Vị trí ngành chế biến thủy sản trong nền kinh tế quốc dân

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác quản lý thuế đối với doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa (Trang 25)

Ngành Thuỷ sản Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế đất nước. Quy mô phát triển của ngành ngày càng được mở rộng và vai trò của ngành thuỷ sản cũng tăng lên không ngừng trong nền kinh tế quốc dân, góp phần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nông thôn, tham gia xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống của cộng đồng cư dân không chỉ vùng nông thôn ven biển, mà cả ở các vùng núi, trung du và Tây Nguyên.

Từ cuối thập kỷ 80 đến nay, tốc độ tăng trưởng GDP của ngành thuỷ sản cao hơn các ngành kinh tế khác và là ngành đóng góp hàng đầu cho tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Trong giai đoạn 5 năm 1995-2000, GDP của ngành đã tăng từ 6.664 tỷ đồng lên 14.906 tỷ đồng, tức là gấp 2 lần và năm 2003 ước tính đạt 24.327 tỷ

đồng (theo giá thực tế). Tỷ trọng GDP của ngành trong GDP của toàn bộ nền kinh tế năm 1990 chưa đến 3%, năm 2000 tỷ lệ đó là 4% và tỷ lệ này vẫn tiếp tục được giữ vững.8 Có thể nói đây là một ngành kinh tế mũi nhọn và có sản lượng xuất khẩu lớn của Việt Nam với sản lượng thủy sản năm 2010 ước tính tăng 37,8 % so với năm 2006, bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2006 – 2010 tăng 8,1 % (Tổng cục Thống kê, 2012). Là ngành có tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu cao nhất nước bình quân tăng 20%/ năm đưa giá trị xuất khẩu của ngành thuỷ sản trong 20 năm qua tăng hơn 100 lần, năm 2001 kim ngạch xuất khẩu đạt 1.760 triệu USD, đứng thứ 3 sau ngành xuất khẩu dầu thô và dệt may mang lại ngoại tệ cho đất nước, góp phần tăng tích luỹ cho quốc gia. Thực hiện đường lối công nghiệp hóa hiện đại hóa, ngành thủy sản đã triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu: Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản, chương trình phát triển xuất khẩu thủy sản và chủ trương phát triển khai thác xa bờ và ổn định khai thác vùng ven bờ. Cơ cấu sản phẩm của kinh tế thuỷ sản được thay đổi mạnh mẽ theo hướng tăng tỷ trọng nuôi trồng, tăng tỷ trọng sản phẩm có giá trị cao, đặc biệt là chế biến sản phẩm xuất khẩu. Sự tăng trưởng ổn định của ngành thủy sản trong giai đoạn này đã giữ vững vị thế của Việt Nam là một cường quốc thủy sản trên thế giới.

Chế biến thủy sản là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu thủy sản. Đây là lĩnh vực phát triển rất nhanh và đã tiếp cận với trình độ công nghệ và quản lý tiên tiến của khu vực và trên thế giới. Sản phẩm thủy sản xuất khẩu đảm bảo chất lượng và có tính cạnh tranh, tạo dựng được uy tín trên thị trường thế giới. Các cơ sở sản xuất không ngừng được gia tăng, đầu tư, đổi mới. Năm 1995, Việt Nam gia nhập các nước Asean và ngành thủy sản Việt Nam trở thành thành viên của tổ chức nghề cá Đông Nam Á SEAFDEC, cùng với việc mở rộng thị trường xuất khẩu đã tạo điều kiện cho ngành công nghiệp CBTS có chiều hướng phát triển tốt. Chất lượng sản phẩm thủy sản không ngừng được nâng cao do các cơ sở chế biến ngày càng hiện đại, công nghiệp tiên tiến, quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế.

8

Đến nay, theo Cục Quản lý chất lượng Nông - Lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), cả nước có 300 cơ sở CBTS và khoảng 220 nhà máy chuyên sản xuất các sản phẩm đông lạnh phục vụ xuất khẩu, có tổng công suất 200 tấn/ngày. Cũng theo thống kê của Nafiqad, tính đến thời điểm này, cả nước có 300 DN được phép xuất khẩu thủy sản sang EU, hơn 440 DN sang Hàn Quốc, hơn 440 DN sang Trung Quốc, 30 DN sang Liên bang Nga, 60 doanh nghiệp sang Brazil và gần 450 DN sang Nhật Bản. Tính đến cuối năm 2009, giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản đạt 4,2 tỷ USD.

Chiến lược đến năm 2020 đã đặt ra mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn. Ngành CBTS cũng sẽ phát huy đầy đủ vị trí, vai trò của mình, tạo động lực thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác quản lý thuế đối với doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa (Trang 25)