II. CÁC NGUYÊN TẮC HƯỚNG NGHIỆP TRONG TRƯỜNG PHỐ THÔNG
5. Đảm bảo tính hoạt động thực tiễn trong hướng nghiệp nhằm phát triển hứng thú, năng lực và sở trường
nghiệp nhằm phát triển hứng thú, năng lực và sở trường nghề nghiệp của học sinh
Bản chất của nguyên tắc này là chuẩn bị sự thích ứng cần thiết cho học sinh đi vào tiếp thu tri thức, kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp một cách thuận lợi dễ dàng nhất thông qua các hoạt động cụ thể. Sự chuẩn bị này là đa dạng, dưới nhiều hình thức, song có thể bao gồm các nội dung chính : hoạt động lĩnh hội tri thức nghề nghiệp (thông qua các môn khoa học cơ bản, các môn lao động thủ công, kỹ thuật nông nghiệp, kỹ thuật công nghiệp, thông qua các kênh nghe nhìn của thông tin đại chúng đã được đặt trong kế hoạch học tập) ; hoạt động lĩnh hội kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp (thông qua các hoạt động nghề nghiệp cụ thể trong xưởng trường, vườn trường, các doanh nghiệp tư nhân và nhà nước, các trung tâm dạy nghề,
v.v...) ; hoạt động lĩnh hội mối quan hệ đạo đức, nhân cách nghề nghiệp (được biểu hiện trong khi triển khai 2 dạng hoạt
động nêu trên).
Nguyên tắc này là sự biểu hiện cụ thể các chức năng giáo dục và chức năng xã hội của hướng nghiệp về mặt giáo dục, đó là việc hình thành các phẩm chất tâm lý, nhân cách nghề thông qua hoạt động thực tiễn có tính đến trình độ phát triển trí tuệ và thể lực của học sinh. Những hoạt động thích
ứng nghề nếu được sắp xếp theo một hệ thống khoa học, có chọn lọc và gia công sư phạm sẽ là những tác nhân mạnh đối với quá trình hình thành và phát triển năng lực sở trường, hứng thú nghề của học sinh. Về mặt xã hội, đó là việc chuẩn bị cho đất nước một lực lượng lao động dự trữ có năng lực nghề nghiệp thực thụ để khi lực lượng này bước vào các trường nghề, họ sẽ mau chóng thích ứng tay nghề và các mối
quan hệ xã hội có tính nghề nghiệp. Lực lượng dự trữ này càng nhanh chóng tiếp cận nghề bao nhiêu thì xã hội càng có
điều kiện vươn lên nhanh chóng trên cơ sở có hiệu quả về chất lượng, tiết kiệm thời gian đào tạo bấy nhiêu. Thực tế công tác
đào tạo của các nước phát triển đã cho ta thấy rằng, nếu nhà trường chuẩn bị cho học sinh bước vào đời sống xã hội càng sát thực tiễn bao nhiêu thì năng suất và hiệu quả càng cao bấy nhiêu.
Nguyên tắc này đặt ra vấn đề chuẩn bị cho học sinh điều kiện và môi trường hoạt động thực tiễn. Một mình nhà trường khó có thể thực hiện được việc tạo dựng môi trường hoạt động nghề cho học sinh, song nếu có sự liên kết giữa trường và các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp sản xuất và các tổ chức xã hội khác dựa vào cha mẹ học sinh tạo dựng mối quan hệ gắn bó giữa nhà trường với thực tiễn xã hội, chắc chắn chúng ta có thể thực hiện được những đòi hỏi của nguyên tắc này.