PHẦN NỘI DUNG CHƯƠNG
2.1.2.2. BI KỊCH TÌNH YÊU
Một phạm vi hiện thực khá sinh động được bốn cây bút nữ chú ý là mảng đề tài về tình yêu. Có thể nói, viết về tình yêu là đặc thù của giới nữ, bởi “ái tình là lĩnh vực tình cảm mãnh liệt nhất của con người, lại gắn với cảnh sống của gia đình với một diện sống không quá bao la, rồi tình yêu lại mang vị đắng mà người phụ nữ phải nếm chịu nhiều nhất” [51]. Điều đó lí giải vì sao các nhà văn nữ thường viết về đề tài tình yêu, lại có tác giả nữ chỉ có thể viết hay về tình yêu.
Trong sáng tác của các chị, muôn vàn cung bậc tình yêu đã được tái hiện trên trang viết và được nhìn nhận, lí giải với những sắc thái riêng. Có những tình yêu làm cho con người trở nên cao thượng (Cõi mê - Nguyễn Thị Thu Huệ), có tình yêu cao cả và thánh thiện (Bảy ngày trong đời - Thu Huệ), có tình yêu bồng bột (Khi người ta trẻ - Phan Thị Vàng Anh), có tình yêu ngọt ngào (Cát đợi, Mùa đông ấm áp - Thu Huệ), có tình yêu mơ hồ như ảo giác
(Chuyện kinh dị - Lý Lan, Chợ rằm dước gốc dâu cổ thụ - Y Ban), có tình yêu
cùng có ý nghĩa (Mùa thu vàng rực rỡ - Nguyễn Thị Thu Huệ), lại có tình yêu đầu đời của những người trẻ tuổi với biết bao xúc cảm, đắm say (Khi người ta trẻ - Phan Thị Vàng Anh, Bảy ngày trong đời - Nguyễn Thị Thu Huệ)... Dù mang nhiều dáng vẻ và cung bậc nhưng chủ yếu trong truyện ngắn bốn cây bút nữ là những cuộc tình dang dở và kết thúc bằng bi kịch. Truyện ngắn của 4 cây bút nữ thường viết về những cuộc tình buồn: buồn vì tình yêu tan vỡ, buồn vì sự cô đơn và vô vọng; tình yêu với những đợi chờ, với những khát khao, ham muốn chẳng bao giờ nguôi và chẳng bao giờ thực hiện được.
Trong sáng tác của các chị có thể nhận thấy là nhân vật chính thường là nữ và có không ít bi kịch tình yêu xảy ra mà người gánh chịu lại là phụ nữ. Một đặc điểm khác biệt khá rõ rệt giữa sáng tác của các nhà văn nam giới và sáng tác của các nhà văn nữ là ở sự lựa chọn đối tượng khám phá, cụ thể là cách xây dựng nhân vật. Nhân vật chính trong hầu hết các truyện ngắn của tập
Miêu cẩm - tập truyện giới thiệu sáng tác của các tác giả nam có tên tuổi như
Ma Văn Kháng, Lê Văn Thảo, Hồ Tĩnh Tâm, Phan Triều Hải, Hồ Anh Thái - đều là đàn ông, một nửa số truyện không hề có người đàn bà có tên họ riêng. Nhạy cảm với nỗi đau, nhất là nỗi đau thầm lặng của giới mình, trong truyện ngắn của bốn cây bút nữ bi kịch tình yêu đã được tái hiện trong từng cuộc đời,
từng số phận người phụ nữ. Rất nhiều nhân vật nữ suốt đời không tìm được
tình yêu đích thực cho mình. Người đàn bà trong Người đàn bà có ma lực của Y Ban dành cả đời mình để tìm kiếm một tình yêu đích thực nhưng bà đã không có được một tình yêu bền vững như những người đàn bà khác. Tình yêu của người phụ nữ trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ thường kết thúc bằng đau khổ, mất mát và có khi là sự phản bội. Những cay đắng, day dứt và trở trăn trong tình yêu dường như theo đuổi suốt cuộc đời họ. Người con gái trong Cát đợi mang theo nỗi buồn với tình yêu không thành bởi mình là kẻ đến chậm, còn Sao (Giai nhân) lại thất vọng vì mình đã bỏ qua những cơ hội để nắm giữ tình yêu. Vang trong Người đàn bà ám khói lại đánh mất tình yêu vì những ham muốn nhất thời, vì cô đã không dám hy sinh tất cả cho tình yêu
của mình. Khao khát một tình yêu đích thực nhưng “tình yêu ơi ở đâu?” vẫn luôn là câu hỏi không có lời giải đáp theo suốt cuộc đời của những người đàn bà này. Những cô gái trẻ trong truyện ngắn của Lý Lan thường lỡ dỡ chuyện tình duyên dù họ là những người có nhân cách, có suy nghĩ nghiêm túc về đời sống (Quyên - Mẹ và con, Hạnh - Chị ấy lấy chồng chưa, Cẩm - Tai nạn, Yên
- Tháng chạp...). Điều mà Lý Lan muốn bộc lộ qua cuộc đời nhân vật nữ trong
Tai nạn có lẽ cũng không khác với quan niệm của nhiều người trong xã hội
hiện đại: Phụ nữ ở thế hệ này dù không phải chịu những ngang trái, oan nghiệt nhưng khi mà trong nếp nghĩ của con người vẫn nặng về đạo lí thì nỗi đau đớn về lỗi lầm cũng sẽ đeo đẳng suốt quãng đời còn lại của họ.
Sự lệch pha của hai niềm khao khát giữa đàn ông và đàn bà là một trong
những nguyên nhân dẫn đến bi kịch tình yêu theo quan niệm của các cây bút nữ. Với truyện ngắn Biển và người đàn bà xấu xí, Y Ban đã bộc lộ những niềm trăn trở của cả giới đàn bà. Hạnh phúc, tình yêu luôn là một thứ gì đó quá chơi vơi với người đàn bà trong truyện ngắn này. Đến lúc nhận ra rằng tất cả những nỗ lực của nàng sẽ không còn có ý nghĩa bởi đích đến của người đàn ông cô cưu mang không phải là một tâm hồn cũng là khi cô phải tìm đến cái chết. Nói về căn nguyên của nỗi đau này, nhà văn Võ Thị Hảo trong truyện ngắn Tim vỡ cũng đã để cho nhân vật của mình tự bộc lộ: “Ôi khốn khổ cho đàn bà! Kiếp người ngắn ngủi mà các người thì cứ suốt đời theo đuổi những cao siêu mây gió. Còn ta và hầu hết những người thuộc phái ta chỉ dừng lại nơi làn môi, khóe mắt và thân xác đầy lạc thú của các người”.
Trong một số truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ và Y Ban, bi kịch tình yêu có khi được thể hiện như là hậu quả của thái độ hành xử cứng nhắc,
của sự thiếu quan tâm từ phía những bậc cha mẹ - những người có vai trò
quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ thơ (Chuyện
bên Barie, Sơ ri đắng). Một cô gái ở lứa tuổi vị thành niên phải gánh chịu nỗi
yêu say đắm dù còn rất trẻ và chưa hề được chuẩn bị cho khả năng làm vợ, làm mẹ (Bức thư gửi mẹ Â u Cơ - Y Ban).
Nhân vật nữ trong một số truyện ngắn của các chị đã được miêu tả như những “nạn nhân của những gã đàn ông khốn nạn” hoặc một tình yêu ngây thơ, dại khờ. Từ bi kịch tình yêu trong truyện ngắn Hậu thiên đường (Nguyễn Thị Thu Huệ), tác giả đã lên tiếng cảnh tỉnh về một thực trạng khi con người quá lạm dụng tình yêu và làm xấu đi ý nghĩa đích thực của nó. Người mẹ đau đớn nhận ra đứa con đang lặp lại chính bi kịch của đời mình, nó đang rơi vào cạm bẫy của sự nhẹ dạ và cả tin bởi thần tượng mà nó tôn thờ là một gã đàn ông thực dụng, thô lỗ và cục súc. Phượng (Sơ ri đắng - Nguyễn Thị Thu Huệ) lại đặt tình yêu của mình nhầm chỗ. Người đàn ông cô tôn thờ và không chút đề phòng lại là một gã sở khanh và Phượng chỉ là một trong số những người đàn bà bị anh ta làm hại. Tình yêu trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh phần lớn là những cảm xúc buồn, là trạng thái chờ đợi, mong ngóng vô vọng, là những bồng bột và nông nổi của người ta khi yêu. Với Phan Thị Vàng Anh, tình yêu là cái gì đã qua đi, đang tan biến đi hay chỉ là sự chờ đợi khốn khổ. Thảo (Hội chợ) là một cô gái ngộ nhận bởi tình yêu. Hấp dẫn bởi vẻ bề ngoài kì bí và điển trai khác hẳn với “bọn con trai đen nhẻm, ông ổng và thô lậu” ở vùng quê nơi cô đang sống, cô đã đem lòng yêu Bá - một người trong đoàn lô - tô đến quê cô tổ chức vui chơi. Nhưng Thảo chỉ là một trong số những cô gái dễ thương và dễ tính như rất nhiều cô gái anh đã gặp ở những vùng khác nhau. Bá đến rồi đi không trở lại như đã hẹn, còn Thảo vẫn hồn nhiên ngây thơ thực hiện cái thiên chức của phụ nữ là chờ đợi. Giang trong Sau những hẹn hò lại ý thức rất rõ về những người đàn ông cô gặp trong đời. Cũng chỉ vì cần một người đàn ông để khỏa lấp những phút giây trống trải nên cô đã quan hệ với Lâm dù biết rằng giữa cô và Lâm không hề có tình yêu mà thực ra chỉ là sự lợi dụng nhau, chỉ là một trò chơi mà “trong những trò chơi thế này, chưa chắc ai đã là trò chơi của ai, chỉ chắc chắn một điều là dù gì cuối cùng cô cũng nắm phần thua thiệt”.
Tình yêu và hạnh phúc là hai đề tài thường trực trong văn học mỗi nước, mỗi thời. Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Lý Lan, Phan Thị Vàng Anh đã
viết về tình yêu với cảm quan tinh tế của người phụ nữ. Nhạy cảm với nỗi đau của khát vọng tình yêu không thành, với những trắc trở để rồi những người yêu nhau không đến được với nhau, nên họ đã “đau cái đau của người cùng
giới, buồn cái buồn của người đàn bà đang yêu” (thơ Nguyễn Thị Hồng
Ngát). Những bi kịch tình yêu đã được viết nên bởi sự thấu hiểu và cảm thông sâu sắc. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới bi kịch nhưng suy cho cùng nguyên nhân chính lại xuất phát từ niềm khao khát yêu đương và dâng hiến của người phụ nữ: càng khát khao yêu đương và hạnh phúc thì lại càng lẻ loi cô độc, càng hi sinh càng phải trả giá. Dù còn mang vị đắng, khổ đau và bất hạnh nhưng tình yêu luôn được diễn tả như một niềm khao khát vĩnh hằng của con người, đặc biệt là người phụ nữ. Cũng không phải ngẫu nhiên mà có người cho rằng, có lúc “đề tài tình yêu dường như bị lạm phát dưới ngòi bút của các nhà văn nữ” nhưng mặt khác cũng phải thấy rằng, người phụ nữ mẫn cảm với hạnh phúc và tình yêu hơn nam giới và chính địa hạt tình yêu là nơi các cây bút nữ có cơ hội bộc lộ sâu sắc tâm hồn của người phụ nữ trên những trang viết. Và những đóng góp của họ ở góc độ là tiếng nói của những người trong cuộc về một lĩnh vực nhạy cảm trong đời sống tinh thần của con người cũng là điều được nhiều độc giả quan tâm đón nhận.