II. Tỷ trọng nợ ngắn hạn quá lớn
1 SDR = 4706 USD (thời điểm ngày 28/4/2006)
2.3.2 Đánh giá vai trò của sự phối hợp chính sách giữa các chính phủ châu Á với IMF trong việc khắc phục khủng hoảng
IMF là một tổ chức tài chính quốc tế chủ yếu có trọng trách giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính tại một số nước châu Á. Sự phá giá lần lượt của các đồng tiền các nước Đông Á, các hoạt động đầu cơ và sự đổ vỡ của các thị trường chứng khoán khiến người ta đặt ra câu hỏi: các bài học của Mexico đã được chú ý hay không? Nếu như cuộc khủng hoảng Mexico tác động đến phần lớn những người tham gia các thị trường tài chính và các tổ chức quốc tế một cách đột ngột, thì sự phát triển tình hình ở Đông Á trong một chừng mực nào đó, đã được dự đoán từ rất lâu trước khi xảy ra khủng hoảng. Ngay từ tháng 4/1994, trong một báo cáo riêng gửi Chính phủ các nước châu Á, IMF đã bày tỏ sự quan tâm đến sự phát triển tình hình trong khu vực. Chẳng hạn, IMF đã cảnh báo Indonesia, Malaysia, Thái Lan rằng sự tăng nhanh các mức cầu đang dẫn đến việc khai thác các cơ sở sản xuất dự phòng và tất yếu làm phát triển nền kinh tế quá nóng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, các Chính phủ đã bỏ qua những lời cảnh báo này. Theo báo cáo cuối cùng của IMF trong tháng 7/1997, IMF đã kết thúc tư vấn với Thái Lan sau khi đã lưu ý sự xuất hiện các dấu hiệu quá nóng của nền kinh tế và sự khôi phục chậm chạp trong việc giảm thâm hụt cán cân thanh toán, nhưng đồng thời đã thừa nhận các kết quả của Chính phủ trong việc tiến hành “chính sách vĩ mô lành mạnh”. IMF đã cảnh báo rằng, tăng thâm hụt cán cân thanh toán “đã tăng tính dễ bị tổn thương của Thái Lan trước các đòn kinh tế và các thay đổi bất lợi trên các thị trường” khi không kiểm soát chặt chẽ dòng vốn. IMF đã đề nghị áp dụng một tỷ giá trao đổi linh hoạt hơn để “tăng sự độc lập của đồng tiền và giảm các tác nhân kích thích đối với dòng vốn ngắn hạn”. Tháng 11/1997, Tổng giám đốc IMF Camdessus đã nhắc lại những cảnh báo cho Thái Lan. Ông đã kêu gọi tiếp tục cải thiện tài chính nhà nước trong đó có việc giảm chi phí quân sự, tăng cường thu thuế và củng cố
76
tình hình tài chính của Chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước. Như vậy, không thể nói rằng IMF đã không hành động. Các cảnh báo của IMF đã bị bỏ qua, mặc dù theo giới lãnh đạo IMF, ngay trong tháng 4/1997, Thái Lan vẫn có thể kịp áp dụng các biện pháp để ngăn ngừa khủng hoảng, tuy nhiên Thái Lan đã không muốn làm việc đó. Kết quả là, người ta buộc phải giúp cho Thái Lan 17,2 tỷ USD.
Về phía các “con bệnh” và nhiều nhà kinh tế khác mà đứng đầu là J. Sachs lại cho rằng IMF đã không dự đoán trước được mức độ lây lan của cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo sự kiện ở Thái Lan, tuy các sự kiện này có thể được dự đoán từ trước. IMF chỉ có thể đưa ra các khuyến nghị mà không thể bắt buộc các Chính phủ thực hiện. Thậm chí khi đưa ra phương thuốc đắng, IMF cũng không bàn bạc kỹ lưỡng cùng các chuyên gia kinh nghiệm. J. Sachs cho rằng: “… Những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các chính sách mà IMF đưa ra thì lại không được biết gì và cũng không hề được góp ý. Tại Hàn Quốc, IMF đã khăng khăng đòi chính phủ phải ký ngay một thoả ước mà họ đã không hề được tham gia dự thảo hay điều đình, và lại cũng không có thì giờ tìm hiểu”.
Những quan điểm khác nhau của những người trong và ngoài cuộc đã cho thấy việc thiếu phối hợp chính sách trong việc khắc phục khủng hoảng giữa các chính phủ châu Á với nhau cũng như giữa các chính phủ với IMF.
Trước hết, cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á nổ ra và ảnh hưởng lan truyền của nó đã khiến cho các nước trong khu vực ý thức sâu sắc hơn về sự cần thiết của việc hợp tác tài chính giữa các nước trong khu vực. Các nước châu Á bỗng nhận thấy mặc dù có nền tảng vĩ mô tương đối tốt, nhưng họ vẫn không thể vô sự khi các nước láng giềng lần lượt suy thoái. Việc thiếu hợp tác tài chính giữa các nước Đông Á càng khiến họ trở nên dễ bị tổn thương hơn khi phải đối mặt riêng lẻ. Các nước nhận thấy rằng nếu như họ có sự phối hợp tài chính trong vùng trước khi khủng hoảng xảy ra thì tình trạng của họ sẽ tốt hơn rất nhiều. Lĩnh vực đầu tiên của sự hợp tác đó là việc thành lập Quỹ Dự trữ ngoại hối, có tác dụng giúp các nước đang chịu sự tấn công tiền tệ quốc tế. Sự tồn tại của một Quỹ tương đối lớn và sẵn sàng trợ
77
giúp như thế trước khi cần đến gói cứu trợ của IMF được xem như vật cản quan trọng đối với bất cứ một “diều hâu” tiềm tàng nào. Việc đề xuất thành lập Quỹ tiền tệ châu Á (AMF) do đó cũng không phải là ý tưởng tồi. Tuy nhiên, việc thiếu thông tin giữa các Ngân hàng Trung ương châu Á đã khiến cho ý tưởng này thất bại.
Một lĩnh vực khác của sự hợp tác đó là phối hợp chính sách tỷ giá hối đoái. Trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, việc phá giá cạnh tranh giữa các nền kinh tế làm cho tình hình càng trở nên xấu đi. Đó là chưa kể tới việc nếu như Trung Quốc không cam kết duy trì chính sách không phá giá tiền tệ thì cuộc khủng hoảng còn tồi tệ hơn nữa. Để tránh lặp lại sai lầm này, sự hợp tác trong chính sách tỷ giá hối đoái là cực kỳ quan trọng. Sự hợp tác này có thể trên nhiều mức độ khác nhau, từ việc tư vấn và phối hợp chính sách, những hành động nâng giá tập thể so với những đồng tiền nước ngoài chủ chốt, đến cơ cấu tỷ giá hối đoái châu Á, đồng tiền song song hay đồng tiền chung châu Á, v.v.
Như trên đã phân tích, rõ ràng IMF đã có cảnh báo về những nguy cơ tăng trưởng nóng, vậy tại sao IMF vẫn không dự đoán được khủng hoảng và mức độ lây lan của nó? Phải chăng hệ thống cảnh báo của IMF là sai? Chắc chắn những cảnh báo này không sai, và cũng không thể trách IMF đã không dự đoán được khủng hoảng. Bởi thực tế, khó có thể đặt ra những chỉ số cho phép dự báo khủng hoảng quá sớm với độ tin cậy cao mà không có sai số. Nếu có thể xây dựng những chỉ số như vậy thì chúng cũng sẽ mất tác dụng, bởi vì tính năng hoạt động của chúng sẽ thay đổi: thị trường sẽ tính đến chúng như một yếu tố và nếu như cuộc khủng hoảng đang tới gần, sẽ bị thúc đẩy xảy ra sớm hơn, hoặc các nhà lập chính sách sẽ hành động nhằm ngăn chặn không cho khủng hoảng nổ ra. Kết quả là những chỉ số đó mất đi tác dụng. IMF chỉ có thể dự đoán những động thái kinh tế xảy ra cùng với nguy cơ khủng hoảng.
Vậy phải chăng những cảnh báo của IMF thực sự chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe đối với các nước Đông Á hay phương pháp giám sát của IMF không hiệu quả? Nếu đúng như vậy thì vấn đề chính lại nằm ở sự thiếu phối
78
hợp giữa các chính phủ châu Á với IMF trong việc khắc phục khủng hoảng. Hệ thống kế toán, thống kê không phù hợp chuẩn mực quốc tế cùng với việc chậm công bố, thậm chí che đậy thông tin của một số Chính phủ, sửa chữa số liệu, thông tin kinh tế, tài chính v.v. là những tín hiệu bóp méo thị trường, tạo thông tin sai lệch và càng làm chậm tiến trình giải quyết hậu quả của cuộc khủng hoảng. Chẳng hạn dự trữ ngoại tệ của Thái Lan được công bố là 30 tỷ USD nhưng thực ra chỉ có 1,1 tỷ USD; Hàn Quốc công bố 25 tỷ USD dự trữ nhưng thực ra là số âm lớn [11, tr.71]. Tuy nhiên, đứng đằng sau cái gọi là “thiếu sự phối hợp” này là gì? Tại sao phương pháp giám sát của IMF không hiệu quả? Tại sao các chính phủ châu Á lại che đậy thông tin? Đây là những vấn đề hết sức phức tạp vì nó liên quan đến vấn đề lợi ích, chủ quyền quốc gia, đến việc xác định lại vai trò của IMF.
Có thể nói, khủng hoảng tài chính Đông Á làm người ta nhận thức rõ hơn sự cần thiết phải có một hệ thống tài chính - ngân hàng vững mạnh, minh bạch. Điều này thôi thúc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) đổi mới các quy chế về ngân hàng và các tổ chức tín dụng nói chung. Chính phủ các nước đang phát triển cho rằng các dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài và vốn vay ngân hàng nước ngoài có thể đem lại những tác động bất lợi với nền kinh tế của họ. Do đó, nhiều Chính phủ đã ban hành những quy chế nhằm điều tiết các dòng vốn này. Bên cạnh đó, những thoả thuận ở cấp khu vực nhằm phát triển một hệ thống phòng ngừa khủng hoảng tái diễn đã được thúc đẩy ở châu Á, ví dụ Sáng kiến Chiang Mai, Tiến trình Đánh giá và Đối thoại kinh tế ASEAN+3, Sáng kiến Thị trường Trái phiếu Châu Á, v.v.
Mười năm sau khi đóng một vai trò gây nhiều tranh cãi trong cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á, IMF đang lâm vào một cuộc khủng hoảng của chính mình. Trên thực tế, nhiều người vẫn hoài nghi vai trò của IMF trong việc thúc đẩy kinh tế của các nước đang phát triển. Mark Weisbrot, đồng giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách, một cơ quan tư vấn có trụ sở tại Washington D.C nói: “Cuộc khủng hoảng châu Á là sự khởi đầu của một tiến trình, mà kể từ đó IMF đã mất gần hết ảnh
79
hưởng trên thế giới sau một thập niên”. Được thành lập trong đống tro tàn của Chiến tranh Thế giới II với sứ mệnh bảo vệ sự ổn định của hệ thống tài chính quốc tế, IMF ngày nay đang phải đối mặt với sức ép cải cách những tập quán của chính mình. Những người chỉ trích cho rằng IMF phục vụ lợi ích của những quốc gia giàu có bằng cách áp đặt những tập quán thị trường tự do. Tháng 5/2007, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez tuyên bố nước này rút khỏi IMF và WB, những định chế bị ông mô tả là “công cụ của chủ nghĩa đế quốc Mĩ” bóc lột các nước nghèo. Một số tổng thống Mĩ La tinh khác, trong đó có Nestor Kircher của Argentina và Rafael Correa của Ecuador cũng không che dấu thái độ coi thường IMF. Tại hội nghị toàn thể gần đây ở Singapore, IMF đã bị gây sức ép đòi phải cho phép các nước nghèo và đang phát triển có nhiều tiếng nói hơn trong Ban Giám đốc điều hành của định chế tài chính này. Một số nước có thể được lợi từ việc thay đổi cách thức điều hành IMF, chẳng hạn như Hàn Quốc đã có quyền bỏ phiếu. Mười năm sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, một số “bệnh nhân” của IMF đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, khiến sứ mệnh của IMF tại những quốc gia này trở nên thừa thãi. Các định chế khu vực mới nổi lên đang thách thức vị thế của IMF. Không những thế, sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ toàn cầu và sự bùng nổ tín dụng tư nhân trên các thị trường thế giới trong một thời gian dài đã tạo ra nhiều kênh vốn mới cho những nước muốn vay tiền. Trong khi đó, tiến trình cải cách của IMF lại rất chậm chạp. Vai trò giám sát tỷ giá hối đoái của IMF đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với tổ chức tài chính này. IMF hiện đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng đối với các chính sách ngoại hối của các quốc gia thành viên, nhưng lại không muốn bị cáo buộc là phục vụ lợi ích của Mĩ chống lại cường quốc của châu Á là Trung Quốc. Hơn nữa, phúc lợi tài chính của chính IMF hiện cũng đang gặp trở ngại, một phần do lượng tiền mà IMF cho các quốc gia con nợ vay giảm. IMF hiện đang tính đến việc bán một phần kho dự trữ vàng góp phần củng cố khả năng tài chính của thể chế này. Việc bất ngờ tuyên bố từ chức của Tổng giám đốc IMF Rodrigo de Rato ngày 28/6/2007, sớm hơn một năm rưỡi so với nhiệm kỳ năm năm trong bối
80
cảnh hiện nay cho thấy IMF thực sự đang rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng.
KẾT LUẬN CHƢƠNG 2
Những dấu hiệu trước năm 1997 cho thấy khủng hoảng tài chính - tiền tệ xuất hiện là khá rõ ràng. Đó là tình trạng mất cân đối trong cán cân vãng lai, một số vấn đề liên quan đến nền tảng kinh tế vĩ mô, tình trạng yếu kém của hệ thống tài chính, sự mất cân đối trong nợ nước ngoài. Cuộc khủng hoảng nổ ra đầu tiên ở Thái Lan, tiếp đó lan sang các nước khác trong khu vực như Indonesia, Maylaysia, Hàn Quốc. Không dừng ở đó, tính chất lan truyền của nó còn vươn tới những khu vực khác như Nga, Brazil và ảnh hưởng tới nhiều nước lớn khác. Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng được xác định là do sự bất cập trong chính sách quản lý kinh tế vĩ mô của chính phủ, sai lầm của các nhà đầu tư trong nước và các nhân tố bên ngoài vượt khỏi tầm kiểm soát của các quốc gia.
Theo quan điểm của IMF, cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á thực chất là do nguyên nhân bên trong mỗi quốc gia song tính chất của cuộc khủng hoảng lại mang tính quốc tế sâu sắc và có sức lan toả rộng rãi. Trên cơ sở nhận định của mình, IMF hỗ trợ tài chính đi đôi với việc đưa ra “phương thuốc” cho các nước bị khủng hoảng. Dưới sự hỗ trợ của IMF, các Chính phủ châu Á đã đưa ra những chính sách nhằm khắc phục khủng hoảng tài chính - tiền tệ, trong đó tập trung vào việc huy động vốn hỗ trợ trong và ngoài nước và cải thiện hệ thống tài chính quốc gia. Trên cơ sở đó, luận văn đánh giá hiệu quả của chính sách thể hiện ở sự khác biệt về các mức kết quả ở một số nước Đông Á bị khủng hoảng mạnh nhất, phê phán “liều thuốc” của IMF và đánh giá vai trò của sự phối hợp chính sách giữa các chính phủ châu Á với IMF trong việc khắc phục khủng hoảng tài chính - tiền tệ.
80
CHƢƠNG 3
MỘT SỐ BÀI HỌC VỀ NGĂN NGỪA VÀ XỬ LÝ KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH - TIỀN TỆ TRONG QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP KINH TẾ