PHẦN NỘI DUNG CHƯƠNG
3.1.1. CỐT TRUYỆN TRUYỀN THỐNG
Trong truyện ngắn có cốt truyện truyền thống của bốn cây bút nữ này, truyện thường được tổ chức theo lối xâu chuỗi các sự kiện. Các sự kiện được kể lại theo trật tự thời gian tuyến tính, theo diễn trình hành động của nhân vật.
Kết cấu truyện tương đối chặt chẽ, sự kiện, biến cố và hành động phát triển liên tục làm cơ sở cho sự vận động của cốt truyện.
Với nhân vật người kể chuyện thông suốt, tính chất “chuyện” luôn tồn
tại trong những truyện ngắn có cốt truyện truyền thống. Câu chuyện thường xoay quanh cuộc đời của nhân vật trung tâm. Sức hấp dẫn của truyện một phần nhờ sự phát triển của cốt truyện. Tiêu biểu cho dạng truyện này phải kể
đến Cõi mê, Người đi tìm giấc mơ (Nguyễn Thị Thu Huệ), Chú Ngoẹo (Y
Ban)... Cũng có khi cốt truyện là sự diễn tiến các sự kiện trong một chặng đường, một giai đoạn ngắn ngủi trong cuộc đời nhân vật: quãng đời sinh viên quậy phá, tình yêu đầu đời với biết bao xúc cảm và say mê, ngọt ngào và cay đắng của Hoài (Xin hãy tin em - Nguyễn Thị Thu Huệ), những ngày trở lại quê hương của một người lính kể từ khi rời quân ngũ (Một chuyến đi - Nguyễn Thị Thu Huệ), những bồng bột trong tình yêu của một cô gái khi con trẻ (Khi
người ta trẻ - Phan Thị Vàng Anh), câu chuyện về cuộc sống của hai người
đàn ông và một người đàn bà trong cùng một mái nhà (Chuyện trong căn nhà nhỏ - Y Ban), cuộc đời lam lũ của trẻ em đường phố (Một thằng nhỏ - Lý Lan)... Ở các truyện ngắn này, dù chỉ tái hiện một thời khắc, một giai đoạn ngắn ngủi trong cuộc đời nhưng diễn trình hành động của nhân vật vẫn luôn là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt toàn bộ tác phẩm. Với đặc trưng của thể loại - truyện ngắn - trong cái khung hẹp của nó, các tác giả đã biết lựa chọn những thời khắc, những giai đoạn có ý nghĩa trong cuộc đời con người để xây dựng nhân vật và cốt truyện. Cốt truyện là nhân tố quan trọng trong việc chuyển tải thông điệp của nhà văn đến với bạn đọc.
Thông thường, ở những truyện ngắn có cốt truyện truyền thống, thời
gian trần thuật thường là thời gian tuyến tính. Truyện ngắn Tưởng của Phan
Thị Vàng Anh được xây dựng bằng các sự kiện xảy ra liên tục theo trật tự thời gian tuyến tính, thời gian biên niên. Sự kiện sau là hệ quả của hành động trước đó. Mở đầu là việc Tưởng lên Sài Gòn học may và phản ứng với chuyện làm mai Hiển cho mình Ở Sài Gòn Tưởng gặp và yêu Chương Tưởng bị
Chương phụ bạc Tưởng trở về quê, gặp lại Hiển và lấy Hiển. Với cách tổ chức câu chuyện theo trật tự trên đây, tác giả đã tuân theo lôgic khách quan của sự kiện, đồng thời làm tăng thêm tính chặt chẽ trong kết cấu. Ở truyện ngắn Con trộm dù các sự kiện xảy ra không nhiều, ít biến cố nhưng tính xâu chuỗi của câu chuyện vẫn là một dấu hiệu dễ nhận ra. Quan hệ chính giữa các sự kiện của cốt truyện là quan hệ nhân quả, câu chuyện diễn ra xung quanh các sự kiện: Nữ làm rớt cánh cửa nhà kho vào buổi sớm - Ngoại và mọi người lầm tưởng là có trộm - Nỗi lo sợ biến thành hành động ngăn ngừa, phòng trộm của ngoại - Cuộc chia tay và tự thú của “con trộm” (là Nữ).
Tính chất “có sự kiện, biến cố” luôn là đặc điểm quan trọng trong truyện ngắn có cốt truyện sự kiện. Tuy nhiên trong nhiều truyện ngắn của 4 cây bút nữ này, truyện không nhằm nhấn mạnh tới biến cố. Cái mà tác giả chú ý "gia công", cũng là điều gây ấn tượng với người đọc là những hành động, suy nghĩ, những biến đổi của nhân vật từ những sự kiện, bước ngoặt đó. Ở
Tưởng của Phan Thị Vàng Anh, câu chuyện dường như chỉ xoay quanh cuộc
đời (mà cụ thể hơn ở đây là những biến đổi của Tưởng trong hành động và suy nghĩ) từ khi cô còn là một thiếu nữ cho đến khi cô lấy chồng. Phút giành cho
tình yêu của Y Ban không nhiều sự kiện mà câu chuyện chỉ xoay quanh một ca
trực của một bác sỹ trong bệnh viện với người bệnh nhân đặc biệt của mình. Muợn hình thức truyện cổ trong các sáng tác dân gian là đặc điểm thường thấy trong nhiều truyện ngắn của Y Ban. Viết theo hình thức những câu chuyện cổ mang màu sắc huyền thoại nhưng khác với lô gic của sự kiện trong cốt truyện truyền thống, cốt truyện các truyện ngắn của Y Ban (Chợ rằm
dưới gốc dâu cổ thụ, Câu chuyện tình yêu, Những nghịch lí của thần Ai rét) đã
phá vỡ tính chất nhân quả của chuỗi sự kiện nhằm hướng tới việc lí giải những hiện tượng, những vấn đề mang ý nghĩa thời sự của đời sống đương đại bằng cách tiếp cận mới. Sử dụng mô típ folklore, giả cổ tích, tuy nhiên, để tái hiện lô gic của sự kiện gần với lô gic của đời sống, truyện ngắn của chị ít khi có những kết thúc có hậu.
Một số truyện ngắn có cốt truyện sự kiện được chia thành từng phần nhỏ. Với sự pha trộn chất kí sự, Vùng sáng kí ức của Y Ban được chia thành 8 phần, tương ứng với mỗi phần là một tên gọi:
I. Bà nội.
II. Cỗ hậu sự của bà nội. III. Ma làng Đức Hậu.
IV. Ngày rằm xá tội vong nhân. V. Kiếp người.
VI. Cầu vồng và ông ba mươi. VII. Lễ cắt dây tiền duyên. VIII. Cái chết.
Ở đây, tính xâu chuỗi của cốt truyện được thể hiện qua sự liên kết của
các tiểu chủ đề. Tám phân đoạn này được nối kết trong mạch kể về miền kí ức
của nhân vật tôi: quê hương với những kỉ niệm, những phong tục tập quán, quê hương với hình ảnh người bà gần gũi và thân thuộc.
Chuyện kinh dị của Lý Lan cũng được đánh số từng phần xâu chuỗi các
sự kiện xoay quanh mối tình kì dị của Đăng và Du Thảo. Ở Phục thiện của Phan Thị Vàng Anh mỗi phần tương ứng với một quãng thời gian trong suốt chặng đường nhân vật tôi là học sinh trung học. Nhiều truyện ngắn khác như
Bỏ trường, Đất đỏ cũng được viết theo lối này.
Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Lý Lan, Phan Thị Vàng Anh một mặt đã vận dụng hợp lí kiểu cốt truyện truyền thống trong các sáng tác. Mặt khác, ở họ đã có những sáng tạo mới với những biến đổi linh hoạt để đạt được hiệu quả tối đa trong việc phản ánh hiện thực theo xu hướng tăng cường đối thoại, mở rộng biên độ cảm nhận cho độc giả. Sự phá vỡ tính quy phạm trong cách thức xây dựng cốt truyện (hay còn gọi là “sự phân rã cốt truyện”) ở các cây bút nữ này cũng như ở một số tác giả khác trong những thập niên gần đây không chỉ là biểu hiện về mặt cách thức (hình thức thể hiện) mà còn cho thấy những quan điểm nghệ thuật của nhà văn về đời sống với cái nhìn mới mẻ và
khách quan. Đây cũng là một trong những dấu hiệu đổi mới đáng ghi nhận của truyện ngắn đương đại.