Hoàn thiện công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực:

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác quản trị nguồn nhân lực tại Nhà máy thuốc lá Khatoco Khánh Hòa (Trang 140)

- Xác định mục tiêu đào tạo cụ thể, chi tiết:

Công tác xác định mục tiêu đào tạo của Nhà máy mang tính chất chung chung. Vì vậy trong thời gian tới, đối với từng đối tượng cụ thể Nhà máy phải đề ra những mục tiêu mà họ cần phải đạt được sau mỗi khóa đào tạo. Những mục tiêu này vừa là những tiêu chí cụ thể định hướng cho việc triển khai đào tạo, vừa là căn cứ để khi kết thúc khóa đào tạo Nhà máy có thể đánh giá hiệu quả đào tạo một cách rõ ràng. Hơn nữa, khi xác định được mục tiêu rõ ràng thì học viên sẽ có động lực cố gắng để đạt được mục tiêu đó.

Tiếp tục tăng cường sử dụng đội ngũ giảng viên nội bộ trong công tác đào tạo. Tạo điều kiện và cơ hội để đội ngũ này thể hiện vai trò ứng dụng trong mảng đào tạo nội bộ. Đây là giải pháp vừa tiết kiệm chi phí vừa chủ động được điều kiện thực tế, thế nên cần phát huy tối đa.

Trong thời gian tới, thi tiêu chuẩn bậc nghề, đây là một mảng lớn. Lúc này vai trò đào tạo của đội ngũ giảng viên nội bộ là thật sự cần thiết. Do vậy phải thường xuyên cho đội ngũ giảng viên thứ cấp đi học tập bồi dưỡng để nâng cao nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng truyền đạt cũng như kiến thức ngoại ngữ để họ trực tiếp tham khảo, khai thác các tài liệu, chương trình của nước ngoài nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác giảng dạy. Phải chú ý đến chế độ thù lao, khen thưởng, bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên để họ nâng cao chất lượng giảng dạy.

- Hoàn thiện phương pháp đào tạo:

Nhà máy nên kiểm soát chặt chẽ việc thiết kế khóa học của các cơ sở đào tạo nhất là phương pháp mà cơ sở cung cấp chương trình đào tạo sử dụng đề giảng dạy. Đặc biệt nên yêu cầu các cơ sở này đưa ra các bài tập tình huống, các chủ đề thảo luận gắn với thực tế hoạt động của Nhà máy. Sử dụng phương pháp đào tạo hiện đại với quy mô lớn, nhỏ để nâng cao chất lượng đào tạo. Phương pháp đào tạo cần khuyến khích tính chủ động phát huy tính năng động sáng tạo của người học, cần có sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành để người học được trang bị kiến thức một cách đầy đủ nhất và không bỡ ngỡ khi đem áp dụng những kiến thức đó vào thực tế sản xuất của Nhà máy.

- Thực hiện đánh giá các chương trình đào tạo một cách khoa học và có hiệu quả:

Hiện nay, Nhà máy mới chỉ đánh giá hiệu quả bằng một bài kiểm tra, sau khi đã đạt được mức điểm nhất định thì mới chuyển vào làm công việc mới, nếu trong trường hợp không đạt thì phải thi lại. Như vậy, ngoài các chỉ tiêu phản ánh kết quả và chất lượng tiếp thu kiến thức trong toàn khóa học như: Điểm bài thi, bằng tốt nghiệp, chứng chỉ… Nhà máy có thể sử dụng các phương pháp đánh giá sau để có thể thu được kết quả chính xác nhất:

+ Lấy ý kiến phản hồi của người tham gia khóa đào tạo hoặc sau khóa đào tạo để biết được cảm nhận và thái độ của họ về các phương diện đào tạo, như mục tiêu đào tạo có hợp lý không, nội dung đào tạo có thiết thực không, phương thức đào tạo có thích đáng không, phương pháp dạy học có hiệu quả không, trình độ học vấn của cán bộ giảng dạy ra sao...

+ Trao đổi với cán bộ quản lý trực tiếp về sự thay đổi hành vi và thái độ của người lao động sau các khóa đào tạo.

+ Trực tiếp quan sát người được đào tạo về thái độ làm việc, tính quy phạm trong hành vi công tác, độ thành thạo trong kỹ năng thao tác, khả năng giải quyết vấn đề...

+ So sánh hiệu quả làm việc của người được đào tạo với người chưa qua đào tạo.

Để thu được thông tin mang tính chất toàn diện cho việc đánh giá hiệu quả công tác đào tạo, có thể kết hợp các phương pháp trên với nhau để phù hợp với mỗi đối tượng cụ thể nhằm giúp cho việc đánh giá đạt hiệu quả cao nhất.

- Bố trí, sử dụng lao động sau đào tạo một cách hợp lý

Vấn đề này có vai trò quan trọng trong việc khuyến khích người lao động hăng hái học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng của mình. Nó là sự biểu hiện rõ nhất tính hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Với người lao động sau khi được đào tạo thì họ nâng cao được kỹ năng, được trang bị các kiến thức mới, họ có khả năng và sẵn sàng đảm nhiệm vị trí mới. Do đó phải bố trí công việc phù hợp với họ, việc bố trí đúng người, đúng chỗ, trình độ của họ sẽ khuyến khích họ phát huy hết tiềm năng nhờ đó mà năng suất lao động tăng lên, hiệu quả sản xuất kinh doanh tăng lên. Đồng thời bố trí người lao động vào vị trí phù hợp với trình độ ngành nghề được đào tạo chúng ta sẽ tìm ra mặt mạnh, mặt yếu của công tác đào tạo nguồn nhân lực. Nhưng ngược lại nếu bố trí người lao động không phù hợp với khả năng trình độ của họ thì không khai thác được hết khả năng của họ, do đó gây ra tình trạng lãng phí về lao động, lãng phí công sức và tiền bạc bỏ ra đào tạo họ.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác quản trị nguồn nhân lực tại Nhà máy thuốc lá Khatoco Khánh Hòa (Trang 140)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(151 trang)