PHẦN NỘI DUNG CHƯƠNG
3.3.2. NGÔN NGỮ MANG SẮC THÁI NỮ
Một trong những dấu ấn đặc biệt ở Y Ban, Lý Lan, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ là sắc thái nữ trong việc sử dụng ngôn từ. Cả bốn cây bút đều là phụ nữ, vì thế họ có lợi thế trong việc diễn đạt sâu sắc nội tâm của nhân vật, nhất là nhân vật nữ; trong việc bộc lộ đến tận cùng thái độ, cách cảm, cách nghĩ của giới mình. Sự khám phá thế giới tâm hồn người phụ nữ được các chị thể hiện ở mọi phương diện, từ trạng thái tình cảm, những cung bậc của cảm xúc, niềm vui và nỗi buồn, những khát khao đam mê, và cả “những gót chân Asin của họ”. Trong nhiều truyện ngắn như Bức thư gửi mẹ
Âu Cơ, Hậu thiên đường, Tháng chạp, Nhật kí, Mười ngày, Hoa muộn, Người
đàn bà có ma lực, Hoàng hôn màu cỏ úa, Cát đợi, Người đàn bà đứng trước
gương “chân dung tinh thần” của người phụ nữ được khắc họa đặc sắc qua
việc miêu tả nội tâm của nhân vật.
Công việc nội trợ hàng ngày đã lưu dấu trong cách nhìn và cách thể hiện của các chị. Nguyễn Thị Thu Huệ đã nhìn màn “đêm đen thẫm như một miếng thạch”. Chị đã ví liên khúc các bài hát như “một xâu cá rô quẫy đạp liên hồi” (Cát đợi), và “những người đàn bà khác chạy qua đời tôi nhạt nhẽo như bí luộc” (Người đàn bà ám khói). Hay là những cảm nhận thú vị “nhiều khi nó thấy ở mồm mẹ nó nói ra những câu đối thoại giống như một cái chợ bán cá thu nhỏ” (Phù thủy); “khuôn mặt méo xệch, vẹo vọ như cái oản bẹp”, hoặc “mày sẽ lấy cái con mặt như sườn mậu dịch thời bao cấp ấy” (Phù thủy).
Cũng ở Thu Huệ, bằng trực giác và những cảm nhận sâu sắc, chị đã viết nên những tâm sự của cả giới đàn bà, những điều bình dị và không xa lạ với hầu hết những người phụ nữ: “Tôi trở về chính tôi với những ước mơ nho nhỏ. Một bữa cơm nóng, món canh chua quyến rũ. Mơ ước một ngày nắng to để phơi quần áo cho thơm tho, đong được một mẻ gạo ít thóc sạn” (Hình bóng
cuộc đời); những tâm sự và niềm vui giản dị rất đàn bà: “Tôi mệt mỏi và thèm
nói với anh những chuyện con con như em Thúy tập lẫy, chuyện nó đi tướt mọc răng” (Hình bóng cuộc đời), “Bữa cơm chiều. Có đĩa rau luộc lẫn rau rút. Đậu phụ rán tẩm hành và con cá cơm khô rán, bát muối vừng... Nước rau đánh me trong trong vàng vàng anh chan hết veo” (108 cây bằng lăng). Hoặc về tâm trạng người phụ nữ ở lứa tuổi mà thời gian luôn là nỗi ám ảnh: “Sao đến bên gương và nhìn thấy mình trong đó. Mí mắt sụp sụp, dưới mắt mòng mọng sưng, hai vành môi đã bắt đầu đen và lỗ chân lông trên mặt to ra như những đầu tăm” (Giai nhân). Có thể nói, người đàn bà trong tác phẩm của Nguyễn Thị Thu Huệ luôn cảm nhận “cái già đang ập đến” và ở đây, ngôn từ miêu tả mang một nỗi ám ảnh trong tâm trạng của nhân vật (hay cũng chính là tâm trạng của người viết): “Tôi nhìn tôi trong gương. Khuôn mặt đàn bà sang tuổi 40. Mí mắt bắt đầu sụp xuống. Biết là mình vẫn còn đẹp nhưng cũng bắt đầu nhầu nhò rồi” (Hậu thiên đường).
Với cảm quan của một người sáng tác là nữ giới, các cây bút nữ này đã thực sự làm người đọc xúc động bằng những trang văn viết về tình mẫu tử:
Chú Nghẹo, Đàn bà sinh ra từ bóng đêm, Đứa con và người đàn bà tàn tật - Y
Ban, Một cô gái làng chơi - Lý Lan) Họ đã diễn tả được những xúc cảm xác thực của người đàn bà “thèm có con, thèm được làm mẹ” (Người đàn bà ám khói); được nỗi đau của một người mẹ phải xa đứa con mình mang nặng đẻ đau, “phải xa những gì lâu nay là máu thịt của chị. Xa đứa con trai bé bỏng thơm tho như một chiếc bánh ga tô vừa mới ra lò” vì sự tan vỡ hạnh phúc gia đình (Tân cảng); diễn tả được nỗi lòng của một bà mẹ có con gái lớn: “Mẹ bảo: lắm khi đang ngủ, tao giật mình không hiểu mày có lấy đựoc chồng
không. Nằm ngẩn ngơ một lúc, nhớ ra là mày có chồng và con rồi, tao mừng không thể tưởng được” (Biển ấm).
Và cũng chỉ có những người phụ nữ từng trải mới có đủ kinh nghiệm để viết nên những trang viết chân thật về nỗi đau đến tận cùng của người phụ nữ khi “vượt cạn” - nỗi đau của một người mẹ lúc sinh con: “My đau đớn. Cô hết ngồi lại đứng vịn tường đi lại trong phòng”, “tóc tai rũ rượi như con điên, hai tay giữ mạng sườn, đầu cúi lê đi trong phòng”, “khuôn mặt cô tràn trề nước mắt, môi cô cắn chặt”, “cổ cô khô đắng”, “cơn đau giằng xé trong lòng”, “mồ hôi và nước mắt ướt nhòe khuôn mặt nóng bừng của My”, “cô vật vã quay quả trên bàn đẻ, hai tay nắm chặt mép bàn riết mạnh như muốn bóp vụn” (Thiếu
phụ chưa chồng - Nguyễn Thị Thu Huệ). Ở Bức thư gửi mẹ Âu Cơ củaY Ban,
người đọc bắt gặp một lối viết không chỉ bằng quan sát mà còn là sự trải nghiệm: “Bỗng nhiên cô quặn đau. Đau thắt vùng tim. Đau như ai bóp chặt. Đau nhợt nhạt. Đau ràn rạn nước mắt”, “cơn đau tức ở bụng dưới”, “một cơn đau dữ dội lại nhói lên”, “rồi như người nhịn giải lâu ngày, bụng căng lên anh ách. Một cảm giác choáng váng và buồn nôn”.
Trời phú cho phụ nữ trái tim nhạy cảm, bởi thế cho nên những hành động và suy nghĩ của họ thường mang màu sắc cảm tính và quan sát và nắm bắt hiện thực bằng trực cảm là một đặc thù của giới nữ. Chúng tôi đã có ý định thống kê số lần các tác giả sử dụng từ vựng hình như và những từ chỉ cảm giác nhưng điều này quả là không mấy dễ dàng để có thể khảo sát được đầy đủ và chính xác bởi tần số xuất hiện đã rất nhiều ngay trong cùng một truyện ngắn. Rất dễ dàng bắt gặp từ vựng “hình như” trong các tác phẩm: “hình như trong một câu chuyện nào đó cũng có một tình huống như thế này rồi” (Người đàn
bà có ma lực - Y Ban), “hình như những người đàn ông đều mang một cái mùi
vị riêng” (Mùa thu vàng rực rỡ), (có lẽ bởi thế cho nên người ta mới có câu “đàn bà yêu bằng mùi, đàn ông yêu bằng mắt”). “Hình như” có khi là ngôn ngữ của người kể chuyện ngôi thứ nhất: “hình như tôi đã có tình cảm gì đó dành cho Tường” (Truyện trẻ con), “hình như cái sự già nó sập xuống vai tôi
rồi (Hậu thiên đuờng); có khi là ngôi thứ ba: “chị không khóc, không nói không làm không diễn và hình như không ý thức gì cả (Diễn viên hạng ba).
Bên cạnh từ vựng hình như là các tính từ, trạng từ chỉ trạng thái cảm giác: “tôi cứ tưởng”, “bỗng nhiên”, chợt thấy” (Hậu thiên đường), “mơ màng, vu vơ, sửng sốt” (Si tình); những lớp từ chỉ cảm giác mơ hồ, đoán định: “cảm giác ông ta giống như ma xó, rình rập và biết mọi chuyện của tôi (Đêm dịu dàng), “tôi có cảm giác như mình bỗng hóa thành đá” (Hậu thiên đường), “tôi nhìn đồng hồ, bỗng rùng mình bởi một linh cảm” (Đất khách), “trời đang sẫm dần, bất chợt nó có một linh cảm gì đó về người đàn bà đang đứng kia”
(Thằng bé có phép tàng hình). Xu hướng sử dụng với tần số cao lớp từ đặc tả
những khoảnh khắc của tâm trạng, lớp từ bộc lộ lối cảm nhận đời sống bằng trực giác đã tạo nên sức ám gợi với người đọc mà chúng tôi nghĩ rằng, chỉ có người viết là phụ nữ mới có được đặc trưng này.
Tái hiện hiện thực đời sống tâm lí của con người bằng ngôn ngữ miêu tả trực giác và linh cảm, các cây bút này đã bộc lộ khả năng nắm bắt những biến thái trong tâm hồn con người, đặc biệt là người phụ nữ. Là “lớp vỏ của tư duy”, ngôn ngữ trong sáng tác của bốn cây bút nữ đã bộc lộ một hình thái tư duy nghệ thuật vừa bằng trực quan, vừa là sản phẩm của những đặc điểm tâm sinh lí của chủ thể sáng tạo. Đọc truyện ngắn của bốn cây bút nữ, người đọc cảm nhận được đó là tiếng lòng của những người phụ nữ được viết nên từ những trải nghiệm. Dù đó có là ngôn ngữ góc cạnh, nhiều khẩu ngữ, là ngôn ngữ đời thường gần gũi mà xác thực hay là ngôn ngữ mang sắc thái nữ thì ẩn sâu trong những câu chữ vẫn luôn là tiếng lòng, là những dự cảm thân phận đựơc viết ra từ sự “dẫn dắt tuyệt diệu của mẫn cảm bản năng” [91].