Công tác quản lý nợ đọng thuế và cưỡng chế nợ thuế là khâu cuối cùng trong hệ thống quản lý thuế, một trong những chức năng chính và cơ bản của mô hình quản lý thuế theo chức năng trong cơ chế tự khai tự nộp thuế. Khống chế tổng số thuế nợ đọng ở mức thấp hơn hoặc bằng 5% trên tổng số thu NSNN, hạn chế nợ mới phát sinh, thực hiện thu trên 80% các khoản tiển nợ thuế trên 90 ngày là mục tiêu của công tác quản lý nợ. Đối với các DN CBTS trên địa bàn tỉnh ta hiện nay tỷ lệ nợ thuế trên tổng số thu là 3.56%, có thể nói con số nợ đọng của loại hình DN này so với cả Văn phòng Cục (4,4%) là tương đối khả quan. Tuy nhiên, nếu xét trong một giai đoạn 3 năm từ 2011 đến 2013 thì tỷ lệ này có chiều hướng tăng, đồng thời số nợ khó thu chiếm tỷ lệ lớn, xấp xỉ 72% trong tổng số nợ, gần gấp 3 lần số nợ có khả năng thu. Quản lý nợ đọng thuế và kết quả đem lại từ việc đôn đốc thu nợ và cưỡng chế thuế là một phần thước đo để đánh giá và nâng cao hiệu quả của công tác khác, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra. Do đó, để đạt được các mục tiêu đề ra trong công tác quản lý nợ đối với DN CBTS thì cần thiết phải đẩy mạnh công tác quản lý nợ hơn nữa, cụ thể:
- Đẩy mạnh công tác phân loại, phân tích tình trạng nợ thuế của từng DN, từng hộ kinh doanh. Áp dụng thực hiện đúng Quy trình quản lý thu nợ thuế ban hành theo Quyết định số 1395/QĐ-CCT ngày 14/10/2011 của Tổng cục Thuế tại CQT địa phương.
- Xây dựng hệ thống đánh giá tiêu chí rủi ro, sổ tay nghiệp vụ đôn đốc thu nợ, cưỡng chế thuế, hệ thống thông tin kinh tế theo ngành, phân tích, ứng dụng thông tin từ báo cáo tài chính phục vụ cho công tác thu nợ.
- Phân công và giao chỉ tiêu thu nợ đến từng đơn vị, từng cán bộ thuế quản lý nợ và gắn kết quả thu nợ làm căn cứ bình xét thi đua.
- Tập trung mạnh mẽ lực lượng vào việc đôn đốc thu nợ đối với DN nợ thuế lớn trên 90 ngày. Tổ chức ban hành các thông báo tiền thuế nợ nhiều lần và mời đơn vị lên làm việc để đối chiếu số nợ, lập biên bản xác nhận nợ và yêu cầu DN làm cam kết thực hiện trả nợ.
- Phối hợp chặt chẽ với các phòng ban liên quan, rà soát 100% nợ đọng, phân loại đến từng NNT; thường xuyên đối chiếu nợ nhằm tránh nợ sai, nợ ảo; đối với số nợ không còn đối tượng thu (bỏ trốn, mất tích) thì lập hồ sơ trình cấp thẩm quyền khoanh hoặc xoá nợ khi có chính sách; nợ thông thường thì lập kế hoạch thu ngay: gọi điện, mời lên làm việc, thuyết phục; phát hành 100% thông báo đến đối tượng nợ để đôn đốc thu; theo sát tình hình kê khai thuế của các DN đốc kịp thời các khoản thuế mới phát sinh phải nộp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hết hạn nộp thuế, hạn chế số nợ thuế mới phát sinh.
3.2.3. Công tác chỉ đạo điều hành
- Trên cơ sở dự toán thu đã được giao và mức phấn đấu tăng thu, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện rà soát toàn bộ các nguồn thu, nhất là các khoản thu lớn, lĩnh vực có khả năng thất thu thuế để tổ chức nghiên cứu, đề ra biện pháp quản lý hữu hiệu.
- Luôn bám sát các chủ trương, chính sách của Chính phủ, các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các Chỉ thị về thực hiện nhiệm vụ thu NSNN của Bộ Tài chính. Chủ động rà soát, đánh giá để tham mưu, đề xuất với Tổng cục Thuế, Ủy ban nhân dân các giải pháp về cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ DN, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu cho NSNN trên địa bàn tỉnh nhà. Thực thi nghiêm túc, chính xác, kịp thời và công khai, minh bạch các chính sách ưu đãi về thuế, phí, lệ phí dành cho DN; tạo thuận lợi, tránh gây khó khăn, phiền hà và tạo niềm tin, sự phấn khởi, sức lan tỏa sâu rộng, góp phần giúp DN sớm hồi phục và phát triển sản xuất kinh doanh.
- Tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ công chức thuế trong quá trình thực thi công vụ, chú trọng vào những khâu có rủi ro trong lãng phí, tham nhũng nhằm phát hiện kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của Nhà nước; Đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch trong việc đầu tư, mua sắm tài sản, vật tư và chi tiêu tài chính nói chung cũng như việc tuyển dụng, đề bạt, nâng lương, khen thưởng và kỷ luật công chức.
- Tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy CQT các cấp. Tăng cường hơn nữa công tác quản lý công chức, có mối quan hệ tốt với cấp ủy, chính quyền các địa phương trong việc quy hoạch, đào tạo và bổ nhiệm công chức lãnh đạo, cũng như có biện pháp ngăn ngừa, phòng ngừa kịp thời các sai phạm của công chức. Chú trọng công tác đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực, tập trung bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu theo từng chức năng quản lý cho công chức thuế.
- Thực hiện đầy đủ quy chế làm việc của ngành, tăng cường quán triệt chủ trương, nhắc nhở công chức chấp hành nghiêm chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ, việc trả lời vướng mắc về thủ tục, chính sách thuế của CQT và người dân phải đảm bảo kịp thời, đúng hạn. Thủ trưởng CQT các cấp cần thực hiện tốt công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức cho công chức, viên chức, đẩy mạnh học tập các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
3.2.4. Công tác thanh tra kiểm tra
Đối với công tác thanh tra kiểm tra, nên tập trung vào các giải pháp cơ bản sau: