PHẦN NỘI DUNG CHƯƠNG
2.2.2. NHÂN VẬT CÔ ĐƠN
Sau 1975, với sự thức tỉnh của ý thức cá nhân, sự nảy sinh của nhu cầu tự ý thức trước những thay đổi của đời sống xã hội, sự đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn; cô đơn trở thành một kiểu nhân vật, một mô típ quen thuộc trong văn học. Cùng với Tướng về hưu, Con gái thủy thần
của Nguyễn Huy Thiệp, Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng, Cỏ lau
của Nguyễn Minh Châu, Hai người đàn bà xóm trại của Nguyễn Quang Thiều, những truyện ngắn trong tập Mê lộ của Phạm Thị Hoài như Chín bỏ làn
mười, Kiêm ái, Khách...; các cây bút nữ Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Phan
Thị Vàng Anh, Lí Lan qua sáng tác của mình đã tạo nên một hệ thống nhân vật mà ở đó trạng thái tâm lí cô đơn trở thành một tâm điểm của sáng tạo nghệ thuật. Bằng khả năng nắm bắt những biến thái tinh vi trong đời sống con người, các cây bút đã tập trung khai thác trạng thái cô đơn của con người một cách tinh tế và sâu sắc.
Xây dựng nhân vật cô đơn, các cây bút nữ đã quan tâm đến một thực trạng tinh thần mà không ít người gặp phải trong xã hội hiện đại. Con người cô đơn ngay trong chính gia đình mình, trong cuộc sống hàng ngày mà họ phải
đối mặt (Người đàn bà và những giấc mơ - Y Ban, Một nửa cuộc đời, Biển
ấm, Tân cảng - Nguyễn Thị Thu Huệ, Lắp ghép hạnh phúc - Lý Lan).
Khắc khoải với nỗi cô đơn của con người sau chiến tranh, các cây bút nữ đã quan tâm đến đời sống tinh thần của những con người bước ra từ cuộc chiến. Trong sáng tác của các chị, người lính thường cô độc khi trở lại với cuộc sống đời thường. Họ thường xuyên phải sống với những kí ức trận mạc để quên đi những ngày buồn (Dĩ vãng - Nguyễn Thị Thu Huệ), phải gặm nhấm nỗi đơn độc một mình một bóng khi không còn ai thân thích (Sánh - Bảy ngày
trong đời - Nguyễn Thị Thu Huệ), hoặc bởi không tìm được sự cảm thông chia
sẻ của những người sống quanh mình (ông Tú - Bản lí lịch tự thuật - Y Ban). Trong truyện ngắn bốn cây bút nữ này nhân vật chính thường là nhân vật nữ và nhân vật cô đơn cũng thường là nữ. Tư duy hướng nội và cảm quan tinh tế nhạy bén đã giúp họ có thể diễn tả thật hơn về nỗi cô đơn của giới mình. Cô đơn trở thành một nỗi ám ảnh, một sự truy đuổi của số phận nhân vật nữ. Lí giải về đặc điểm này, nhà văn nữ Nguyễn Thị Châu Giang tâm sự: “Thực ra cuộc sống của tôi diễn ra rất suôn sẻ, tốt đẹp. Những người phụ nữ sống quanh tôi cũng không hề gặp bất trắc trong cuộc sống, song không hiểu sao, tôi luôn cảm thấy họ cô đơn. Người phụ nữ cô đơn ngay trong chính gia đình mình, trong cuộc sống hàng ngày mà họ phải đương đầu và họ không có cách gì giải toả được. Điều này luôn ám ảnh tôi” [87]. Với nỗi ám ảnh đó, nỗi cô đơn của người phụ nữ đã theo đuổi các nhà văn vào từng trang viết.
Thấu hiểu nỗi cô đơn của người phụ nữ như hiểu nỗi cô đơn của chính bản thân mình, nỗi cô đơn của người phụ nữ trong tình yêu và hôn nhân đã được các cây bút nữ khắc hoạ với những tình huống muôn mặt: nỗi cô độc của người đàn bà với cuộc sống “ban ngày như một chiếc bóng mà ban đêm mới là cuộc sống thực” (Người đi tìm giấc mơ - Nguyễn Thị Thu Huệ), nỗi cô đơn của người đàn bà chưa từng được nếm vị ngọt ngào lẫn cay đắng của hạnh phúc làm vợ, làm mẹ (Người đàn bà ám khói - Nguyễn Thị Thu Huệ), cô đơn
khi không tìm thấy chỗ neo đậu cho khát vọng tình yêu (Cát đợi - Nguyễn Thị Thu Huệ), nỗi cô đơn trong chờ đợi của cô gái tuổi đang yêu (Mười ngày - Phan Thị Vàng Anh), nỗi cô quạnh của một thiếu phụ khi chiến tranh kết thúc
(Điều ấy bây giờ con mới hiểu ra - Y Ban), nỗi cô đơn của người đàn bà lỡ
bước “cả đời làm cái nghề ngủ với đàn ông mà lại đi thèm một bàn tay đàn ông đến vậy” (Đàn bà sinh ra từ bóng đêm - Y Ban), nỗi cô đơn của một thế hệ khi những giá trị tinh thần của gia đình truyền thống đang dần bị mất đi trong xã hội hiện đại (bà Vy - Của để giành - Nguyễn Thị Thu Huệ, ông lão -
Diễn viên hạng ba - Lý Lan)...
Để khắc họa nỗi cô đơn, các tác giả thường chú ý đào sâu vào tâm trạng của nhân vật. Trạng thái cô đơn của nhân vật đã được Nguyễn Thị Thu Huệ lột tả đến tột cùng trong truyện ngắn Giai nhân. Đó là cái cảm giác mình không còn tồn tại khi mấy ngày qua đi cô gái mong chờ tiếng điện thoại reo nhưng tất cả đều vô vọng; là cảm giác hụt hẫng, hoang vắng và trống trải khi không còn ai đến với cô: sự dằn vặt, tiếc nuối xót xa của một người phụ nữ khi đã đánh mất những cơ hội để lựa chọn. Khắc khoải với nỗi cô đơn không thể chia sẻ cùng ai, có lúc nhân vật đã thốt lên: “Tôi cô đơn quá rồi”, “sao người mỗi ngày một đông như kiến mà tôi cô đơn thế này”, hoặc “Sao tôi bỗng cô đơn và sợ cuộc sống thế này” (Mi nu xinh đẹp - Nguyễn Thị Thu Huệ), “Ngồi với mình lâu một chút nhé. Ai cũng bảo không có thời gian. Mình cô đơn quá” (Y Ban).
Một cuộc sống đầm ấm của gia đình luôn là điều mà nhiều nhân vật trong truyện ngắn Lý Lan khát khao có được. Trong truyện ngắn Mẹ và con, tác giả đã khắc hoạ nỗi cô đơn và cuộc sống buồn tẻ của hai người đàn bà sống chung dưới một mái nhà đều gặp những trắc trở, lỡ dở trong tình duyên như một sự sắp đặt của số phận. Còn Yên (Tháng chạp) đã từng phải trải qua nỗi cô đơn của một đứa trẻ mồ côi với bao khó khăn trong cuộc sống. Dẫu rằng, giờ đây khi miếng cơm manh áo không còn là nỗi trăn trở, nhưng cô đơn vẫn luôn là trạng thái mà cô phải trải qua.
Để khắc họa nỗi cô đơn của nhân vật, các tác giả thường chú ý đến không gian và thời gian mà nhân vật hiện diện. Trên phương diện thời gian là sự đối lập thông qua sự hồi tưởng, sự đồng hiện, giằng xé giữa quá khứ và hiện tại. Còn không gian thường là không gian bao la, vô tận mà ở đó nhân vật trở nên nhỏ bé và cô độc hơn. Trong nhiều truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ, nhân vật thường được đặt trước sự choáng ngợp của không gian: “Đường phố rộng và thừa thải gió, tuênh toang, trống trải lạ lùng”, “Biển hùng vĩ bao la đến vô cùng. Chẳng có gì lạ, cát vẫn là cát. Gió thổi bay vô tư hào phóng. Bây giờ anh ở đâu?” (Cát đợi - Nguyễn Thị Thu Huệ). Thường thì nhân vật càng cô đơn hơn khi hiện diện trước biển (Cát đợi), trong mưa (Một chiều mưa), bờ sông với những trảng cát lạnh lẽo (Đôi giày đỏ), căn phòng với bản nhạc buồn (Sơ ri đắng), căn gác trọ (Tháng chạp) đặc biệt là những ngày giáp tết (Mười ngày, Phượng, Tháng chạp).
Nếu như trước đây, cô đơn được xem là “một chủ đề kiêng kị” thì hiện nay với những thuận lợi của môi trường sáng tác, “bằng những điều mắt nhìn và trái tim suy nghĩ”, với những ưu thế trong việc khám phá tâm hồn con người, các cây bút nữ đã đi sâu vào thế giới tâm linh của họ để khắc họa nỗi cô đơn. Nhân vật cô đơn trong sáng tác của họ luôn có sự giằng xé giữa nỗi đau của quá khứ và sự trống rỗng của hiện tại, giữa khát vọng và hiện thực, hạnh phúc và khổ đau. Khi rơi vào trạng thái cô đơn, hầu hết các nhân vật đều có cách thức chạy trốn hoặc đối kháng lại hoàn cảnh nhưng ít người trong số họ đạt được mong ước của mình. Thông qua hình tượng nhân vật cô đơn, một mặt các tác giả đã cho thấy một thực trạng tinh thần của con người trong đời sống hiện đại, đồng thời đó còn là tiếng nói của khát khao hoà đồng, khát khao hạnh phúc. Xây dựng nhân vật cô đơn, các tác giả đã đề cập đến một vấn đề có ý nghĩa nhân văn cao cả - một vấn đề của bản thể cá nhân nên đã tìm được sự đồng cảm từ phía người đọc.
Như vậy, từ các nguồn cảm hứng cơ bản là cảm hứng ngợi ca, cảm hứng bi kịch, cảm hứng chiêm nghiệm - triết lí; các cây bút nữ Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Y Ban và Lí Lan đã bộc lộ xu hướng đổi mới khi tiếp cận đời sống. Với sự đổi mới quan niệm về hiện thực, qua thế giới nghệ thuật trong tác phẩm, các tác giả đã tái hiện bức tranh hiện thực với nhiều màu sắc và dáng vẻ, với những biến động, những bất ngờ. Nhiều vấn đề của đời sống đã được các tác giả tiếp cận và lí giải bằng sự mẫn cảm bản năng của người phụ nữ. Có thể nhận thấy sự chi phối có phần lấn át của cảm hứng bi kịch trong sáng tác của các chị và đặc điểm này xuất phát từ sự nhạy cảm với những bất ổn, sự đỗ vỡ của người viết. Những chiêm nghiệm và triết lí được đúc kết từ đời sống đã góp phần làm tăng thêm “sức nặng” cho một thế giới nhân vật phong phú và sống động về mặt cá tính, đa dạng về các kiểu loại - tầng lớp và điều đó đã đem đến cho người đọc một cách hình dung về con người từ góc nhìn thế sự đời tư. Nổi bật trong thế giới nhân vật đó là những người phụ nữ trong xã hội hiện đại có cuộc đời, có thân phận cụ thể, với nỗi đau khi họ dám sống thực với mình với cá tính mạnh mẽ cho dù đôi khi họ phải trả giá đắt cho việc làm của mình. Đa phần trong số họ đều là những nhân vật cô đơn mang trong mình khát khao được hoà đồng. Sự khát khao đòi hỏi đó cần được xem như một vẻ đẹp của bản lĩnh người phụ nữ mà từ các góc nhìn, các cây bút nữ này đã có sự thể hiện đặc sắc khác nhau.
CHƯƠNG 3