh trước khi có thể có dân chủ. “Người châu Á sợ hãi đói nghèo hơn là độc tài. Các dân tộc châu Á muốn có bình đẳng kinh tế trước rồi sau đó mới xây dựng cơ chế chính trị công bằng hơn…, và viên ngọc chẳng có gì rực rỡ được gọi là chế độ dân chủ là vô nghĩa đối với những người đói khát và tuyệt vọng”[16; 253]. Thậm chí ông còn cho rằng điều gì đúng với Hàn Quốc thì cũng đúng với châu Á. Việc coi thường giá trị dân

69

chủ đã làm cho không chỉ người dân mà cả những thân tín của ông trong nội các cũng cảm thấy công lao của họ đối với chế độ trở nên vô nghĩa.

Nhờ vào những nỗ lực của Nhà nước phát triển Hàn Quốc vì mục tiêu xây dựng một thể chế và thực hiện các chính sách công nghiệp mà Hàn Quốc đạt được những thành công về kinh tế và cũng chính những thành công này là bằng chứng thể hiện lời hứa của Chính phủ về tăng trưởng và quản lý nền kinh tế một cách toàn diện.

Một phần của tài liệu Huyền thoại sông Hàn (1962-1980) và những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam (KL06700) (Trang 69)