Nam Định.
Vùng ven biển huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, là vùng đất ngập nước từng có hệ thống rừng ngập mặn khá phát triển, có giá trị đa dạng sinh học cao và là vùng di trú quan trọng của chim di cư.
Để phục vụ cho hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển kinh tế và nuôi tôm, hàng loạt các công trình nghiên cứu về Nghĩa Hưng đã được thực hiện. Những nghiên cứu chính mà tác giả đã tiếp cận được gồm có: Đề tài “Nghiên cứu đánh giá tổng hợp các điều kiện tự nhiên vùng ven biển Nghĩa Hưng” do Trung tâm Địa lý Tài nguyên Viện Khoa học Việt Nam thực hiện năm 1989-1990. Dự án “Đánh giá môi trường trong nuôi trồng thủy sản ven biển Việt Nam và đề xuất các giải pháp quản lý” do Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản thực hiện năm 2002. Dự án “Xây dựng mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, quản lý các hệ sinh thái nhạy cảm dựa vào cộng đồng tại vùng cửa sông ven biển Nghĩa Hưng, Nam Định” do Cục Bảo vệ Môi trường và Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và
40
Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện năm 2003, do Lê Thanh Bình chủ trì. Đề tài nghiên cứu “Cơ sở khoa học sử dụng hợp lý vùng bãi bồi ven biển huyện Nghĩa Hưng” do Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản thực hiện năm 2004. Đề tài “Đánh giá hiện trạng quản lý sử dụng tài nguyên sinh học vùng cửa sông ven biển huyện Nghĩa Hưng, Nam Định và đề xuất giải pháp phát triển bền vững dựa vào cộng đồng” do Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Hỗ trợ nghiên cứu châu Á, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện năm 2004, do Lê Diên Dực chủ trì. Năm 2005, Cục Bảo vệ Môi trường đã thực hiện báo cáo “Tổng quan hiện trạng đất ngập nước Việt Nam sau 15 năm thực hiện công ước Ramsar”. Chương trình Birdlife quốc tế tại Việt Nam đã thực hiện báo cáo “Bảo tồn các vùng đất ngập nước trọng yếu ở đồng bằng Bắc Bộ” năm 1996 và “Bảo tồn các vùng đất ngập nước trọng yếu ở đồng bằng Bắc Bộ: Đánh giá lại các vùng chim quan trọng sau mười năm” năm 2006. Dự án quản lý tổng hợp vùng ven biển Việt Nam - Hà Lan đã được triển khai tại tỉnh Nam Định giai đoạn 2000 - 2006 [2, 3, 4, 12, 15, 22, 28, 29, 31, 32, 33, 36, 43, 46, 48, 61, 64, 106].
Kết quả nghiên cứu của Chương trình Birdlife quốc tế tại Việt Nam năm 1996 và 2006 đã định lượng được sự suy thoái vùng đất ngập nước ven biển huyện Nghĩa Hưng, trong vai trò là điểm dừng chân của chim di cư, với một thực trạng đáng buồn. Kết quả này phản ánh đúng thực trạng khai thác của địa phương là đang nghiêng mạnh về trọng tâm kinh tế hơn là bảo tồn.
Một trong những kết quả quý giá nhất trong các nghiên cứu nêu trên là sự mô tả các giá trị đa dạng sinh học trong các giai đoạn khác nhau, với những mức độ chi tiết khác nhau, khá đầy đủ nhưng tản mát và các kiến nghị đề xuất quy hoạch, tổ chức không gian phục vụ phát triển kinh tế và bảo tồn tài nguyên sinh học. Các kết quả nghiên cứu này được tác giả kế thừa, sử dụng trong mục 3.1.1 chương 3 để phân tích các đặc điểm hệ sinh thái của vùng nghiên cứu. Những thông tin kế thừa sử dụng đều có chỉ dẫn đến tác giả và công trình nghiên cứu, trong đó đáng chú ý nhất là công trình của Lê Diên Dực, 2004, Nguyễn Chu Hồi, 2004, Nguyễn Xuân
41
Dục, 1993, Phan Nguyên Hồng, 1999, Hoàng Văn Thắng, 2002, do vậy trong phần này tác giả xin được phép không đi sâu vào phân tích tổng quan về chúng.
Nguồn lợi sinh vật ở đây bao gồm rừng ngập mặn, chim di cư, đa dạng động vật thủy sinh, giá trị nguồn lợi con giống, sản phẩm đánh bắt mò móc, thu nhặt, đăng đó, cào lưới..., được nghiên cứu và định giá trong các công trình của Phạm Bình Quyền, 2003, và trong “Tổng quan hiện trạng đất ngập nước Việt Nam sau 15 năm thực hiện công ước RAMSAR” [64] được tác giả kế thừa, phân tích trong chương 3. Vùng đất ngập nước ven biển huyện Nghĩa Hưng có nguồn lợi kinh tế quan trọng. Năm 2004, một số tác giả [64] đã ước tính được giá trị tổng nguồn lợi kinh tế vùng đất ngập nước ven biển cửa sông Đáy bằng 12,02 - 12,93 triệu đồng/ha, trong đó nguồn lợi từ gỗ là 0,11 - 0,11 triệu đồng/ha, từ củi là 0,07 - 0,08 triệu đồng/ha, từ nuôi thủy sản là 10,56 - 11,26 triệu đồng/ha, từ đánh bắt thủy sản là 1,26 - 1,45 triệu đồng/ha, từ cây làm thuốc là 0,01 - 0,02 triệu đồng/ha, từ du lịch là 0,01 - 0,02 triệu đồng/ha. Giá trị ổn định vi khí hậu, cải thiện chất lượng môi trường khí, nước và bảo vệ bờ biển, hạn chế nước dâng, tính được cho vùng cửa sông Ba Lạt, Thái Bình năm 2004. Giá trị nguồn lợi hữu hình được ước tính đạt 15,1 - 16,4 triệu đồng/ha.
Các kết quả nghiên cứu định giá tài nguyên thiên nhiên, xác định chi phí cơ hội của đất trong những công trình trên có chung một hạn chế là coi giá thành của các sản vật thu được từ các nguồn tài nguyên trên là được sinh ra từ duy nhất các tài nguyên đó, mà không tính đến các đầu vào khác trong quá trình khai thác, do vậy các giá trị này đều thiên cao. Hạn chế này sẽ được tác giả đề xuất tiếp cận khắc phục theo phương pháp do Ngân hàng thế giới đề xuất.
Theo kết quả nghiên cứu thì vùng ven biển huyện Nghĩa Hưng có quá trình bồi tụ tiến ra biển theo kiểu lấn tiến, hình thành trên nền sụt chìm được đền bù bồi tích, mở rộng theo chiều ngang mạnh hơn theo chiều cao [2]. Truyền thống biển lùi trong một giai đoạn lịch sử kéo dài đã có dấu hiệu giảm tốc độ và bị đe dọa bởi tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nguy cơ này chưa được cảnh báo đầy đủ, nên chưa tạo ra được sự thay đổi trong nhận thức và hành động tại địa phương. Riêng
42
khu vực đê Nghĩa Phúc nằm trong vùng thiếu hụt bồi tích, đồng thời phải chịu tác động mạnh của sóng do gió mùa Đông Bắc, sóng do bão… nên nguy cơ biển lấn, đê vỡ là rất cao, đe dọa phát triển kinh tế vùng trong đê quốc gia. Những nỗ lực trồng cây ngập mặn để nuôi bãi bồi và bảo vệ đê hầu như không đạt kết quả. Hậu quả của cơn bão số 7 năm 2005 đã khẳng định tính đúng đắn của các kết quả nghiên cứu này. Hiện địa phương đang triển khai nhiều giải pháp công trình để bẫy phù sa nuôi bãi và tăng cường bảo vệ vùng bờ.
Mô hình kinh tế hộ gia đình nuôi tôm được mô tả khá kỹ lưỡng, chỉ ra được những ưu nhược điểm và đề xuất mô hình khắc phục trong công trình của Phạm Bình Quyền, 2003. Theo đó, hạch toán chi phí lợi ích của việc nuôi tôm tại nông trường Rạng Đông sẽ có giá trị âm nếu mở rộng tính chi phí cơ hội của đất và vốn. Việc chuyển đổi đất lúa sang nuôi tôm đã làm nảy sinh những bất ổn do xung đột lợi ích giữa trồng lúa và nuôi tôm, mất an toàn lương thực do thất thu trong nghề nuôi. Để đảm bảo an toàn lương thực, Phạm Bình Quyền, 2003, đã đề xuất mô hình kinh tế hộ gia đình với hai nghề, trong đó nuôi tôm được xem là nghề chính để làm giàu, nhưng phải phát triển kèm với trồng lúa để cung cấp lương thực. Theo tác giả, đây là một đề xuất khó hiện thực trong xu thế phát triển vùng nuôi tập trung, chuyên canh. Sự tồn tại của những vùng xen canh lúa tôm sẽ gây ra xung đột lợi ích giữa hai nhóm đối tượng có nhu cầu hoàn toàn khác nhau về chất lượng nguồn nước, nhất là độ mặn. Do vậy cần thiết phải nghiên cứu những giải pháp khả thi hơn.
Các nghiên cứu trong giai đoạn trước đây đã đánh giá được thực trạng môi trường và tiềm năng tài nguyên vùng bãi bồi, xác định động thái, đặc trưng sinh thái và kinh tế xã hội vùng, làm cơ sở cho các kiến nghị phục vụ định hướng quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản, diêm nghiệp, phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái ven biển. Kết quả là đã xác định các đối tượng nuôi thích nghi là tôm sú, các bớp, tôm thẻ chân trắng, cá rô phi và mô hình vùng nuôi thủy sản bền vững. Từ kết quả nghiên cứu này địa phương đã xây dựng Chương trình phát triển kinh tế biển thời kỳ 2001-2005 của tỉnh Nam Định, Quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản tỉnh Nam Định đến năm 2010 - 2015, Quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản huyện
43
Nghĩa Hưng đến năm 2010 - 2015. Địa phương cũng đã xây dựng và triển khai hàng loạt các dự án quai đê lấn biển, chuyển đổi đất lúa thành vùng nuôi tôm tập trung.
Quy hoạch sử dụng bền vững tài nguyên vùng trong các công trình nghiên cứu trên đều thống nhất đề xuất thiết lập vùng nuôi nước lợ tập trung giới hạn bên trong đê quốc gia, mà không mở rộng ra ngoài Cồn Xanh, để dành thảm thực vật ngập mặn ngoài đê cho mục tiêu bảo tồn đất ngập nước. Mặt khác, các nghiên cứu đã chỉ ra được rằng tốc độ bồi cao trong khu vực giảm đáng kể khi bãi nổi cao trên 2,5m, do đó chỉ nên quai đê khi bãi triều đạt đến độ cao này, để tận dụng tối đa khả năng nâng cao địa hình bằng bồi đắp tự nhiên, giảm chi phí đắp cao và tăng độ bền nền móng. Theo Hoàng Xuân Cơ, 2002, vùng nuôi tôm sú mở sâu về phía lục địa quá 2km sẽ không cho hiệu quả kinh tế. Do vậy, ngoại trừ tại các vùng ven sông có đầm nuôi nước lợ ăn sâu vào lục địa, gồm các xã Nghĩa Thắng, Nghĩa Lợi, quy hoạch vùng nuôi tập trung được Hoàng Văn Thắng và nnk, 2003, đề xuất giới hạn phía lục địa là các vùng nằm sát chân đê Rạng Đông, bao gồm vùng nuôi trong đê thuộc nông trường Rạng Đông, xã Nam Điền và Đông Nam Điền. Tuy nhiên, kiến nghị có cơ sở khoa học này đã không được địa phương tiếp thu. Vùng Cồn Xanh đã triển khai dự án quai đê lấn biển xây dựng vùng nuôi thủy sản tập trung. Hệ quả của việc khai thác các vùng đất này không dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học sẽ được phân tích trong nghiên cứu của tác giả.
Những công trình khoa học, nghiên cứu triển khai giai đoạn trước đây, có giá trị rất lớn, nhưng do thực hiện vào những thời điểm khác nhau, mỗi công trình đề cập tới một vấn đề nhất định, nên thông tin còn tản mát, đa phần mới chỉ dừng lại ở việc mô tả. Những đề xuất liên quan đến việc bảo tồn đa dạng sinh học kết hợp với khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên chưa được địa phương đón nhận và ứng dụng. Sự phát triển các hoạt động kinh tế nói chung và nghề nuôi tôm sú nói riêng chưa có đủ cơ sở khoa học để đạt được sự ổn định và phát triển bền vững như kỳ vọng, biểu hiện rõ nét trong sự suy giảm năng suất và sản lượng, thất thu do bệnh dịch, giảm thu nhập của người dân... Việc nghiên cứu để đánh giá mức độ phát triển bền vững nghề nuôi tôm nói riêng và nuôi trồng thủy sản nói chung cho vùng
44
một cách khách quan, định lượng, lý giải nguyên nhân và tìm kiếm giải pháp đang được đặt ra cấp bách. Tuy nhiên, trong các công trình nghiên cứu đã được đề cập ở trên, chưa có tác giả nào thực hiện đánh giá phát triển bền vững vùng nuôi theo các chỉ số hay bộ chỉ thị. Xuất phát từ nguyên nhân đó, đề tài “Nghiên cứu sinh thái nhân văn vào đánh giá tính bền vững của việc phát triển nuôi tôm tại vùng nuôi tôm tập trung ven biển huyện Nghĩa Hưng tỉnh Nam Định” đã được lựa chọn.
Tóm tắt chương 1
Từ những nghiên cứu tổng quan nói trên có thể rút ra một số điểm đáng chú ý, định hướng cho các nghiên cứu trong chương 3 như sau:
1. Sinh thái nhân văn là một khoa học xuyên ngành, nghiên cứu động lực quá trình tương tác giữa hệ xã hội và hệ sinh thái trong hệ sinh thái nhân văn và các hệ quả của chúng. Sinh thái nhân văn hiện được đánh giá cao trong tiếp cận nghiên cứu phục vụ phát triển bền vững, quản lý tài nguyên sở hữu cộng đồng. Tiếp cận nghiên cứu sinh thái nhân văn hướng đến nghiên cứu hệ sinh thái nhân văn như một thể thống nhất, trên cơ sở xem xét các đặc trưng và tính nổi trội của hệ sinh thái và hệ nhân văn, cách thức hai hệ thống tác động tương hỗ để đạt đến đồng thích nghi, đồng tiến hóa, hiệu quả và bền vững. Đánh giá phát triển bền vững hệ sinh thái nhân văn cần được tiếp cận nghiên cứu theo hướng đánh giá tính bền vững của hai hệ thành phần là hệ xã hội và sinh thái.
2. Nghiên cứu phục vụ hài hòa phát triển với bảo tồn và thực hiện bảo tồn đa dạng sinh học dựa vào cộng đồng ở Nghĩa Hưng đã thu được nhiều kết quả lý luận nhờ vào sự quan tâm của các nhà quản lý, khoa học và các cơ quan nghiên cứu khác nhau. Kết quả nghiên cứu đã được đưa vào thực tiễn phát triển như thế nào đang là một vấn đề cần nghiên cứu. Đồng thời cũng nảy sinh nhu cầu đánh giá tính bền vững của sự phát triển hiện nay và phát hiện, điều chỉnh cách thức phát triển nuôi trồng thủy sản địa phương để đảm bảo thực hiện phát triển bền vững.
45
CHƯƠNG 2