NGÔN NGỮ HIỆN THỰC ĐỜI THƯỜNG

Một phần của tài liệu Truyện ngắn của một số cây bút nữ thời kỳ đổi mới (qua sáng tác của Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Phan Thị Vàng Anh, Lý Lan (Trang 97)

PHẦN NỘI DUNG CHƯƠNG

3.3.1 NGÔN NGỮ HIỆN THỰC ĐỜI THƯỜNG

Cùng với sự biến đổi của thể loại, của khả năng phản ánh hiện thực, văn xuôi sau 1975 nói chung và truyện ngắn nói riêng đã có sự biến đổi về mặt ngôn ngữ. Một trong những dấu hiệu của xu hướng đổi mới là ở việc sử dụng ngôn ngữ hiện thực đời thường. Sự biến đổi này xuất phát từ tư duy hướng vào đời tư, bám sát hiện thực đời sống.

Bằng khả năng quan sát và trải nghiệm thực tế, Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Phan Thị Vàng Anh, Lý Lan đã đưa vào tác phẩm của mình những tiếng nói của đời sống thường nhật với sự dung nạp khẩu ngữ làm cho độc giả không mấy khó khăn khi tiếp cận với các tác phẩm. Nhân vật người kể chuyện trong truyện ngắn Một thằng nhỏ (Lý Lan) mô tả cuộc sống một cách trần trụi mà xác thực với lối nói tưng tửng tỉnh khô: “chúng tôi sống đơn giản, ít nhu cầu, tự thấy mình nhàn, không buồn nhìn lên và cũng ít khi nhìn xuống”. Hoặc một nhân vật trong truyện ngắn Đêm dịu dàng của Nguyễn Thị Thu Huệ đã cho rằng: “Cái gì tôi cũng đã trải qua, hạnh phúc, đau khổ, cô đơn và hờn giận, có tất. Mỗi chết là chưa biết thôi”.

Cùng với việc đưa chất liệu đời thường vào tác phẩm, ngôn ngữ trong sáng tác của các chị nhiều khi thô nhám, đôi khi có cả sự suồng sã, bỗ bã của một thứ khẩu ngữ: “mặt mũi những thằng đàn ông như suốt đời bị mất trộm” (Nguyễn Thị Thu Huệ), “Chức cách đây mấy năm thấy chạy xe vèo vèo ngoài ngã ba, chở đứa con gái bé như cái kẹo, không ôm iếc gì cả, nhưng biết ngay là bồ bịch” (Hoa muộn - Phan Thị Vàng Anh). Hay: “những đứa trông xinh xinh một tí thì rặt loại tầm thường mà lại hám của. Yêu đứa xấu thì chán ngắt, cứ như cơm độn ngô. Cả ngày chạy mệt, về đến nhà nhìn vợ xấu xí thì chỉ có nước biến ngay khỏi nhà” (Tình yêu ơi ở đâu). Hoặc những câu nói bắt nguồn từ thành ngữ: “con cá trượt thường là con cá to” (Hậu thiên đường - Nguyễn Thị Thu Huệ), “nó ăn ốc, mình đổ vỏ. Ở đời chuyện ấy thường lắm” (Nước

mắt đàn ông - Nguyễn Thị Thu Huệ); từ lối nói dân gian “chơi dao có ngày

đứt tay”, “gieo gì thì gặt nấy” (Gà ấp bóng - Y Ban), “lọt sàng thì xuống đất rồi chôn luôn, không có nia nào cả” (Thời gian của mỗi người - Nguyễn Thị Thu Huệ).

Không chỉ có thứ ngôn ngữ thô nhám của một thứ khẩu ngữ, hoặc lối nói dân gian; lối nói mới mẻ, phóng túng mà rất giàu hình tượng của đời sống kinh tế thị trường trên thực tế cũng làm cho ngôn ngữ tác phẩm cập nhật hơn với đời sống. Đó là kiểu nói: “bên B là chùm khế ngọt, bên A trèo hái mỗi

ngày” (Nước mắt đàn ông - Nguyễn Thị Thu Huệ), là những cụm từ “cát xê”, “cao ốc”, “máy tính”, “nối mạng”, “thư điện tử”... trong Lắp ghép hạnh phúc,

Tháng chạp (Lý Lan), "quá đát" trong Công tử vườn (Lý Lan). Ở đây cũng

phải ghi nhận rằng, Lý Lan đã sử dụng những câu văn ngắn gọn, dồn dập, hạn chế tối đa các liên từ để phù hợp với việc diễn tả sự gấp gáp hỗn tạp của đời sống hiện đại: “Đèn vàng. Vọt. Hoét. Vọt luôn. Xe Hon đa thắng cái rét” (18 tuổi - Lý Lan). Và với lối viết như vậy, truyện cũng mang được cái hơi thở của một cuộc sống khẩn trương, dồn dập. Trong khi đó, những phương ngữ mộc mạc gần gũi với người dân Nam bộ, những từ ngữ mang “sắc thái miệt vườn” cũng là điều thường gặp trong truyện ngắn của Lí Lan và Phan Thị Vàng Anh

như Cho đến sang năm, Đất khách, Những viên sỏi cầm chơi, Mùa lá chín,

Đất đỏ.... Ngôn ngữ đối thoại trong sáng tác của hai cây bút này thực sự là

tiếng nói của đời sống hàng ngày bởi lối viết tự nhiên, không câu nệ vào ngôn từ và cách diễn đạt.

Qua thực tiễn văn học, có thể thấy rằng, việc dùng khẩu ngữ - ngôn ngữ hiện thực đời thường trong tác phẩm văn học không còn là điều mới mẻ. Trước đây, trong văn học kháng chiến, đặc biệt là thời kì kháng chiến chống Pháp, khẩu ngữ cũng đã từng được xem như một biện pháp nghệ thuật hữu hiệu để tác phẩm có thể đến được với nhiều đối tượng tiếp nhận, hay nói đúng hơn là để kéo tác phẩm lại gần với người đọc. Tất nhiên ở thời điểm đó, cách làm đó hoàn toàn phù hợp với yêu cầu “văn hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa”; yêu cầu của văn học là phải góp phần tích cực vào việc tuyên truyền các đường lối, chủ trương của Đảng đến với công chúng. Cuộc sống hiện đại trong những thập niên cuối thế kỷ XX đã đẩy ngôn ngữ đi theo một hướng phát triển mới, tăng cường giá trị nghệ thuật ngay cả khi các nhà văn tận dụng triệt để thế mạnh của khẩu ngữ, của lối nói, lối nghĩ dân gian. Lối nói sắc bén, cộc lốc, không hề biết đến những nghi thức thưa gửi trong Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp, ngôn ngữ “thân mật hóa” trong Phiên chợ Giát của Nguyễn Minh Châu... là những ví dụ cụ thể. Đưa vào tác phẩm lối nói dung dị,

sử dụng ngôn ngữ đời thường, các cây bút thời nay đã cố gắng tìm con đường ngắn nhất đến với bạn đọc. Tiếp xúc với văn bản trên phương diện ngôn từ, chúng tôi nhận thấy, rõ ràng là cả bốn tác giả đều đã có sự rút ngắn khoảng cách người kể chuyện và nhân vật, tác giả và người đọc. Với lối nói kiểu đời thường này, các chị đã góp phần tái hiện chân thực bức tranh của đời sống với một gam màu lạ, thể hiện được sự đa dạng và sống động của cuộc sống.

Một phần của tài liệu Truyện ngắn của một số cây bút nữ thời kỳ đổi mới (qua sáng tác của Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Phan Thị Vàng Anh, Lý Lan (Trang 97)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)