NHÂN VẬT TÍNH CÁCH

Một phần của tài liệu Truyện ngắn của một số cây bút nữ thời kỳ đổi mới (qua sáng tác của Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Phan Thị Vàng Anh, Lý Lan (Trang 73)

PHẦN NỘI DUNG CHƯƠNG

2.2.1. NHÂN VẬT TÍNH CÁCH

Hạt nhân của nhân vật tính cách là cá tính. Trong tác phẩm văn học thì nhân vật tính cách được miêu tả như “một nhân cách, một cá nhân có cá tính

nổi bật” [68,tr196]. Tính cách bộc lộ trong các khả năng lựa chọn và thích ứng

với hoàn cảnh. Khắc họa tính cách là một đặc điểm nghệ thuật được tác giả sử dụng đối với loại hình nhân vật này.

Trong văn học trung đại thì tính cách của nhân vật là một phạm trù ít được đề cập đến. Trong bài viết Sự thể hiện con người trong văn chương thời cổ nhà nghiên cứu Trần Nho Thìn cho rằng: với “mảng sáng tác trong đó con người được thể hiện ở cấp độ nhân vật văn học chúng ta có thể bắt gặp các nhân vật với chân dung ngoại hình có ngôn ngữ, tính cách, số phận riêng”. Tuy nhiên “trong mảng sáng tác này, con người đều có tính tạo hình ở chừng mực nào đó” [70, tr84]. Văn xuôi giai đoạn 1945 - 1975 với nhiệm vụ phục vụ kháng chiến đã lấy công - nông - binh làm nhân vật trung tâm để phản ánh. Nhân vật thường mang tính chung và có một mô hình khá giống nhau, đã được biết trước dù mỗi nhân vật đều có tên tuổi và cá tính. Sau 1975, với sự thay đổi mối quan hệ giữa nhân vật - tác giả và bạn đọc, với sự cỗ vũ của ý thức cá nhân đã dẫn đến sự thay đổi trong cấu trúc nhân cách của nhân vật, cá tính nhân vật được khắc họa rõ nét. Trong nhiều sáng tác của Lý Lan, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban các chị thường có xu hướng đi sâu vào khai thác đặc điểm sinh lí tính cách ở từng cá nhân tạo nên một thế giới nhân vật sinh động.

Cá tính mạnh mẽ, quyết liệt của nhân vật được thể hiện rõ nhất trong đấu tranh giành quyền sống đặc biệt là quyền yêu và quyền được yêu, đấu tranh giành hạnh phúc cho mình. Không còn quan niệm về người phụ nữ cam chịu, nhân vật nữ trong truyện ngắn của các chị thường là những con người mạnh mẽ và bạo dạn. Sự no đủ yên bình chưa phải là nhu cầu cao nhất về hạnh phúc khiến họ luôn sục sôi một khát vọng được làm tất cả để thỏa được ước vọng. Là một cô gái cuồng nhiệt và cá tính, My (Thiếu phụ chưa chồng - Nguyễn Thị Thu Huệ) đã dám làm bất cứ điều gì để có được điều mình muốn. Xây dựng một nhân vật nữ có tính cách thực dụng và đầy ắp những ham muốn, Thu Huệ đã tạo dựng những biến cố và xung đột mà qua đó cá tính của nhân vật được bộc lộ. Không ngần ngại chà đạp lên nhân phẩm và luân lí, phản kháng mạnh mẽ trước những lời răn dạy, My hoàn toàn ý thức được việc làm của mình và hoàn toàn chịu trách nhiệm về bản thân. Sự mạnh mẽ trong suy nghĩ và hành động đó, về một phương diện nào đó là một sự tương phản, đối chọi với tính cách của Lụa (Bảy ngày trong đời) - một cô gái đã âm thầm chịu đựng nỗi đau, vượt qua những lời dèm pha và dị nghị, cả sự ngăn trở của bố mẹ để có được tình yêu - một tình yêu mang lại cho cô hạnh phúc và cứu rỗi linh hồn người khác. Trong Một nửa cuộc đời, nhân vật Lan cũng đã được xây dựng với cá tính mạnh mẽ nhưng lại ưa thay đổi, thích phiêu lưu và chán ghét những gì tẻ nhạt.

Nguyễn Thị Thu Huệ có khả năng cá thể hóa nhân vật qua ngôn ngữ đối thoại. Một cô gái có cá tính mạnh mẽ, sống buông thả với bản năng, ngang tàng và bất chấp tất cả, không giấu diếm con người thật của mình đã được bộc lộ rõ khi cô cho rằng “Em uống rượu hay hút thuốc lá, thuốc lào thì bận đến ai? Em có làm sao thân em chịu chứ em có phiền ai đâu” (Xin hãy tin em). Hoài cho rằng cô đã lớn, có thể chịu trách nhiệm về bản thân, tự cho phép mình hành động và nói năng liều lĩnh đến táo tợn: “Tao có quắp thằng nào nằm giữa cái phòng này thì đấy cũng là chuyện của tao. Chỉ trừ tao cướp

người yêu của chúng mày hay ăn cắp ăn trộm tiền bạc quần áo, chúng mày mới được quyền nói”.

Cũng là thể hiện những nhân vật có cá tính, nhưng nếu ở Thu Huệ, đó là một cá tính ngang tàng của một tính cách mạnh, liều lĩnh thì ở Phan Thị Vàng Anh lại là tính cách thích thay đổi, thích tìm tòi khám phá người khác, môi trường khác của lứa tuổi mới lớn. Dạng tính cách nhân vật vừa trẻ con vừa người lớn thường có trong các nhân vật trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh. Với đặc điểm tính cách đó, không chấp nhận cuộc sống tẻ nhạt, nhân vật luôn đi tìm những điều mới lạ và hấp dẫn, đi tìm những cung bậc mới của cảm xúc để lạ hóa những điều quen thuộc. Ở họ luôn có thái độ chán ghét những trạng thái cảm xúc lửng lơ, không màu sắc, không cao trào, một cuộc sống nhàm chán, tẻ nhạt. Nhân vật tôi trong Nhật kí cảm nhận sự vô nghĩa của cuộc sống tẻ nhạt, ít thay đổi và thụ động: “Một cuộc sống lặng lờ như một vở kịch không cao trào” và coi đó là khoảng thời gian đang chết “có nhiều người đang chết như tôi”, “chúng tôi hàng ngày vào quán cà phê, thờ ơ uống những thứ nước ở đâu pha cũng giống nhau, làm những chuyện không đi quá xa tường trường và ra về trong cảm giác mệt mệt” (Nhật kí). Cũng có khi họ tưởng chững như không thể chịu nổi trước thực trạng bức bối đang phải trải qua và khao khát một cuộc sống khác với thực tại: “Tôi muốn thét lên một tiếng thật to. May ra có cái gì sẽ vỡ, sẽ nổ và biết đâu sẽ vui hơn” (Hồng ngủ). Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến một trạng thái tâm lí thích cái mới, cái lạ “Tôi thích mọi thứ không phải nhà mình, ăn cơm nhà khác, ngủ ở nhà khác, trèo lên một cây ổi nhà khác vặt quả (...) đều thích hơn làm tại nhà mình, thích hơn bởi vì nó lạ và tôi chỉ cần lạ” (Mười ngày).

Trong thế giới nhân vật của Phan Thị Vàng Anh thường xuất hiện một kiểu nhân vật thuộc về cái tôi mới lớn với tâm hồn và thể xác bất ổn, luôn dao động, luôn muốn quậy phá với những trò tinh quái (Con trộm), luôn trăn trở với lẽ đời, với thực tại, quá khứ và tương lai (Đi thăm cha), cái tôi muốn phục thiện, muốn cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn trước cuộc đời (Phục thiện).

Nhân vật mang những nét tính cách lưỡng diện là mảnh ghép của hai nửa con người “nửa hướng thiện và nửa hướng ác”. Với những kiểu tính cách khác nhau trong thế giới nhân vật sống động ấy, Vàng Anh đã làm cho nhân vật trong sáng tác của mình gần hơn với cuộc đời thực. Mang dáng dấp của con người đời thường, con người thường được thể hiện trong tính hai mặt của nó với những trạng thái tâm lí không đồng nhất.

Có một loại nhân vật thường trở đi trở lại trong truyện ngắn Lý Lan là những cô gái trẻ có suy nghĩ riêng về đời sống. Mỗi nhân vật được mang những cái tên khác nhau luôn bộc lộ quan điểm và cách nghĩ của mình trước những gì đang diễn ra với chính mình và những người xung quanh (Tháng

chạp, Chiêm bao thấy núi, Chuyện kinh dị ...). Với những đặc điểm cá tính,

độc lập trong cả suy nghĩ cũng như hành động, họ sẵn sàng có những quyết định táo bạo khi thấy điều đó là cần thiết (Cẩm - Tai nạn, Hạnh - Chị ấy lấy

chồng chưa, Hương - Cần Giuộc...). Sự xuất hiện của kiểu dạng nhân vật này

đã góp phần làm nên đặc trưng trong thế giới nhân vật phong phú của văn xuôi Lý Lan.

Nếu như Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh và Lý Lan có xu hướng xây dựng nhân vật có cá tính sắc nét thì Y Ban lại thiên về sự tái hiện thân phận. Thông thường đây là những con người có số phận trắc trở: bao giờ trên lưng họ cũng mang nỗi đau của sự hành xác hoặc nỗi đau nhức nhối tinh thần. Ở mùa đến rồi đấy là thân phận bất hạnh của hai đứa trẻ phải từ bỏ quê hương và gia đình đi kiếm sống ở đất khách quê người, người đàn bà với khát vọng tình yêu không thành trong Người đàn bà có ma lực, cô gái với nỗi đau khi mất đi đứa con và tình yêu (Bức thư gửi mẹ Âu Cơ), quãng đời bế tắc và vô nghĩa của một người đàn bà lấy hành xác làm công việc để tồn tại (Người

đàn bà sinh ra từ bóng đêm), người mẹ mang nỗi đau của đứa con tật nguyền

và những tháng ngày lam lũ (Chú Ngoẹo - Y Ban). Quan niệm “hoàn cảnh tạo nên tính cách, tích cách tạo nên số phận” đã phần nào được cụ thể hóa qua cuộc đời và số phận của nhiều nhân vật trong các tác phẩm.

Thông qua việc khắc họa tính cách - số phận nhân vật, các cây bút nữ đã mở rộng bình diện khám phá con người. Dù chưa có những nhân vật điển hình như thành công của một số tác giả trước đó nhưng với thế giới nhân vật sống động về mặt cá tính, các cây bút nữ đã gián tiếp bộc lộ quan niệm về con người cá nhân, cá thể trong tính đa dạng và phức tạp của nó. Trong các trang viết của bốn cây bút nữ, mỗi con người là một cuộc đời, mỗi nhân vật mang một số phận. Dù mỗi người một phong cách, một lối khai thác riêng, nhân vật xuất hiện ở những dạng thức khác nhau song đằng sau mỗi số phận, sau từng trang viết của các tác giả, qua việc khắc họa nhân vật với những đặc điểm tính cách - số phận nổi bật, các cây bút đã thể hiện được năng lực sáng tạo nghệ thuật và khả năng biểu đạt hiện thực đời sống qua hình tượng nhân vật. Không ít nhân vật đã để lại trong lòng người đọc những ấn tượng rõ nét và sâu sắc.

Một phần của tài liệu Truyện ngắn của một số cây bút nữ thời kỳ đổi mới (qua sáng tác của Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Phan Thị Vàng Anh, Lý Lan (Trang 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)