PHẦN NỘI DUNG CHƯƠNG
3.4.3. GIỌNG HÀI HƯỚC, CHÂM BIẾM
Sau 1975, đặc biệt là từ thời kì đổi mới, mọi mặt của đời sống xã hội được dân chủ hơn và nâng cao hơn, trong văn học được sự cỗ vũ của ý thức cá nhân, tiếng cười đã trở thành một giọng điệu, một trong những phương thức tiếp cận hiện thực một cách chân thực và trực diện. Điều này được thể hiện rất rõ trong nhiều tác phẩm văn xuôi như Người hùng trường làng (Tạ Nguyên Thọ), Vũ điệu của cái bô (Nguyễn Quang Thân), Người vãi linh hồn (Vũ Bão)...
Ở truyện ngắn của các cây bút nữ Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Phan Thị Vàng Anh và Lý Lan, giọng hài hước, châm biếm đựơc thể hiện qua việc miêu tả hiện thực mang sắc thái bi hài. Nguyễn Thị Thu Huệ đã xây dựng nên hình tượng một trí thức trong hoàn cảnh túng quẫn về kinh tế, thay vì việc nuôi dưỡng những ý tưởng khoa học là cái công việc hàng ngày anh ta phải nuôi chó Nhật làm nghiệp mưu sinh. Khi việc nuôi chó đã đưa lại một cơ hội để “xóa đói giảm nghèo” trong thời buổi khốn khó thì việc lấy giống chó đã được coi trọng hơn “sự kiện vùng Vịnh hay sự mất chức của tổng thống nước nào đó” (Mi nu xinh đẹp). Cuộc sống hiện đại trong cơ chế thị trường đã phơi bày ra những mặt trái của nó. Sự pha tạp và lai căng của đời sống hiện đại, của văn hóa Âu Tây đã gõ đến cửa nhiều nhà ở những vùng quê khác nhau trở thành đề tài của Lý Lan trong nhiều truyện ngắn. Chị đã dùng những lời lẽ thâm thúy và sắc sảo để vạch trần bản chất của nhiều hiện tượng xã hội: những lời hát ru con truyền thống được thay thế bằng nhạc ngoại, thay vì những bộ bà ba quen thuộc của phụ nữ Nam bộ là những trang phục morden “sít bóng”, những phát ngôn đặc sệt mùi “ngôn ngữ phim chưởng Hồng Kông” (Công tử vườn). Với lối viết mang màu sắc châm biếm, Lý Lan đã không ngần ngại đưa lên trang viết của mình những tình huống nực cười để rồi với giọng điệu châm biếm, các sáng tác đã bộc lộ tính phê phán, đồng thời còn là sự cảnh báo đối với sự lai căng văn hóa, sự xuống cấp của đạo đức, sự xâm nhập của cơ chế thị trường đang có nguy cơ làm mất đi những giá trị tinh thần truyền thống.
Coi sự giả dối như là một căn bệnh, các cây bút nữ này đã mô tả những trò diễn đạo đức như là những màn hài kịch trên sân khấu cuộc đời. Ở Ước mơ
của cô bán hàng rong, đám ma của một ông lão được Y Ban tái hiện như một
màn hài kịch. Thay vì đau xót và tiếc nuối cho người quá cố, người ta lại thấy phấn chấn hẳn lên bởi màn trình diễn của những cô gái trẻ trung xinh xắn trong buổi tiễn đưa ông lão về thế giới bên kia. Diễn viên hạng ba là tiếng cư- ời bi hài về chữ hiếu. Hợp đồng được kí kết là một màn kịch “báo hiếu trả nghĩa cha”. Một người thì mới biết thương cha khi cha chết, còn một người thì thiếu đến cả nước mắt nên phải mướn người chăm sóc cha, khóc cha trong phút lâm chung. Trong Kịch câm, hình ảnh ông bố - nhà đạo đức bị hạ bệ trư- ớc mắt con gái mình bởi một mảnh giấy có lời hò hẹn với nhân tình.
Bước vào thế giới truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh, người đọc được tiếp cận với cái tinh quái của một tính cách ưa hoạt động, ưa quan sát vào cái tuổi mới lớn. Người đọc khi đọc chị có cảm giác là không có điều gì qua được mắt những cô cậu học trò và mọi cái, qua con mắt của những nhân vật này bao giờ cũng dí dỏm, hài hước (Con trộm, Cuộc du ngoạn ngắn ngủi...).
Dưới ngòi bút sắc sảo của Thu Huệ, người đàn ông trong Hậu thiên
đường thảm hại ở cả hai tư cách “làm chồng và làm người tình” khi những
quan niệm vốn rất nghiêm chỉnh như gia đình, vợ con thì bị anh ta coi là “một cái lô cốt chắc chắn mà hàng ngày, hàng giờ anh ta cần mẫn nhặt nhạnh tí vôi, tí xi măng, xây xây, trát trát”, còn người tình thì dùng để “xả hơi và nạp nhiên liệu cho công việc xây dựng của mình”. Những “đấng nam nhi đại trượng phu” trong con mắt nhân vật Nguyễn Thị Thu Huệ được phác họa là: “những anh chàng thương gia thì lạnh lùng, thô lỗ. Chàng Việt Kiều thì ki bo, bủn xỉn. Nhà thơ thì yếu đuối bệ rạc với cái mặt “méo mó, vẹo vọ như oản bẹp” (Tình
yêu ơi ở đâu).
Có thể thấy rằng, giọng điệu châm biếm, hài hước đã đem đến cho truyện ngắn của bốn cây bút nữ này một âm hưởng riêng trong các truyện
ngắn phê phán. Giọng điệu đó đã xóa bỏ khoảng cách sử thi và thể hiện cái nhìn hiện thực trong tính dân chủ của người viết. Với thái độ không khoan nhượng những nghịch lí trớ trêu của cuộc đời, các trang viết của các chị đã góp phần tái hiện bức tranh của hiện thực với một quan niệm đa chiều về đời sống.