GIỌNG KHINH BẠC, XÓT XA

Một phần của tài liệu Truyện ngắn của một số cây bút nữ thời kỳ đổi mới (qua sáng tác của Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Phan Thị Vàng Anh, Lý Lan (Trang 106)

PHẦN NỘI DUNG CHƯƠNG

3.4.2. GIỌNG KHINH BẠC, XÓT XA

Nền tảng của giọng điệu là cảm hứng của nhà văn. Với sự chi phối của cảm hứng về cái bi, truyện ngắn của bốn cây bút nữ này mang chất giọng xót xa, khinh bạc đặc biệt là khi nhìn nhận những mặt trái của cuộc sống. Giọng điệu xót xa có trong nhiều truyện ngắn: Người đàn bà ám khói, Hoàng hôn

màu cỏ úa, Thiếu phụ chưa chồng, Một chiều mưa (Nguyễn Thị Thu Huệ),

Thiên đường và địa ngục, Biển và người đàn bà xấu xí, Đàn bà sinh ra từ

thuyết, Quá chén, Chị ấy lấy chồng chưa (Lý Lan), Khi người ta trẻ, Sau

những hẹn hò, Hội chợ (Phan Thị Vàng Anh)...

Với sự ý thức sâu sắc về bi kịch thân phận, qua việc xây dựng nhân vật nữ, các tác giả đã bộc lộ nỗi niềm chua xót trước những nỗi éo le khôn cùng của cuộc đời, trước những “lỉnh kỉnh, dở dang” của cuộc sống. Nhiều nhân vật trong truyện ngắn của Y Ban và Nguyễn Thị Thu Huệ nhận thức được tình cảnh ngang trái mà mình đang phải trải qua: sau tất cả những cuộc tình, cái giá mà người đàn bà phải trả là sự cô đơn (Người đàn bà có ma lực - Y Ban), là nỗi chua xót của người mẹ khi biết con gái đang lặp lại chính bi kịch của đời mình như một vòng luân hồi của số phận (Hậu thiên đường - Nguyễn Thị Thu Huệ). Cô gái trong Tình yêu ơi ở đâu lại xót xa cho những ảo tưởng tình yêu tan vỡ bởi sự trống trải và hụt hẫng sau tất cả những nỗ lực bằng mọi giá có được người đàn ông của cuộc đời mình. Rất nhiều người phụ nữ nghĩ đến thực tế cay nghiệt này khi bị bỏ rơi: “một ngày nào đó, em già và xấu như chị bây giờ, Dương sẽ bỏ em như hôm nay bỏ chị, em sẽ thấy mọi thứ là vô nghĩa hết”

(Thiếu phụ chưa chồng).

Hầu hết những người đàn bà trong truyện ngắn của bốn cây bút nữ này khi rơi vào tình cảnh cô đơn đều không khỏi xót xa cho thực trạng của mình: có khi là nuối tiếc về quãng đời đã qua, về những cơ hội không được nắm giữ

(Đôi găng tay da màu nâu), là tuổi trẻ và nhan sắc đi tuột theo thời gian (Tình

yêu ơi ở đâu), là nỗi đắng cay khi nhận ra rằng: “cuộc đời thật buồn tẻ và đơn

điệu, nếu ta già đi” (Một chiều mưa). Khát khao tình yêu và hạnh phúc nhưng cũng có lúc, nhân vật rơi vào tình cảnh trớ trêu “giờ đây chúng tôi có thể tự do đến với nhau thì cả hai đã già và hết mọi ham muốn” (Người đàn bà ám khói - Nguyễn Thị Thu Huệ).

Trong truyện ngắn bốn cây bút nữ này, đặc biệt là ở Nguyễn Thị Thu Huệ thường có cái nhìn đầy nghi kỵ, thậm chí là khinh bạc về thế giới đàn ông - những con người của lối sống thực dụng: “đàn ông, cái sự quên hay nhớ của

họ đều có ý thức. Họ đã muốn cái gì thì đừng cố mà giữ” (Bảy ngày trong đời). Trong con mắt nhân vật nữ của chị, những con người này “rất biết kết hợp những nhu cầu và họ thì chẳng mất gì” (Hậu thiên đường). Họ là nguyên nhân gây đau khổ cho nhiều phụ nữ đặc biệt là những cô gái trẻ ngây thơ và cả tin, “rồi hắn lại ngấu nghiến hôn lên môi con gái như nhai cái bánh” (Hậu

thiên đường) bởi họ có thể đến rồi đi dễ dàng trong cuộc đời một người con

gái (Sơ ri đắng). Còn như ở Khi người ta trẻ (Phan Thị Vàng Anh), người đọc lại bắt gặp cái nhìn đầy chua chát trước một thực tế phũ phàng: “than ôi, ngày đám tang cô, Vỹ ta tắm biển vui lắm và hăng lắm”. Một nhân vật nữ trong truyện ngắn Biển trong mưa (Lý Lan) từng cho rằng: “đàn ông là kịch sĩ nhà nghề” và như Lí Lan đã từng nhận định khi đọc một tập truyện ngắn của các nhà văn nữ “nhà văn nữ miêu tả nhân vật nữ như những nạn nhân của những gã đàn ông khốn nạn hoặc của một tình yêu ngây thơ, dại khờ”[43, tr102].

Người đàn bà biết rất rõ nỗi cô đơn đang ngày càng thắt chặt: “ngẫm lại, cuộc đời mình đã chinh phục, đã kiếm niềm vui, kể cả tiền của những người đàn ông nhưng mình đã không có một bông hồng nào, một cái vuốt ve dịu dàng nào của một tình yêu đích thực cả” (Cuộc tình Silicon - Y Ban). Suốt cả cuộc đời họ không tìm thấy điểm tựa cho cuộc đời mình, họ chua chát khi nhận ra điều đó: “đàn ông thì nhiều nhưng để tìm một người như nàng muốn thì khó quá” (Tình yêu ơi ở đâu), “chị hay khóc với tôi và cho rằng đàn ông tuy cần thật nhưng tốt nhất là không nên có” (Hoàng hôn màu cỏ úa). Người đàn bà trong Sợi dây nối những cánh diều của Y Ban ngậm ngùi cho hoàn cảnh thực tại: “giữa hạnh phúc vợ chồng con cái và sự thành đạt, nàng chỉ nh- ư một cánh diều không dây mà thôi”. Sau tất cả những xót xa và tiếc nuối là một niềm khao khát khôn nguôi về một mái ấm gia đình bởi cho dù có thành đạt đến đâu đi chăng nữa thì chắc rằng đó cũng không phải là cái đích cuối cùng mà người đàn bà mong muốn có được. Ngày xưa Nguyễn Du đã từng thốt lên: “Đau đớn thay phận đàn bà. Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”,

hơn hai trăm năm sau, Y Ban đã nói thay lời những bà mẹ: “Kiếp đàn bà chúng mình sao lại cơ cực thế hả con” (Đất mặn vùng đồi).

Nguyễn Thị Thu Huệ với giọng điệu xót xa đã diễn tả sâu sắc tâm trạng của người đàn bà lỡ bước: “Em nhầm đường. Lúc ấy em cứ nghĩ rằng cuộc đời dài lắm và luôn tin rằng rút kinh nghiệm mọi chuyện dễ không. Nhưng rồi mọi thứ trôi đánh vèo. Em già lúc nào không biết” (Người đàn bà ám khói). Cảm giác xót xa, nuối tiếc và bất lực của nhân vật được tác giả biểu lộ qua giọng kể như một sự ngỡ ngàng: “Tôi cứ tưởng cái gì tôi cũng biết, cũng qua, nhưng có một cái tôi không hề biết là người ta có nhiều kiểu thay lòng đổi dạ, nhiều kiểu bỏ người tình, ngon lành lắm” (Đêm dịu dàng). Nỗi cay đắng, xót xa của nhân vật Hạc không chỉ được tác giả thể hiện bằng sự trễ nãi trong hành động, trong lời nói của nhân vật, mà còn được gia cố bởi lối kể chuyện không ăn nhập giữa các sự kiện (Hoa muộn). Cũng là giọng điệu xót xa nhưng Lý Lan đã tạo cho mình một lối đi riêng trong cách kể chuyện bằng ngôn ngữ đối thoại. Một cuộc sống nhàm chán, tẻ nhạt của hai người phụ nữ trong cùng một mái nhà được hiện hữu qua những đoạn đối thoại giữa mẹ và con gái khi mỗi ngày, họ vẫn nói chuyện và trao đổi nhưng những điều mà họ đề cập đến chỉ là những chồng báo cũ, sự lộn xộn của đống giấy vụn hay sự vô tình của người mẹ đã bán nó cho người mua ve chai (Mẹ và con). Không khỏi xót xa cho những cặp tình nhân trẻ tuổi khi mà hàng ngày, hàng giờ, họ ngồi trong quán nước, vẫn đối thoại và tranh luận nhưng những gì họ nói ra chỉ là những lời mà các nhân vật trong sáng tác của Hemingway đã từng nói (Nhân vật tiểu thuyết). Giọng xót xa một mặt được thể hiện qua cái nhìn của nhân vật, mặt khác được biểu lộ ở giọng kể của người kể chuyện và cách kể của tác giả.

Viết nên từ trái tim đa cảm của người đàn bà, nhiều nhân vật trong sáng tác của các chị thường mang nỗi niềm chua xót trước thực tế mà họ đã từng được chứng kiến hay đang phải trải qua. Qua giọng điệu xót xa, khinh bạc Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Lý Lan và Y Ban đã tỏ rõ sự đồng cảm sâu sắc với những bất hạnh của con người trong đời sống.

Một phần của tài liệu Truyện ngắn của một số cây bút nữ thời kỳ đổi mới (qua sáng tác của Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Phan Thị Vàng Anh, Lý Lan (Trang 106)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)