PHẦN NỘI DUNG CHƯƠNG
2.1.3.3. TRIẾT LÍ VỀ GIỚI NỮ
Như đã nói ở trên, tình yêu và gia đình là hai phạm trù người phụ nữ quan tâm nhất. Cũng chính vì lẽ đó, trong tác phẩm của họ, người đọc bắt gặp những triết lí thú vị về tình yêu trong quan niệm của giới nữ: “đàn bà khi yêu không bao giờ có tuổi” (Mi nu xinh đẹp - Nguyễn Thị Thu Huệ), “đàn bà yêu bằng mùi”, khác với “đàn ông yêu bằng mắt” (Mùa thu vàng rực rỡ), “con gái 19, 20 chuyện nào cũng quay về chuyện tình yêu” (Truyện trẻ con - Phan Thị Vàng Anh).
Tình yêu ở mỗi thế hệ, ở mỗi con người có những màu sắc và đặc trưng riêng. Khi triết lí về điều này, các cây bút nữ đã cho thấy sự khác biệt giữa hai thế hệ trong tình yêu. Đồng thời đó còn là tiếng nói của khát vọng được tự do lựa chọn tình yêu và hôn nhân hạnh phúc bởi trong quan niệm của các chị người phụ nữ dù có thành đạt đến đâu cũng luôn cần một chỗ dựa vững chắc cho tâm hồn yếu đuối mỏng manh của họ. Trong truyện ngắn Cõi mê của Nguyễn Thị Thu Huệ, người bà kể về quãng đời không bình yên của mình: “Thời bà, ít có sự lựa chọn như các cháu sau này. Bảo lấy ai thì lấy. Bảo làm gì thì làm. Ước mơ không nhiều, tham vọng chẳng có”. Còn ở Người đàn bà
có ma lực, mượn lời nhân vật trong truyện, Y Ban triết lí về người phụ nữ hiện
đại: “Bây giờ là thời đại mới, thời đại của chúng ta. Chúng ta làm chủ tình thế chứ đâu như thời phong kiến mà đàn bà chỉ biết đứng e lệ một chỗ như những bông hoa trong luống hoa ấy, mặc cho người ta khen, người ta chê”. Người phụ nữ hiện đại ý thức rõ quyền được yêu và cũng lại khắt khe hơn trong việc lựa chọn “Phụ nữ phải kiếm chồng hơn mình một cái đầu” (Bỏ trường - Phan Thị Vàng Anh).
Sự tìm kiếm hạnh phúc, ngay cả khi đã có hạnh phúc trong tay, sự không thỏa mãn về phương diện nào đó là một nguyên nhân dẫn đến bi kịch trong đời sống của không ít người phụ nữ. Thấu hiểu những nghịch lí của người cùng giới, Nguyễn Thị Thu Huệ đã triết lí một cách cay đắng: “Đời người đàn bà thường ngắn hơn đời người đàn ông mặc dù tuổi thọ thì họ nhiều hơn. Đó là nghịch lí. Đàn ông 60 tuổi còn có tình yêu, đàn bà thì hiếm hoi
lắm” (Giai nhân - Nguyễn Thị Thu Huệ). Khi triết lí về điều này, chị thấu hiểu được rằng khi lập gia đình, người đàn bà nào cũng nhanh chóng bước qua “tuổi khác”, thời gian và tuổi tác luôn là nỗi ám ảnh của người phụ nữ nhất là với những người chưa từng kết hôn. Cũng đã có lúc nhân vật chính trong truyện ngắn Người đàn bà ám khói của Nguyễn Thị Thu Huệ nhận ra sự thật từ những lời lẽ chua chát của một kẻ đểu giả cô từng gặp trong cuộc đời: “Đời người con gái có thì, em phải biết chớp lấy cái thời của mình. Đàn ông theo em khi còn đáng theo, nghĩa là lúc em còn trẻ. Đó là điều đáng mừng. Đừng để lúc không ai nhòm gì đến em, em mới nghĩ đến việc yêu”.
Với cái nhìn rất riêng của phái nữ, các cây bút nữ đã triết lí về những điều tưởng như rút ra từ gan ruột: “Ai cũng tưởng mình tinh tướng lắm, khôn ngoan lắm nhưng rốt cuộc họ là những người mất mát nhiều nhất” (Màu ngà
sắc đỏ - Nguyễn Thị Thu Huệ). Đam mê và yếu ớt luôn là một đặc tính cố hữu
của giới nữ bởi thế cho nên trong truyện ngắn của các chị, người đọc thường bắt gặp những câu triết lí kiểu như: “Hóa ra đàn bà, ai cũng có những khả năng đặc biệt giống nhau: yêu đương, ghen tuông và cuồng si” (Hậu thiên
đường - Nguyễn Thị Thu Huệ), “đàn bà vừa vặt vãnh vừa yếu đuối”, “Đàn bà
mà. Nó có lắm những cái nhu cầu, ham muốn lặt vặt” (Người đàn bà ám khói - Nguyễn Thị Thu Huệ), “ Đàn bà phải nhỏ bé yếu đuối” (Thượng đế bảo rằng:
Mỗi người đàn ông chỉ dành riêng cho một người đàn bà - Y Ban). Trong
truyện ngắn Sương mù trên thành phố Võ Thị Xuân Hà cũng từng cho rằng “Mà đã là đàn bà thì vĩnh viễn mang trong mình nỗi khát khao hòa đồng, vĩnh viễn đam mê, vĩnh viễn yếu ớt”. Bằng sự cảm thông sâu sắc với những người phụ nữ “hồng nhan đa truân”, Nguyễn Thị Thu Huệ đã đúc kết thành triết lí “Đàn bà đẹp, lại thông minh thì khổ lắm” (Hoàng hôn màu cỏ úa - Nguyễn Thị Thu Huệ).
Bằng những lời lẽ triết lí đôi lúc tưởng như lạnh lùng và có phần cay nghiệt, chua chát; các cây bút nữ đã nói lên tiếng nói đòi đựơc cảm thông sâu sắc đối với người phụ nữ: hãy quan tâm hơn đến cuộc sống của họ, cả về
phương diện vật chất lẫn tinh thần; hãy cố gắng để những tâm hồn yếu đuối không còn bị tổn thương, để sau mỗi lần vấp ngã trên đường đời, con người ta vẫn vững tin mà đứng dậy. Sau mỗi lời lẽ triết lí là những trải nghiệm từ chính cuộc đời mình, từ những quan sát thực tiễn. Tính triết lí làm tăng thêm sức khái quát cho hình tượng đồng thời tác động mạnh mẽ đến người đọc.