Chương 2 của luận văn đã giới thiệu tổng quan về Nhà máy Thuốc lá Khatoco Khánh Hòa, quá trình hình thành, chức năng nhiệm vụ, bộ máy tổ chức, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong những năm gần đây.
Trên cơ sở đó luận văn đã phân tích và đánh giá tình hình thực hiện các chức năng về quản trị nguồn nhân lực tại Nhà máy trên các mặt: Hoạch định, phân tích công việc, tuyển dụng, đào tạo, đánh giá kết quả thực hiện công việc của nhân viên, tiền lương, tiền thưởng,…
Mục đích của việc phân tích và đánh giá thực trạng công tác quản trị nguồn nhân lực của Nhà máy là nhằm chỉ ra những mặt được cũng như những tồn tại và nguyên nhân của nó để từ đó đề ra các giải pháp hoàn thiện công tác này. Và như vậy các giải pháp hoàn thiện công tác quản trị nguồn nhân lực tại Nhà máy Thuốc lá Khatoco Khánh Hòa sẽ là nội dung chính yếu mà Chương 3 của luận văn sẽ trình bày.
Chương 3: MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM HOÀN THIỆN CÔNG TÁC QUẢN TRỊ NGUỒN NHÂN LỰC TẠI NHÀ MÁY THUỐC LÁ KHATOCO KHÁNH
HÒA.
Qua thời gian nghiên cứu tình hình quản trị nguồn nhân lực tại Nhà máy Thuốc lá Khatoco Khánh Hòa, để góp phần nâng cao chất lượng công tác quản trị nguồn nhân lực tác giả đưa ra một số giải pháp sau:
3.1. Quan tâm chú trọng hơn vào công tác hoạch định nguồn nhân lực
Hoạch định nguồn nhân lực là công việc đầu tiên và rất quan trọng trong quản trị nguồn nhân lực ở doanh nghiệp. Chỉ có thực hiện hoạch định nguồn nhân lực tốt thì các công việc tiếp theo như phân tích công việc, tuyển dụng, đào tạo mới có thể thực hiện có hiệu quả. Nếu hoạch định nguồn nhân lực không tốt, không xác định được nhu cầu nguồn nhân lực thì công tác tuyển dụng theo đó cũng không chính xác, từ đó làm các hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng không tốt. Do đó, cần thiết phải hoạch định nguồn nhân lực một cách cẩn thận và hợp lý.
Đối với Nhà máy Thuốc lá Khatoco Khánh Hòa, thực tế qua tìm hiểu cho thấy công tác hoạch định nguồn nhân lực còn thực hiện sơ sài, đơn giản, không được quan tâm chú trọng nhiều. Chính ví vậy, tác giả xin đưa ra một số biện pháp đẩy mạnh công tác này như sau:
- Thực hiện công việc phân tích môi trường, xác định mục tiêu và lựa chọn chiến lược thích hợp. Trong việc phân tích môi trường, phân tích tất cả các yếu tố của môi trường bên ngoài và bên trong có tác động đến doanh nghiệp, trong đó chú trọng hơn đến các yếu tố thuộc môi trường kinh tế, văn hóa, thị trường lao động, luật lao động.
- Kiểm tra rà xét lại toàn bộ hệ thống nhân sự từ khối văn phòng cho đến các phân xưởng sản xuất để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu phát triển trong hiện tại và tương lai. Tìm ra tất cả các lỗ hổng từ khâu quản lý văn phòng cho đến từng tổ trong các phân xưởng, khắc phục, điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu trên.
- Xác định năng lực sản xuất hằng năm, từng quý, tháng để công tác cân đối chuẩn bị nhân sự phù hợp cho từng thời điểm.
- Xác định, lựa chọn và huấn luyện những người làm công tác hoạch định nhân lực một cách công khai nghiêm túc và lựa chọn thời điểm, chu kỳ đánh giá năng lực nhân viên một cách khách quan.
- Xác định nguồn nhân lực hiện tại, phân loại, sắp xếp nếu bộ phận nào chưa vững nghiệp vụ, thiếu kỹ năng chuyên môn phải đào tạo lại và tổ chức kiểm tra định kỳ.
- Sử dụng các phương pháp định lượng như phân tích tương quan hay phân tích xu hướng và một số phương pháp định tính như đánh giá của các chuyên gia,… để dự báo, xác định nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai.
Qua đó, công tác hoạch định sẽ trở nên rõ ràng hơn, khoa học hơn, nhằm đảm bảo cho các công việc quản trị nguồn nhân lực phía sau được thực hiện đúng hướng hơn.