- Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng quận thành khu vực phòng thủ vững chắc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội;
2.3. Đánh giá thực trạng
Qua khảo sát, phân tích thực trạng đội ngũ GV TPT Đội trên địa bàn quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng, tác giả rút ra được những thành công và hạn chế sau:
2.3.1. Ưu điểm
- Dựa theo những quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của Luật Giáo dục, Phòng Giáo dục quận Ngô Quyền phối hợp với Hội đồng Đội quận dưới sự chỉ đạo của UBND quận đã thực hiện việc quản lý phát triển đội ngũ GV TPT Đội trên địa bàn là khá đồng bộ, có hệ thống và đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng hoạt động công tác Đội và phong trào thiếu nhi trong trường học trên địa bàn quận Ngô Quyền nói riêng và trong thành phố Hải Phòng nói chung.
- Những chính sách trong sử dụng, đãi ngộ, đào tạo và bồi dưỡng của hiệu trưởng các trường, của phòng Giáo dục và của Hội đồng Đội quận Ngô Quyền cũng như những chính sách chung của nhà nước tuy còn hạn chế song một phần nào đó đã tạo điều kiện, động viên, khuyến khích đội ngũ GV TPT Đội yên tâm công tác, gắn bó với nghề và hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công đảm nhiệm.
2.3.2. Hạn chế
- Cơ sở vật chất các trường học trên địa bàn tuy đã được đầu tư và đã được cải thiện. Song so với yêu cầu thực tế, yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục, yêu cầu của công tác Đội trong tình hình mới và xây dựng trường chuẩn
quốc gia thì hiện tại vẫn còn một số trường vẫn chưa đảm bảo, còn khó khăn cần được sự quan tâm, đầu tư hơn nữa của các cấp, các ngành.
- Mặc dù đã có cơ chế phân cấp quản lý trong tuyển dụng, sử dụng, tiếp nhận, thuyên chuyển đội ngũ GV TPT Đội nhưng việc phân cấp này chưa triệt để, còn dùng dằng giữa Hội đồng Đội và Phòng Giáo dục cùng với các trường học. Do vậy trong những năm qua, công tác này còn nhiều bất cập. Các trường chưa chủ động trong việc xây dựng kế hoạch chiến lược và dự báo về nhu cầu phát triển dẫn đến bị động trong kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và tuyển dụng. Việc tuyển dụng, thuyên chuyển, bố trí và sử dụng đội ngũ GV TPT Đội chưa gắn bó chặt chẽ với nhau dẫn đến tình trạng vừa thừa, vừa thiếu trong cơ cấu đội ngũ.
- Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tự bồi dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định và nâng cao chất lượng đội ngũ GV TPT Đội nhằm nâng cao chất lượng công tác Đội và phong trào thiếu nhi trong nhà trường, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Tuy nhiên, hình thức đào tạo bồi dưỡng lại chưa đa dạng, chưa thực sự mang lại hiệu quả. Ý thức tự học, tự bồi dưỡng trong một bộ phận đội ngũ GV TPT Đội còn hạn chế.
- Chất lượng đội ngũ GV TPT Đội còn chưa đồng đều, phần lớn có phẩm chất chính trị, động cơ phấn đấu tốt, có đủ năng lực nhưng vẫn còn một bộ phận giáo viên hạn chế về chuyên môn, chưa đáp ứng được nhu cầu của công tác Đội trong tình hình mới. Chính vì vậy việc đổi mới phương pháp giảng dạy và tổ chức hoạt động Đội, rèn luyện kỹ năng, phương pháp tư duy độc lập sáng tạo, phát huy tính tích cực chủ động sáng tạo của học sinh của nhiều giáo viên còn hạn chế. Điều này cũng phản ánh kỹ năng sư phạm, kỹ năng tổ chức hoạt động và tập hợp học sinh của giáo viên chưa ngang tầm với yêu cầu.
- Công tác đánh giá, xếp loại GV TPT Đội của hiệu trưởng các trường, của Hội đồng Đội quận và thanh tra viên chưa thật chính xác, khoa học, đều tay, còn né tránh, nể nang, còn tình trạng đánh giá cao hơn so với thực tế. Cần áp dụng và sử dụng hợp lý và hiệu quả theo chuẩn đánh giá giáo viên TPT Đội trong trường học.