PHẦN NỘI DUNG CHƯƠNG
3.4.4. GIỌNG TRỮ TÌNH, ĐẰM THẮM VÀ QUYẾT LIỆT
Các cây bút nữ tỏ ra quyết liệt khi diễn tả những khát khao tình yêu, đòi quyền được yêu của người phụ nữ, trong đấu tranh cho tình yêu và sự bình quyền cho tình cảm: “trong tình yêu có lúc phải dành lấy như chơi bạc ấy”. Đằng sau nỗi dằn vặt (trong Bức thư gửi mẹ Âu Cơ) còn là niềm khát khao được yêu, được làm mẹ của một thiếu nữ: “Con muốn tình yêu. Con đã có đủ một tình yêu đầu tiên ấy rồi. Hoặc là bằng, hoặc là hơn. Mẹ và lí trí không cho con buông thả. Giá như ngày ấy mặc dù tội lỗi, mẹ cứ cho chúng con lấy nhau thì con đã trở thành một người phụ nữ bình thường chứ không phải mang cảnh góa bụa trong cô thiếu nữ kén chồng thế này”.
Các cây bút nữ tỏ ra quyết liệt khi bộc lộ những khát khao bản năng được yêu, được làm mẹ. Trong những trang viết của các chị, dường như để đạt được thỏa nguyện đó, người phụ nữ không khoan nhượng bất cứ điều gì. Ham muốn được làm mẹ luôn hiện hữu trong trái tim mỗi người phụ nữ, nhất là với những người phụ nữ mà tạo hóa đã không cho họ những cơ hội để chọn lựa: “Chị thèm muốn một đứa con. Chị không hề nghĩ xa xôi gì nhiều về đứa con và tuổi già. Nhưng từ da thịt, từ tim, một đòi hỏi sinh sôi: đứa con. Tạo hóa đã làm cho con người chị không toàn vẹn về hình dáng, còn tất cả đều còn nguyên vẹn, đầy đủ như những người bình thường. Còn có hơn ở chỗ trái tim chị to và đập rất khỏe”, “nỗi khát khao trĩu nặng tim chị” (Đứa con và người
đàn bà tàn tật - Y Ban).
Quyết liệt khi diễn tả những niềm khát khao của cả giới đàn bà, nhưng cũng có khi giọng trữ tình đằm thắm trở thành giọng chủ âm. Trong văn của bốn cây bút nữ, đặc biệt là ở Thu Huệ và Y Ban, thường có một cái gì đó không thuần nhất, thậm chí đối chọi nhau, lúc bạo liệt táo tợn, lại có lúc dịu
dàng đến bất ngờ. Với Y Ban, đằng sau những trang viết trữ tình, những câu chữ ngọt ngào dịu nhẹ là cái nhìn mạnh mẽ, quyết liệt, thẳng thắn và trực diện vào những vấn đề của cuộc sống (Vùng sáng kí ức, Và anh 1/3 cuộc đời em...). “Chao chát và dịu dàng, thơ ngây và từng trải, đớn đau và tin tưởng cứ trộn lẫn trong văn Nguyễn Thị Thu Huệ”[117]. Bên cạnh một Thu Huệ mạnh mẽ và bạo liệt khi để cho nhân vật của mình chủ động bộc lộ những khát khao yêu đương, kể cả những ham muốn thể xác: “tôi tự động nằm xuống cát. Tôi cần anh, đã tìm anh và dâng hiến cho anh” (Cát đợi), với những trang viết khác đầy giọng điệu chất vấn đay đả, có lúc chị lại trở lại với cái vẻ dịu dàng đằm thắm rất mềm mại. Những trang viết trữ tình được thể hiện trong cách sử dụng ngôn từ, hình ảnh, trong cách miêu tả những rung động nội tâm: “Biển về đêm, nồng nàn vị quyến luyến. Biển hùng vĩ, bao la đến vô cùng. Chẳng còn lại gì, cát vẫn là cát, gió thổi bay vô tư hào phóng. Một triền cát ráp sạo vàng tươi sáng dưới chân trời xanh như hóa thạch” (Cát đợi). Bằng giọng điệu trữ tình, tác giả đã để mặc ngòi bút tái hiện một thực trạng tiềm thức: “tôi bỗng thấy mình bé tí tẹo, lơ lửng giữa một khoảng không thăm thẳm cao và mịt mùng sóng” (Mùa đông ấm áp). Hà Nội đêm cuối đông trong con mắt của một nhà văn nữ lại mang dáng dấp của một thiếu nữ: “Hà Nội cuối đông, đêm xuống mù sương. Tất cả như lấp ló sau tấm voan mỏng che khuôn mặt hồi hộp xinh đẹp đã hóa trang kĩ của cô dâu chuẩn bị về nhà chồng” (Rượu cúc - Nguyễn Thị Thu Huệ).
Với chất giọng trữ tình, đằm thắm một mặt đã cho phép khơi sâu vào cảm xúc chủ quan của nhân vật, mặt khác lại khơi gợi ở người đọc những khoảnh khắc rung động trong tâm hồn giữa dòng chảy hỗn độn của cuộc sống. Lòng người cũng trở nên nhẹ nhõm khi bắt gặp khung cảnh nên thơ được viết nên từ trái tim đa cảm của một tâm hồn lãng mạn: “Mưa êm đềm như giấc mơ trẻ nhỏ. Không có tiếng gió gào, chớp giật hay sấm sét, mây mù, chỉ có những sợi nước trong lành giăng giăng thành tơ nối đất trời với nhau” (Chút lãng
mạn trong mưa - Lý Lan). Cuộc sống lại trở nên ấm áp và thân thương khi con
vãn... Đối với Thảo đây là giờ đẹp nhất trong một ngày. Nó không sáng cũng chưa tối, nó bảng lảng, mơ màng như sương như khói... Chiều thứ bảy, trời không nắng. Gió thừa thải rong ruổi trên các con đường, hẻm phố khô rang, nghe rõ tiếng lá rơi xào xạc dưới chân người” (Thời gian của mỗi người - Nguyễn Thị Thu Huệ). Không đạt được thỏa nguyện trong tình yêu, nhân vật của Phan Thị Vàng Anh lại trở về cái thế giới của mình để cảm nhận sự ngọt ngào mà thiên nhiên đã ban tặng: “Tôi hít một hơi dài trong gió đêm như cố thu hết hương hoa bạch đàn, thiên lí hai bên ngào ngạt” (Sau những hẹn hò).
Dù với tính chất đậm - nhạt khác nhau, song sự tồn tại cả “hai mặt đối lập” này trong cùng một cây bút không phải là điều khó lí giải. Bản tính nữ và khát vọng được đấu tranh cho sự bình quyền, được lên tiếng trước những bất công trong đời sống, trước những thực trạng tinh thần của con người đã tạo nên “tính đa cực” của ngòi bút. Khảo sát một số sắc thái giọng điệu trong truyện ngắn bốn cây bút nữ đã cho thấy những khả năng nắm bắt hiện thực đời sống và thái độ của người viết trước hiện thực. Mỗi người trong số họ, dù thiên về những sắc thái giọng điệu khác nhau nhưng nó là bằng chứng của sự đổi mới tư duy văn học với sự giải phóng ý thức cá nhân - một yêu cầu vừa mang tính nội tại, vừa chịu sự tác động của xu thế thời đại.
*
Từ những phương diện cơ bản của nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Y Ban, Lý Lan là cốt truyện, tình huống, ngôn ngữ và giọng điệu; chúng tôi nhận thấy: tư duy hướng nội là một đặc điểm định tính đã phần nào chi phối đến các phương thức biểu đạt. Nhiều hình thức nghệ thuật đã được các tác giả khéo léo đan cài và sử dụng phù hợp với việc biểu đạt tâm trạng - đi sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật. Tùy theo các vấn đề và ở các góc nhìn, với các cách biểu đạt khác nhau, các chị đã có một gương mặt riêng trong thể loại này và điều đó góp phần vào sự vận động, phát triển của truyện ngắn Việt Nam thời kì đổi mới.