Công tác quản lý thuế đối với DN CBTS trong những năm vừa qua nói chung đã đạt nhiều mặt tích cực. Đó là sự nổ lực, là kết quả của cả DN nói chung, DN hoạt động trong lĩnh vực CBTS nói riêng và của cả hệ thống ngành thuế trên địa bàn tỉnh.
- Công tác tuyên truyền hỗ trợ NNT
CQT đẩy mạnh và nâng cao công tác tuyên truyền hỗ trợ NNT, triển khai đồng bộ nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú như: thực hiện các chuyên mục về thuế trên đài PTTH Khánh Hòa, Báo Khánh Hòa, một số báo đài trung ương
và địa phương khác, tư vấn trực tiếp, trả lời văn bản, tổ chức đối thoại với DN hàng năm, đăng tải thông tin tuyên truyền về thuế trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, tổ chức hội nghị tuyên dương các DN tiêu biểu hàng năm và nhiều đợt tập huấn chính sách pháp luật thuế cho tổ chức, cá nhân, DN...
Không ngừng hoàn thiện cơ sở vật chất và nhân lực, đảm bảo sự phục vụ tốt nhất cho công tác tiếp nhận hồ sơ của NNT, giải quyết các hồ sơ, thủ tục thuế đảm bảo đúng thời hạn đúng quy trình theo luật định.
- Công tác kê khai thuế kế toán thuế
Việc khai thuế của các DN đã có chuyển biến tích cực. 90% DN đã lựa chọn hình thức kê khai qua mạng nên số lượng nộp chậm tờ khai giảm đáng kể. Công tác theo dõi tờ khai, theo dõi nghĩa vụ thuế và đôn đốc thu nộp được thực hiện ngày càng chuyên môn hóa, báo cáo hàng tháng được thực hiện theo tiêu chuẩn quy trình hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2008, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn, do đó tránh được sai sót nhầm lẫn, hướng dẫn DN kê khai điều chỉnh kịp thời.
Năm 2012, ngành thuế tiếp tục triển khai đề án “Hiện đại hóa quy trình quản lý thu nộp thuế giữa cơ quan Thuế - Kho bạc Nhà nước - Hải quan - Tài chính giai đoạn 2", chuyển đổi mô hình trao đổi thông tin của ngành thuế theo hướng tập trung tại cấp Tổng Cục Thuế. Cục thuế trực tiếp kết nối với Tổng Cục Thuế, Tổng Cục Thuế kết nối với Trung tâm Trao đổi Trung ương để phân cấp và truyền dữ liệu tới cấp Cục Thuế và Chi cục Thuế thông qua bảng kê chứng từ điện tử gắn chữ ký số của Kho bạc. Đây là bước cải cách hành chính theo hướng đơn giản, nhanh chóng, công chức thuế không phải mất thời gian sang Kho bạc để lấy bảng kê chứng từ mà chỉ cần ngồi tại nơi làm việc truy cập hệ thống mạng và tải bảng kê chứng từ có gắn chữ ký số trên trang web. Từ đó, giúp cho việc hạch toán số thu, đối chiếu điều chỉnh chứng từ thuận tiện và chính xác, hỗ công tác chỉ đạo, điều hành thu thuế dễ dàng hơn.
- Công tác hoàn thuế
Quy trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế là một trong những mối quan tâm hàng đầu của lãnh đạo Cục Thuế. Thủ tục giải quyết hồ sơ luôn được thực hiện nhanh chóng, đúng thời hạn, đúng quy trình. Hiện nay một hồ sơ hoàn thuế thông thường
được CQT giải quyết trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đến khi ban hành quyết định hoàn thuế (theo Luật quy định là 6 ngày làm việc), do đó đã hỗ trợ rất nhiều cho DN trong việc xoay vòng vốn để phát triển sản xuất kinh doanh. Những hồ sơ chưa đầy đủ thủ tục hoặc chưa hợp lệ đều được CQT hướng dẫn DN kê khai bổ sung đầy đủ, kịp thời hoặc có thông báo giải trình cụ thể lý do không hoàn thuế cho DN trong trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện hoàn.
Bên cạnh đó, ngành thuế cũng chú trọng đến công tác đào tạo, công chức bộ phận hoàn thuế luôn được tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, triển khai cập nhật chính sách mới. Công chức có tinh thần trách nhiệm, thấm nhuần tuyên ngôn của ngành, thực thi công vụ đúng pháp luật, đúng quy định, không gây phiền hà khó dễ cho DN.
- Công tác quản lý nợ
Theo kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chính trị hàng năm, Tổng cục Thuế không chỉ giao chỉ tiêu thu NSNN cho Cục Thuế các tỉnh mà còn có chỉ tiêu thanh tra kiểm tra, chỉ tiêu thu nợ, nợ đọng... do đó, chỉ tiêu nợ đọng không được vượt quá 5% so với tổng số thu. Với chỉ tiêu trên nếu đối chiếu với kết quả nợ thuế của các DN CBTS trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn năm 2011-2013 (bảng 2.9) ta thấy, tổng số nợ/ tổng số thu của các DN này chỉ có 2,68%, thấp hơn 5% rấ nhiều. Đây là một kết quả rất tốt thể hiện ngành thuế Khánh Hòa đã thực hiện tốt công tác quản lý nợ theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh và của ngành, có kế hoạch thu nợ rõ ràng, cụ thể, khả thi, giảm được nguy cơ nợ xấu.
- Công tác thanh tra kiểm tra
Căn cứ chỉ tiêu Tổng cục Thuế giao hàng năm, kế hoạch thanh tra kiểm tra được lập ngay từ đầu năm theo tiêu chí đánh giá phân tích rủi ro cho từng khu vực kinh tế, từng loại hình DN, từng lĩnh vực kinh doanh. Trên cơ sở đó giúp cho việc triển khai công tác thanh tra kiểm tra của CQT chính xác, tập trung vào các DN có rủi ro cao, hướng tới mục tiêu giảm thiểu các hành vi gian lận thuế, trốn thuế, giúp các DN thực thi đầy đủ nghĩa vụ kê khai thuế với Nhà nước, tránh thất thu NSNN và hoàn thành chỉ tiêu được giao.
Kết quả thanh tra kiểm tra các DN CBTS giai đoạn 2011-2013 cho thấy số cuộc thanh tra kiểm tra DN đối với lĩnh vực CBTS giảm nhưng số thu thì tăng chứng tỏ công tác thanh tra kiểm tra của ngành thuế ngày càng có chiều sâu, đi vào chất lượng, rút ngắn được thời gian thanh tra kiểm tra nhưng kết quả thu về khá tốt.