PHẦN NỘI DUNG CHƯƠNG
PHAN THỊ VÀNG ANH, LÝ LAN 2.1 CẢM HỨNG NGHỆ THUẬT
2.1. CẢM HỨNG NGHỆ THUẬT
Với bất kì một loại hình nghệ thuật nào thì cảm hứng sáng tạo cũng luôn là yếu tố cần có đối với cá nhân người nghệ sỹ và giữ vai trò quan trọng chi phối quá trình hình thành tác phẩm. Nếu như với hội hoạ, cảm hứng của người hoạ sỹ được thể hiện trên những mảng màu sáng tối của mỗi bức tranh, ở điêu khắc là những đường nét và hình khối trên mỗi khuôn hình, thì với văn học cảm hứng sáng tác được hiện hữu hoá qua ngôn từ, qua thế giới hình tượng mà nhà văn muốn tạo dựng. Một tác phẩm văn học là sản phẩm của quá trình thai nghén lâu dài, đồng thời là kết quả của những xúc cảm thẩm mĩ, của những trạng thái tình cảm và gắn liền với một tư tưởng xác định của chủ thể sáng tạo.
Trong văn học, cảm hứng nghệ thuật được coi là một yếu tố của bản thân nội dung nghệ thuật, của thái độ, tư tưởng, xúc cảm người nghệ sĩ. Trong cuốn
Dẫn luận nghiên cứu văn học thuật ngữ cảm hứng nghệ thuật được xác định là
“trạng thái hưng phấn cao độ của nhà văn do việc chiếm lĩnh được bản chất của cuộc sống mà họ miêu tả”[57]. Cảm hứng nghệ thuật không chỉ gắn với lí tưởng thẩm mĩ mà còn “bắt nguồn từ lí tưởng xã hội của nhà văn nhằm phát triển và cải tạo thực tại”.
Tiếp cận với tác phẩm văn học từ góc độ cảm hứng sáng tác cũng là một cách tìm hiểu thế giới nghệ thuật trong sáng tác nhà văn qua đó tìm hiểu cách nhìn của tác giả về hiện thực đời sống và con người. Khảo sát truyện ngắn của Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Lý Lan, Phan Thị Vàng Anh, chúng tôi rút ra được sáng tác của các chị xuất phát từ ba nguồn cảm hứng chủ đạo: cảm hứng ngợi ca, cảm hứng bi kịch và cảm hứng chiêm nghiệm, triết lí. Tuy sắc thái đậm nhạt có khác nhau nhưng mỗi cảm hứng đều thể hiện khả năng đón nhận và chuyển tải hiện thực của nhà văn trong tương quan với đời sống.