PHẦN NỘI DUNG CHƯƠNG
2.2. THẾ GIỚI NHÂN VẬT
Mọi loại hình nghệ thuật đều lấy con người làm đối tượng trung tâm của sự phản ánh. Với tác phẩm văn học thì nhân vật là hình thức thể hiện quan điểm của nhà văn về con người, là đối tượng dẫn dắt độc giả vào các thế giới khác nhau của đời sống đồng thời bản thân nó còn thể hiện “quan niệm nghệ thuật và lí tưởng thẩm mĩ của nhà văn về con người”.
Khi tiếp cận với hệ thống nhân vật trong các sáng tác văn học thuộc nhiều thể loại các nhà nghiên cứu thường dựa vào các cấp độ: kết cấu (nhân vật chính - phụ), ý thức hệ (nhân vật chính diện - phản diện), cấu trúc (nhân vật chức năng - nhân vật loại hình - nhân vật tư tưởng), lịch sử - hư cấu (nhân vật lịch sử - nhân vật hư cấu), thành phần xã hội (nhân vật nông dân - nhân vật chiến sĩ - nhân vật trí thức). Sự phân chia theo các cấp độ trên đây cũng đã phần nào phản ánh được cách tư duy của nhà văn về con người thông qua hình tượng nhân vật.
Ở mỗi trào lưu, mỗi giai đoạn, do sự chi phối của nhiều yếu tố, thế giới nhân vật trong các sáng tác lại mang tính đặc thù thể hiện những quan điểm khác nhau về con người và cuộc đời. Nhân vật trong văn học trước 1975 là hiện thân của con người mới trong lao động chiến đấu, là đại diện cho lí tưởng cao cả và thường là kiểu nhân vật đơn nhất. Sau 1975, quan niệm con người cá nhân, cá thể qua lăng kính của các nhà văn đã được cụ thể hóa bằng thế giới nhân vật đa dạng. Khảo sát truyện ngắn Lý Lan, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban căn cứ vào tính chất lặp đi lặp lại của các mô hình nhân vật, căn cứ vào cấp độ quan niệm nghệ thuật về con người, có thể nhận thấy
thế giới nhân vật được khu biệt thành 2 loại hình: nhân vật tính cách và nhân vật cô đơn. Sự phân chia này chỉ mang tính chất tương đối vì ranh giới giữa các kiểu loại nhiều khi đan xen và khó tách bạch. Trong những trường hợp như vậy, chúng tôi căn cứ vào nét nổi trội về tính cách hay trạng thái tâm lí để xem nhân vật đó thuộc loại nào.