NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC NGÀNH DU LỊCH
1.2.1.1. Nguồn nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực
* Khái niệm nguồn nhân lực:
Để phát triển ngành du lịch cần có nhiều nguồn lực, trong đó nguồn lực nhân lực được đánh giá là một trong những yếu tố quan trọng trong sự phát triển của ngành. Một quốc gia muốn phát triển thì cần phải có các nguồn lực như: Tài nguyên thiên nhiên, vốn, khoa học - công nghệ, con người… Trong các nguồn lực đó thì nguồn lực con người là quan trọng nhất, có vai trò quyết định sự thành công hay thất bại trong nền kinh tế của mỗi quốc gia trên thế giới. Một đất nước cho dù có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, máy móc kỹ thuật hiện đại đến đâu nhưng không có những con người có trình độ, có đủ khả năng khai thác các nguồn lực đó thì rất khó có khả năng để thể đạt được sự phát triển như mong muốn.
Quá trình phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước ta và ngày nay đang trong công cuộc hội nhập và phát triển nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, Đảng ta luôn xác định: Với nguồn lao động dồi dào, con người Việt Nam có truyền thống yêu nước, cần cù, sáng tạo, có nền tảng văn hoá, giáo dục, có khả năng nắm bắt nhanh khoa học và công nghệ là nguồn lực quan trọng nhất - nguồn năng lực nội sinh. Vậy nguồn nhân lực là gì ?
Theo Liên Hợp Quốc thì “Nguồn nhân lực là tất cả những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, năng lực và tính sáng tạo của con người có quan hệ tới sự phát triển của mỗi cá nhân và của đất nước”.
Theo tổ chức lao động quốc tế: Nguồn nhân lực của một quốc gia là toàn bộ những người trong độ tuổi có khả năng tham gia lao động. Nguồn nhân lực được hiểu theo hai nghĩa: Theo nghĩa rộng, nguồn nhân lực là nguồn cung cấp sức lao động cho sản xuất xã hội, cung cấp nguồn lực con người cho sự phát triển. Theo nghĩa hẹp, nguồn nhân lực là khả năng lao động của xã hội, là nguồn lực cho sự phát triển kinh tế xã hội, bao gồm các nhóm dân cư trong độ tuổi lao động, có khả năng tham gia vào lao động, sản xuất xã hội, tức là toàn bộ các cá nhân cụ thể tham gia vào quá trình lao động, là tổng thể các yếu tố về thể lực, trí lực của họ được huy động vào quá trình lao động.
Kinh tế phát triển cho rằng: Nguồn nhân lực là một bộ phận dân số trong độ tuổi quy định có khả năng tham gia lao động. nguồn nhân lực được biểu hiện trên hai mặt: về số lượng đó là tổng số những người trong độ tuổi lao động làm việc theo quy định của Nhà nước và thời gian lao động có thể huy động được từ họ; về chất lượng, đó là sức khoẻ và trình độ chuyên môn, kiến thức và trình độ lành nghề của người lao động. Nguồn lao động là tổng số những người trong độ tuổi lao động quy định đang tham gia lao động hoặc đang tích cực tìm kiếm việc làm. Nguồn lao động cũng được hiểu trên hai mặt: số lượng và chất lượng. Như vậy theo khái niệm này, có một số được tính là nguồn nhân lực nhưng lại không phải là nguồn lao động, đó là: Những người không có việc làm nhưng không tích cực tìm kiếm việc làm, tức là những người không có nhu cầu tìm việc làm, những người trong độ tuổi lao động quy định nhưng đang đi học…
Từ những quan niệm trên, tiếp cận dưới góc độ của Kinh tế Chính trị có thể hiểu: nguồn nhân lực là tổng hoà giữa thể lực và trí lực tồn tại trong toàn bộ lực lượng lao động xã hội của một quốc gia, trong đó kết tinh truyền thống và kinh nghiệm lao động sáng tạo của một dân tộc trong lịch sử được vận
dụng để sản xuất ra của cải vật chất và tinh thần phục vụ cho nhu cầu hiện tại và tương lai của một đất nước.
Trong thời đại ngày nay, con người được coi là một ''tài nguyên đặc biệt”, một nguồn lực của sự phát triển kinh tế. Theo cách tư duy của người xưa là ‘‘dụng nhân như dụng mộc’’ không vì một lỗi nào đó mà thay thế, cần phải có phương pháp tổ chức, sắp xếp lại, nâng cao khả năng nhận thức cũng như công việc của mỗi con người từ đó họ có thể tiếp cận với công việc trước mắt cũng như lâu dài. Bởi vậy việc phát triển con người nói chung và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói riêng trở thành vấn đề chiếm vị trí trung tâm trong hệ thống phát triển các nguồn lực. Chăm lo đầy đủ đến con người là yếu tố bảo đảm chắc chắn nhất cho sự phồn vinh, thịnh vượng của mọi quốc gia. Đầu tư cho con người là đầu tư có tính chiến lược, lâu dài là cơ sở chắc chắn nhất cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Cho đến nay, do xuất phát từ các cách tiếp cận khác nhau, nên vẫn có nhiều cách hiểu khác nhau khi bàn về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo quan niệm của Liên Hiệp Quốc, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bao gồm giáo dục, đào tạo và sử dụng tiềm năng con người nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống nguồn nhân lực.
Có quan điểm cho rằng: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là gia tăng giá trị cho con người, cả giá trị vật chất và tinh thần, cả trí tuệ lẫn tâm hồn cũng như kỹ năng nghề nghiệp, làm cho con người trở thành người lao động có những năng lực và phẩm chất mới, cao hơn đáp ứng được những yêu cầu to lớn và ngày càng tăng của sự phát triển kinh tế - xã hội.
Từ những luận điểm trình bày trên, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
chính là sự biến đổi về chất lượng nguồn nhân lực trên các mặt thể lực, trí lực, kỹ năng, kiến thức và tinh thần cùng với quá trình tạo ra những biến đổi tiến bộ về cơ cấu nguồn nhân lực. Nói một cách khái quát nhất, nâng cao
chất lượng nguồn nhân lực chính là quá trình tạo lập và sử dụng năng lực toàn diện con người vì sự tiến bộ kinh tế- xã hội và sự hoàn thiện bản thân mỗi con người.
* Các yếu tố cấu thành chất lượng nguồn nhân lực:
Chất lượng nguồn nhân lực được biểu hiện ở thể lực, trí lực (trình độ văn hoá, chuyên môn kỹ thuật), tinh thần thái độ, động cơ, ý thức lao động, văn hoá lao động… Trong ba mặt: Thể lực, trí lực, tinh thần thì thể lực là nền tảng, cơ sở để phát triển trí lực, là phương thức để chuyển tải khoa học kỹ thuật vào thực tiễn. Ý thức tinh thần đạo đức tác phong là yếu tố chi phối hiệu quả hoạt động chuyển hoá của tri thức thành thực tiễn. Trí tuệ là yếu tố có vai trò quan trọng hàng đầu của nguồn nhân lực bởi có nó con người mới có thể nghiên cứu sáng tạo và ứng dụng tiến bộ khoa học vào quá trình hoạt động sản xuất và cải biến xã hội.
Nguồn nhân lực có nội hàm rộng bao gồm các yếu tố cấu thành về số lượng người, hàm lượng tri thức và khả năng nhận thức, tiếp thu kiến thức, tính năng động, sức sáng tạo, truyền thống lịch sử và cả nền văn hoá cộng đồng. Do vậy có thể cụ thể hoá các yếu tố cấu thành chất lượng nguồn nhân lực thao các nhóm sau đây:
Thứ nhất, thể lực: Thể lực của con người chịu ảnh hưởng của mức sống
vật chất, sự chăm sóc sức khoẻ và rèn luyện của từng cá nhân cụ thể. Một cơ thể khoẻ mạnh, thích nghi với môi trường sống thì năng lượng do nó sinh ra sẽ đáp ứng yêu cầu của một hoạt động cụ thể nào đó. Thể lực có ý nghĩa quan trọng quyết định năng lực hoạt động của con người. Con người phải có thể lực mới có thể phát triển trí tuệ. Sức khoẻ là sự phát triển hài hoà của con người cả về thể chất và tinh thần. Sức khoẻ cơ thể là sự cường tráng, năng lực lao động chân tay. Sức khoẻ tinh thần là sự dẻo dai của hoạt động thần kinh , khả năng vận động của trí tuệ, biến tư duy thành hoạt động thực tiễn. Trong
Hiến chương của Tổ chức Y tế thế giới đã nêu “Sức khoẻ là một trạng thái hoàn toàn thoải mái về thể chất, tâm thần và xã hội, chứ không chỉ là không có bệnh tật hay thương tật”. Sức khoẻ vừa là mục đích, đồng thời nó cũng là điều kiện của sự phát triển nên yêu cầu bảo vệ và nâng cao sức khoẻ con người là một đòi hỏi hết sức chính đáng mà xã hội phải đảm bảo.
Thứ hai, Trí lực: Trí lực được xác định bởi tri thức chung về khoa học,
trình độ, kiến thức chuyên môn, kỹ thuật kinh nghiệm làm việc và khả năng tư duy xét đoán của con mỗi người. Trí lực thực tế là một hệ thống thông tin đã được xử lý và lưu giữ lại trong bộ nhớ của mỗi cá nhân con người, được thực hiện qua nhiều kênh khác nhau. Nó được hình thành và phát triển thông qua giáo dục, đào tạo cũng như quá trình lao động sản xuất. Trình độ chuyên môn là kiến thức và kỹ năng cần thiết để đảm nhận nhiệm vụ trong việc lãnh đạo quản lý, trong sản xuất kinh doanh và các hoạt động nghề nghiệp khác. Lao động chuyên môn kỹ thuật bao gồm lực lượng công nhân được đào tạo từ cơ bản đến nâng cao cho tới những người có trình độ trên đại học.
Thứ ba, phẩm chất đạo đức: Phẩm chất đạo đức là những đặc điểm quan
trọng trong yếu tố xã hội của nguồn nhân lực, bao gồm tập hợp về nhân cách con người, tình cảm, phong tục tập quán, phong cách, thói quen, quan niệm, truyền thống, các hình thái tư tưởng, đạo đức, nghệ thuật…., gắn liền với truyền thống văn hoá. Một nền văn hoá có bản sắc riêng luôn là sức mạnh nội tại của một quốc gia. Kinh nghiệm thành công của một số nước phát triển ở châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc là tiếp thu kỹ thuật phương Tây trên cơ sở khai thác và phát huy giá trị tốt đẹp của nền văn hoá dân tộc để đổi mới và phát triển. Trình độ văn hoá được cung cấp qua hệ thống giáo dục chính quy, không chính quy, thông qua quá trình học tập suốt đời của mỗi cá nhân và môi trường đời sống văn hoá của mỗi cộng đồng, quốc gia.
Các yếu tố nêu trên có mối quan hệ rất chặt chẽ với nhau, có tác động qua lại, là động cơ và tiền đề cho mọi sự phát triển hay suy vong của mỗi quốc gia. Muốn nâng cao được chất lượng nguồn nhân lực phải thực hiện tổng thể trên cả ba mặt thể lực, trí lực và phẩm chất đạo đức. Tuy nhiên mỗi yếu tố trên lại liên quan đến một lĩnh vực rất rộng lớn. Thể lực và tình trạng sức khoẻ gắn với dinh dưỡng, y tế và chăm sóc sức khoẻ. Trí lực gắn với lĩnh vực giáo dục, còn phẩm chất đạo đức chịu ảnh hưởng của truyền thống văn hoá dân tộc, nền tảng văn hoá là thể chế chính trị…. Do vậy, để đánh giá chất lượng nguồn nhân lực thường xem xét trên ba mặt sức khoẻ, trình độ văn hoá chuyên môn nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức của từng người lao động.