PHẦN NỘI DUNG CHƯƠNG
2.1.3.1. TRIẾT LÍ VỀ TÌNH YÊU
Tình yêu thì thời nào cũng có nhưng mỗi thời lại có những quan niệm khác nhau. Mỗi người với những đặc điểm tính cách và lối sống sẽ nhìn nhận tình yêu theo thiên kiến của mình. Thời phong kiến, với những quy định hà khắc nam nữ ít có cơ hội tiếp xúc gặp gỡ mà thường là “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Thời kì đổi mới, khi mà nhiều giá trị được đem ra để xem xét lại với sự thay đổi hệ thống chuẩn mực thẩm mĩ trong cộng đồng thì quan niệm về tình yêu cũng trở nên đa dạng, có những dấu hiệu mới mẻ, bớt khắt khe hơn so với quá khứ.
Trong khi triết lí về tình yêu, các cây bút nữ này đã bộc lộ những cách nhìn mới mẻ. Với quan niệm: được lựa chọn và thể nghiệm trong tình yêu không chỉ là đặc quyền của nam giới, nhiều người phụ nữ trong truyện ngắn
của các chị đã chủ động trong tình yêu, tự do lựa chọn người mình yêu, không những thế họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì để có được tình yêu của mình: “trong tình yêu có lúc phải giành lấy cái để gọi như chơi bạc ấy, được thì phất, hỏng thì thôi nhưng cứ phải cướp cái” (Cát đợi - Nguyễn Thị Thu Huệ), bởi trong quan niệm của họ “tình yêu hiện đại là bỏ qua các thủ tục rườm rà” (Thiên
đường và địa ngục - Y Ban).
Không còn là những khắt khe bó buộc người phụ nữ theo quan niệm truyền thống, hạn chế khả năng giao tiếp và cơ hội chọn lựa, các cây bút nữ đã bộc lộ sự thay đổi trong tư duy về người phụ nữ hiện đại khi quả quyết rằng: “ai trong đời cũng đã xếp xó vài cuộc tình” (Nguyễn Thị Thu Huệ). Một nhân vật trong Người xưa của Nguyễn Thị Thu Huệ cũng đã tự nói với chính mình: “Một mối tình trẻ con như một kho lương khô cho cuộc sống. Lúc nào giận vợ giận chồng mang lương khô ra ăn. Hãy cứ để nó mãi là lương khô, đừng bắt nó là cái khác”. Có thể thấy nhiều nhân vật trong sáng tác của các chị trước khi đi đến hôn nhân đã trải qua nhiều cuộc tình, có hạnh phúc, có khổ đau, hi vọng và thất vọng nhưng khát khao tìm kiếm và yêu thương vẫn luôn có ở thẳm sâu trong tâm hồn họ. Người phụ nữ trong Người xưa (Nguyễn Thị Thu Huệ) luôn lưu giữ trong kí ức những kỉ niệm đẹp của mối tình đã qua. Mười một năm sau, hai người tình cũ lại cùng nhau xem một bộ phim tình yêu. Họ vô tư nói chuyện con cái, gia đình và tiền bạc. Mỗi người đã có một cuộc sống riêng nhưng họ vẫn thường dõi theo nhau xem người xưa sống ra sao để rồi họ lại có thể nói với con cháu mình rằng ngày xưa mình đã có một tình yêu tuyệt đẹp theo họ suốt cuộc đời.
Trong khi triết lí về tình yêu, các cây bút nữ đã cho thấy sự cởi mở trong tư duy, sự sắc sảo khi lí giải và tiếp cận vấn đề, tuy nhiên cũng lắm khi lại có cái nhìn yếm thế. Chẳng hạn như một nhân vật trong Giai nhân đã triết lí về tình yêu rằng: “Cuộc tình nào mà chẳng có bắt đầu và kết thúc như nhau. Cứ tưởng là vĩnh viễn là duy nhất nhưng cuối cùng phù phiếm cả” (Giai nhân). Cùng với thời gian, các nhân vật trải nghiệm nỗi cô đơn, sự chia li và
cách trở vì yêu nhau mà không đến được với nhau, vì những người họ gặp trong đời không phải là cái nửa còn lại mà họ mong muốn tìm được. Khoảng cách giữa khao khát và thực tế đã làm cho họ nhìn cuộc đời bằng con mắt bi quan: “mà nói chung những cái na ná tình yêu thì đẹp, chứ làm gì có tình yêu thật khi chúng tôi đã đi gần hết cuộc đời và đều mệt mỏi cả (Mi nu xinh đẹp).
Triết lí trong sáng tác của các chị có khi được phát biểu trực tiếp bằng một thứ “ngôn ngữ triết nhân”, mặt khác lại được khúc xạ bằng những hình tượng nghệ thuật nên có khả năng tạo được dư ba trong lòng người đọc. Triết lí về mặt trái của đam mê và tình yêu, cay nghiệt nhưng cũng rất đằm sâu, tình yêu thường được nhìn ở “vị đắng” của nó. Những triết lí của họ có khi chưa phải là đại diện cho số đông nhưng đó là một phần có thực trong cuộc đời mà chúng ta không dễ gì phủ nhận. Loại trừ những đúc kết chưa thực sự khách quan, có thể nói, những quan niệm về tình yêu trong sáng tác của các nhà văn nữ đã chứng tỏ sự suy ngẫm và trăn trở nghiêm túc về những vấn đề của đời sống, đặc biệt là ở một lĩnh vực vốn rất nhạy cảm trong tâm hồn con người. Nhiều truyện ngắn vì thế mà có sức neo giữ lâu bền trong tâm trí người đọc.