Các nhân tố ảnh hưởng đến công tác quản trị nguồn nhân lực tại Nhà máy

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác quản trị nguồn nhân lực tại Nhà máy thuốc lá Khatoco Khánh Hòa (Trang 69)

2.2.1.1 Môi trường bên ngoài

- Bối cảnh kinh tế: Trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp khó khăn, cả nước

tập trung thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô chính vì vậy mà trong những năm gần đây tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có dấu hiệu giảm dần: GDP năm 2010 là 6,87%, sang năm 2011 là 5,89% và đến năm 2012 là 5,03% giảm 0,86% so với năm 2011 (Tổng cục Thống kê, 2012). Ngày 18/4/2013 Ủy ban Kinh tế - Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (ESCAP) đã đưa ra dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ lấy lại đà tăng trưởng vào 6 tháng cuối năm, cả năm 2013 tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ đạt mức 5,5%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục giảm trong những năm gần đây đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp nói chung và Nhà máy thuốc lá Khatoco Khánh Hòa nói riêng. Tốc độ tăng trưởng giảm làm cho tình hình tiêu thụ sản phẩm của Nhà máy gặp nhiều khó khăn, lượng hàng tồn kho tăng lên buộc Nhà máy phải thu hẹp khả năng sản xuất bằng việc tổ chức lại các phòng ban, tiến hành định mức và sắp xếp lại lực lượng lao động, tinh giảm lao động dôi dư…

Một nhân tố nữa là tỷ lệ lạm phát. Tỷ lệ lạm phát năm 2010 là 11,75% đến năm 2011 tăng lên 18,6% sang năm 2012 tỷ lệ lạm phát cả nước khoảng 7,5% (Tổng cục Thống kê, 2012) đây là một dấu hiệu đáng mừng cho nền kinh tế Việt Nam. Tỷ lệ lạm phát tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Nhà máy. Khi tỷ lệ lạm phát tăng sẽ làm cho giá cả các yếu tố đầu vào của Nhà máy như điện, nguyên vật liệu sản xuất tăng theo làm cho chi phí sản xuất tăng. Điều này cũng có tác động lớn đến hoạt động quản trị nhân lực như việc cắt giảm nhân viên, giảm giờ làm,…để giảm bớt chi phí. Đồng thời Nhà máy phải có biện pháp tăng lương để người lao động có thể đáp ứng được cuộc sống vật chất lẫn tinh thần.

- Thị trường lao động và các đặc điểm riêng ở địa phương và khu vực:

Khánh Hòa là một tỉnh thuộc khu vực Duyên hải nam Trung Bộ, có diện tích tự nhiên trên đất liền 5.205km2, có vùng biển đảo rộng lớn. Khánh Hòa có ba khu vực phát triển kinh tế trọng điểm là Vịnh Cam Ranh, Vịnh Vân Phong và Vịnh Nha Trang có ý nghĩa hết sức to lớn về quân sự và kinh tế. Tỉnh đã hình thành và phát triển các khu công nghiệp như: khu công nghiệp Suối Dầu, cụm công nghiệp Bình Tân – Nha Trang và đang xây dựng khu công nghiệp Ninh Thủy – Ninh Phước

lấy Huyndai Vinashin làm trung tâm. Khánh Hòa có nguồn nhân lực dồi dào, dân số 1.174.848 người (năm 2011). Về lực lượng lao động, Khánh Hòa có 42% dân số trong độ tuổi lao động, trên 2,1% tốt nghiệp cao đẳng, đại học trở lên. Tỉ lệ lao động được đào tạo nghề chiếm trên 25%. Chính những đặc điểm trên vừa tạo lợi thế cho công tác quản trị nguồn nhân lực nhưng cũng vừa tạo sức ép vì có nhiều khu công nghiệp mở ra thì đòi hỏi cần nhiều nhân lực khi đó Nhà máy phải có những chính sách để thu hút nguồn nhân lực nếu không họ sẽ chuyển sang những khu công nghiệp trong khu vực để làm việc. (Cổng thông tin điện tử tỉnh Khánh Hòa, 2011).

- Luật lao động: Có ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động từ đó ảnh hưởng đến các hoạt động quản trị nguồn nhân lực trong tổ chức. Luật lao động năm 2012 có sửa đổi bổ sung một số điều về mức đóng BHXH. Theo đó từ ngày 1/01/2012 mức đóng BHXH là 24% (doanh nghiệp đóng 17%, người lao động đóng 7%) so với năm 2010 chỉ đóng 22%, mức đóng BHYT là 4,5% ( doanh nghiệp đóng 3%, người lao động đóng 1,5%) so với mức đóng 3% trước đó. Đối với bảo hiểm thất nghiệp thì mức đóng là 2% (doanh nghiệp 1%, người lao động 1%). Mức đóng BHXH tăng lên cộng thêm với việc hình thành quỹ bảo hiểm thất nghiệp từ năm 2009 cho thấy quyền lợi của người lao động được tăng lên. Do đó trong công tác tính lương thưởng, các chế độ cho người lao động cũng phải nắm bắt kịp thời để có sự điều chỉnh cho phù hợp, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động.

Thêm vào đó các quy định mới về mức lương tối thiểu tăng lên, quy định về trợ cấp thôi việc như khi chấm dứt hợp đồng lao động, đối với người lao động đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức từ đủ 12 tháng trở lên, người sử dụng lao động có trách nhiệm trợ cấp thôi việc, cứ mỗi năm làm việc là nửa tháng lương, cộng với phụ cấp lương nếu có…

Tuân thủ các quy định của luật lao động Nhà máy thuốc lá Khatoco Khánh Hòa đã chú trọng đến công tác quản trị nguồn nhân lực, quan tâm đến đời sống người lao động để họ yên tâm công tác. Nhà máy đã cấp bảo hộ lao động, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Việc trích nộp BHXH, BHYT cho người lao động luôn được Nhà máy thực hiện tốt theo quy định. CBCNV được trả lương theo sự đóng góp của nhân viên theo quy định về tiền lương đã được Ban lãnh đạo Nhà máy xây dựng và thông qua. Nhà máy thực hiện chế độ làm việc 40h/tuần, thực hiện việc trích bồi dưỡng chế độ ăn ca, bồi dưỡng độc hại cho người lao động… Chính vì thế Nhà máy đã tạo môi trường làm việc an toàn và đảm bảo cho người lao động có điều kiện phát huy năng lực khuyến khích họ làm việc nhiệt tình, sáng tạo.

- Khách hàng: là một phần của doanh nghiệp và là nguồn tài sản vô cùng

quý giá của doanh nghiệp. Khách hàng có thể tạo ra cơ hội cũng như sức ép đối với doanh nghiệp. Đứng trước áp lực của các tổ chức xã hội về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe người tiêu dùng và cùng với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, hiện nay trên thị trường đã có những sản phẩm thay thế cho thuốc lá như kẹo cao su nicotin, băng dán và đặc biệt là thuốc lá điện tử chính vì vậy mà yêu cầu về chất lượng sản phẩm của khách hàng ngày càng cao. Nhà máy thuốc lá Khatoco Khánh Hòa phải không ngừng cải tiến sản phẩm theo hướng giảm thiểu tác hại tới sức khỏe, thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Quản trị nguồn nhân lực chính là giải quyết các vấn đề con người, những người tạo nên chất lượng sản phẩm của Nhà máy. Tất cả CBCNV, các phòng ban, đơn vị trong Nhà máy phải đặt vấn đề chất lượng lên hàng đầu trong mọi hoạt động. Nhà máy phải có những chính sách đãi ngộ, khuyến khích thỏa đáng cũng như tạo mọi điều kiện để bộ phận công nghệ kỹ thuật không ngừng nghiên cứu, cải tiến để tạo ra những sản phẩm mới giảm thiểu tác hại đến sức khỏe và thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Tăng cường các khóa đào tạo nâng cao tay nghề, ý thức nghề nghiệp cho công nhân để tạo ra những sản phẩm tốt nhất phục vụ người tiêu dùng.

2.2.1.2 Môi trường bên trong

Mục tiêu của Nhà máy: Nhà máy được thành lập để huy động và sử dụng

vốn có hiệu quả trong việc sản xuất kinh doanh về lĩnh vực thuốc lá và các lĩnh vực khác góp phần phát triển kinh tế, kinh doanh có hiệu quả, hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách cho Nhà nước, tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động. Những mục tiêu nào cần phải có sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước thì Nhà máy chỉ có thể triển khai thực hiện sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Để phục vụ cho mục tiêu đó, Nhà máy đã đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực với nhiều hình thức để nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ nhân viên nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế trong điều kiện nước ta đã gia nhập WTO. Nhà máy đã chú trọng công tác đào tạo thông qua việc xây dựng, ban hành quy định về tổ chức thi nâng bậc nghề đối với công nhân kỹ thuật, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý. Nhà máy còn tổ chức tập huấn kiến thức về tiền lương, kỹ thuật, kế hoạch cho các tổ trưởng và đội trưởng sản xuất. Nhà máy cũng thực hiện các biện pháp để hoàn thiện cơ chế khoán sản phẩm cũng như các quy định về tài chính và tiền lương để đảm bảo tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng…

Chiến lược nhân sự của Nhà máy: Chiến lược nhân sự tác động trực tiếp

lên các hoạt động quản trị nguồn nhân lực. Với những mục tiêu đã đề ra như trên cho thấy việc nâng cao năng lực cán bộ công nhân viên là hết sức cần thiết cho một kế hoạch phát triển bền vững của Nhà máy. Để đạt được mục tiêu đó thì Nhà máy cần phải có một lực lượng lao động lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Do đó kế hoạch cụ thể của các hoạt động quản trị nguồn nhân lực của Nhà máy trong thời gian tới như sau: (Trích từ hội thảo “Về Phát triển nguồn nhân lực cho các đơn vị trực thuộc của Tổng công ty Khánh Việt giai đoạn 2010 – 2015” được tổ chức vào ngày 28/12/2010).

- Tiếp tục củng cố, bổ sung bộ máy quản lý và bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng còn thiếu hụt cho những cán bộ trong Nhà máy như: kỹ năng quản trị kinh doanh, quản trị sản xuất…

- Tạo điều kiện khuyến khích và đãi ngộ thỏa đáng với cán bộ công nhân viên học tập nâng cao trình độ kiến thức chuyên môn phù hợp với yêu cầu của công việc. Thực hiện tốt các chính sách xã hội, chính sách về tuyển dụng lao động, đào tạo lao động.

- Hoàn thiện công tác quản trị để tăng hiệu quả của việc sử dụng lao động. Xây dựng đội ngũ lao động có ý thức kỉ luật, ý thức vệ sinh lao động, vệ sinh công nghiệp và có tác phong công nghiệp cao.

- Tinh giảm bộ máy gián tiếp song vẫn đảm bảo được năng lực chuyên môn, chủ động linh hoạt sáng tạo trong công việc để đáp ứng những yêu cầu trong thời kỳ hội nhập, mạnh dạn trẻ hóa đội ngũ cán bộ, đào tạo và bố trí cán bộ trẻ có năng lực vào vị trí chủ chốt. Kiên quyết kỷ luật và sa thải những cán bộ và lãnh đạo không đủ năng lực về phẩm chất và chuyên môn.

- Nâng cao trình độ cán bộ công nhân viên bằng nhiều hình thức như cho đi đào tạo ở các trường đại học, chuyên nghiệp. Kết hợp đồng thời việc giảm biên chế với việc tuyển dụng lao động ở bên ngoài trên cơ sở chọn lọc kỹ về chất lượng lao động .

- Bên cạnh việc nâng cao trình độ cho cán bộ công nhân viên thì công ty cần nhanh chóng bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ hiện có đúng với năng lực sở trường để phát huy năng lực của cán bộ đồng thời phải nhanh chóng bổ sung đội ngũ cán bộ trẻ bên cạnh cán bộ cao tuổi để dìu dắt, huấn luyện nhằm nhanh chóng bổ sung đội ngũ kế cận cho những năm tới.

-Xóa bỏ tư tưởng ỷ lại, nêu cao tinh thần dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm đối với công việc được giao.

Ngày nay khi môi trường kinh doanh luôn biến động và phát triển thì các yếu tố cũng biến động phức tạp và có ảnh hưởng rất lớn đến các thành quả của mọi doanh nghiệp, ảnh hưởng đến công tác quản lý nói chung và đến quản trị nguồn nhân lực nói riêng. Chính vì vậy để nâng cao hiệu quả công tác quản trị nguồn nhân lực các nhà quản trị cần phải nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến công tác quản trị nguồn nhân lực để có những quyết định đúng đắn, những điều chỉnh thích hợp và kịp thời.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác quản trị nguồn nhân lực tại Nhà máy thuốc lá Khatoco Khánh Hòa (Trang 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(151 trang)