Đánh giá tính công bằng của hệ thống

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tiếp cận sinh thái nhân văn vào đánh giá tính bền vững của việc phát triển nuôi tôm tại vùng nuôi tập trung ven biển huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định (Trang 115)

b) Các mô hình nuôi tôm sú

3.1.4.5. Đánh giá tính công bằng của hệ thống

Tính công bằng được đánh giá theo mức độ phân phối công bằng cho con người các lợi ích của hệ sinh thái trong chuỗi giá trị sản phẩm, sản lượng, lợi tức, tài nguyên… trong vùng ven biển huyện Nghĩa Hưng. Dưới đây sẽ lần lượt xem xét mức độ phân phối công bằng liên quan đến từng loại lợi ích của hệ thống.

Thứ nhất là công bằng trong hưởng lợi từ tài nguyên bãi triều, loại tài nguyên vốn là tài sản chung, ai cũng có quyền tiếp cận khai thác. Những năm đầu 2000, theo Phạm Bình Quyền (2003), vùng bãi triều hàng ngày thu hút từ 600 đến 1.500 người khai thác, với trị giá ngày công 40.000 - 70.000 đồng/ngày. Việc giao khoán vùng bãi triều giàu nguồn lợi sinh vật nhất ở ngoài Đông Nam Điền cho nuôi ngao, cùng với việc quai đê lấn biển làm đầm nuôi thủy sản tại các vùng cây ngập mặn gần bờ và tại Cồn Xanh, đã làm cho vùng bãi triều công thu hẹp diện tích và lùi xa khỏi đất liền, việc làm của người khai thác bãi triều trở nên khó khăn hơn. Từ năm 2006, số người khai thác trung bình chỉ còn 300 lượt người/ngày, trị giá ngày công trung bình còn 40.000 đồng/ngày. Người dân phải đi bộ hoặc xe đạp, đi thuyền rất xa ra rìa ngoài vùng Cồn Trời để khai thác, thời gian mỗi lượt đi không dưới 1 giờ.

Thứ hai là công bằng trong hưởng lợi từ chính sách đầu tư của Nhà nước. Theo Quyết định số 773 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ, trong các dự án phát triển nông nghiệp, nhà nước đầu tư đắp đê, xây kênh cấp III nối với trục tưới tiêu, công trình giao thông nội vùng, trạm xá, trường cấp I, giếng nước, trại giống, trồng rừng phòng hộ... Ở Nghĩa Hưng các chính sách này được thực hiện khá tốt. Xuất đầu tư cho thủy lợi những năm 1990 của dự án nuôi công nghiệp Đông Nam Điền là

118

40 triệu đồng/ha. Trại giống công suất 60-100 triệu con, đầu tư năm 2002 có tổng kinh phí 2,659 tỷ đồng. Đối tượng được hưởng lợi trực tiếp là các chủ đầm nuôi và mức độ hưởng lợi tỷ lệ thuận với diện tích nhận khoán. Sáu công ty nhận khoán đầm nuôi công nghiệp, được nhận diện tích lớn ở Ðông Nam Ðiền với thời hạn thuê đất 20 năm, được hưởng lợi nhiều hơn cả. Họ cũng không phải chịu bất kỳ ràng buộc trách nhiệm nào trong việc nuôi đúng mô hình đăng kí, nên có chủ đầm đã chia nhỏ sang nhượng cho người khác nuôi quảng canh cải tiến, nuôi cá, bỏ hóa, mà không bị ai cản trở. Trong khi đó xuất đất nhận thầu của mỗi hộ cá thể ở vùng trong đê chỉ có 1,5 - 2ha, ở xã Nam Điền dưới 1ha, ở Cồn Xanh khoảng 3ha, với thời hạn thuê đất 3-5 năm. Khi thời hạn đấu thầu ngắn và diện tích được thuê quá nhỏ, chủ đầm sẽ không đầu tư xây dựng ao nuôi đúng kỹ thuật và kiên cố, không hướng đến nuôi công nghiệp hoặc bán thâm canh. Đất bãi mới khai hoang đưa vào nuôi tôm sú những năm 1990 cho năng suất rất cao (bà con gọi là đất đỏ), do đó giá đấu thầu đất bị đẩy cao một cách phi lý. Giá bỏ thầu đất đầm trước năm 2000 là 1 - 3 triệu đồng/ha/năm, 3 - 9 triệu đồng/ha/năm những năm 2004 - 2006, kết quả sau đó nhiều chủ đầm đã phải lao đao, thậm chí sang nhượng đầm vì thua lỗ. Theo chúng tôi mức đấu thầu đất (gồm thuế sử dụng đất và địa tô) chỉ nên tính với giá khởi điểm bằng 5% doanh thu trung bình của đầm nuôi theo mô hình bán thâm canh, tính cho năm năm 2006 là 2,1 triệuđồng/ha/năm.

Thứ ba là công bằng trong quyền được chọn sinh kế để phát triển. Khi thực hiện dự án cải tạo vùng trồng lúa thành nuôi tôm, nếu người trồng lúa bị cưỡng bức phải chuyển nghề, trong khi họ không muốn, không có tri thức nghề và không có vốn, như ở xã Nam Điền, thì sẽ dễ gặp sự chống đối chuyển đổi. Chính vì vậy dự án chuyển đổi đất lúa sang tôm ở Nam Điền diễn biến rất chậm. Để khắc phục bất cập này, nông trường Rạng Đông đã thực hiện một cơ chế mềm dẻo, cho phép người không muốn chuyển đổi được trả đất trong khu nuôi tôm để nhận đất trồng lúa ở nơi khác; Còn người có ruộng lúa ở nơi khác có thể trả lại đất lúa, để đổi lấy quyền được nhận thầu đất đầm tôm theo tiềm lực vốn, nhu cầu và sức lao động của hộ. Giải pháp này đáp ứng được nhu cầu của mọi người, nên chuyển đổi đã thành công.

119

Thứ tư là chất lượng cuộc sống tại các điểm dân cư được khai sinh kèm với vùng nuôi mới mở, như an sinh xã hội, hạ tầng cơ sở... là đáng báo động, do nó được đầu tư chưa đồng bộ, chưa có trường học, hệ thống thu gom rác thải nước thải không có và an ninh không đảm bảo. Trong khi đó, nhiều chủ đầm trẻ đã nhượng lại đất trồng lúa, bán nhà trong làng để ra ở hẳn ngoài đầm tôm, mang theo cả con nhỏ.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tiếp cận sinh thái nhân văn vào đánh giá tính bền vững của việc phát triển nuôi tôm tại vùng nuôi tập trung ven biển huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định (Trang 115)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(187 trang)