PHẦN NỘI DUNG CHƯƠNG
1.2. TRUYỆN NGẮN NỮ TRONG THỜI KÌ ĐỔI MỚ
Với đặc thù của một thể loại văn học, trong quá trình hình thành và phát triển, truyện ngắn đã góp phần làm nên diện mạo của văn học dân tộc. Trước cách mạng tháng Tám, đặc biệt là thời kì 1930 - 1945, cùng với quá trình hiện đại hóa văn học, các cây bút truyện ngắn như Phạm Duy Tốn, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Thạch Lam... là những gương mặt truyện ngắn tiêu biểu trong việc làm nên một thời kì phát triển mạnh mẽ đưa văn chương vào “quỹ đạo hiện đại”. Giai đoạn 1945 - 1975 với một lực lượng đông đảo những người cầm bút thuộc nhiều thế hệ (gồm lớp nhà văn tiền chiến xuất hiện trước 1945, lớp nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp, lớp nhà văn thuộc thế hệ thứ ba xuất hiện trong chiến tranh chống Mỹ) đã đem đến cho truyện ngắn thời kì này sự phong phú ở cả hai phương diện tác gia và tác phẩm. Truyện ngắn giai đoạn này đã được nói đến như một thành tựu của văn chương kháng chiến và nhiều tác phẩm đã trở thành những
giá trị tinh thần trong đời sống văn học đương thời, trở thành những di sản quí báu trong lịch sử văn học dân tộc. Từ sau 1975, điều kiện và môi trường sáng tác thuận lợi đã tạo điều kiện tốt để truyện ngắn trở thành một thể loại sung sức và xung kích trong việc mở ra những hướng tìm tòi mới cả về phương diện thi pháp thể loại lẫn khả năng tiếp cận hiện thực. Đây cũng là thời kì truyện ngắn phát triển mạnh mẽ và cùng với tiểu thuyết, văn xuôi nghệ thuật Việt Nam đã tiến những bước khá dài.
Góp vào sự phát triển cả về số lượng lẫn hiệu quả nghệ thuật đó còn là sự góp mặt của những cây bút nữ. Đóng góp của các nhà văn nữ trên lĩnh vực văn xuôi, đặc biệt là ở thể loại truyện ngắn được thể hiện rõ qua từng thời kì với những đặc điểm khu biệt. Chúng tôi muốn có cái nhìn khái quát mang tính lịch đại về đặc điểm và đóng góp của truyện ngắn nữ trong suốt một thế kỉ qua.