CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI TRONG ĐIỀU KIỆN HỘI NHẬP QUỐC TẾ
1.2.1.2. Năng lực công nghệ
Năng lực công nghệ của NHTM hay còn gọi là khả năng ứng dụng công nghệ thông trong hoạt động ngân hàng- chủ yếu là kĩ thuật máy tính và viễn thông - nhằm tổ chức khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thông tin trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng nhằm đem lại lợi thế cạnh tranh cho ngân hàng với lợi nhuận cao nhất.
Toàn cầu hóa đã làm thay đổi hoàn toàn các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Trước đây, các điểm giao dịch ngân hàng là cửa ngõ cho các hoạt động ngân hàng.
Khách hàng chỉ sử dụng được các sản phẩm và dịch vụ rất hạn chế của ngân hàng trong thời gian NHTM mở cửa. Ngày nay, sức ép mới đã xuất hiện từ các định chế tài chính không phải ngân hàng cung cấp các dịch vụ và sản phẩm tương tự ngân hàng. Khách hàng trở nên khôn ngoan hơn trong việc mua bán, ít trung thành với các ngân hàng truyền thống hơn và đòi hỏi cao hơn về sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu tài chính. Vì vậy, khách hàng chính là người quyết định nên sử dụng các dịch vụ tài chính khi nào, như thế nào và ở đâu. Để đáp ứng được yêu cầu của khách hàng và của thị trường, các NHTM phải cung cấp các sản phẩm, dịch vụ nhiều tiện ích hơn, với khả năng tiếp cận dễ dàng hơn và với một tốc độ nhanh hơn để thỏa mãn nhu cầu khách hàng hơn. Trong khi đó, chi phí hoạt động và phát triển của các ngân hàng ngày càng phải giảm bớt, lợi nhuận vẫn phải được đảm bảo. Trong hoàn cảnh đó, CNTT ngày càng đóng vai trò quyết định trong hoạt động ngân hàng, là yếu tố then chốt để các NHTM đưa ra những lợi thế cạnh tranh.
Trong điều kiện kinh doanh toàn cầu, CNTT là phương tiện hỗ trợ đắc lực cho hoạt động kinh doanh. Hoạt động kinh doanh ngân hàng là loại hình kinh doanh đặc biệt, các dịch vụ, tiện ích gia tăng được ứng dụng bởi CNTT rất nhiều. Công nghệ phát triển giúp NHTM giải quyết nhanh chóng, tiện lợi, chính xác và an toàn trong tất cả các nghiệp vụ ngân hàng. Công nghệ phát triển giúp khách hàng của NHTM không cần tới trực tiếp ngân hàng để giao dịch mà khách hàng có thể giao dịch mọi lúc, mọi nơi tại bất kỳ đâu thông qua Internet, điện thoại… Như vậy, ứng dụng công nghệ vào hoạt động ngân hàng giúp NHTM nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
Trong những năm qua, các NHTM đầu tư ngày càng nhiều cho CNTT. CNTT không những chỉ là công cụ để giảm chi phí và hỗ trợ quá trình hoạt động mà còn là yếu tố quan trọng tạo nên lợi nhuận. CNTT giúp cho các ngân hàng quản lý quan hệ với khách hàng được tốt hơn, đơn giản hóa quá trình hoạt động, mở rộng phạm vi hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm rủi ro trong một thị trường nhiều biến động. Các sản phẩm phần mềm giúp tối ưu hóa các dịch vụ chi nhánh qua việc định vị các chi nhánh mới, tái xác định và đóng cửa chi nhánh cũ dựa vào những dữ
liệu về dân số, địa lý. Với sự ra đời của Internet tốc độ cao đã vượt qua quan hệ khách hàng truyền thống và tạo nên một mô hình mới: nền kinh tế số hoá. Vì vậy, các ngân hàng không theo kịp công nghệ mới sẽ không thể cung cấp các sản phẩm, dịch vụ theo yêu cầu của nền kinh tế số.
Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào kinh doanh ngân hàng là một điều tất yếu, việc hoàn thiện và phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng chỉ đem lại hiệu quả khi dựa trên một nền tảng công nghệ ngân hàng hiện đại và tiên tiến. Do vậy, việc lựa chọn đúng công nghệ và sử dụng có hiệu quả công nghệ là một khâu quan trọng phải quan tâm, xem xét để tăng cường năng lực cạnh tranh và gia tăng hiệu quả kinh doanh của NHTM.
Vì vậy, công nghệ phải được coi như một khoản đầu tư cần thiết cho sự thành công của ngân hàng; khoản đầu tư này cũng phải được kế hoạch và thực hiện theo từng giai đoạn; nó cũng sẽ phản ánh chiến lược kinh doanh dài hạn và có sự cam kết của các nhà quản lý; và lợi ích từ khoản đầu tư đó cũng phải được ghi nhận.