NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC NGÀNH DU LỊCH
1.1.3. Đặc điểm của ngành du lịch
- Đặc điểm chung.
Ngành Du lịch chịu tác động bởi các yếu tố văn hoá, truyền thống, lịch sử, phong tục tập quán, sự hiểu biết của con người, kỹ năng giao tiếp, phong
cách thể hiện, bởi các điều kiện về chính trị, kinh tế, tự nhiên và xã hội, theo từng khu vực và vùng miền có khác nhau, ngành du lịch có một sắc thái rất riêng nhưng cũng có những điểm chung. Ngành du lịch lại được hội tụ và phát triển bởi những yếu tố cơ bản trên.
- Đặc điểm của quá trình sản xuất, cung ứng và tiêu dùng sản phẩm dịch vụ du lịch
Sản phẩm du lịch về cơ bản là không cụ thể, không tồn tại dưới dạng vật thể, thường được tạo ra gắn liền với yếu tố tài nguyên du lịch. Trên thực tế, không thể đưa sản phẩm du lịch đến nơi có khách du lịch mà bắt buộc khách du lịch phải đến nơi có sản phẩm du lịch để thoả mãn nhu cầu của mình, thông qua giá tiền từng sản phẩm. Đối với du khách thì dịch vụ du lịch rất trừu tượng khi mà họ chưa một lần tiêu dùng nó, du khách rất khó đánh giá dịch vụ. Vì thế, nhà cung ứng dịch vụ du lịch cần phải cung cấp đầy đủ thông tin, nhấn mạnh lợi ích của dịch vụ chứ không chỉ đơn thuần là quảng bá.
Sản xuất và tiêu dùng dịch vụ du lịch là một đặc điểm hết sức quan trọng thể hiện sự khác biệt giữa dịch vụ và hàng hóa. Đối với hàng hóa (vật chất) quá trình sản xuất và tiêu dùng tách rời nhau. Người ta có thể sản xuất hàng hóa ở một nơi khác và ở một thời gian khác với nơi bán hàng và tiêu dùng. Đối với dịch vụ thì không thể như vậy, phần lớn quá trình tạo ra và tiêu dùng các sản phẩm du lịch trùng nhau về không gian và thời gian. Chúng không thể đem cất đi, tồn kho như các hàng hóa thông thường khác. Dịch vụ được sản xuất và tiêu dùng đồng thời nên cung - cầu cũng không thể tách rời nhau. Sự tham gia của du khách trong quá trình tạo ra dịch vụ, mức độ hài lòng của khách hàng sẽ phụ thuộc nhiều vào sự thị hiếu cũng như khả năng của nhân viên làm dịch vụ. Người tiêu dùng đồng thời trở thành người đồng sáng tạo trong quá trình sản xuất dịch vụ, như về mặt thể chất, trí tuệ, hay về mức độ tình cảm trong quá trình sáng tạo dịch vụ.
Việc tiêu dùng sản phẩm du lịch thường không diễn ra đều đặn, mà chỉ tập trung vào một thời gian nhất định trong ngày, trong tuần, trong năm. Vì vậy, hoạt động kinh doanh du lịch mang tính mùa vụ. Sự giao động (về thời gian) sẽ gây khó khăn cho việc tổ chức hoạt động kinh doanh.
Hàng hóa du lịch không bị mất đi qua mỗi lần bán, thậm chí giá trị và uy tín của nó có khi còn tăng lên qua mỗi lần đưa ra thị trường, nếu chất lượng phục vụ du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách.
Dịch vụ du lịch thường là dịch vụ trọn gói bao gồm các dịch vụ cơ bản, dịch vụ bổ sung, xuất phát từ nhu cầu đa dạng và tổng hợp của du khách.
- Ngành du lịch được phát triển với tốc độ, quy mô và chiếm tỷ trọng ngày càng cao hơn so với các ngành kinh tế truyền thống.
Du lịch được coi là ngành siêu kinh tế. Hoạt động du lịch phát triển với tốc độ khá nhanh và trở thành một trong những ngành kinh tế hàng đầu trong nền kinh tế quốc dân, nguồn thu nhập từ ngành du lịch đã chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm xã hội. Tốc độ tăng trưởng bình quân về khách 6,93%/năm, về thu nhập 11,8%/năm. Theo Tổ chức Du lịch thế giới thì năm 2000 số lượng khách du lịch toàn cầu là 698 triệu lượt, thu nhập là 467 tỷ USD; năm 2002 lượng khách là 716,6 triệu lượt, thu nhập là 474 tỷ USD; dự tính đến năm 2010 lượng khách là 1.006 triệu lượt và thu nhập là 900 tỷ USD. Tuyên bố Manila (1980) ghi rõ "Phần đóng góp của du lịch vào nền kinh tế quốc dân và thương mại quốc tế đang làm cho nó trở thành một luận cứ tốt cho sự phát triển của thế giới. Vai trò thiết thực của du lịch trong hoạt động kinh tế quốc dân, trong trao đổi quốc tế và trong sự cân bằng cán cân thanh toán, du lịch được xếp vào số các ngành hoạt động kinh tế quan trọng nhất".
Tuyên bố Osaka Nhật Bản, tháng 11/1994 khẳng định: "Du lịch là nguồn lớn nhất tạo ra GDP và việc làm của thế giới, chiếm tới 1/10 mỗi loại, đồng
thời đầu tư cho du lịch và các khoản thu từ thuế liên quan tới du lịch tương ứng cũng tăng cao.
- Tính chất xã hội hóa cao trong tổ chức sản xuất và tiêu dùng của sản phẩm dịch vụ du lịch.
Hoạt động du lịch là hoạt động mang tính xã hội hóa cao, xuất phát từ tính chất đồng bộ và tổng hợp của nhu cầu du lịch và trong hoạt động kinh doanh du lịch. Nhu cầu du lịch là tổng hợp các nhu cầu: đi lại, ăn nghỉ, vui chơi, giải trí và các nhu cầu khác. Sản phẩm du lịch không thể do một đơn vị kinh doanh tạo ra mà do tổng hợp các hoạt động kinh doanh đa dạng tạo ra. Nhu cầu của khách du lịch trong một chuyến đi như tham quan, giải trí, khám phá, chữa bệnh... Do vậy, họ phải sử dụng nhiều loại dịch vụ và hàng hóa khác nhau. Trong một chuyến du lịch, khách không chỉ sử dụng một sản phẩm du lịch đơn thuần mà sử dụng một sản phẩm du lịch tổng hợp... Vì vậy, hoạt động kinh doanh du lịch mang tính tổng hợp. Du lịch là đối tượng của 10 nhóm ngành kinh doanh lớn (vận tải, bán hàng, quảng cáo, dịch vụ thuê xe, dịch vụ ăn uống, lưu trú, công nghiệp giải trí, hiệp hội kinh doanh, quản lý - tư vấn, thời trang).
Du lịch là hiện tượng kinh tế - xã hội phức tạp. Nó chỉ có thể phát triển được khi có sự phối hợp chặt chẽ với các ngành như Tài chính - Ngân hàng, Xây dựng, Giao thông, vận tải, Văn hóa, Hải quan, Bưu chính - Viễn thông...
Pháp lệnh du lịch (2/1999) nhấn mạnh "Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp quan trọng mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao; phát triển du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng của nhân dân và khách du lịch quốc tế, góp phần nâng cao dân trí, tạo việc làm và phát triển KT - XH của đất nước".