Hiện tại Nhà máy có thực hiện và đánh giá công tác phân tích công việc nhưng chưa thực sự được chú trọng. Công tác phân tích công việc tương đối phức tạp, đòi hỏi trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao. Do vậy Nhà máy cần:
- Tăng cường vai trò của ban lãnh đạo trong công tác phân tích công việc:
Ban lãnh đạo Nhà máy phải quyết định có sự đầu tư hơn nữa về công sức, thời gian, tài chính cho công tác phân tích công việc. Ban lãnh đạo Nhà máy phải có sự chỉ đạo, yêu cầu phòng TCHC thực hiện nghiêm chỉnh, hoàn thiện công tác phân tích công việc và áp dụng các kết quả của phân tích công việc để phục vụ cho các công tác khác của hoạt động quản trị nguồn nhân lực.
Ban lãnh đạo cần khuyến khích, tạo điều kiện cho người lao động, cho các phòng, ban khác hiểu rõ hơn về phân tích công việc và tham gia, phối hợp chặt chẽ với phòng TCHC trong quá trình thực hiện phân tích công việc.
Phòng TCHC phải khẳng định được vai trò trung tâm của mình trong phân tích công việc. Phòng TCHC có nhiệm vụ:
+ Xác định trình tự tiến hành phân tích công việc
+ Xác định mục đích của phân tích công việc và các công việc cần phân tích.
+ Phải tập huấn, đào tạo cán cho cán bộ tham gia phân tích công việc. +Tổ chức các cuộc họp, hội thảo (nếu có) theo yêu cầu đặt ra trong quá trình thực hiện.
+ Đưa văn bản phân tích công việc vào sử dụng: áp dụng những thông tin trong văn bản phân tích công việc vào công tác quản lý nhân lực tại Nhà máy.
- Cần có sự hợp tác của các phòng, ban khác và người lao động trong quá trình phân tích công việc:
Các phòng, ban và mọi người lao động trong Nhà máy có ảnh hưởng rất lớn tới công tác phân tích công việc. Công tác phân tích công việc rất cần tinh thần ủng hộ, sự phối hợp thực hiện của tất cả các phòng, ban trong Nhà máy. Các phòng, ban và mọi người lao động cần có thái độ hợp tác, tạo điều kiện cho cán bộ phân tích công việc, phòng TCHC thực hiện nhiệm vụ của mình, cần cung cấp đầy đủ, chính xác những thông tin liên quan đến công việc theo yêu cầu của cán bộ phân tích công việc, tham gia vào việc viết văn bản phân tích, góp ý để hoàn thiện văn bản này.
- Đưa văn bản phân tích công việc vào sử dụng và cập nhật định kỳ
Mỗi phòng, ban và người lao động phải áp dụng “bản mô tả công việc” vào quá trình thực hiện công việc của mình.
“Bản mô tả công việc” phải đảm bảo luôn chính xác và phù hợp vì nó ảnh hưởng đến các hoạt động nhân sự khác tại Nhà máy. Định kỳ cán bộ phân tích công việc cần phải kiểm tra, rà soát lại các công việc, để đảm bảo những thông tin trong “bản mô tả công việc” phản ánh đúng công việc hiện tại.
Hiện nay công việc được thiết kế theo xu hướng mở rộng hơn, linh hoạt, sự thay đổi trong công việc diễn ra thường xuyên hơn nên Nhà máy có thể định kỳ hai năm kiểm tra, rà soát các công việc một lần để kịp thời có những thay đổi, cập nhật phù hợp với thực tế công việc.