Khái niệm phát triển bền vững

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tiếp cận sinh thái nhân văn vào đánh giá tính bền vững của việc phát triển nuôi tôm tại vùng nuôi tập trung ven biển huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định (Trang 29)

Điểm khởi đầu của cuộc cách mạng về tư duy trong phát triển bền vững được gắn với sự ra đời của “Chiến lược bảo tồn thế giới” do Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế xuất bản năm 1980 [108]. Văn kiện này nhấn mạnh rằng "Nhân loại đã đến lúc phải đối mặt với sự giới hạn về tài nguyên, sức tải sinh thái và phải tính đến nhu cầu của các thế hệ tương lai". Định nghĩa phát triển bền vững hiện được sử dụng và trích dẫn nhiều nhất là định nghĩa được phát biểu lần đầu tiên vào năm 1987 trong báo cáo Tương lai chung của chúng ta: “Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng những nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm ảnh hưởng đến khả năng của thế hệ tương lai đáp ứng nhu cầu của họ”.

Nếu như câu chữ làm nên định nghĩa phát triển bền vững là điều ít phải bàn luận thêm, thì nội dung của nó lại chứa đựng nhiều điều chưa được thống nhất. Luật bảo vệ môi trường Việt Nam định nghĩa phát triển bền vững là sự tiến hành đồng thời ba lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường. Chương trình nghị sự 21 và bộ chỉ thị đánh giá phát triển bền vững của Liên hợp quốc (UN CSD) mô tả và đánh giá phát triển bền vững theo mô hình tứ diện của Spangenberg, J., 2002, gồm bốn lĩnh vực là kinh tế, xã hội, môi trường và thể chế. Thể chế vừa là một lĩnh vực, vừa đóng vai trò điều khiển, dẫn dắt ba lĩnh vực còn lại phát triển bền vững [104].

Phát triển bền vững hiện tại bị giới hạn bởi sự hữu hạn của tài nguyên thiên nhiên, cũng như sự hạn chế liên quan đến khả năng của công nghệ và thể chế trong việc sử dụng tài nguyên và môi trường để đáp ứng các nhu cầu của con người. Ấn phẩm “Những giới hạn của sự tăng trưởng” do câu lạc bộ Rome công bố năm 1973 đã chỉ rõ tăng trưởng dân số, công nghiệp hoá, gia tăng tiêu thụ tài nguyên không đúng cách là những nguyên nhân gây suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường và sẽ dẫn đến khủng hoảng kinh tế, do đó cần phải kiểm soát các giới hạn này [90]. Phát triển bền vững chỉ có thể đạt được khi “Các nguồn lực công nghệ, khoa học, môi trường, kinh tế xã hội được tái sắp xếp theo một cách thức mới”. Tuy nhiên,

32

những thăng trầm khó tiên đoán của phát triển kinh tế sau đó, với những thành tựu tăng trưởng không tương quan rõ nét với tài nguyên, cùng với mối nghi ngại vô tình hoặc có chủ đích về tính thuyết phục của mô hình tính giới hạn tăng trưởng, đã làm cho các cảnh báo về giới hạn tăng trưởng bị sao nhãng. Chỉ khi hiện thực phát triển có thể cung cấp được nhiều bằng chứng hơn và khoa học tìm được những cơ sở chắc chắn hơn, thì tính đúng đắn của vấn đề giới hạn tăng trưởng mới lại tiếp tục được khẳng định. Graham Turner, 2008 đã chỉ ra được sự phù hợp giữa ô nhiễm thực tế trong hơn ba mươi năm gần đây với những dự đoán trong báo cáo.

Khái niệm phát triển bền vững tự thân nó là một thách thức đối với xã hội loài người. Bởi nó không phải là công thức phát triển, không phải là đích đến của phát triển, mà là hệ nguyên tắc đạo đức mới của phát triển. Đó là nguyên tắc đạo đức về thúc đẩy sự hòa hợp giữa nhân loại và thiên nhiên, đảm bảo tác động của sự phát triển không vượt quá khả năng chịu đựng của trái đất. Điều này được thể hiện rõ trong cuốn “Cứu lấy trái đất - Chiến lược cho một cuộc sống bền vững” [66] và trong các hoạt động bảo vệ sinh quyển của Chương trình Con người và Sinh quyển.

Phát triển công bằng trong cùng một thế hệ có nghĩa là phải xóa bỏ sự phân hóa chất lượng cuộc sống, đảm bảo cơ hội và điều kiện phát triển, quyền được lựa chọn, được hưởng các phúc lợi sinh thái, xã hội. Công bằng trong một thế hệ dành ưu tiên đặc biệt cho nhu cầu của người nghèo, xóa bỏ nghèo nàn, phổ cập giáo dục, chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu cho tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ, người thiểu số, đảm bảo quyền và cơ hội được tiếp cận với các tài nguyên phục vụ phát triển, quyền được lựa chọn ra quyết định và hưởng phúc lợi của quá trình phát triển.

Công bằng giữa các thế hệ là một khái niệm đa nghĩa và trìu tượng. Trường phái quan điểm cứng rắn và tuyệt đối cho rằng tương lai phải được thừa kế một môi trường không xấu hơn và tài nguyên không kém sẵn có hơn so với những gì hiện tại được thừa kế từ các bậc tiền bối. Trường phái quan điểm tương đối cho rằng sự suy giảm tài nguyên thiên nhiên không phục hồi là tất yếu và có thể được đánh đổi bằng vốn do con người tạo ra, vì từ góc độ kinh tế, các nguồn vốn này có thể tạo ra dòng thu nhập thay thế cho giảm thu nhập từ sự suy giảm tài nguyên thiên nhiên. Do vậy

33

không cần bảo toàn nguyên trạng tài nguyên một cách máy móc, mà cần tái đầu tư vào vốn con người và vật chất nhân tạo. Đây chính là tiếp cận lựa chọn khả thi có thể giúp phát triển bền vững đúng cách. Mô hình phát triển tuyến tính của W.W. Rostow, 1960, xác định mức đầu tư bằng 10% GDP là điều kiện để cất cánh trong tăng trưởng. Những quá trình phát triển thiên về tăng trưởng kinh tế, lạm dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp, gia tăng tiêu thụ tài nguyên đã gây ra hàng loạt vấn đề môi trường địa phương và toàn cầu, cản trở phát triển bền vững.

Hội nghị thượng đỉnh môi trường đầu tiên tại Stockholm năm 1972, có chủ đề là “Con người và Môi trường”, đã mở đầu cho một định hướng nghiên cứu phát triển theo kiểu mới ít gây tác động xấu đến môi trường hơn. Rào cản phát triển, do khan hiếm tài nguyên địa phương, vốn vẫn hiện hữu trong lịch sử nhân loại, từng được giải quyết bằng cách nhập khẩu tài nguyên, di cư, hoặc phát triển công nghệ… Chính vì thế nhân loại đã quá chủ quan với mối đe dọa thiếu hụt tài nguyên có thể giới hạn phát triển quy mô toàn cầu, và vẫn lạc quan thúc đẩy sự phát triển không bền vững của mình. Tuy nhiên, theo thời gian, sự khan hiếm tài nguyên toàn cầu và mặt trái của khoa học công nghệ đang trở thành rào cản cho sự phát triển kiểu này.

Phát triển bền vững kinh tế được kiểm soát trong năm lĩnh vực là: tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu, nợ công và thanh khoản, mô hình tiêu thụ và thải bỏ, năng lượng và giao thông. Phát triển bền vững xã hội quan tâm đến kiểm soát dân số, an toàn và chất lượng cuộc sống, phát triển vốn con người qua giáo dục, đảm bảo bình đẳng, công bằng. Phát triển bền vững về môi trường có mục tiêu nhằm bảo vệ chất lượng môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, phát triển trong phạm vi khả năng chịu đựng của trái đất.

Phát triển là quá trình không ngừng cải thiện chất lượng cuộc sống, tăng cường sự thịnh vượng và nâng cao năng lực đáp ứng các nhu cầu ngày càng tăng của xã hội loài người. Phát triển tốt hàm nghĩa làm tăng tài sản cơ bản và sản phẩm, tăng quyền cho người nghèo thiểu số, quản lý giảm thiểu rủi ro, nắm bắt triển vọng phát triển lâu dài với sự quan tâm đến công bằng trong cùng và giữa các thế hệ.

34

Chiến lược phát triển hài hòa với thiên nhiên và trong khả năng chịu đựng của môi trường sinh thái là nguyên tắc sống truyền thống của nhiều dân tộc, cộng đồng địa phương. Bằng cách đó họ đã tạo ra được kho tàng tri thức bản địa phong phú làm nền tảng cho phát triển lâu bền. Tuy nhiên tri thức bản địa hoàn toàn mang tính kinh nghiệm và không có nền tảng khoa học lý thuyết hỗ trợ, nên đã có thời bị xem là lạc hậu, chưa được quan tâm nghiên cứu đúng mức và tạo điều kiện phát huy [14, 37, 87]. Tri thức bản địa đang có nguy cơ đang ngày càng mai một theo sự suy giảm đa dạng văn hóa và tuyệt chủng của các ngôn ngữ dân tộc không có chữ viết. Sự hài hòa mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên sẽ được thực hiện dễ dàng nhất và biểu hiện dễ nhận thấy nhất trong các hệ sinh thái nhân văn quy mô nhỏ, nơi con người hiểu rõ hơn thiên nhiên quanh mình, hiểu rõ hơn những biến động bất thường của nó khi chịu tác động nhân sinh và có thể tự điều chỉnh một cách nhanh chóng, phù hợp. Chính vì thế nhu cầu phát triển bền vững trong những năm gần đây đã thúc đẩy việc mở ra một giai đoạn mới trong sự phát triển của sinh thái nhân văn, khai sinh những chương trình hành động theo nguyên tắc “tư duy toàn cầu, hành động địa phương”. Đáng kể nhất trong đó là Hội nghị Quốc tế về Môi trường và Phát triển, Chương trình Con người và Sinh quyển… Các chương trình này đều kêu gọi hướng đến tiếp cận tổng hợp liên ngành để giải quyết những vấn đề phức tạp trong mối quan hệ giữa con người và môi trường, cải thiện mối quan hệ này trên cơ sở sử dụng hợp lý và bảo vệ tài nguyên sinh quyển. Mạng lưới khu dự trữ sinh quyển quốc tế (được khai sinh từ năm 1974), là những khu vực sinh thái có vai trò thúc đẩy các giải pháp điều hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học với khai thác sử dụng bền vững, kết hợp phát triển kinh tế với duy trì giá trị văn hoá, phục vụ nghiên cứu và giáo dục đào tạo... Có thể nói sinh thái nhân văn là cơ sở cho nhiều tiếp cận quản lý bền vững hệ thống đang được áp dụng, như quản lý dựa vào hệ sinh thái, quản lý dựa vào cộng đồng… Nếu như quản lý dựa vào hệ sinh thái đặt nền tảng cơ sở vào sự tôn trọng các nguyên lý sinh thái, thì quản lý dựa vào cộng đồng chủ yếu khai thác các giá trị của thể chế cộng đồng và tri thức bản địa.

35

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tiếp cận sinh thái nhân văn vào đánh giá tính bền vững của việc phát triển nuôi tôm tại vùng nuôi tập trung ven biển huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định (Trang 29)