Nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu Huyền thoại sông Hàn (1962-1980) và những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam (KL06700) (Trang 67 - 69)

Nhân tố đóng góp vào sự phát triển thần kỳ của Hàn Quốc trong những thập niên vừa qua không thể không nói đến đặc điểm và sự đầu tư phát triển nguồn nhân lực. Yếu tố này được xem như nền tảng tạo nên thành công của Hàn Quốc. Nhiều chuyên gia đều thừa nhận rằng người Hàn Quốc cần cù, chịu khó, ham học hỏi và có lòng tự hào dân tộc cao. Người Hàn Quốc không chỉ làm việc nhiều giờ mà họ còn làm việc với tinh thần nỗ lực cao. Thông thường ở Hàn Quốc làm việc 60 giờ một tuần. Nếu so với Nhật Bản thì số giờ làm việc của người Hàn Quốc vẫn cao hơn. Chẳng hạn vào năm 1987, người Hàn Quốc làm 2832 giờ trong 1 năm thì người Nhật là 2160 giờ, người Mỹ là 1898 giờ. Người Hàn Quốc cùng với tinh thần tập thể trong công việc vì mục tiêu chung, thì đối với mỗi con người sự nỗ lực, cố gắng vươn lên so với chính bản thân mình được xem là những yếu tố rất quan trọng tạo nên sức sống, sức cạnh tranh của mỗi xí nghiệp cũng như của nền kinh tế [3; 104-105]. Allen Patric - đại diện công ty Ford Motor ở Seoul đã nói rằng: “Tôi đã làm việc ở Brasil, Mexico và châu Âu, nhưng không ở đâu tôi thấy người dân làm việc siêng năng như người Hàn Quốc. Ngay người Nhật cũng trở thành lười nếu so sánh với họ”[16; 249].

Để phát triển nguồn nhân lực, ngoài việc phát triển giáo dục với những trọng tâm phù hợp trong mỗi giai đoạn, nhà nước đã đảm bảo mức gia tăng dân số thích hợp, bảo vệ sức khỏe cho tầng lớp dân cư cũng như nâng cao mức thu nhập cho họ. Kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực ở Hàn Quốc cho thấy, chính phủ đã có những chính sách cụ thể toàn diện để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

63

Trong phát triển giáo dục, người Hàn Quốc rất coi trọng học vấn. Đối với những người tốt nghiệp đại học sau khi ra trường, họ có mức lương cao gấp 3 lần những người chỉ tốt nghiệp trung học phổ thông. Yếu tố coi trọng học vấn xuất phát từ truyền thống văn hóa lâu đời. Trong xã hội Hàn Quốc, học vấn gắn liền với quyền lực và thu nhập. Họ học để làm quan, để làm giàu. Ngay khi kết thúc cuộc nội chiến, Hàn Quốc đã coi trọng đầu tư cho giáo dục. Từ năm 1953 đến 1963, tỷ lệ người biết chữ tăng lên trên 2,7 lần, từ 30% đến 80%. Vào giữa những năm 1960 so với các quốc gia có mức thu nhập tương ứng thì ở Hàn Quốc chỉ số văn hóa của nguồn nhân lực cao hơn gấp 3 lần. Đến thập niên 80 của thế kỉ trước, Hàn Quốc đạt chỉ số người biết chữ là 90%. Kết quả này có nhiều lý do: một phần được thừa hưởng từ chế độ thuộc địa và từ sự viện trợ của Mỹ, tác dụng giải phóng của cuộc cách mạng ruộng đất, truyền thống hiếu học. Mặt khác, còn do sự quan tâm đầu tư của gia đình và xã hội [3; 105]. Trong những năm 1950 - 1960, 2/3 chi phí giáo dục là do gia đình đảm nhận. Cùng với sự phát triển kinh tế, mức quan tâm đầu tư của chính phủ cũng gia tăng. Những năm 1960, chi phí giáo dục chiếm 9 - 10% tổng ngân sách nhà nước, những năm 1970 là 17% và những năm 1980 là 21 - 25% [13; 248].

Ở Hàn Quốc cùng với xây dựng chiến lược phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của mình, họ còn xây dựng chiến lược khoa học kỹ thuật phù hợp theo các giai đoạn phát triển kinh tế. Chất lượng nguồn nhân lực cao là cơ sở cho phép Hàn Quốc đẩy nhanh sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng trí tuệ hóa, cho phép Hàn Quốc rút ngắn tiến trình hiện đại hóa nền kinh tế mà các quốc gia Tây Âu trước đây mất hàng trăm năm.

Nói đến thành công của Hàn Quốc, ngoài những yếu tố nội lực cơ bản nêu trên, không thể phủ nhận những đóng góp của yếu tố bên ngoài, trong đó có sự trợ giúp của Mỹ, là môi trường kinh tế những thập niên sau chiến tranh cho phép Hàn Quốc áp dụng thành chiến lược hướng ngoại như Nhật Bản,

64

Đài Loan,… song cái làm nên kỳ tích sông Hàn, cơ bản vẫn xuất phát từ sự khai thác nội lực thông qua chiến lược, chính sách phát triển phù hợp với điều kiện của Hàn Quốc.

Một phần của tài liệu Huyền thoại sông Hàn (1962-1980) và những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam (KL06700) (Trang 67 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)