BI KỊCH HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Một phần của tài liệu Truyện ngắn của một số cây bút nữ thời kỳ đổi mới (qua sáng tác của Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Phan Thị Vàng Anh, Lý Lan (Trang 57)

PHẦN NỘI DUNG CHƯƠNG

2.1.2.3. BI KỊCH HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Cũng giống như đề tài tình yêu, hôn nhân và gia đình là đề tài xuất hiện nhiều trong văn xuôi sau 1975 mà thành công ở mảng đề tài này phải kể đến

Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng, Tướng về hưu của Nguyễn Huy

Thiệp, Thời xa vắng của Lê Lựu... Từ những góc nhìn khác nhau, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Y Ban và Lý Lan đã đề cập đến nguy cơ của những rạn nứt đổ vỡ trong đời sống gia đình trước sự biến đổi của thời đại, đến mối quan hệ của cá nhân với gia đình và cá nhân với xã hội cũng như những ràng buộc và thách thức. Không chỉ riêng truyện ngắn mà cả ở các thể loại khác các cây bút nữ cũng dành sự quan tâm đặc biệt về đề tài này như tiểu

thuyết Lệ Mai của Lý Lan hay kịch bản phim Những giấc mơ dài của Nguyễn Thị Thu Huệ.

Đề cập đến cuộc sống gia đình, vấn đề mà bốn cây bút nữ quan tâm nhất là tình trạng hôn nhân, quan niệm, lối sống của từng cá nhân trong hôn nhân gia đình và những hệ quả của nó. Những cuộc hôn nhân này thường tiềm ẩn nguy cơ của sự bất ổn và đỗ vỡ. Bi kịch hôn nhân và gia đình thường được các tác giả nhìn nhận từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới bi kịch là hôn nhân không có tình yêu. Điều này đã được chứng tỏ trong Một nửa cuộc đời của Nguyễn Thị Thu Huệ: Lan lấy Hải không phải vì tình yêu mà vì hiếu thắng “trước những ánh mắt ghen tị và những giọt nước mắt thất tình của một lũ con gái” bởi khi ấy Hải là ước muốn của nhiều người. Trải qua sự lầm tưởng và ngộ nhận về hạnh phúc buổi đầu dần dần trong cuộc sống chung, cô đã nhận ra những bất ổn, rằng Hải không phải là người đàn ông cần cho cuộc đời mình và cô đã tìm đến với người tình để mong được khỏa lấp sự thiếu hụt mà Hải không đem lại được.

Nếu như tình yêu cần có cảm xúc thì hôn nhân cần thêm các yếu tố của

sự bền vững. Đó là một thông điệp mà bốn cây bút nữ muốn gửi gắm thông

qua việc tái hiện những bi kịch hôn nhân trong các tác phẩm của mình. Hôn nhân không thể hạnh phúc nếu không có tình yêu và khác nhau về thói quen và tính cách. Người đàn bà trong Thiếu phụ và những đôi cò (Y Ban) đã phải gặm nhấm nỗi đau của thực tại từng ngày, từng giờ bởi trong quá khứ, cô đã không dũng cảm vượt qua được những mặc cảm để đến với người đàn ông yêu thương cô thực lòng. Những khó khăn trong cuộc sống vợ chồng mà Thủy và Phát gặp phải (Hình bóng cuộc đời - Nguyễn Thị Thu Huệ) đã làm cho khoảng cách do sự khác nhau trong tính cách và quan niệm của mỗi người càng ngày càng rộng. Giải pháp li thân càng đẩy bi kịch gia đình họ đến đỉnh điểm khi Phát chết cô đơn trong căn bệnh hiểm nghèo còn Thủy và đứa con của họ chỉ

biết được điều này khi Phát đang trong tình trạng lâm chung. Ở một góc nhìn khác, Nước mắt đàn ông lại là cả một chuỗi ngày dùng dằng đến kiệt sức trong cuộc sống gia đình của người đàn ông. Sống với nhau hơn nửa đời người, ông ý thức rõ điều đó nhưng lại coi đó là số phận và không thể chia tay vì các con đã lớn và bản thân họ cũng đã già rồi, không còn đủ thời gian để làm lại.

Những khó khăn về kinh tế cũng là nguyên nhân dẫn tới bi kịch. Để đảm

bảo cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc không chỉ cần có tình yêu, sự hòa hợp về tính cách và tâm hồn mà còn phải có đủ điều kiện vật chất. Câu chuyện về thân phận một người phụ nữ trong Uớc mơ của cô bán hàng rong của Y Ban là một minh chứng cho điều đó. Chồng chị là người thương vợ, thương con và có hiếu với cha mẹ nhưng anh lại là kẻ không gặp may trong cuộc đời, nghĩa là không biết cách kiếm tiền. Cả nhà hầu như trông vào cái gánh trên vai chị. Ban ngày vất vả để kiếm sống, ban đêm chị lại âm thầm khóc vì nỗi cực khổ và những trận đòn roi của chồng, cuộc sống của chị là những chuỗi ngày chịu đựng cả nỗi đau thể xác lẫn tinh thần.

Xã hội hiện đại đã mở rộng cánh cửa để người phụ nữ tham gia vào nhiều lĩnh vực của đời sống nhưng đồng thời đó cũng là một thử thách trước thiên chức làm vợ làm mẹ của mỗi người. Có không ít bi kịch đã xảy ra khi

người phụ nữ không dung hòa được mối quan hệ giữa gia đình và công việc

xã hội. Có một thực tế là không ít những người phụ nữ khi đã thành đạt trên

bước đường công danh thì lại gặp phải những trắc trở trong cuộc sống gia đình, trong mối quan hệ chồng - vợ. Không ít người chồng khó lòng chấp nhận một người vợ quá chuyên tâm vào sự nghiệp bởi theo họ, thiên chức làm vợ làm mẹ vẫn luôn là đặc thù của giới nữ. Nhân vật nữ trong Thượng đế bảo

rằng mỗi người đàn ông chỉ của riêng một người đàn bà của Y Ban đã từng là

người nổi tiếng nhưng khi nàng lấy chồng anh ta lại không chịu được sự nổi tiếng của nàng ngay cả khi nàng đã sinh con và chẳng còn ham muốn sự nổi tiếng nữa. Dù đã cố gắng để sống với hiện tại - khi nàng đã có một gia đình nhưng càng cố giữ thì hạnh phúc riêng tư càng tuột khỏi tay nàng. Cuộc sống

li thân là điều tất yếu đã xảy ra khi nàng không còn nhận được sự cảm thông và chia sẻ từ người chồng của mình.

Thông qua những bi kịch hôn nhân, các cây bút nữ này đã đề cập đến một khía cạnh rất đời thường của con người: bi kịch hôn nhân còn bắt nguồn từ sự không thõa mãn nhau trong đời sống tinh thần, trong quan hệ tình dục. Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội là sự gia tăng những nhu cầu tinh thần của con người. Ăn no, mặc đủ không còn là niềm mong ước của nhiều người khi đời sống kinh tế đã khá lên và con người ngày càng có nhiều sự lựa chọn. Khi những nhu cầu tinh thần không được thõa mãn thì mâu thuẫn là điều khó tránh khỏi. Nếu như người đàn ông trong Thiếu phụ chưa chồng của Nguyễn Thị Thu Huệ sẵn sàng đến với người đàn bà khác để thỏa mãn ham muốn thì với Người đàn bà và những giấc mơ, Y Ban đã bày tỏ một sự thật - là niềm mong mỏi được giải tỏa những ẩn ức sinh lí tinh thần của người phụ nữ. Người đàn bà trong truyện có một gia đình với vẻ bề ngoài tưởng như là ước mơ của nhiều người nhưng thực ra bên trong đang tiềm ẩn những nguy cơ đỗ vỡ khi mà chồng nàng vẫn thường đi làm về muộn và “thường những hôm anh về nhà trễ không bao giờ anh ngủ cùng nàng. Anh sẽ nằm co quắp như một con tôm và kêu mệt mỏi”. Để khỏa lấp những khoảng trống trong tâm hồn, để được thay đổi cảm giác, để cân bằng với cuộc sống mà ngày càng cảm thấy thiếu hụt, nàng mong ước có một người đàn ông nào đó thật hoàn hảo và đối xử với nàng một cách lí tưởng, không làm “nàng đau cả về thể xác lần linh hồn” và nàng đã ngoại tình trong những giấc mơ. Cứ thế, sau những lần ngoại tình, nàng lại sống trong một trạng thái đầy mâu thuẫn, một bên là những khát khao thầm kín của người phụ nữ còn một bên là những mặc cảm và day dứt. Thấu hiểu những nỗi niềm sâu kín của người phụ nữ, với niềm khát khao được yêu thương và chăm sóc Thu Huệ đã để cho nhân vật của mình tự giãi bày: “Anh không nghe thấy tiếng thở dài tức ngực của người đàn bà chưa đến tuổi bốn mươi, da thịt mát lạnh, thơm tho của sự đủ đầy, nhàn hạ dần dần đang cần sự yêu chiều ve vuốt. Anh không kịp nhìn thấy chị đợi anh bằng chiếc váy sa

tanh bóng mát lịm như miếng thạch mới mua. Và anh cũng chẳng kịp nhìn thấy một lọ hoa to chị cắm góc phòng đang dịu dàng tỏa hương” (Tân cảng - Thu Huệ). Thực ra, viết về những tình huống phức tạp và tế nhị trong đời sống tinh thần của vợ chồng thì trong truyện ngắn Con chó và vụ li hôn của Dạ Ngân viết năm 1985 “lần đầu tiên những chuyện... khó nói nhất trong quan hệ vợ chồng đã được một cây bút nữ viết ra một cách thẳng thắn” [71, tr9]. Nhưng dẫu sao những điều tưởng như khó có thể nói ra đó chỉ mới được biểu hiện bằng những cảm nhận của người phụ nữ, còn trong truyện ngắn của các cây bút nữ trẻ (mà Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ, Lý Lan cũng nằm trong số đó) thì những điều này lại được bày tỏ một cách trực diện qua ngôn ngữ độc thoại, đối thoại, cũng như ngôn ngữ của người kể chuyện mà trích dẫn trên đây đã cho chúng ta thấy được điều này.

Gia đình là tế bào của xã hội và mọi sự biến đổi của đời sống xã hội đều tác động đến đời sống gia đình. Trong cơ chế thị trường, mối “quan hệ tiền hàng” đã len lỏi vào từng thành viên trong các gia đình và chi phối cuộc sống của họ, tạo nên những khoảng cách làm mất đi những tình cảm thiêng liêng vốn có trong mỗi con người. Ông Cậu trong Nước mắt đàn ông (Nguyễn Thị Thu Huệ) là một người đàn ông có tài, giỏi kiếm tiền nhưng cô độc trong một gia đình dư thừa về vật chất. Con cái chỉ nói với ông chuyện tiền bạc chứ không có nổi những phút giây ngắn ngủi tâm sự với cha mình.

Không phải ngẫu nhiên mà truyện ngắn của bốn cây bút nữ này thường đề cập đến vấn đề ngoại tình (Phượng, Lắp ghép hạnh phúc - Lý Lan, Hình

bóng cuộc đời - Thu Huệ, Kịch câm - Phan Thị Vàng Anh, Thành phố không

mùa đông - Thu Huệ, Thằng bé có phép tàng hình, Chuyện bên Barie - Y Ban,

Tân cảng - Thu Huệ....). Ngoại tình, li thân và li hôn là tình trạng thường thấy

trong những cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến ngoại tình. Đàn ông có nỗi khổ của người trụ cột gia đình còn đàn bà lại khổ vì những ngăn kí ức của tình cảm. Sự thất vọng về đời sống vợ chồng trong cuộc sống chung là một trong những lí do của việc ngoại tình và

đó cũng chính là nguy cơ dẫn đến những bi kịch. Người đàn bà ngoại tình khi cần khỏa lấp sự trống trải và mong tìm hạnh phúc trong những mối tình cảm mới. Trong khi đàn ông lại coi ngoại tình như một chút gia vị trong cuộc sống, một giải pháp nhất thời để xoa dịu những phiền muộn trong công việc và gia đình, cũng có khi là để thỏa mãn những ham muốn giải trí. Hiếm thấy người đàn ông nào trong sáng tác của các chị lại coi ngoại tình là mục đích để tìm kiếm một tình yêu đích thực, một người bạn đời trong một cuộc hôn nhân mới. Có người đàn ông tỏ ra thành thực khi bộc lộ ý định của mình như Thắng: “Anh cũng yêu em, nhưng anh không thể phá vỡ cuộc sống gia đình được” “chuyện của chúng mình chẳng có gì mới. Chẳng qua nó là gia vị trong một bữa ăn. Tí cay, tí chua, tí ngọt cho dễ nuốt chứ không phải cái ăn hàng ngày”

(Một nửa cuộc đời - Nguyễn Thị Thu Huệ). Ông Cậu trong Nước mắt đàn ông

(Nguyễn Thị Thu Huệ) ngoại tình trong khi coi hôn nhân hiện tại đã là số phận và có chống cũng chẳng được. Sự khác nhau về động cơ và mục đích đã làm cho những người phụ nữ không bao giờ tìm thấy hạnh phúc đích thực sau những cuộc tình vụng trộm. Những cảm xúc, những niềm vui nhất thời rồi cũng qua đi để rồi họ lại dằn vặt về những gì mình đã làm (Một nửa cuộc đời - Nguyễn Thị Thu Huệ).

Trong thiên chức làm vợ, làm mẹ, những cây bút nữ này đã tỏ ra nhạy

cảm hơn với nỗi đau của trẻ thơ, viết về nó bằng những cảm nhận tinh tế và

sâu sắc từ những bi kịch hôn nhân và gia đình bởi theo họ: khi tình yêu không còn, khi gia đình tan vỡ thì người phải gánh chịu hậu quả nhiều nhất là những đứa con. Bi kịch gia đình làm tổn thương đến tâm hồn và cuộc sống trẻ thơ. Cuộc sống thiếu vắng tình cảm của người cha là một trong những nguyên nhân để đứa con lặp lại vết xe đổ của người mẹ (Hậu thiên đường - Nguyễn Thị Thu Huệ). Đó là trạng thái ngờ vực của đứa con về bố mẹ mình (Phù thủy - Nguyễn Thị Thu Huệ), là cảm giác trống trải, cô đơn khi biết tin bố mẹ mình sẽ li dị (Thành phố không mùa đông - Nguyễn Thị Thu Huệ), là ước mơ bình dị nhưng sẽ không bao giờ thực hiện được của hai anh em khi muốn được

sống chung dưới một mái nhà (Tân cảng - Nguyễn Thị Thu Huệ). Những dư chấn về tinh thần đó sẽ theo các em đi suốt cuộc đời và chúng sẽ không có được sự vô tư trong trẻo như những đứa trẻ khác (Lắp ghép hạnh phúc - Lý Lan).

Với ý thức cảnh tỉnh con người trước nguy cơ của sự đổ vỡ, các cây bút nữ đã tái hiện những cảnh ngộ mà ở đó là những dấu hiệu dù chỉ mới manh nha của bi kịch gia đình. Nếu như trong Kịch câm, Phan Thị Vàng Anh đã đưa ra một dự cảm về sự đổ vỡ khi cuộc sống gia đình đang từng ngày tiếp diễn với vở kịch được tạo nên từ tình huống con gái bắt gặp được mẩu giấy - bằng chứng về khả năng ngoại tình của ông bố thì trong Chuyện bên Barie của Y Ban, vở kịch dường như đã đến lúc hạ màn với cuộc chạm trán bất ngờ giữa bố và con gái trong khi bên cạnh họ là những người tình. Sự suy thoái về đạo đức nhân cách đang có nguy cơ làm tổn hại đến những tình cảm thiêng liêng giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ và chồng. Bi kịch tất yếu sẽ xảy ra nếu như các thành viên trong gia đình không thay đổi lối sống, suy nghĩ và hành động.

Trong truyện ngắn của các chị, người đọc đã bắt gặp những cảnh ngộ éo le, những dang dở của hạnh phúc không phải là ít gặp trong cuộc đời. Trong tình yêu cũng như trong hôn nhân, các nhân vật trong sáng tác của các chị bao giờ cũng khát khao hạnh phúc nhưng ít ai được thỏa nguyện. Từ tình yêu đến hôn nhân là cả một khoảng cách. Chất men của tình yêu chỉ là yếu tố cần chứ chưa phải là đủ với một gia đình hạnh phúc. Mái ấm gia đình cần phải được dày công vun đắp bởi cả vợ và chồng vì bi kịch có thể xảy đến bất kì lúc nào. Viết về những bi kịch thông qua cái nhìn của nhân vật khi họ đang trực tiếp cảm nhận những rạn nứt của cuộc sống chung, bằng tấm lòng và sự cảm thông sâu sắc, các trang viết của các chị đã làm rung động trái tim người đọc. Nhạy cảm với sự dở dang, có thể nói “những trang viết của họ như những dòng dư lệ được ép ra từ trái tim khao khát yêu đương và hạnh phúc. Họ vui đấy, buồn đấy, cay nghiệt đấy nhưng rất mực nhân hậu và cũng rất mực... đàn bà. Họ nhìn và cắt nghĩa cuộc sống theo tư duy của phái yếu, tinh tế, nhạy cảm, đâu

đây trong trang viết của họ luôn ẩn chứa một tiếng thở dài, hình như là than thân, là tiếc nuối. Người đọc cùng giới luôn tìm được sự đồng cảm ở họ” [115].

Một phần của tài liệu Truyện ngắn của một số cây bút nữ thời kỳ đổi mới (qua sáng tác của Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Phan Thị Vàng Anh, Lý Lan (Trang 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)