Phương pháp quản lý bền vững dựa vào hệ sinh thái và cộng đồng

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tiếp cận sinh thái nhân văn vào đánh giá tính bền vững của việc phát triển nuôi tôm tại vùng nuôi tập trung ven biển huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định (Trang 59)

Theo Đặng Kim Sơn, 2004, xã hội bị điều khiển, quản lý bởi cơ chế thị trường, nhà nước, cộng đồng, dựa trên ba hoạt động là định danh, thông tin và thưởng phạt. Nhiều loại tài nguyên thiên nhiên thuộc loại sở hữu chung, nên thường phải đối mặt với vấn đề quản lý không hiệu quả, do “cha chung không ai khóc”, dẫn đến “Bi kịch tài sản chung”. Bi kịch tài sản chung xảy ra khi tài nguyên sở hữu chung chỉ có thể cung cấp một nguồn lợi hữu hạn, nhưng do quyền truy cập sử dụng và hạn mức sử dụng nguồn lợi trong mỗi lần truy cập không bị (hoặc không thể) giới hạn, nên khi nhiều người truy cập khai thác tự do thì tổng lợi ích ròng thu được sẽ nhỏ hơn so với cơ hội đạt được nếu họ phối hợp hành động cùng nhau, hoặc tài nguyên sẽ bị cạn kiệt.

Theo Lê Trọng Cúc, 1998, Smith R.D., Maltby E., 2003, thì tiếp cận hệ sinh thái là một chiến lược quản lý tổng hợp tài nguyên đất, nước, sinh vật nhằm tạo ra sự cân bằng hợp lý giữa bảo tồn và sử dụng tài nguyên, giảm ảnh hưởng tiêu cực lên đa dạng sinh học. Nguyên tắc cơ bản của quản lý theo tiếp cận hệ sinh thái là: Khai thác phù hợp quy luật tự nhiên, trong giới hạn khả năng của hệ và duy trì cấu trúc

62

chức năng của hệ sinh thái; Kiểm soát được ngoại ứng xấu hiện tại và tương lai; Huy động sự tham gia của mọi tầng lớp xã hội, sử dụng khôn ngoan, sáng tạo mọi nguồn tri thức khoa học và dân gian; Thực hiện phân cấp rõ ràng đến cấp trực tiếp quản lý hệ sinh thái để khai thác mềm dẻo và hợp lý tài nguyên. Quản lý dựa vào hệ sinh thái đòi hỏi có sự hiểu biết sâu sắc hệ sinh thái, xác định được ngưỡng tác động, ngưỡng khai thác tối ưu mà không gây hại cho hệ sinh thái, nhận biết được dấu hiệu cảnh báo để có thể dừng tác động đúng lúc, nhằm tránh tác động vào những thời điểm nhạy cảm của chu trình tăng trưởng và phát triển của hệ sinh thái. Do vậy quản lý dựa vào hệ sinh thái dễ đạt được hiệu quả nhất khi nó được thực hiện bởi cộng đồng bản địa, những chủ nhân đích thực của hệ thống [8, 11, 14, 16, 39, 44, 83, 88, 94, 102].

Quản lí tài nguyên môi trường dựa vào hệ sinh thái và cộng đồng là loại phương pháp cổ truyền có giá trị, từng đã có thời bị xem nhẹ. Hiện hàng loạt các ví dụ có thực về sự quản lý hiệu quả an toàn bền vững tài sản sở hữu chung bằng thiết chế cộng đồng đang được phát hiện và phát huy, trở thành minh chứng tốt nhất về giá trị của phương pháp này và sự cần thiết phải phổ cập nó. Đỉnh điểm của sự đề cao phương pháp quản lý dựa vào cộng đồng là việc trao giải Nobel kinh tế năm 2009 cho Elinor Ostrom với công trình nghiên cứu công bố năm 1990 liên quan đến lý thuyết này. Giải Nobel cho “Phương pháp quản lý tài nguyên sở hữu chung dựa vào cộng đồng” là một sự vinh danh phương pháp này, đồng thời cũng là cách nhân loại thể hiện những nghi ngờ đối với thể chế quản lý thị trường tự do dựa vào “bàn tay vô hình”, là cái thể chế mà những khiếm khuyết của nó đã góp phần làm nảy sinh cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đầy bi ai cuối thập niên 2000.

Theo Elinor Ostrom, 1990, Lê Thị Vân Huệ, 2004, Lê Trọng Cúc, 2007, nguyên tắc khai thác sử dụng hiệu quả tài nguyên sở hữu chung là:

i. Xác lập ranh giới và quyền sở hữu tài nguyên rõ ràng, để loại trừ bên ngoài xâm nhập khai thác trái phép, đảm bảo cho cộng đồng quyền tự quản được xã hội công nhận, tôn trọng, được phép hoạt động độc lập, không bị bên ngoài kiểm soát, chi phối, áp đặt.

63

ii. Có quy tắc sử dụng tài nguyên đơn giản công bằng, không gây lãng phí thời gian, đảm bảo có lợi về kinh tế, trên cơ sở hiểu biết về tài nguyên và hiểu rõ hậu quả của những cách thức sử dụng khác nhau. Có cơ chế thích nghi nội tại đơn giản, không tốn kém, để thích ứng, điều chỉnh được cách sử dụng tài nguyên theo những thay đổi của hệ thống, giám sát được các diễn biến xảy ra để có thể lựa chọn nên hay không tạo ra những thay đổi lớn hơn. Có cách giải quyết xung đột lợi ích đơn giản, công bằng, hiệu quả, ít tốn kém, trên cơ sở cân đối được sự phù hợp giữa nhu cầu cá nhân với khả năng cung cấp và điều kiện địa phương. iii. Các đồng sở hữu xác lập được vị trí danh dự và trật tự rõ ràng trong cộng đồng,

có đủ lòng tin và sự tôn trọng nhau tới mức để cùng tin vào tương lai và có nỗ lực duy trì trật tự vốn có. Trong số những yếu tố liên kết các cá nhân với nhau thành một khối thống nhất, có thể có vai trò đáng kể của tín ngưỡng truyền thống, quan hệ gắn bó đặc biệt trong quá khứ, sự cùng chia sẻ và phụ thuộc vào những lợi ích nhất định.

iv. Có cơ chế đảm bảo hầu hết các cá nhân được tham gia vào quá trình ra quyết định, xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân trong việc duy trì tài nguyên tương ứng với lợi ích mà họ hưởng. Cơ chế giám sát phải hiệu quả, do chính các thành viên thực hiện, hay thông qua một cá nhân được ủy quyền và có nghĩa vụ giải trình trước cộng đồng... Đảm bảo đạt được sự tuân thủ quy tắc chủ yếu dựa trên sức ép của sự đe dọa về sức mạnh của giám sát, hay tâm lý e ngại bị phát hiện. Trừng phạt nên ở mức tối thiểu có thể, để tránh phá vỡ tinh thần hợp tác. Đối với một tài nguyên chung lớn, phải tổ chức phân cấp hệ thống thành nhiều cấp hệ thống nhỏ hơn lồng vào nhau, trong đó mỗi đơn vị tài nguyên đã phân cấp có quy mô đủ nhỏ để đảm bảo cơ chế tự quản cộng đồng thực hiện được chức năng của mình bên trong nó.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tiếp cận sinh thái nhân văn vào đánh giá tính bền vững của việc phát triển nuôi tôm tại vùng nuôi tập trung ven biển huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định (Trang 59)