Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác quản lý thuế đối với doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa (Trang 110)

Giải pháp then chốt đó là phải nâng cao được trình độ, năng lực, kỹ năng nghiệp vụ của cán bộ trong toàn ngành. Với tiến trình cải cách, đến nay ngành thuế đã xây dựng được những nội dung nền tảng quan trọng, đó là cơ sở pháp lý cho cải cách, hiện đại hóa, chuyển đổi tổ chức bộ máy quản lý sang mô hình quản lý tiên tiến, hình thành được hệ thống quy trình quản lý thuế mới, triển khai nhiều ứng dụng tin học trong quản lý thuế. Nhưng để vận hành được và đi tiếp theo chiều sâu của cải cách thành công thì yếu tố con người có trình độ, năng lực là quyết định. Do đó, việc đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ có ý nghĩa rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý thuế trong giai đoạn mới và thực hiện hiệu quả chiến lược cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý thuế. Cụ thể:

- Xây dựng tiêu chuẩn cán bộ cho từng loại cán bộ thực hiện từng chức năng quản lý thuế;

- Rà soát việc phân bổ nguồn lực thực hiện các chức năng quản lý thuế toàn Cục Thuế, đánh giá phân loại công chức theo trình độ, thâm niên công tác.... Cơ cấu lại đội ngũ công chức, đảm bảo tập trung nguồn lực thực hiện các chức năng quản lý thuế chủ yếu theo hướng: cán bộ tuyên truyền hỗ trợ NNT khoảng 25%, cán bộ xử lý tờ khai và tin học khoảng 15%, cán bộ cưỡng chế thuế 10%, cán bộ thanh tra khoảng 30%, cán bộ lãnh đạo quản lý khoảng 10% và cán bộ phục vụ hậu cần khoảng 10%.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo bồi dưỡng ngắn, trung và dài hạn cho đội ngũ công chức thuế; xây dựng hệ thống chương trình và giáo trình bồi dưỡng nghiệp vụ thuế phù hợp với từng loại công chức, từng loại hình bồi dưỡng; kiện toàn đội ngũ giảng dạy chuyên trách, kiêm nhiệm đủ trình độ đảm đương công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức toàn ngành. Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức tài chính - kế toán thuế cho công chức; tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế; cử công chức tham gia các khóa bồi dưỡng

nghiệp vụ thanh tra thuế, quản lý nhà nước, lý luận chính trị, kiến thức mới về kinh tế - tài chính do Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế tổ chức.

- Thường xuyên phối hợp với cấp ủy Đảng, Công đoàn tổ chức phổ biến, giáo dục công chức trong toàn ngành thực hiện nghiêm những quy định về quy tắc, chuẩn mực ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, những tiêu chuẩn “cần xây” và những điều cần chống của ngành; quán triệt, giáo dục và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật nói chung và pháp luật về quản lý thuế nói riêng; nâng cao ý thức trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành đối với lãnh đạo CQT các cấp.

- Tập trung kiện toàn, sắp xếp lại cơ cấu bộ máy theo quy định của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế; đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sáng tạo trong toàn ngành, khuyến khích nghiên cứu, áp dụng sáng kiến cải tiến nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý thu và chống thất thu thuế; thực hiện tốt các chức năng nhiệm vụ được giao, đổi mới công tác quản lý thuế trên các lĩnh vực, góp phần đưa công tác quản lý, khai thác nguồn thu ngân sách ngày càng hiệu quả.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác quản lý thuế đối với doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa (Trang 110)