Phê phán chính sách hỗ trợ của IMF

Một phần của tài liệu Phối hợp chính sách giữa các chính phủ châu Á với IMF trong việc khắc phục khủng hoảng tài chính - tiền tệ và bài học cho Việt Nam (Trang 79)

II. Tỷ trọng nợ ngắn hạn quá lớn

1 SDR = 4706 USD (thời điểm ngày 28/4/2006)

2.3.1.2 Phê phán chính sách hỗ trợ của IMF

Nếu như chia cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á làm 3 giai đoạn, giai đoạn thứ nhất là trước năm 1997 với những dấu hiệu báo trước về cuộc khủng hoảng, giai đoạn hai được bắt đầu khi chính phủ các nước can thiệp để ổn định tỷ giá hối đoái song không thành công và buộc phải thả nổi tỷ giá. Cùng với việc chẩn đoán bệnh và áp dụng phương thuốc đặc trị của IMF, cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ đã bước vào giai đoạn thứ ba. IMF đã coi cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á như là một cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán, do đó tín dụng được tài trợ với điều kiện là các nước này phải chấp nhận “liệu pháp cả gói” bao gồm: thả nổi tiền tệ, tăng mạnh lãi suất, tự do hoá hơn nữa tài khoản vốn và đóng cửa các định chế tài chính “có vấn đề” về khả năng thanh toán, v.v… Việc chẩn đoán không chính xác, đầy đủ và “toa thuốc” được kê bởi IMF không những không làm cho cuộc khủng hoảng dịu đi mà còn làm tồi tệ hơn và kéo dài cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.

71

Trong suốt hơn 60 năm qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã giúp nhiều nước vượt qua khó khăn về kinh tế và đã tạo được những thành tích đáng kể. Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á, IMF một mặt được các chính phủ nhờ cậy giải cứu, mặt khác cũng bị phê phán khá nhiều. Là một tổ chức uy tín, IMF lẽ ra đã có thể trấn an và tái tạo niềm tin, nhưng ngược lại, cứ mỗi khi những biện pháp của IMF được công bố tại nước nào thì dường như tình hình kinh tế nước đó lại trở nên bất ổn và đồng tiền lại sụt giá mạnh hơn. Tại Thái Lan, đồng Baht đang ở mức 30 Baht/USD, tụt xuống 32 Baht/USD ngày 28/7/1997 khi chính phủ loan báo nhờ IMF trợ giúp. Sau khi công bố các biện pháp của IMF, đồng Baht tụt giá xuống 35 Baht/USD vào 11/9/1997. Đồng Won của Hàn Quốc và nhiều đồng tiền khác cũng trong tình trạng tương tự, thậm chí đồng Rupiah của Indonesia còn trong tình trạng bi đát hơn cả. Từ 3.290 Rupiah/USD tụt xuống 3.525 Rupiah/USD ngày 8/10/1997 khi Indonesia quyết định nhờ IMF trợ giúp; khi IMF chính thức nhập cuộc thì đổ xuống 8.650 Rupiah/USD, rồi rơi tự do xuống 13.250 Rupiah/USD một tuần sau đó. Nói chung, các nhà phê bình cho rằng IMF đã phạm hai lỗi lớn: trước hết là đã không đoán trước được cuộc khủng hoảng, và sau đó là đã không biết rõ căn bệnh nên dùng sai thuốc khiến cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn.

Tại phiên họp thường niên của IMF và WB tại Hồng Kông vào tháng 9/1997, ông Michel Camdesus, Giám đốc điều hành IMF lúc đó tuyên bố rằng chính họ đã lên tiếng cảnh báo về cuộc khủng hoảng trong bản tường trình năm trước. Tuy nhiên, Jeffrey Sachs thuộc Đại học Havard đã chỉ trích trên tờ Financial Times vào tháng 12/1997 rằng trong bản tường trình ấy tuyệt nhiên không có chút dấu hiệu báo động nào cả, ngoại trừ những lời khuyên cần cải tổ thêm. Đối với Malaysia, ngay hồi tháng 6/1997, IMF còn lên tiếng ca ngợi mô hình kinh tế nước này và khen chính phủ Malaysia đã giữ vững được cơ cấu tài chính trong một hoàn cảnh đầy thách thức khi nền kinh tế tăng trưởng nhanh. Chỉ 4 tháng sau đó, IMF lại trở ngược và nặng lời phê phán Malaysia.

72

Quan trọng hơn, “bài thuốc” mà IMF đưa ra đã bị một số nhà kinh tế phê phán mạnh mẽ, đặc biệt là lần đầu tiên trong lịch sử từ phía WB, nhất là sau khi các điều kiện IMF đã được thực hiện tương đối nghiêm túc ở Thái Lan và Hàn Quốc nhưng chưa có dấu hiệu gì là đồng nội tệ lấy lại được lòng tin. Là điều kiện cho các khoản cứu trợ tài chính, công thức của IMF thực chất xoay quanh 2 vấn đề cơ bản: (1) cải tổ nền kinh tế, mà đặc biệt nhấn mạnh vào việc cơ cấu lại khu vực ngân hàng và tài chính; (2) duy trì lãi suất cao để tránh dòng vốn tháo chạy và các cuộc tấn công tiền tệ. Những người phê phán cho rằng giữ mức lãi suất quá cao không những không làm cho việc phá giá tiền tệ chậm lại mà còn làm tăng khả năng phá sản hàng loạt doanh nghiệp và ngân hàng. Tác động của chính sách này được mô tả bởi “vòng luẩn quẩn” sau đây: tình trạng đói tín dụng (credit crunch) làm cho các công ty có khả năng thanh toán khác cũng bị mất mát về tài chính; lợi nhuận ngày càng giảm làm xuất hiện các khoản vay không sinh lời (NPLs) và gia tăng rủi ro tín dụng làm trầm trọng thêm cuộc suy thoái; và cuối cùng lại gây ra sự co lại của cung tín dụng. Phê phán cơ bản là không thể áp dụng

một bài thuốc cho tất cả các nước. Ngòi nổ phê phán này bắt đầu từ J. Sachs

thuộc Viện Phát triển Đại học Havard.

Một trong những điều đầu tiên IMF đã mang ra thi hành tại Thái Lan, Hàn Quốc và Indonesia là lập tức bắt đóng cửa một số ngân hàng. Tại Hàn Quốc, IMF bắt đóng cửa 14 trong số 30 ngân hàng đầu tư; tại Indonesia, 16 ngân hàng lỗ bị buộc phải đóng cửa; tại Thái Lan 58/91 công ty tài chính phải ngừng hoạt động. Nhiều quan điểm cho rằng IMF đã phạm một lỗi lớn khi đem những phương thuốc đã áp dụng ở Nam Mĩ ra dùng lại ở châu Á, mặc dầu căn bệnh ở đây khác hẳn. Việc đóng cửa ngân hàng trong giai đoạn khủng hoảng chỉ làm cho mọi người thêm sợ hãi, vội vã rút tiền khỏi ngân hàng, kể cả những ngân hàng có khả năng thanh toán và khả năng tài chính tốt. Trong khi vấn đề chính là việc nhiều công ty thiếu tiền trả nợ ngắn hạn thì IMF lại không đứng ra giúp điều đình hoãn nợ, mà lại cho tăng lãi suất khiến tình hình trở nên khó khăn hơn. Bàn về những biện pháp của IMF, nhà kinh tế Steve Radelet phê bình: “Thật hoàn toàn phi lý khi bắt những nước

73

này phải thắt lưng buộc bụng trong khi họ hiện có thừa khả năng sản xuất và mức tiết kiệm đã lên tới 30% tổng số thu nhập”. Còn J. Sachs thì nặng lời chỉ trích: “Không có lý do gì để cho rằng nền tài chính châu Á đáng báo động cả… châu Á cần cải tổ khu vực tài chính là đúng, nhưng không thể vin vào lý do đó để tháo chạy hoảng hốt, và cũng không thể vì thế mà đưa ra những biện pháp thay đổi chính sách quá khắt khe như vậy. Châu Á có đủ sức để đương đầu với một sự co thắt kinh tế: ngân sách của họ ở mức cân bằng hay thặng dư, mức lạm phát thấp, vốn tiết kiệm khá nhiều và họ thừa sức đẩy mạnh xuất khẩu”. Giới phê bình quốc tế còn cho rằng IMF đã không hề bàn bạc kỹ lưỡng cùng các chuyên gia kinh nghiệm mà đột nhiên áp đặt những phương thuốc đắng để thắt chặt nền kinh tế trong bối cảnh nóng khiến cuộc khủng hoảng càng trầm trọng hơn. J. Sachs cho rằng: “… Những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các chính sách mà IMF đưa ra thì lại không được biết gì và cũng không hề được góp ý”, và cho rằng IMF đã không biết đưa ra một chương trình giải cứu phù hợp với những nhu cầu của Đông Nam Á và chính họ “đã góp phần làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng”.

Vậy phải chăng chính sách của IMF hỗ trợ các nước khắc phục khủng hoảng là sai lầm? Chắc chắn không hoàn toàn sai vì nếu sai thì tại sao đến nay các nước này lại phục hồi được kinh tế của mình. Bằng chứng là, cho tới năm 2000, thu nhập bình quân đầu người đã trở lại mức trước khủng hoảng tại Hàn Quốc và Malaysia; còn tại Thái Lan và Indonesia thì lần lượt đến năm 2003 và 2004. Công bằng mà đánh giá, có thể nói, sẽ không thể khắc phục được khủng hoảng nếu như không có vai trò của IMF. Vai trò này đã được tái khẳng định trên nhiều diễn đàn đa phương. Cần phải thấy rằng, nếu không chấp nhận giải pháp của IMF, các công ty đang có khủng hoảng nợ chỉ có thể tuyên bố phá sản. Thực chất “liều thuốc” của IMF là nhằm lấy lại lòng tin cho khu vực và giúp các nước khủng hoảng phục hồi kinh tế một cách nhanh chóng và bền vững. Trên thực tế, có thể thấy chính sách của IMF đã có thành công nhất định ở một số nước như Hàn Quốc. Một số nước khác ít thành công hơn, phục hồi chậm hơn, thậm chí còn lún sâu vào khủng hoảng là do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến sai lầm và sự thiếu hợp

74

tác của các nước bị khủng hoảng. Cho nên nếu đổ lỗi hoàn toàn cho IMF cũng là không công bằng.

Vậy nếu chính sách của IMF không sai thì tại sao vẫn có nước lún sâu vào khủng hoảng? Một số nội dung của vấn đề được đem ra phê phán thật ra là ở liều lượng của giải pháp chứ không phải là chính giải pháp. Thái Lan,

Indonesia, Malaysia và Hàn Quốc mỗi nước đều có sự khác biệt cả về điều kiện, trình độ phát triển và khả năng phục hồi. Đó là chưa kể tới những vấn đề khác biệt về thể chế nhà nước, chính trị, văn hoá, xã hội, cấu trúc kinh tế - tài chính v.v. Cho dù cùng một bệnh, nhưng nếu có “tiểu sử”, “cơ địa” khác nhau thì liều lượng giải pháp cũng phải khác nhau. Không thể máy móc áp dụng cùng một liều thuốc cho tất cả các “bệnh nhân”.

Lý giải cho việc tại sao bên cạnh việc cảnh báo, IMF vẫn khen ngợi thành công của Đông Á xuất phát từ hai nguyên nhân. Một là, những số liệu kinh tế của các nước Đông Á cung cấp cho IMF vẫn cho thấy dấu hiệu tương đối tốt như tăng trưởng cao, lạm phát thấp, ngân sách nhà nước cân bằng v.v.

Hai là, những cán bộ của IMF, họ cũng chỉ là những con người cụ thể, họ có

thể mắc sai sót.

Một số phê phán khác có tính dài hạn và cơ bản hơn cần được cân nhắc đối với các nước đang phát triển. Phê phán thứ nhất là phải chăng nợ tư nhân cần để cho tư nhân tự do quyết định hay cần kiểm soát và theo dõi sát sao như nợ nhà nước? Thứ hai là, liệu sự can thiệp của IMF có làm gia tăng rủi ro đạo đức hay không khi cuộc khủng hoảng gây tác động lớn về mặt xã hội và mọi người dân trong quốc gia đó đều phải chịu, trong khi những chủ nợ lại được giải cứu và không phải chịu phần lớn trong gánh nặng đó? Thứ ba là, liệu có nên hoàn toàn tự do hoá dòng chảy vốn, đặc biệt là buôn bán ngoại tệ, hay là cần kiểm soát? Lợi ích và chi phí của việc kiểm soát vốn? Nếu kiểm soát vốn thì sẽ kiểm soát như thế nào và ở mức độ nào? Thành công của Malaysia trong việc khống chế cuộc khủng hoảng tốt hơn nhiều nước trong khu vực bằng cách áp dụng một số biện pháp hạn chế luồng tiền đổ ra nước ngoài đã khiến cho người ta có thái độ nghi ngờ đối với quan điểm cho rằng các nước nên mở cửa thị trường hết mức có thể. Những phê phán này

75

đánh thẳng vào định chế thương mại thế giới mà cơ quan có trách nhiệm là WTO, đứng đằng sau các định chế này là Mĩ, các nước G7 cùng các nước lớn khác.

2.3.2 Đánh giá vai trò của sự phối hợp chính sách giữa các chính phủ châu Á với IMF trong việc khắc phục khủng hoảng

Một phần của tài liệu Phối hợp chính sách giữa các chính phủ châu Á với IMF trong việc khắc phục khủng hoảng tài chính - tiền tệ và bài học cho Việt Nam (Trang 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(149 trang)