CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI TRONG ĐIỀU KIỆN HỘI NHẬP QUỐC TẾ
1.2.1.3. Nguồn nhân lực,chất lượng nguồn nhân lực
Nguồn nhân lực bao gồm tất cả các tiềm năng của con người trong một tổ chức hay xã hội (kể cả những thành viên trong ban lãnh đạo doanh nghiệp) tức là tất cả các thành viên trong doanh nghiệp sử dụng kiến thức, khả năng, hành vi ứng xử và giá trị đạo đức để thành lập, duy trì và phát triển doanh nghiệp.
- Nguồn nhân lực là nguồn lực không thể thiếu của bất kỳ doanh nghiệp cũng như ngân hàng nào. Lợi thế cạnh tranh về nguồn nhân lực của một doanh nghiệp nói chung thể hiện ở những yếu tố như: trình độ đào tạo, trình độ thành thạo nghiệp vụ, động cơ phấn đấu, mức độ cam kết gắn bó với doanh nghiệp. Nhân sự của một ngân hàng là yếu tố mang tính kết nối các nguồn lực của ngân hàng, đồng thời cũng là cái gốc của mọi cải tiến hay đổi mới. So với các ngành khác, các phẩm chất quan trọng đối với một nhân viên ngân hàng là: "sự trung thực, độ tin cậy, tính cẩn thận và tinh thần sẵn sàng tiếp thu tư tưởng mới trong quá trình đáp ứng các nhu cầu về dịch vụ của khách hàng".
- Chất lượng của nguồn nhân lực là yếu tố có tính quyết định đến sự thành công hay thất bại trong kinh doanh của ngân hàng, chất lượng của nguồn nhân lực
thể hiện ở trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, phong cách ứng xử. NHTM là một doanh nghiệp đặc biệt với nhiều hoạt động đa dạng và mối quan hệ kinh tế với nhiều chủ thể kinh tế, xác hội hoạt động trong những lĩnh vực khác nhau; nhất là hiện nay trong hội nhập quốc tế thì các đòi hỏi về chất lượng của nguồn nhân lực ngày càng cao hơn.
+ Các NHTM - bản thân chúng cũng là các doanh nghiệp, song là các doanh nghiệp đặc biệt, do vậy hoạt động QTNH không những tác động đến giá trị của ngân hàng và giá vốn của họ mà còn tác động đến giá vốn của các chủ thể mà họ cho vay vốn. Công tác tổ chức và quản trị tại ngân hàng sẽ tác động trực tiếp không chỉ đến giá trị của ngân hàng mà còn tới vị thế và uy tín của ngân hàng. Không những thế, hoạt động của ngân hàng tác động đến sản lượng của nền kinh tế bởi lẽ các ngân hàng huy động và phân bổ tiết kiệm của xã hội.
+ Các NHTM là các doanh nghiệp đặc biệt nên hoạt động của các ngân hàng cũng có những “đặc thù”, đó là: sự không rõ ràng của một số nguồn thông tin tài chính khiến khó đánh giá chất lượng hoạt động và rủi ro; sự đa dạng về các đối tượng thụ hưởng nên khó quản lý; độ rủi ro lớn, nhiều khoản nợ ngắn hạn nên rủi ro trong hoạt động là rất cao và rất dễ dẫn đến phá sản; chịu sự quản lý chặt chẽ với nhiều quy định khắt khe và chi tiết do tầm quan trọng trong hệ thống, nếu đổ vỡ có thể gây ra tổn thất lớn và trên phạm vi rộng. Vì thế, bản thân các ngân hàng cũng phải đưa ra các quy định rất cụ thể, rõ ràng như các hạn chế về hoạt động (sản phẩm, chi nhánh), yêu cầu về đảm bảo an toàn (phân loại tín dụng, dự trữ bắt buộc…).
- Năng lực quản trị điều hành của NHTM là thước đo cho khả năng chống đỡ của ngân hàng trước biến động của nền kinh tế. Năng lực quản trị, điều hành và kiểm soát là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của NHTM. Năng lực quản trị phản ánh khả năng đề ra và lựa chọn những chiến lược kinh doanh phù hợp, mang lại hiệu quả cao nhất như các chiến lược về cấp tín dụng, huy động vốn, hoạt động thanh toán, dịch vụ,…
+ Năng lực quản lý phản ánh năng lực điều hành của Hội đồng quản trị, Ban điều hành ngân hàng. Năng lực quản lý thể hiện ở mức độ chi phối và khả năng
giám sát của Hội đồng quản trị đối với Ban điều hành; mục tiêu, động cơ, mức độ cam kết của Ban điều hành, Hội đồng quản trị đối với việc duy trì và nâng cao lợi thế cạnh tranh của ngân hàng; chính sách tiền lương và thu nhập đối với Ban điều hành; số lượng, chất lượng và hiệu lực thực hiện của các chiến lược, chính sách và quy trình kinh doanh cũng như quy trình quản lý rủi ro, kiểm toán kiểm soát nội bộ. Năng lực quản lý sẽ quyết định hiệu quả sử dụng các nguồn lực của ngân hàng.
+ Năng lực quản lý của Hội đồng quản trị cũng như Ban điều hành cũng bị chi phối bởi cơ cấu tổ chức của ngân hàng. Cơ cấu tổ chức phản ánh cơ chế phân bổ các nguồn lực của một ngân hàng có phù hợp với quy mô, trình độ quản lý của ngân hàng; phù hợp với đặc trưng cạnh tranh của ngành và yêu cầu của thị trường hay không. Cơ cấu tổ chức của một ngân hàng thể hiện ở sự phân chia các phòng ban chức năng, các bộ phận tác nghiệp, các đơn vị trực thuộc… Hiệu quả của cơ chế quản lý phản ánh ở số lượng các phòng ban, sự phân công, phân cấp giữa các phòng ban, mức độ phối hợp giữa các phòng ban, các đơn vị trong việc triển khai chiến lược kinh doanh, các hoạt động nghiệp vụ hàng ngày, khả năng thích nghi và thay đổi của cơ cấu trước những biến động của ngành hay những biến động trong môi trường vĩ mô.