Đánh giá phát triển bền vững

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tiếp cận sinh thái nhân văn vào đánh giá tính bền vững của việc phát triển nuôi tôm tại vùng nuôi tập trung ven biển huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định (Trang 33)

Phát triển bản thân nó là một quá trình thay đổi trong những mốc ngắn hạn nhất định, và không thể xác định được một đích cuối cùng cụ thể. Phát triển bền vững cần thiết phải đạt được ở tất cả các cấp quy mô, từ khu vực cho đến toàn cầu. Nếu phát triển bền vững chỉ đạt được trong từng khu vực, thì sự bền vững địa phương đó sẽ không thể là ổn định vững chắc, khi xung quanh còn đang phát triển không bền vững. Phát triển bền vững phải hướng đến đảm bảo rằng sự phồn vinh mà thế hệ hiện tại đạt được không thể được đánh đổi bằng tổn thất của thế hệ tương lai. Do vậy đánh giá phát triển bền vững có thể thực hiện bằng cách so sánh mức độ phát triển theo mục tiêu kỳ vọng cho mỗi giai đoạn, hoặc so sánh với các khu vực và các chủ thể khác nhau. Theo Robert W. Kates, Thomas M. Parris and Anthony A. Leiserowitz, 2005, yếu tố cần duy trì bền vững là thiên nhiên, hệ thống hỗ trợ cuộc sống và cộng đồng con người, còn yếu tố cần phát triển là con người, kinh tế, xã hội và chu kỳ cần kiểm soát là 25 năm, tương đương một thế hệ [34].

Đánh giá phát triển bền vững được thực hiện theo cả tiếp cận truyền thống là đánh giá theo từng vấn đề, lĩnh vực riêng biệt, và theo cả tiếp cận tổng hợp đánh giá các bằng bộ chỉ tiêu và các chỉ số tổng hợp [74, 80, 81, 82, 84,85,86, 107, 109] . Hệ thống chỉ tiêu là một tập hợp đa dạng, tương đối đầy đủ các đặc trưng đại diện tốt nhất cho vấn đề nghiên cứu. Khó khăn lớn nhất khi xây dựng bộ chỉ tiêu và chỉ thị tổng hợp là phải đảm bảo được sự hợp lý, cập nhật của cơ sở khoa học, sự phù hợp với yêu cầu và đối tượng đánh giá, sự sẵn có của thông tin, sự giản đơn, dễ hiểu, dễ sử dụng của các chỉ tiêu và chỉ số. Hệ thống chỉ tiêu được xây dựng dựa trên hai nguồn thông tin chính là các dữ liệu thô, gồm toàn bộ thông tin định tính, định lượng có thể tổ chức thu thập được và các số liệu thống kê được thu thập có tính hệ thống, độ lặp lại theo quy phạm, định kỳ, hoặc kết quả điều tra, tổng điều tra. Thông tin được cấu trúc theo mô hình kim tự tháp, càng lên cao thì các chỉ tiêu càng được tinh lọc để giảm bớt về số lượng, nhưng vẫn đảm bảo tính đại diện. Cấu trúc một chỉ số trong nghiên cứu này được áp dụng theo “Dự thảo lần ba Bộ chỉ thị đánh giá tính bền vững về tài nguyên và môi trường” của Bộ Tài nguyên và Môi

36

trường” và có cấp độ tổ chức thông tin chính quy mô khái quát tăng dần như sau: Số liệu thống kê là toàn bộ số liệu có tính hệ thống và lặp lại theo quy phạm, được tổng cục thống kê, cơ quan có thẩm quyền thống kê theo định kỳ, hoặc theo các cuộc điều tra, tổng điều tra. Chỉ tiêu là các thông tin tính được từ số liệu thống kê, thể hiện hướng thay đổi, hay trạng thái của đối tượng nghiên cứu. Bộ chỉ tiêu là những nhóm chỉ tiêu được tập hợp cùng nhau, liên quan với nhau theo nhiều chiều. Chỉ số là độ đo tổng hợp ở mức cao, được tính từ các chỉ tiêu và bộ chỉ tiêu.

Mục tiêu của việc xây dựng hệ thống chỉ tiêu phát triển bền vững là nhằm tăng cường sự hiểu biết về tính bền vững và các thành phần liên quan đến phát triển bền vững; Hỗ trợ ra quyết định một cách hệ thống, toàn diện, kịp thời...; Chỉ đạo làm sáng tỏ những phát hiện và lưu ý về hướng dẫn, kiểm tra hoạt động hướng tới mục tiêu trong các giai đoạn triển khai quá trình phát triển; Tạo ra ngôn ngữ chung để trao đổi, so sánh xác định các điểm giống nhau, khác nhau, ưu điểm, nhược điểm, giải quyết mâu thuẫn và xây dựng sự đồng thuận.

Tiêu chuẩn chính để lựa chọn bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển bền vững là chúng phải rõ ràng về khái niệm và tính đại diện, dễ hiểu, dễ sử dụng, dễ phổ biến nhân rộng, có tính khả thi, dễ đánh giá trong khuôn khổ năng lực hiện có, có chi phí hợp lí, có chất lượng, minh bạch và có thể kiểm chứng, phù hợp với truyền thống địa phương, thông lệ, tiêu chuẩn quốc tế, thích hợp với ưu tiên phát triển bền vững quốc gia, có liên quan rõ ràng và bao phủ được toàn bộ lĩnh vực cần đánh giá, chú trọng các chỉ tiêu có thể lượng hoá, có cả chỉ tiêu trạng thái và chỉ tiêu mục đích, đảm bảo tính cân đối của bộ chỉ tiêu, tính thống nhất chính xác của đơn vị tính chỉ tiêu. Bộ chỉ tiêu phát triển bền vững là công cụ chung để giúp chính phủ các nước cung cấp thông tin theo thông lệ quốc tế. Quá trình sử dụng rộng rãi các chỉ tiêu này sẽ giúp làm tăng tính tương thích của thông tin ở cấp độ quốc tế.

Đánh giá phát triển bền vững bằng chỉ số có ý nghĩa quan trọng, vì nó tạo ra khả năng so sánh định lượng mức độ phát triển giữa các đối tượng nghiên cứu với nhau. Các bộ chỉ thị địa phương có đặc điểm là chỉ tiêu đánh giá thường phản ánh sát thực điều kiện tại chỗ, nên dẫn đến nhược điểm là khó áp dụng cho các khu vực

37

khác. Mặt khác các bộ chỉ thị do các cá nhân tự xây dựng thường rất khó được công nhận toàn cầu. Bộ chỉ tiêu quốc tê có ưu điểm là được công nhận toàn cầu, các chỉ tiêu và chỉ số có cơ sở khoa học rõ ràng, có tính khái quát cao, nhưng có nhược điểm là không dễ dàng phù hợp với mọi điều kiện địa phương khác nhau, đặc biệt là khi nhiều quốc gia và địa phương thiếu cơ sở dữ liệu đáp ứng cho việc thực hiện tính toán. Mặc dù vậy, việc xây dựng và thử nghiệm các bộ chỉ thị đánh giá phát triển bền vững áp dụng toàn cầu vẫn có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Thứ nhất là nó tạo cơ sở cho việc đánh giá phát triển bền vững theo một khuôn khổ thống nhất. Thứ hai là nó tạo ra một áp lực cho các địa phương hoàn thiện cơ sở dữ liệu đáp ứng cho quá trình đánh giá phát triển bền vững. Những bộ chỉ số đánh giá phát triển bền vững đã được thử nghiệm quy mô toàn cầu gồm có:

i. Bộ chỉ thị của Hội đồng phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (gọi tắt là UN CSD, 2001), là bộ chỉ thị mục tiêu, dùng để so sánh mức độ phát triển bền vững giữa các đổi tượng nghiên cứu. Bộ chỉ thị đánh giá phát triển bền vững theo 4 lĩnh vực chính, là môi trường, kinh tế, xã hội và thể chế, sử dụng 38 chủ đề nhánh có liên hệ với các chương của Chương trình nghị sự 21. Lĩnh vực môi trường đánh giá các quyển trái đất, gồm 1- Khí quyển, 2- Đất, 3- Đại dương, biển, ven bờ, 4- Nước ngọt, 5- Đa dạng sinh học. Lĩnh vực xã hội đánh giá: 1- Dân số, 2- Công bằng, 3- Giáo dục, 4- An toàn, 5- Sức khỏe và nhà ở. Lĩnh vực kinh tế đánh giá: 1- Mức độ phát triển, mô hình thương mại tài chính, 2- Cán cân thương mại dịch vụ, 3- Nợ nước ngoài, 4- Mô hình tiêu thụ vật chất, năng lượng, giao thông, 5- Mô hình thải. Lĩnh vực năng lực thể chế đánh giá: 1- Thực hiện Chương trình nghị sự quốc tế 21, 2- Hợp tác quốc tế (công ước), 3- Tiếp cận thông tin, 4- Phòng chống thảm họa, 5- Đầu tư khoa học công nghệ. Đây là bộ chỉ tiêu mẫu cho các quốc gia xây dựng bộ chỉ thị riêng cho mình.

ii. Bộ chỉ tiêu của “Tám mục tiêu thiên niên kỷ”. Trong ngắn hạn, đến 2010 - 2020 Liên Hợp Quốc đã đặt ra 18 mục tiêu đích và 48 chỉ thị để kiểm soát việc thực hiện phát triển bền vững. Vì thế các mục tiêu thiên niên kỷ đã trở thành bộ chỉ tiêu hữu hiệu phục vụ đánh giá phát triển bền vững.

38

iii. Bộ chỉ tiêu sử dụng trong “Báo cáo phát triển con người” hàng năm, gồm các chỉ thị đơn theo mục tiêu thiên niên kỷ, các chỉ thị đơn liên quan đến nhân khẩu học, giới, nguồn lực, y tế, giáo dục, dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, sức khỏe toàn cầu, sáng tạo công nghệ, thành tựu kinh tế, bất bình đẳng, cơ cấu thương mại, viện trợ, chi tiêu công, thất nghiệp, năng lượng, môi trường, phát thải cac bon, tình hình thực hiện công ước quốc tế về môi trường và quyền con người, tỵ nạn và trang bị vũ khí, tội phạm và công lý. Bốn chỉ số tổng hợp là chỉ số phát triển con người, nghèo tổng hợp, phát triển giới và quyền lực giới [60]. iv. Bộ chỉ số đánh giá bền vững môi trường ESI và hiệu quả môi trường EPI của

Daniel C. Esty và những người khác [80, 81]. Bộ chỉ số bền vững môi trường ESI thuộc loại chỉ số mục tiêu, được thiết kế với 76 biến số, chia thành 21 chỉ thị thuộc 5 lĩnh vực là: Hệ thống môi trường; Giảm áp lực môi trường; Giảm rủi ro, thiệt hại cho con người; Năng lực thể chế của con người và Quản lí môi trường toàn cầu. Văn phòng phát triển bền vững thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã dựa vào bộ chỉ số này để xây dựng “Dự thảo Bộ chỉ thị đánh giá tính bền vững về tài nguyên và môi trường”. Các tác giả Ngô Thị Thu Hiền, Hoàng Xuân Cơ, Nguyễn Thị Phương Loan, 2011, đã thử nghiệm áp dụng để đánh giá phát triển bền vững về môi trường cho một số tỉnh thành phố của Việt Nam. Sau năm 2005 bộ chỉ số ESI được cải tiến thành bộ chỉ số hiệu quả môi trường EPI, với cải tiến quan trọng nhất là chuyển các chỉ số mục tiêu sang thành chỉ tiêu đích.

v. Dấu chân sinh thái của Mathis Wackernagel và William E. Rees: Dấu chân sinh thái là tổng diện tích các hệ sinh thái cần thiết để sản xuất lượng tài nguyên tái tạo (gồm lương thực, gỗ củi, thực phẩm thủy sinh và gia súc chăn thả, đất xây dựng và diện tích rừng cần để đồng hóa lượng các bon phát thải nhân sinh) do một cộng đồng sử dụng và thải ra. Mức tiêu thụ sinh thái được xem là bền vững khi dấu chân sinh thái của cộng đồng không vượt quá sức tải sinh thái, là tổng diện tích có thể tạo ra sáu loại sản phẩm sinh học nêu trên mà cộng đồng đó sở hữu. Dấu chân sinh thái và sức tải sinh thái được tính cho các quốc gia và công bố trong “Báo cáo hành tinh sống” xuất bản từ năm 1998 [89] đến nay vào các

39

năm chẵn. Tác giả cùng cộng sự đã có thử nghiệm tính dấu chân sinh thái cho Việt Nam và công bố trong báo cáo “Một số kết quả nghiên cứu đánh giá sự sử dụng bền vững tài nguyên sinh vật và phát triển bền vững bằng công cụ dấu chân sinh thái và thước đo bền vững BS (Barometer of Sustainability).”

vi. Chỉ số thịnh vượng WI của Robert Prescott-Allen [80, 81, 82, 84, 85, 86, 98]. Chỉ số thịnh vượng WI được cấu tạo từ hai chỉ số thành phần là chỉ số thịnh vượng sinh thái EWI và chỉ số thịnh vượng nhân văn HWI. Chỉ số HWI được xác định từ 38 chỉ tiêu thuộc 10 chỉ thị nằm trong 5 lĩnh vực (dân số, kinh tế, tri thức, an ninh dân chủ và bình đẳng). Chỉ số EWI được tính từ 50 chỉ tiêu thuộc 10 chỉ thị nằm trong 5 lĩnh vực (đất, nước, không khí, đa dạng sinh học, sử dụng tài nguyên). Mức độ thịnh vượng được gán giá trị từ 0 đến 100 điểm, được phân cấp thành 5 miền thịnh vượng có khoảng giá trị điểm như nhau là 20 điểm. Chỉ số WI đã được sử dụng để đánh giá mức độ phát triển bền vững của 180 quốc gia trên thế giới vào năm 2001 và được thử nghiệm trong nghiên cứu này.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tiếp cận sinh thái nhân văn vào đánh giá tính bền vững của việc phát triển nuôi tôm tại vùng nuôi tập trung ven biển huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định (Trang 33)