PHẦN NỘI DUNG CHƯƠNG
3.4.1. GIỌNG GIÃI BÀY, TÂM SỰ
Giọng điệu này thường thấy ở dạng truyện tự bạch. Hầu hết các truyện ngắn loại này của Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ, Lý Lan và Y Ban đều được viết dưới hình thức người kể chuyện xưng tôi (Khi người ta trẻ: 15/19, Truyện ngắn Y Ban: 9/23, Hậu thiên đường: 8/15). Với hình thức này, người kể chuyện tham gia vào câu chuyện như một nhân chứng - cũng là một cách làm tăng độ tin cậy ở bạn đọc. Nhân vật xưng tôi tự kể chuyện mình, bộc bạch những nỗi niềm tâm sự, suy tư, cảm xúc. Đứng ở điểm nhìn trần thuật này, nhiều trường hợp giọng tác giả và nhân vật hòa làm một (Đi thăm cha,
Mười ngày - Phan Thị Vàng Anh).
Với hình thức người kể chuyện ở ngôi thứ nhất, ở các truyện ngắn này đã bộc lộ một xu hướng viết “như một nhu cầu trình bày những trải nghiệm của bản thân”. Người kể chuyện lúc này đã xóa bỏ khoảng cách trần thuật của mình để đối thoại với độc giả. Nhân vật tự kể về cuộc đời mình, tự bộc bạch nỗi lòng của mình. Cũng có đôi khi, người đọc có cảm giác như nhà văn “tự đưa mình vào tác phẩm” bộc lộ nhu cầu được giãi bày, tâm sự qua nhân vật. Tuy nhiên, có nguy cơ sẽ dẫn đến hiện tượng “tự ăn mình” mà có lần một nhà nghiên cứu đã đưa ra lời cảnh báo.
Một số truyện dù người kể chuyện là ngôi thứ ba cũng được viết dưới dạng tự bạch. Tiêu biểu cho hình thức kể chuyện này là truyện ngắn của Y Ban: Người đàn bà và những giấc mơ, Thượng đế bảo rằng: mỗi người đàn ông chỉ dành riêng cho một người đàn bà, Người đàn bà có ma lực, Đàn bà
sinh ra từ bóng đêm, Sợi dây nối những cánh diều và một số truyện ngắn khác
của Nguyễn Thị Thu Huệ: Một nửa cuộc đời, Một chiều mưa, Sơ ri đắng... Bên cạnh lối viết để cho nhân vật xưng tôi trong tác phẩm là việc sử dụng hình thức nhật kí, bức thư để diễn tả những mảng hiện thực đầy tính nữ - “mảng thế giới của những cái tôi đàn bà phong phú, phức tạp mà sâu sắc” với nhu cầu được phơi trải. Nhiều truyện ngắn được viết được dạng một bức thư với những thông điệp và lời nhắn gửi. Trong Bức thư gửi mẹ Âu Cơ, Y Ban đã mượn hình thức viết thư để qua đó nhân vật được giãi bày tâm sự, được thỏa lòng nói ra những khát vọng thầm kín của chính mình mà trong những hoàn cảnh khác nhân vật khó có cơ hội bộc lộ. Mượn hình thức nhật kí, các tác giả đã tìm được cách tiếp cận hiệu quả thế giới nội tâm nhân vật. Nhân vật tôi
trong Mười ngày của Phan Thị Vàng Anh đã tự thuật lại mười ngày chờ đợi của mình, mà mỗi ngày cùng với diễn biến của khoảng thời gian đang trôi là những trạng thái xúc cảm ở những cung bậc tình cảm khác nhau của nhân vật: lo lắng, thấp thỏm, hy vọng, chờ đợi và thất vọng. Đọc truyện ngắn Người đàn
bà có ma lực của Y Ban, người đọc như được dõi theo cả một quãng đời tuổi
trẻ của một người đàn bà qua từng trang nhật kí. Cấu trúc tự sự dưới đây đã được lặp lại nhiều lần khi nhân vật hồi tưởng:
“Ngày...
Mười bảy tuổi bước vào trường đại học, ta là một cô gái không xinh đẹp, cũng không có duyên. Để bù lại ta thông minh và học giỏi. Ngày 1/7...
Trên chuyến tàu hôm ấy ta và cô bạn gái, một cô bé xinh xắn, dịu dàng thoạt trông rất đáng yêu đi về nhà nghỉ hè...
Hồi ấy là mùa ôn thi thứ tư trong đời sinh viên.... Ngày...”
Bằng ngôn ngữ độc thoại nội tâm, các tác giả đã diễn tả những suy tư, giằng xé, những dằn vặt của nhân vật trước những biến cố cuộc đời, trước những tình huống cụ thể tạo nên giọng điệu thâm trầm, sâu lắng trong các tác phẩm. Độc thoại nội tâm như là một sự giải tỏa tâm trạng, đôi khi nhân vật thường đặt ra những câu hỏi với chính mình: “Sao tôi bỗng cô đơn và sợ cuộc sống thế này” (Mi nu xinh đẹp - Nguyễn Thi Thu Huệ), sự thừa nhận: “Tôi thấy trống trải và hụt hẫng (Biển ấm - Nguyễn Thi Thu Huệ), sự khẳng định: “tôi tin rằng mình lại có tình yêu bởi tôi mất nó qua lâu rồi” (Cát đợi - Nguyễn Thi Thu Huệ); những niềm trăn trở: “nhưng nếu chiến tranh là nỗi bơ vơ, khổ đau, nỗi bất hạnh của người phụ nữ, thì điều đó đã thấm nhuần trong máu huyết truyền qua nhau vào khắp cùng thân thể từ thuở còn là bầu thai trong bụng mẹ” (Con ma - Lý Lan).
Với giọng điệu giãi bày, nhiều truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban và Lý Lan đã được viết nên như những thông điệp với niềm mong muốn được cảm thông và thấu hiểu. Đọc truyện ngắn của các chị, người đọc như được tham dự vào đời sống của nhân vật thông qua giọng kể thiên về xu hướng biểu đạt thế giới tâm hồn con người bằng những suy tư và quá trình tự nghiệm.