- Tốc độ tăng tín dụng cho nền kinh tế
3.2.3 Tăng cƣờng phối hợp với IMF và các tổ chức tài chính quốc tế trong việc ngăn ngừa và xử lý khủng hoảng
việc ngăn ngừa và xử lý khủng hoảng
Trong suốt 60 năm qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã giúp nhiều nước vượt qua khó khăn về kinh tế và đã tạo được những thành tích đáng kể. Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á, IMF một mặt được các Chính phủ nhờ cậy giải cứu, mặt khác cũng bị phê phán khá nhiều. Chỉ sau khi cuộc khủng hoảng xảy ra, người ta mới thấy hết được tầm quan trọng của tư vấn chính sách và giám sát toàn cầu như là những chức năng căn bản của IMF trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, kể từ khi ra đời cho đến nay, các quy định cũng như điều lệ của IMF chưa có sự thay đổi cơ bản nào. Sự lạc hậu trong phương thức hoạt động và phương pháp giám sát chưa thực sự hiệu quả trong điều kiện mới đã khiến IMF đang dần trở nên “già nua”, khiến người ta muốn xem xét lại vai trò của nó. Mười năm sau khi đóng một vai trò gây nhiều tranh cãi trong cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á, IMF đang lâm vào một cuộc khủng hoảng của chính mình. Chính vì vậy, nếu muốn cứu mình, trước hết bản thân IMF cần phải cải tổ lại. Phạm vi cải tổ không chỉ đổi mới các quy chế về ngân hàng và các tổ chức tín dụng, quy chế về điều tiết dòng vốn, phương thức hoạt động, mà phạm vi cải tổ còn được mở rộng ở bộ máy quyền
126
lực của IMF, theo đó các nước nghèo và đang phát triển phải có tiếng nói nhiều hơn trong Ban Giám đốc điều hành.
Như trong chương 2 đã phân tích, “phương thuốc” của IMF không hoàn toàn sai, mà thật ra người ta phê phán nó là ở liều lượng. Mặc dù có cảnh báo, nhưng do những cảnh báo này chưa đủ mạnh nên các quốc gia châu Á vẫn bị khủng hoảng. Phải chăng cảnh báo thật sự chưa đủ mạnh hay phương pháp giám sát không hiệu quả? Vấn đề chính lại nằm ở sự thiếu phối hợp giữa các Chính phủ châu Á với IMF. Việc thiếu phối hợp trước hết ở việc thiếu thông tin, mà phần lỗi lớn lại thuộc về các nước châu Á. Việc chậm công bố thông tin, che dấu, thậm chí sửa chữa thông tin, số liệu của một số Chính phủ cùng với những yếu kém của hệ thống kế toán, thống kê không theo chuẩn mực quốc tế gây nhiễu thông tin giữa các Chính phủ và IMF, càng làm cho thời gian “ủ bệnh” dài thêm và bệnh ngày một nặng. Về phần IMF, việc lấy thông tin từ các Chính phủ châu Á mà không đi đôi với việc tăng cường giám sát, kiểm tra, thậm chí sửa đổi kịp thời những quy định không còn phù hợp, thiếu tăng cường tập huấn, hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật về các nghiệp vụ ngân hàng, tài chính quốc tế đã khiến cho các Chính phủ và IMF ngày càng thiếu hiểu biết lẫn nhau. Thái độ chủ quan, thiếu tính hợp tác khiến cho sự bất đồng giữa IMF và các chính phủ châu Á ngày càng tăng lên, đặc biệt là khi liều lượng của “liều thuốc” không được lưu tâm.
Chính vì lẽ đó, có thể nói cảnh báo chỉ thực sự hiệu quả khi có sự liên kết và hợp tác tài chính giữa các Chính phủ. Một trong những bài học rõ ràng nhất mà Việt Nam có thể học hỏi được từ các nước Đông Á trong cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ 1997 đó chính là việc cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, với IMF và phối hợp mang tầm khu vực giữa các nước với nhau. Chỉ sau khi cuộc khủng hoảng xảy ra, người ta mới thấy được tính cấp thiết của việc hợp tác tài chính giữa các nước trong khu vực (trong đó có phối hợp về chính sách tài chính, tiền tệ, chính sách tỷ giá hối đoái), tính cần thiết của việc xây dựng “hệ thống cảnh báo sớm” nguy cơ khủng hoảng, đến việc thành lập Quỹ dự trữ ngoại hối chung, Sáng kiến Chiang Mai
127
hay Sáng kiến về Quỹ tiền tệ châu Á (Asian Moneytary Fund/ AMF). Về phần mình, IMF cũng đã đồng ý bổ sung chức năng của mình thông qua việc hình thành một cơ cấu giám sát khu vực mới, thích hợp hơn dành cho châu Á.
Là một nước đi sau, Việt Nam có thể học hỏi được rất nhiều từ kinh nghiệm của các nước đi trước trong tiến trình hội nhập tài chính quốc tế, cụ thể là phòng tránh nguy cơ của các cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ tương lai. Để ngăn ngừa và phòng tránh được khủng hoảng tài chính - tiền tệ, Việt Nam cần chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với IMF trong việc cung cấp thông tin, báo cáo tài chính nhằm phát huy tính tích cực của IMF trong việc tư vấn chính sách và dự phòng khủng hoảng tài chính - tiền tệ. Ngoài ra, nếu có biến động lớn, Việt Nam cũng cần chia sẻ thông tin kịp thời với các nước trong khu vực nhằm phòng tránh khủng hoảng từ xa. Tuy nhiên, một biện pháp quan trọng quyết định đến việc loại trừ khả năng khủng hoảng ở Việt Nam đó chính là từng bước nâng cao năng lực đối phó khủng hoảng của Việt Nam bằng cách chủ động cải cách hệ thống tài chính - ngân hàng, cải cách hệ thống doanh nghiệp (đặc biệt là sắp xếp, đổi mới, cổ phần hoá các DNNN), cải cách thể chế đi đôi với việc chủ động mở cửa, tự do hoá tài chính theo lộ trình một cách thận trọng. Chính những cải cách căn bản này sẽ tạo tiền đề cho việc thực hiện công khai, minh bạch hoá các thông tin, dữ liệu kinh tế, góp phần dự báo tốt khả năng khủng hoảng trong tương lai.
Ngay khi có khủng hoảng xảy ra, ngoài việc tăng cường vai trò của nhà nước trong việc ban hành những chính sách kịp thời thì một biện pháp “chữa cháy” tức thì cần phải được thực hiện ngay đó là Chính phủ cần nhanh chóng kêu gọi sự giúp đỡ về tài chính, kỹ thuật và tư vấn chính sách của cộng đồng quốc tế để có thể lấy lại lòng tin của thị trường và các nhà đầu tư. Sở dĩ khi có khủng hoảng phải kêu gọi hỗ trợ tài chính khẩn cấp vì các biện pháp, chính sách của Chính phủ bao giờ cũng có độ trễ và tính hiệu lực thấp, nhất là ở những quốc gia có nền kinh tế chuyển đổi, thể chế pháp lý và các công cụ điều tiết thị trường còn yếu như ở Việt Nam. Do đó, để nhanh chóng phục hồi khả năng thanh khoản, giảm chi phí khắc phục khủng hoảng, đảm bảo khả năng trả nợ, phục hồi hệ thống tài chính và khu vực sản xuất thì biện pháp quan trọng là
128
tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài như IMF, WB, ADB hay một số định chế quốc tế khác. Tất nhiên, khi phải nhờ đến sự giúp đỡ từ bên ngoài, chắc chắn quốc gia đó sẽ mất đi tính độc lập tương đối trong việc hoạch định chính sách kinh tế - xã hội, thậm chí còn phải hy sinh một số mục tiêu trước mắt hay thậm chí gây ra những ảnh hưởng lâu dài về mặt xã hội hay chính trị khác (như kinh tế tăng trưởng chậm lại, hàng hoá khan hiếm, giá cả đắt đỏ, thất nghiệp, bạo động chính trị, v.v).
Rõ ràng, chính sách hỗ trợ của IMF nhằm khắc phục khủng hoảng có tính 2 mặt. Một mặt, với vai trò duy trì ổn định hệ thống tài chính toàn cầu và phòng chống khủng hoảng, IMF có chức năng hỗ trợ tài chính to lớn cho những quốc gia bị khủng hoảng tấn công. Song đi kèm với những khoản tài trợ trọn gói ấy là “liều thuốc đặc trị”: cải tổ khu vực tài chính, tăng lãi suất, cắt giảm ngân sách, mở rộng thị trường nội địa. Việc áp dụng cùng một phương thuốc nhưng các quốc gia khác nhau lại cho kết quả khác nhau, khả năng “lành bệnh” cũng khác nhau. Nguyên nhân được giải thích đó là “bệnh nhân” khác nhau, “cơ địa”, “tiểu sử” khác nhau thì liều lượng cũng phải khác nhau. Song do nhiều nguyên nhân, IMF đã áp đặt quan điểm và chính sách của mình lên các nước bị khủng hoảng. Do trước đó đã nhận sự giúp đỡ của IMF và khó có thể từ chối, Chính phủ các nước đành “cắn răng” chịu đựng thời kỳ “thắt lưng buộc bụng” của mình.
Cách tốt nhất để giảm thiểu mức độ hà khắc của chính sách đó là ngay khi nhận cứu trợ khẩn cấp của IMF, các Chính phủ cần nhanh chóng tăng cường đối thoại, hợp tác, chia sẻ để cùng IMF và cộng đồng quốc tế tìm ra nguyên nhân và có những giải pháp thích hợp. Trong vấn đề này, quan trọng là nghe IMF nhưng nghe đến đâu. Thực chất của vấn đề là lựa chọn chính sách như thế nào và thời điểm nào để thực hiện. Một số lĩnh vực có thể ưu tiên giải quyết trước như việc nhanh chóng phục hồi khả năng thanh khoản, đảm bảo khả năng trả nợ, một số lĩnh vực khác như phục hồi hệ thống tài chính và khu vực sản xuất có thể được thực hiện từng bước theo lộ trình.
Tuy nhiên, để tránh xung đột lợi ích, tránh cầu viện tài chính từ bên ngoài, Việt Nam cần phải chủ động, nhanh chóng lành mạnh hoá khu vực tài chính đi đôi với triệt để cải cách hệ thống tài chính cho phù hợp với tình hình
129
mới. Ngoài ra, Việt Nam cũng như các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng cần tăng cường những hình thức hỗ trợ tính thanh khoản cấp vùng (như Quỹ dự trữ ngoại hối chung, Sáng kiến Chiang Mai hay Sáng kiến về Quỹ tiền tệ châu Á (AMF), tạo điều kiện kiềm chế các cuộc khủng hoảng, lây truyền khủng hoảng giữa các nước và tránh phục thuộc quá nhiều vào bên ngoài.
KẾT LUẬN
1. Khủng hoảng tài chính - tiền tệ có một lịch sử khá dài gắn liền với sự ra đời và phát triển của hệ thống tài chính trong nền kinh tế thế giới. Trong vòng 20 năm gần đây đã xảy ra hơn 90 cuộc khủng hoảng ngân hàng nghiêm trọng mà tổn thất của mỗi cuộc khủng hoảng tính trên GDP còn vượt quá tổn thất của sự đổ vỡ ngân hàng Mỹ trong những năm 30 của thế kỷ XX. Mặc dù có những điểm giống nhau, nhưng các cuộc khủng hoảng những năm vừa qua khác với các cuộc khủng hoảng trước đây trên nhiều khía cạnh quan trọng, đặc biệt là ở tác động quá mức và khả năng lây lan của khủng hoảng dường như rất lớn và vượt quá khả năng kiểm soát.
2. Cho đến nay, có thể nói có 3 mô hình khủng hoảng cơ bản với những cơ chế phát sinh và hoạt động riêng thích ứng với từng mô hình. Cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á 1997-1998 được coi là ví dụ điển hình của mô hình khủng hoảng thế hệ thứ ba, đặc trưng cho các cuộc khủng hoảng tài khoản vốn trong cán cân thanh toán quốc tế. Khủng hoảng tài khoản vốn thường dẫn đến khủng hoảng “kép”: khủng hoảng tiền tệ và khủng hoảng ngân hàng.
3. Trong quá trình phòng ngừa và xử lý khủng hoảng, nỗ lực của từng quốc gia có ý nghĩa quyết định, song do tính chất lan truyền nhanh chóng của nó, đòi hỏi cần có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế mà nổi bật là vai trò của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thể hiện ở cả 3 chức năng chính là giám sát, hỗ trợ kỹ thuật và cho vay.
4. Cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á 1997-1998 được khái quát trên nhiều phương diện như bối cảnh kinh tế các nước châu Á trước khủng
130
hoảng, những dấu hiệu trước khủng hoảng, diễn biến và nguyên nhân gây ra khủng hoảng. Theo quan điểm của IMF, cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á thực chất là do nguyên nhân bên trong mỗi quốc gia song tính chất của cuộc khủng hoảng lại mang tính quốc tế sâu sắc và có sức lan toả rộng rãi. Trên cơ sở quan điểm, nhận định và “toa thuốc” được kê sẵn của IMF dành cho các nước bị khủng hoảng, các Chính phủ châu Á đã đưa ra những chính sách nhằm khắc phục khủng hoảng tài chính - tiền tệ, trong đó tập trung vào việc huy động vốn hỗ trợ trong và ngoài nước và cải thiện hệ thống tài chính quốc gia. Tiến trình thực hiện của các nước có sự khác biệt về các mức kết quả, bởi có nước tương đối thành công, nhưng có nước lại lún sâu vào khủng hoảng. Chính vì thế, rất nhiều nhà kinh tế và các chính trị gia đã phê phán kịch liệt “phương thuốc đắng” của IMF, thậm chí đòi xem xét lại vai trò của IMF. Tuy nhiên, một nguyên nhân hết sức quan trọng đó chính là sự thiếu phối hợp chính sách giữa các chính phủ châu Á và IMF trong việc phòng chống khủng hoảng tài chính - tiền tệ.
5. Sau 20 năm đổi mới, mở cửa và hội nhập, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ trên nhiều phương diện. Với thế và lực mới, trên con đường phát triển của mình, Việt Nam sẽ ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào hệ thống kinh tế quốc tế. Đi cùng với quá trình này, Việt Nam cũng có thể phải đối mặt với những rủi ro tài chính do quá trình tự do hoá thương mại và tự do cán cân thanh toán quốc tế đem lại. Những nguy cơ khủng hoảng xuất hiện cả bên trong lẫn bên ngoài là những dấu hiệu cảnh báo về một cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ trong tương lai có thể xảy ra ở Việt Nam. Trên cơ sở những kinh nghiệm của các nước đã từng trải qua khủng hoảng, luận văn rút ra một số bài học trong việc ngăn ngừa và xử lý khủng hoảng tài chính - tiền tệ ở Việt Nam từ việc duy trì nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, điều hành linh hoạt chính sách tỷ giá hối đoái, chủ động xây dựng và cải cách hệ thống tài chính quốc gia, thực hiện tự do hoá tài chính theo lộ trình thận trọng và an toàn, tăng cường vai trò của nhà nước và đặc biệt tăng cường đối thoại và phối hợp chặt
131
chẽ với IMF cũng như các tổ chức tài chính quốc tế trong việc dự phòng và chống khủng hoảng. Tuy nhiên, do khủng hoảng chưa xảy ra ở Việt Nam, nên bài học về dự phòng, ngăn ngừa khủng hoảng có ý nghĩa đặc biệt thiết thực đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay cũng như về lâu dài.
132