Đánh giá nhanh nông thôn là hệ phương pháp điều tra nông thôn định tính và bán định lượng, dựa trên năng lực của nhóm chuyên gia nghiên cứu đa ngành, sử dụng các kỹ thuật khác nhau như phỏng vấn, điều tra bằng phiếu, quan sát, điều tra có sự tham gia... [1, 24, 43, 67]. Trong nghiên cứu này, kỹ thuật chính được sử dụng là kế thừa, quan sát, phỏng vấn không chính thức, bán chính thức và bảng hỏi. Kỹ thuật chọn mẫu, thu thập xử lý thông tin được áp dụng theo Leah Bunce and Bob Pomeroy, 2002. Để thực hiện nghiên cứu của mình, tác giả đã kế thừa các kết quả nghiên cứu của các đề tài và công trình đã được tổng hợp trong chương 1, đặc biệt là kết quả nghiên cứu của các tác giả Hoàng Xuân Cơ, 2002, Nguyễn Đình Hòe, 2002, Phạm Bình Quyền, 2003, Lê Diên Dực, 2004, Lê Thị Vân Huệ, 2004, Phan Nguyên Hồng, 2007, Đinh Đức Trường, 2009… để làm nguồn thông tin và số liệu minh họa cho các luận điểm của mình.
Nghiên cứu thực địa đã thực hiện bằng hai loại bảng hỏi. Bảng hỏi phục vụ điều tra và tính toán theo mô hình ASI đã được tác giả của mô hình chuẩn hóa. Trong nghiên cứu này, việc điều tra bằng bảng hỏi của mô hình ASI được thực hiện tại bốn vùng nuôi tập trung là nông trường Rạng Đông, xã Nam Điền, Đông Nam Điền và Tây Nam Điền (danh sách người được phỏng vấn xem phụ lục bảng 9,10,11,12). Mỗi vùng đã phát ra năm mươi phiếu, thu về được trên dưới ba mươi phiếu có kết quả. Để nghiên cứu mức độ sẵn sàng chuẩn bị đáp ứng với biến đổi khí hậu, tác giả đã thực hiện việc điều tra bằng phiếu đối với trên 100 người dân trong toàn bộ vùng ven biển (danh sách người được phỏng vấn xem phụ lục bảng 5).
Phỏng vấn bán chính thức được tiến hành với các chủ đầm nuôi theo phương pháp ngẫu nhiên, thực hiện phỏng vấn riêng, hoặc phỏng vấn nhóm tại các điểm điền phiếu điều tra phục vụ tính toán theo mô hình ASI, điểm lấy mẫu hóa lý đất nước để phân tích trong phòng thí nghiệm... Việc phỏng vấn được thực hiện tại đầm, đối tượng được phỏng vấn rất đa dạng, gồm các chủ đầm nuôi nhỏ, cán bộ kỹ thuật của các công ty, đầm nuôi lớn, người làm công… Ngoài ra còn có phỏng vấn
58
các cán bộ phòng thủy sản, lãnh đạo ủy ban nhân dân địa phương, đồn biên phòng 100, các chủ đầm nuôi có hiệu quả nhất… Nội dung phỏng vấn tập trung vào các câu hỏi liên quan đến chi phí lợi ích của nghề nuôi tôm, kỹ thuật nuôi và xử lí môi trường đầm nuôi, các tổn thất nuôi thường gặp, mâu thuẫn xung đột lợi ích liên quan đến các tài nguyên sử dụng chung như nguồn nước, rừng ngập mặn…
Nghiên cứu đã sử dụng kỹ thuật phân tích SWOT, phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức để đánh giá khả năng áp dụng các mô hình nuôi tôm tại Nghĩa Hưng. Việc thu thập ý kiến cộng đồng trong nhận diện những yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động nuôi tôm và mức độ tác động của nó đến nghề nuôi được nghiên cứu bằng kỹ thuật VENN trong nhóm chủ đầm nuôi. Sử dụng các bìa màu có kích cỡ khác nhau để phản ánh mức độ quan trọng của yếu tố tác động đến hoạt động nuôi tôm, cỡ bìa càng lớn thì mức độ quan trọng càng cao. Đặt người nuôi tôm ở vị trí trung tâm, các chủ đầm được hướng dẫn sắp xếp các tấm bìa đã chọn theo mức độ liên quan trực tiếp giữa yếu tố ảnh hưởng với hoạt động nuôi, nghĩa là nếu mức độ liên quan càng ít thì tấm bìa được xếp càng cách xa vị trí chủ đầm ở trung tâm. Trong quá trình thực hiện kỹ thuật VENN các chủ đầm đã có những trao đổi bàn bạc với nhau để đi đến thống nhất vị trí lựa chọn xếp các tấm bìa cũng như kích cỡ của mỗi tấm bìa biểu thị tầm quan trọng của yếu tố ảnh hưởng.